CHIA TAY KHÔNG NƯỚC MẮT
Thông thường mỗi khi nhắc đến giây phút chia tay, tâm trạng ai cũng man mác buồn, thậm chí có người còn rưng rức khóc … Nhưng tại ba buổi tiệc chia tay ở miền Nam Cali, tôi toàn mục kích những trận bão cười ngã nghiêng xém xiên cả quai hàm. Tôi được biết, những lần họp trước các anh chị đều tổ chức tiệc “Tiền hội ngộ – Hậu hội ngộ”, chủ yếu dành cho các cựu học sinh phương xa có dịp gặp gỡ hàn huyên. Theo lời các anh chị kể lại, thì mấy các tiệc “ Hậu – Tiền ” này mới thực sự “ ngộ ” thiệt ngộ!...
Buổi tiệc có đông thành viên tham dự nhất, được tổ chức tại nhà anh chị Tô Anh Tuấn – Nguyễn Thị Hiền. Vinh dự trong buổi tiệc chia tay này, các cựu học sinh Ngô Quyền được đón tiếp thầy Lê Quí Thể. Thầy Lê Quí Thể mặc nhiên trở thành nhân vật VIP, mấy anh học trò cũ trường Ngô thay phiên nhau rót rượu kính cẩn mời thầy. Ban đầu tốc độ của các anh còn chậm dần đều, nhưng khi tình cảm thầy trò chếnh choáng men nồng, mấy ông anh bắt đầu tăng tốc độ. Bao nhiêu chuyện xưa chuyện nay, chuyện hay chuyện dở của thầy đều được các anh phơi bày, mà không lo lắng bị thầy trừ điểm hạnh kiểm. Giữa đám học trò già nghịch như quỷ sứ, thầy Lê Quí Thể chỉ còn đối sách duy nhất là cười và cười … Nhân dịp này, tôi đã mời thầy Lê Quí Thể lưu lại bút tích vào bộ sưu tập chữ ký thầy cô giáo cũ trường Ngô.
Còn các “cụ” học sinh Ngô Quyền Biên Hòa nhà mình, hễ có dịp gặp nhau là “tung chưởng” chặt chém nhau không thương tiếc. Nhưng “hên là hên quá, hên là hên ghê, hên hỏng chỗ nào chê…” nghen, dường như các anh chị đều thuộc hàng cao thủ võ lâm – hoặc đã thuộc đòn của nhau từ hồi đi học – nên hỏng anh chị nào “bị thương ” trong trận chiến quyết liệt và hấp dẫn của tiệc chia tay. Rất thông minh và dí dỏm, hễ chị vừa tung là có anh hứng ngay tức khắc. Vốn ham vui nên tôi mãi mê nghe chuyện, xém chút nữa tôi quên thưởng thức nhiều món ăn chơi nhưng “ngon thiệt, no thiệt ” do các anh chị mỗi người một món, mang đến hùn phần khoản đãi tiệc chia tay. Chị Nguyễn Thị Hiền trong vai trò chủ gia, luôn quan tâm chăm sóc các thực khách nhiệt tình và chu đáo. Riêng với tôi – cô em gái nhỏ phương xa – còn được chị Hiền ưu ái tặng quà lưu niệm.
Không khí tiệc chia tay bỗng trở nên sôi nổi … dữ dội, khi anh Lê Văn Thành lừ đừ xuất hiện. Phải công nhận, trí tưởng tượng của anh Thành quá ư phong phú. Cho nên mới ra chuyện, cái váy hoa xinh đẹp của chị Nga Frook anh bảo trông giống cái… lồng chim. Mọi người cười rần, thích thú với chuyên đề “chim muông cá cảnh”, kèm một loạt câu chuyện bảo đảm “nghe là… ghiền” của anh Thành. Tiệc chia tay chi mà lạ, không một câu nói khổ đau, không một giọt nước mắt âu sầu (?!...). Mà ngược lại, mọi người ồn ào ầm ĩ reo vui y như hội chợ. Mấy chị rủ nhau chụp hình đủ cảnh đủ kiểu, bởi “Cảnh quan nhà anh Tuấn – chị Hiền đẹp quá đẹp!...”
Vui nhất, là khi mọi người rủ nhau ra sân vườn tấm chụp hình chung. Chị Nga Frook chưa tìm được chỗ ưng ý, nên chị liên tục… de tới de lui. Chỉ còn chỗ ngồi đẹp nhất và duy nhất, nhưng cần phải được sự phê duyệt của thầy Lê Quí Thể. Chỗ ngồi đẹp, tất nhiên phải có giá đẹp mới được ưu tiên. Các anh chị định giá luôn, mỗi người phải bỏ 20 USD vô Quỹ của Hội, cho một lượt ngồi chỗ đẹp chụp hình. Sau tíc tắc nghĩ suy, chị Nga Frook bỏ chạy ra đứng ở ngoài bìa. Không phải chị tiếc 20 USD đâu, mà chị lo thầy Thể bị “đau thương” bởi các bạn của chị, chắc chắn sẽ bắt chước chị thực hiện nhiều lần nghĩa cử đẹp!? Ái chà, mấy anh chị thương thầy Lê Quí Thể đến thế thì thôi!... Thầy Lê Quí Thể của anh chị em tôi, chừng như bị cuốn hút theo sự hồn nhiên của đám học trò vừa cũ vừa già, đã bày tỏ xúc cảm của thầy khi bắt tay tạm biệt: “ Hôm nay vui quá là vui!...”
Buổi tiệc chia tay trước đó một ngày, được tổ chức tại chị Mia Mỹ. Chị Nguyễn Thị Ngọc đón tôi vào nhà, chị cho biết chị Mỹ còn bận làm đẹp thêm chút xíu. Trong gian bếp xinh xắn nhà chị Mỹ, chị Trần Thị Bạch Tuyết và chị Mai Kim Hoa đang chuẩn bị món gỏi hải sản, cà ri gà và chè sương sa hột lựu… Theo kế hoạch ban đầu, mọi người sẽ “ăn” tại nhà, sau đó sẽ kéo nhau “chơi” tại Paracel. Nhưng cuối cùng, mọi người tán đồng ý kiến “ ăn – chơi” tại chỗ để “quậy” cho tới bến. Hầu hết các anh chị dự tiệc chia tay hôm nay, đều thuộc khóa 6 – 7 – 8 – 9 trường Ngô … Cô Ma Thị Ngọc Huệ đến cùng anh Lữ Công Tâm, và chị Minh Phương. Anh Nguyễn Hữu Hạnh đến với em Lưu Tuyết Hương, tiếp đến là anh Huỳnh Hữu Thọ và chị Thiên Mai, chị Võ Thị Kim Khánh và anh Nguyễn Đức Trí, cuối cùng là chị Nguyễn Thị Nga Frook…
Tôi thật bất ngờ khi chị Kim Khánh bước vào, đặt mâm trái cây trên bàn tiệc. Càng bất ngờ hơn, khi tôi được biết khi xưa chị Khánh là bạn học chung lớp với chị Mỹ, và hiện giờ chị Khánh đã là dâu của gia đình chị Mỹ. Chị Khánh không nhận ra tôi, nhưng tôi nhớ chị Khánh là tráng sinh của Toán tráng Đoàn Thị Ngoạn (thuộc đạo Trấn Biên). Hồi xưa tóc chị Khánh rất dài, chị thường thắt hai bính tóc thả xuôi vai. Chị Khánh rất khéo tay, thường làm những món hàng thủ công bày bán tại các kỳ trại để gây quỹ cho đơn vị. Chị nhỏ nhẹ và hiền lành, nên đám chim non bầy Bạch Phượng chúng tôi hay quấn quýt mè nheo chị Khánh. Mấy năm trước tôi có ghé nhà ở Phúc Hải tìm chị, mới hay chị đã định cư ở Mỹ. Anh Tiến có ghi cho tôi e-mail và số phone của chị Khánh, nhưng tôi không liên lạc được. Ngày hôm đó tôi không định tâm kiếm tìm, thì chị Khánh lại thình lình xuất hiện. Thiệt là “Vui là vui quá, vui là vui ghê, vui hỏng chỗ nào chê …”
Bất ngờ thứ hai, khi chị Nguyễn Thị Ngọc cho tôi biết, em trai của chị cũng là cựu hướng đạo sinh Biên Hòa. Tôi háo hức liên lạc ngay với anh, nhưng chị Ngọc gọi cho em trai hoài không được. Cho đến hôm sau, tôi và anh Nguyễn Thanh Tâm mới gặp gỡ và “tám” liên khúc Hướng Đạo trên phone. Không có duyên nên dù anh ở Santa Ana, cho đến lúc tôi trở lại quê nhà, anh Tâm và tôi vẫn chưa có cơ hội gặp nhau. Anh Tâm cho tôi biết, trước đây anh sinh hoạt ở Thiếu đoàn Ba Đình (đạo Bửu Long) cùng thời với anh Trần Tấn Mỹ, Lâm Duy Tín, Nguyễn Minh Hoàng, Trần Quốc Dũng … Anh Tâm nhớ khá nhiều hoạt động của đơn vị, tiếc là tôi chưa kịp ghi chép để xâu chuổi thêm các sự kiện anh Tâm cung cấp. Thôi đành, hẹn “gặp” lần sau nghen anh Tâm…
Bất ngờ thứ ba, khi tôi được biết em Lưu Tuyết Hương là cháu Ngoại của bác Tám Mộng. Em hỏi tôi, có biết anh Đỗ Quốc Tuyến (Washington DC), anh Huỳnh Quang Phước ( Chicago ) không? Tôi hào hứng kể Hương nghe:
- Chị và hai anh vừa đi trại Thẳng Tiến 10 ở Texas về nè!...
Tôi kể Tuyết Hương nghe, hồi đi học tôi thường đến nhà bác Tám Mộng ở đường Công Lý tập múa. Bởi chị Dương Thị Ri – dì ruột của Tuyết Hương – là người múa solo trong vũ khúc “Suối Mơ” do chị Nguyễn Thị Kim Xuyến ( Nhỏ) là đạo diễn. Tôi ở trong toán múa phụ họa cho tiết mục này, đi dự thi văn nghệ học đường Miền Đông Nam Bộ. Tôi nhớ chị Ri có dáng múa rất đẹp, được “ đạo diễn” Kim Xuyến khen hoài. Nhỏ Tuyết Hương nhắc, khiến tôi nhớ những ngày sinh hoạt văn nghệ học đường hồi xưa quá chừng quá đỗi…
Hồi tưởng văn nghệ học đường hôm nay, các anh chị cũng tưng bừng hát ca nhảy nhót. Chị Mỹ có giọng hát hay, rất chắc nhịp. Chị có phong cách trình diễn thu hút, y chang ca sĩ chuyên nghiệp vậy. Chị Mỹ, chị Hoa và chị Mai thay phiên nhau hát. Anh Hanh, anh Trí, Tuyết Hương đung đưa nhún nhảy rất vui. Vẫn những chuổi cười dòn tan như … kiếng vỡ, đến Bao Tự có sống lại cũng sẽ bái mấy chị làm sự phụ cấp kỳ. Ước gì xuất khẩu được những chuổi cười “liên lục địa” sang nước Anh hay nước Đức, tôi đoán chừng Quỹ của Hội sẽ “phì nhiêu” ngay tức khắc …
Buổi tiệc thứ ba diễn ra tại nhà hàng Đồng Khánh, với những món ăn thiệt đúng ý tôi luôn. Không hiểu có phải tôi nhớ nhà không, mà nhà hàng vừa mang cái lẫu canh chua bác hà tóe khói, là tôi đã cảm thấy thèm ăn rõ dãi. Thêm cá kho tộ sềnh sệt nước mắm màu dừa, nhà hàng nêm nếm đúng mùi đúng vị, ăn với cơm trắng thơm mùi lá dứa rất ngon. À, còn món cua rang me nữa chứ! Nước sốt chua chua ngọt ngọt ăn phát ghiền luôn. Tôi được các anh chị ưu ái, cho tôi róc thịt hai cái càng cua bự chảng. Buổi tiệc này, các anh chị dành tạm biệt cô em gái Diệp Hoàng Mai mà! Buổi tối ở nhà hàng Đồng Khánh không có dàn nhạc, nên chị Mỹ không ca hát và anh Hạnh cùng Tuyết Hương không nhảy múa … Nhưng các anh chị và em Hương “tạm biệt” tôi bằng những câu chuyện tếu lâm hỏng đụng hàng, khiến mọi người cùng cười muốn rách ruột ra. Không hổ danh anh Ma Thành Tâm – gọi theo kiểu Mỹ là anh “ Tâm Ma” – anh chế câu chuyện nào, là cả nhà cười mỏi mép vẫn chưa thôi.
Đã sáu tuần lễ trôi qua, nhưng cảm xúc trong tôi vẫn còn tươi mới khi ngồi viết những dòng chữ này, và xem lại những tấm hình này. Những tấm hình ghi lại hình ảnh thân thương của anh chị em, cùng chung gia đình cựu học sinh Ngô Quyền ngày cũ với tôi. Lời cảm ơn nào bây giờ cũng không đủ đầy ý nghĩa, bởi ân tình các anh chị đã dành cho cô em gái, đâu chỉ để nhận hai chữ “ cảm ơn” khách khí khô khan? Bằng sức lực nhỏ nhoi của mình, em sẽ “lúp xúp” chạy theo các anh chị, tiếp tục vun vén mảnh sân con con “ Hướng Đạo NG&BH” trên trang nhà mình, mỗi ngày qua sẽ thêm thắm sắc tươi hương …
Tháng 08/2014
Diệp Hoàng Mai