
Một bức tranh hoành tráng với những màu nóng phơi dưới một mặt trời chiều đỏ ối. Nơi yên nghỉ của người chết cũng đẹp đâu thua gì lâu đài của những người sống. Tôi nghĩ vậy. Đẹp. Trời ơi, sao tôi cứ bị cái đẹp theo đuổi hoài.
Nhưng mà đẹp thì giải quyết được cái gì chớ? Bỗng nhiên tôi nhớ Đăng và Mai. Tôi đã đồng ý ký giấy để mẹ chúng nó được phép mang cả hai đi Pháp. Cho đến khi Saigon thất thủ, mẹ chúng nó vẫn còn giữ quốc tịch Pháp và bây giờ bà ta đang làm thủ tục xin hồi hương. Nếu tôi không vượt biên được, coi như từ nay vĩnh viễn không bao giờ cha con tôi sẽ gặp lại nhau. Chưa bước chân xuống thuyền mà sao tôi cứ tưởng cô em út tôi ở Virginia đang chờ tôi ở phi trường, Tôi tưởng như thấy tay mình đang vốc từng nụm tuyết tung lên trời, há cổ nuốt cái lạnh lẽo chỉ thấy trong tiểu thuyết. Tôi nghe tiếng hành khách trong xe chộn rộn. Xe đã vào bến. Tôi mở cửa bước xuống, Lẫn phía sau những người phu xích lô đón khách, tôi thấy Kiệt đưa tay ngoắc tôi.
“Để em đưa thầy đến nhà chú Chín, ngủ qua đêm. Chú Chín người miền Trung nhưng làm nghề biển, theo gia đình vào Nam sống gần chục năm nay. Chú có ghe nhưng không tính vượt biên. Chú nói còn làm ăn được, nên không vội. Chú đã giới thiệu em với một người chủ ghe khác. Ghe đó hiện ở Rạch Sỏi. Sáng mai anh Hiệp tài công sẽ gặp mình ở quán này, rồi cả ba người sẽ đi Rạch Sỏi.”
Có lẽ hàng quán ở bến xe đò nơi nào cũng giống nhau. Cái vẻ tạm bợ thấy rõ trên từng tấm bạt căng trên các “cọng” cây xiêu vẹo. Một tấm phản làm bàn kê trên mấy hòn gạch nung. Chén bát ly tách bẩn thỉu bụi bặm. Người đàn bà chủ quán pha cà phê bít tất đổ vào cái ly nhựa màu ngà sần sùi. Tôi hớp một ngụm, ho sặc sụa. Tôi đói bụng. Tôi muốn tìm cái gì để ăn. Kiệt nói cậu cũng đói. Và cậu dẫn tôi đi luồn ra bến xe, băng qua một chiếc cầu làm bằng xi măng. Chiếc cầu nhỏ có lan can. Nước dưới cầu có vẻ cạn, chảy nhẹ nhàng lấp lánh chút màu vàng ối của mặt trời sắp lặn.
Chúng tôi bước vào thành phố. Những tiệm buôn nhỏ. Tiệm thuốc Bắc, tiệm vàng, tiệm vải. Kiệt kéo tôi vào một tiệm mì.
“Coi ghe xong, tuần tới là mình đi. Thầy tính sao?” Kiệt châm thuốc, thở khói sau câu hỏi.
Tôi nhìn cậu học trò xuất sắc nhất trong lớp của năm cuối cùng trong đời dạy học. Tôi không thể tưởng tượng Kiệt đã thay đổi và trưởng thành nhanh chóng đến như vậy. Khuôn mặt Kiệt không còn cái vẻ thư sinh mà tôi từng thấy. Tóc Kiệt hơi quăn, cắt ngắn sát da đầu, hai con mắt sáng nhìn thẳng, gò má nhô xương, da sạm đen vạm vỡ, mạnh khỏe, vai ngang, tay gân guốc.
“Em làm ruộng.” Kiệt nói khi nhìn thấy mắt tôi đang ngó chăm cậu.
“Làm ruộng thì đã sao?” Tôi hỏi lại.
“Nếu đi được, chắc em sẽ tiếp tục học cho xong. Em thích khoa học hơn...”
“Tôi thì không thấy chút hy vọng nào về chuyện đi hay ở. Đi, tôi không biết cái gì đang chờ đợi tôi, mà ở, tôi cũng không thấy một đốm sáng nào trong cuộc đời đen tối của tôi.”
“Em thì khác. Đối với em chỉ có sự đi chớ không có sự ở. Em nhìn thấy tương lai em ở bên kia bờ biển. Còn ở đây không có chỗ cho em.”
“Nghĩa là...?”
“Nghĩa là em chỉ có một con đường là đi. Năm mươi phần trăm thoát, năm mươi phần trăm cho cá mập hay đồn công an, em biết vậy, nhưng mà... thà bị chết còn hơn là tự giết mình lần mòn trong cái lý lịch của mình. Em không thấy ba em sai. Em không bao giờ nghĩ rằng ba em đã sai. Em hãnh diện có một người cha chọn cái chết cao cả của một quân nhân bại trận. Sống cũng như chết, ba em đều để lại cho em cái hình ảnh hào hùng của một con người.”
Tôi nhìn chăm vào mắt Kiệt. Tôi đọc được sự cương quyết đến dứt khoát của người trẻ tuổi. Tôi thấy mình như già hẳn đi. Tôi bối rối, mơ hồ. Tôi muốn đi nhưng không biết mình sẽ đi về đâu. Tôi sợ ở, nhưng lòng lo âu trong sự tù túng nên lúc nào cũng thấp thỏm muốn đi. Tôi như người đứng giữa hai lằn đạn. Xoay bên này, trở bên kia, tôi luôn luôn bị những cây kim nhọn châm vào. Tôi nghĩ đến Quỳnh, đến đứa con của chúng tôi. Đăng và Mai được mẹ nó đưa đi Pháp. Bản đại tự do tòa án Sài Gòn cấp cho phép tôi giữ Đăng, nhưng vì tương lai của cháu, tôi đã đành phải ký giấy để cháu theo mẹ. Tôi không biết mình phải làm gì. Mẹ cháu còn giữ quốc tịch Pháp, mặc dù thẻ do tòa lãnh sự Pháp cấp từ lâu đã không còn. Quỳnh đã may sắm và dồn bao nhiêu là quần áo cho hai cháu. Cô không biết, và tôi cũng không hề nghĩ là những thứ ấy dân Paris đâu cần. Mặc kệ. Giấy tờ đã có, nhưng làm sao để có tên sớm trên danh sách chuyến bay. Người đàn bà nói với Quỳnh, “chị cần năm cây.” Quỳnh chạy khắp nơi, gõ cửa những người quen, đứng ra vay nợ, mang đến để cho bà hối lộ bọn làm giấy tờ.
Quỳnh mở cánh cửa đón người đàn bà trước kia, đã từng thuê du đãng kéo cô lên taxi xé quần áo toan làm nhục cô, nhưng cũng may Quỳnh đã thoát nhờ mấy người lính uống bia bên kia lề đường, nhảy vào can thiệp. Tôi cũng có dịp lại được đối diện nhiều lần với người đàn bà đã mướn người thanh toán tôi ở bến tàu. Nhưng lòng tôi đã không còn hận thù. Tôi mừng cho người đàn bà ấy sắp thoát khỏi được một nơi chốn mà ai cũng chờ chực để ra đi. Dù sao tôi cũng yên tâm biết là Đăng và Mai sẽ đến một nơi tôi từng muốn đến. Và chúng sẽ được sống bên một người mẹ mà tôi tin là “biết yêu con.” Cái còn lại nơi tôi là Quỳnh và đứa con của chúng tôi. Quỳnh đã mua một tủ kiếng bán áo thun có vẽ hình và chữ, kiểu như Saint-Germain des Prés, Paris, New York,... Quỳnh hai mươi bảy tuổi, đã sống với tôi những năm tối tăm, đã cho tôi một đứa con, đã chia sẻ cùng tôi những nỗi buồn, nỗi lo.
“Nếu không đi được, em sẽ làm gì?” Tôi hỏi Kiệt.
“Nếu không đi được, em sẽ tạm tiếp tục làm ruộng.”
Kiệt nhìn tôi, hơi ngập ngừng:
“Em không biết là có một tổ chức kháng chiến nào không. Em muốn...”
Tôi đưa tay nắm bàn tay Kiệt. Bàn tay cậu có những ngón tay chai cứng. Chắc đã lâu Kiệt không cầm bút.
Tám, Hiệp, Kiệt và tôi gặp nhau ở bến xe Lam. Buổi sáng trời nắng vừa. Chiếc xe chờ đủ khách mới đi.
Bốn chúng tôi ngồi bốn góc làm như những người không hề quen nhau. Hiệp là tài công. Tám, thư ký trường đại học Bách Khoa Phú Thọ, đón khách lo thực phẩm. Kiệt có công tìm hải bàn, và tìm khách. Tôi được Kiệt giới thiệu tham dự chuyến đi...
Chạy đến Rạch Sỏi, xe thả chúng tôi xuống một bến chợ nhỏ. Mỗi người tảng lờ đi rời rạc sau Hiệp và Kiệt. Chợ loe hoe mấy người đàn bà ngồi xổm bán cá, tôm còn tươi rói. Mặc đường hẹp, nước sệt bùn đen quánh, trơn trợt. Hiệp đi băng qua chợ, không dừng lại chỗ người bán cá. Tôi theo chân Kiệt bước xuống bến sông. Kiệt nhảy lên một chiếc ghe, nhẹ nhàng như con rái cá. Tôi nhảy theo, chiếc dép da đứt quai, bùn dưới chân đặt quánh, tôi ngã xuống bờ sông, hai tay chống xuống nước, chỏng gọng. Tôi nghe chân đau nhói. Nước mấp máy đến cằm tôi. Tôi nghẹt thở. Kiệt từ trên ghe nhảy xuống, ôm chầm lấy tôi.
“Thầy có sao không?”
Tôi không trả lời. Tôi không thể trả lời được. Tôi đau.
Kiệt dìu tôi lên bờ.
Tôi nằm bệt xuống mặt đất, nghe mùi bùn thoảng lên tận mũi. Tôi nghe đau nghiến từng cơn.
“Thầy có sao không?” Kiệt nắn nắn chân tôi.
“Không, không sao.” Tôi biết tôi đang nói dối.
(Còn tiếp)