Kỳ XXX
Giữa những tiếng kêu của bà lão là tiếng la mừng rỡ của một người tù khác nghe xướng đúng tên mình có người nhà thăm nuôi. Tiếng cười của người tù, tiếng khóc của người bên ngoài cửa sắt.Tôi không thấy Quỳnh đâu, nhưng tôi vẫn hy vọng. Có thể mẹ con nó được tin tức mình quá trễ, chưa kịp mua sắm gì thăm nuôi chồng. Có thể thư tôi chưa đến tay Quỳnh. Có thể Nhị Hà không muốn cho nhà tôi biết. Có thể Sáu Phận có âm mưu gì đây. Có thể tên Bình cò mồi muốn ếm tôi để Sáu Phận làm tiền. Có thể... có thể Quỳnh sắp tới, Quỳnh đang tới. Bao nhiêu điều “có thể” đang nhảy múa trong đầu tôi.
“Trần Lâm Thăng! Ai là Trần Lâm Thăng?”
Tôi nghe có người gọi tên tôi. Tôi nhìn chăm vào miệng tên công an đứng bên cửa sắt. Không, hắn không đọc tên tôi. Hắn đang xếp tờ giấy bỏ vào túi. Đám tù bắt đầu rã hàng. Bà lão bên ngoài cửa sắt đang quỵ xuống. Một cô gái bênh cạnh bà cúi xuống đỡ bà.
“Trần Lâm Thăng! Ai là Trần Lâm Thăng?”
Tiếng kêu tên tôi lặp lại một lần nữa. Tôi quay ra phía sau. Một phản ứng rất tự nhiên tôi giơ tay lên.
“Anh là Trần Lâm Thăng hả?” Tên coi tù, tay đeo đồng hồ, chống nạnh hỏi giọng bực bội. “Anh có điếc không?”
“Không.” Tôi trả lời gọn.
“Không điếc, sao không lên tiếng?”
“Tôi tưởng có người nhà thăm nuôi”
“Tưởng cái gì? Đi theo tôi!” Hắn ra lệnh và quày quả bỏ đi.
Mấy người tù trong sân ngó tôi ái ngại. “Làm việc!”
“Sao làm việc ban ngày?” Tôi nghe tiếng cha Minh nói bên tai tôi khi cha đi ngược chiều tôi. “Cẩn thận!”
Băng qua bờ giếng, chui qua cánh cổng nhỏ nằm dưới chòi canh, tường lởm chởm mẻ chai và kẽm gai, tên công an dẫn tôi đến một căn phòng rộng. Giữa phòng là một cái bàn và hai cái ghế. Một người đang ngồi quay lưng về phía tôi. Mái tóc bạc trắng, những ngón tay đang gõ gõ trên mặt bàn, khói thuốc bay lên.
Tên công an đến gần đứng thẳng người.
“Báo cáo thủ trưởng, Trần Lâm Thăng đã đến!”
“Cám ơn!” Người ngồi trên ghế không buồn quay mặt lại.
Tôi lặng người. Tôi biết người đàn ông tóc bạc kia là ai rồi. Tôi không ngờ. Tôi thật không ngờ. Người đang chờ tôi là Mười Tân.
Tên công an coi tù đã bỏ đi.
“Mời cậu Thăng ngồi. Lâu quá phải không?”
Thật tình là tôi bị bất ngờ. Tôi đang nóng lòng chờ đợi Quỳnh và con. Tôi không hề nghĩ là sẽ có ngày gặp lại Mười Tân, nhất là ở đây trong hoàn cảnh này. Dù sao... sự thể đã như vầy. Tôi đi vòng ra trước mặt Mười Tân, kéo ghế ngồi xuống.
Những ngón tay của bàn tay trái Mười Tân vẫn gõ nhịp trên mặt bàn. Điếu thuốc vẫn còn trên môi. Tôi có cảm tưởng Mười Tân đang nhìn tôi cái nhìn xoi mói, muốn đọc những gì đang đi qua đầu óc tôi.
Tôi không biết cái thời gian im lặng nặng nề đó kéo dài trong bao lâu, nhưng rõ ràng Mười Tân là người mở lời trước.
“Tôi được người quen cho biết là cậu hiện đang ở đây. Từ một tuần trước kia. Nhưng bây giờ tiện dịp xuống dưới này làm việc với bí thư tỉnh ủy, nên tôi ghé thăm cậu.” Mười Tân bắt đầu nói sau khi nhấc điếu thuốc ra khỏi môi, dụi đốm lửa xuống cái gạt tàn, dí dí đến gãy cái điếu thuốc còn gần phân nữa.
Tôi vẫn im lặng. Tôi có cảm tưởng Mười Tân sẽ hỏi một câu gì đó. Tôi không chờ một câu nói vô thưởng vô phạt. Và tôi không phải chờ lâu.
“Có biết vượt biên là phản quốc không?”
Mười Tân hỏi cũng bất ngờ như sự xuất hiện vừa rồi của ông. Tôi không trả lời câu hỏi trống không của ông. Mười Tân lấy điếu thuốc bật diêm, châm lửa. tôi có cảm tưởng như ông đang dằn cơn tức để nói. Điếu thuốc chưa bập được hai hơi Mười Tân đã dập xuống gạt tàn. Những ngón tay lại gõ trên mặt bàn. Sau cùng ông đứng dậy, hai tay thọc trong túi quần, đi qua đi lại, rồi dừng hẳn trước mặt tôi, ông nói:
“Có biết loại người nào trong xã hội mới này bỏ nước ra đi không? Đó là bọn ma cô đĩ điếm, bọn ăn không ngồi rồi, bọn sống bám trên mồ hôi lao động của người khác, bọn không có xương sống, không đầu óc, không biết suy nghĩ. Tại sao đi theo bọn đó? Tại sao?”
Tôi biết mình trước sau gì cũng sẽ nghe những lời nói đó, những câu hỏi loại đó. Bây giờ Mười Tân đã nói:
“Không phải đi học tập cải tạo như những tên có nợ máu với nhân dân sao không đội ơn lượng khoan hồng của chế độ mà còn giở trò vượt biên. Có biết hành động này không phải chỉ là hành động phản quốc mà thậm chí còn là hành động vô đạo đức nữa không?”
Mười Tân lại ngồi xuống ghế, rút thêm một điếu khác, mồi lửa, thở khói.
“Bỏ vợ bỏ con một mình lén lút ra đi, trốn chạy trách nhiệm với tổ quốc, trốn trách nhiệm với gia đình, phải đánh giá một con người vô trách nhiệm như thế ra sao?...”
Tôi vẫn ngồi im. Tôi cúi xuống nhìn hai bàn chân không giày dép của tôi. Tôi đan chéo hai bàn tay vào nhau. Tôi thấy những móng tay mình đã dài, cáu bẩn, đen đúa. Tôi nhìn chiếc áo mình đang mặc, nhiều chỗ đã ố vàng. Tôi thèm được uống một ngụm nước. Tôi muốn chui xuống cuống họng điều mà tôi đang ngậm đắng nuốt cay.
“Không đóng góp được gì tốt đẹp cho tổ quốc đã là một con người xấu, bỏ tổ quốc ra đi theo bọn phản động, còn làm cho mình trở nên tồi tệ...”
Tôi nhìn Mười Tân nói năng cử động như một người đang lên đồng.
“Tôi đã nói với Quỳnh, ngay sau ngày giải phóng là nó đã lấy một thằng đàn ông không ra gì. Một gia đình cách mạng xấu hổ khi để lọt một người như cậu bước vô.”
Tôi ngó lên trần nhà. Tôi nhìn quanh nhìn quất. tôi nhớ ra nơi chốn này tôi đã đến một lần. Cô học trò công an tên Nhị Hà ngồi ở chỗ mà Mười Tân vừa ngồi để lấy lời khai của tôi. Tôi không biết giờ này Quỳnh đang làm gì. Con tôi có khỏe mạnh không. Nếu có bị bệnh tật ốm đau làm sao có thuốc men mà chạy chữa, mặc dù gia đình của Quỳnh có cả một tiệm thuốc tây. Tôi nhớ có lần Tâm-Khô-Khốc-Thiền-Sư nói về Mười Tân rằng đó là một con người có tài ăn nói, nhưng là người cực đoan chủ nghĩa về tất cả những gì mà ông theo đuổi một cách mù quáng. Những người trí thức bị chất mua túy của chủ nghĩa Mác-xít cuốn hút, những người chán ngấy cái xã hội Sài Gòn mà họ đã sống, những người trẻ tuổi bị bế tắc trước tương lai, những người sợ hãi trước chế độ mới... đều là những người hết lời ngợi ca Mười Tân. Những bài nói chuyện của ông lôi cuốn đám đông ấy trong một không khí sôi sục đến thần thánh, gần như sẵn sàng bùng nổ. Phải nói ông Mười Tân là một diễn giả tài giỏi và sức thuyết phục của ông trước một tình hình chính trị mới mẻ, trong một chế độ cai trị bằng bạo lực, thật là to lớn. Có lần tôi nghe được hay đọc được ở đâu đó rằng Mười Tân đã bỏ nhà ra đi làm cách mạng năm mới mười sáu tuổi. Năm mười tám tuổi, ông đã là chính ủy một đại đội đặc biệt. Mười Tân không phải chỉ là người can đảm, kiên cường, hoạt bát, lý luận giỏi, ông còn là một người chọn văn chương nghệ thuật như một vũ khí để minh họa cho con đường cách mạng của ông.
(Còn tiếp)