NGÀY VUI KHÔNG HẸN TRƯỚC
Có một điều nhiều người biết rất rõ, là khi đến Mỹ - một quốc gia mà mọi kế hoạch đều được tính kỹ tới từng centimet - thì việc “ book lịch, lấy hẹn” trước từ một đến ba, hay sáu tháng…” là việc cần làm trước nhất. Việc này quá đơn giản, trong thời đại thông tin liên lạc tân tiến hiện nay. Gọi điện vài câu , email vài dòng, để xác lập một cuộc hẹn đâu có chi khó? Vậy mà, có sự trùng hợp đến khó tin… Hễ tôi tính trước chuyện gì hơi xa xa một chút, thì y như rằng chuyện đó không lỡ cỡ cũng lỡ làng. Không nhớ tự lúc nào, tôi trở nên mất tự tin với những lời hò hẹn với bạn bè ở thì tương lai. Trừ mục đích chính của những chuyến đi, thì phần lớn những chuyến viếng thăm thân hữu, tôi đành lòng … đụng đâu âu đó. Chuyến đi Mỹ lần này cũng vậy, tôi không book hẹn trước với ai. Ấy vậy mà, ngày nối ngày đã cho tôi đầy ăm ắp niềm vui, và nhiều lắm những nụ cười …
Theo dự tính ban đầu của tôi, bế mạc trại Thẳng Tiến 10 là tôi bay một lèo từ Houston về San Diego, rồi … tính gì thì tính tiếp. Nhận vận chuyển một kiện hàng khá nặng – toàn sữa baby cho đứa con sơ sinh của đứa em trai – nên tôi ngán ngẫm, nếu phải khuân hàng nặng mà chạy xà quần. Tôi dành tuần lễ cuối của hành trình ở Nam Cali, để thăm viếng thầy cô và bạn bè. Một cựu học sinh Ngô Quyền lớp đàn em, đã hứa làm tài xế cho tôi suốt bảy ngày này. Nếu như thầy cô và bạn bè bận rộn – không kịp xếp lịch hẹn cho tôi đến thăm – em sẽ đưa tôi đi thăm một số thắng cảnh ở Cali, trước khi tôi trở lại quê nhà từ sân bay LAX. Nhưng kết thúc trại, Trưởng Mai Quan Vinh rủ tôi đổi hướng bay tới miền Bắc Cali. Một trong ba kiện hàng nặng nề của tôi, được hai đứa cháu của Trưởng Vinh – cũng là trại sinh Thẳng Tiến 10 – giúp tôi mang về San Diego trước.
Tôi háo hức trở lại San Jose vì hai lẽ: Sẽ được cùng lúc thăm lại nhiều thầy cô giáo cũ, và được tận mắt ngắm chiếc cầu lừng danh Golden Gate, mà tôi chỉ được biết qua sách vở từ trước đến giờ. Đúng dịp lễ July 4, các chuyến bay gần như không còn chỗ trống. Cho nên hành khách cùng chuyến bay với tôi, ai cũng tỏ vẻ thất vọng khi nhận thông báo chuyến bay trục trặc kỹ thuật, phải delay ở Houston – Hobby Airport sáu giờ đồng hồ chờ sửa chữa. Tôi lo lắng quá, sợ lỡ dịp đến thăm Golden Gate Bridge như lần trước. Trưởng Vinh đến quầy tiếp tân của hãng bay đăng ký danh sách khách chờ, đề nghị đổi chuyến bay sớm nhất đến San Jose.
Thành phố San Francisco ngày tôi đến lãng đãng sương mù, mây ôm ấp núi dịu dàng khiến tôi nhớ Đà Lạt quê tôi những chiều tắt nắng. Được mệnh danh “thành phố sương mù” thời tiết San Francisco cũng khá đỏng đảnh, giống hệt thiếu nữ đương xuân lúc nũng nịu lúc kiêu kỳ. Còn nhớ lần trước tôi đến San Fran mà không mang theo áo ấm, trời chiều nắng gắt nhưng tôi vẫn lạnh run người…Trưởng Vinh lái xe chở tôi dạo quanh vùng Vịnh, trước khi ghé thăm Golden Gate Bridge, một trong những công trình kiến trúc vĩ đại lâu đời của đất nước Hoa Kỳ. Tôi không có cơ hội chọn lựa thời gian, không gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp lãng mạn của chiếc cầu Cổng Vàng nổi tiếng. Tôi cũng không thể chụp hình những tấm hình kỷ niệm, như dự tính lúc ban đầu. Cầu Cổng Vàng đang bị khối sương mù đặc quánh bao quanh, phủ kín mít lớp áo màu đỏ cam lộng lẫy trong những ngày nắng đẹp. Tôi đành ngồi trong xe lắng nghe xúc cảm trong trái tim mình, suốt chiều dài gần ba cây số băng qua chiếc cầu huyền thoại. Tuy không trọn vẹn ước mơ, nhưng đối với tôi chừng đó cũng đủ sướng “ rên mé đìu hiu” rồi. Lý trưởng Mai Quan Vinh và tôi còn mục đích khác quan trọng hơn, là đến Crowne Plaza Hotel Milpitas để kịp dự ngày hội ngộ truyền thống trường xưa.
Tôi bước vào bên trong Champagne Ballroom Crowne Plaza, vừa kịp giờ khai mạc buổi họp mặt truyền thống cựu học sinh Ngô Quyền – Biên Hòa lần thứ 13. Dù là lần đầu đến với buổi họp mặt trường xưa nơi đất khách, nhưng tuyệt nhiên tôi không cảm thấy lạc lõng giữa đám đông người. Huynh trưởng Phạm Ngọc Quýnh, là hình ảnh thân thương quen thuộc đầu tiên tôi trông thấy. Tôi gọi Thầy Phạm Ngọc Quýnh là “Anh Quýnh” từ xưa, theo đúng thứ bậc trong gia đình HĐ. Thời gian quá ít oi cho lần gặp gỡ, nên hai anh em còn nhiều điều chưa kịp sẻ chia. Tôi chỉ ghi nhớ lời khuyên của anh, để có thêm sức mạnh lòng tin cho chính mình:
- Những việc Mai đang làm cho gia đình cựu hđs. NQBH rất tốt, anh luôn ủng hộ em…
Tôi đến chào thầy cô giáo cũ của trường trung học Ngô Quyền yêu dấu ngày xưa. Thời học trò, tôi thường theo thầy Hà Tường Cát và cô Nguyễn Thị Luông tham gia các hoạt động xã hội học đường. Những lần tháp tùng thầy Cát cô Luông vào Chợ Lớn mua vải, làm quà “Cây Mùa Xuân” cho học sinh trong trường rất vui. Tôi nhớ Thấy Cát thường nghêu ngao bài “Từ một cơn mơ” của nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, bằng giọng hát đục khàn rất đặc biệt: “Tôi đã thấy mặt trời lên, sau đêm dài tăm tối triền miên. Tôi đã thấy ngọn triều lên, xóa tan đi dấu nhăn trên cát mềm…” Thầy cười xòa, khi tôi mời thầy hát lại bài du ca năm nào… Cô Nguyễn Thị Kim Dung của tôi – phu nhân của thầy Hà Tường Cát – vẫn với nụ cười tươi tắn hiền hòa, giống như những ngày cô còn đứng trên bục giảng. Trong ký ức bàng bạc của tôi, cô tôi chỉ khác xưa mái tóc. Mái tóc xưa của cô dài nhưng không buông thả, cô luôn quấn trong chiếc kẹp rất gọn gàng. Cô nắm chặt tay tôi, khi tôi đến bên cô và tự giới thiệu: “Thưa cô, em là học trò cũ của cô …”
Tôi vui mừng gặp lại cô Đặng Thị Trí, và được cô kể tôi nghe về quãng đời Hướng Đạo ngắn ngủi của cô. Ai từng đi HĐ rồi sẽ hiểu, khi đã “ bị ” mấy chữ “ hướng đạo sinh ” vận vào người rồi, thì dù ở chân trời góc biển nào cũng khó thoát được ra. Cũng có thể vì điểm chung này, mà cô Trí nặng tình với đứa học trò là con cháu của BP. Nếu như có thời gian, tôi sẽ còn tâm sự với cô nhiều điều, mà tôi chưa kịp bày tỏ trong những email tôi đã gửi cho cô… Không được học nhạc với cô Hoàng Minh Nguyệt, nhưng tôi rất thích phong cách trẻ trung đúng “ chất” nghệ sĩ của cô Nguyệt. Hai cô trò quấn quít nhau, dù là lần đầu gặp gỡ. Tiếc là không có nhiều thời gian, để tôi được thưởng thức tiếng hát của cô.
Đến bên thầy Phan Thanh Hoài, tôi chuyển đến thầy lời thăm hỏi của chị Dương Thị Kim Sơn, một cựu huynh trưởng Hướng Đạo hiện định cư ở Canada: “ Thầy ơi, chị Sơn nhờ em chuyển giúp chị lời chúc sức khỏe đến thầy…”. Cuối cùng tôi xin phép được chụp vài tấm hình kỷ niệm chung với quí thầy cô: Bùi Thị Ngọc Lan, Huỳnh Thanh Mai, Hoàng Phùng Võ, Mai Kiến Phúc, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Thất Hiệp… Những hình ảnh này tôi sẽ trân trọng giữ gìn, để hoài nhớ một thuở “ Thầy xưa, Trường xưa” yêu dấu.
Cũng là lần đầu gặp gỡ, nhưng các anh chị trong BĐH. Hội CHS.NQBH đã cho tôi trọn vẹn cảm giác ấm áp thân thương, khi các anh chị nhanh chóng đưa tôi hòa nhập không gian ngày vui hội ngộ. Anh Lữ Công Tâm giới thiệu tôi với mọi người:
- “Nó” cùng quê Phước Thiền – Long Thành với tui đó, em tui đó!…
Anh Mai Trọng Ngãi đón cô em gái bằng nụ cười đôn hậu cùng đóa hoa hồng:
- Anh tặng cho em nè!...
Tôi nhận hoa anh Ngãi trao, bằng niềm vui của đứa trẻ thơ được thưởng thật nhiều kẹo ngọt. Khi biết tôi đang sưu tập chữ ký và bút tích của thầy cô giáo trường trung học Ngô Quyền xưa, đích thân anh Ngãi đã đưa tới gặp từng thầy cô để xin chữ ký. Bộ sưu tập chữ ký này, nhất định sẽ là tài sản chung của cả gia đình cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa.
Đã từng nghe anh Nguyễn Thanh Tùng (CHS.NQ khóa 7) kể về vợ chồng của cô em gái Nguyễn Thị Hiền – Tô Anh Tuấn, nên anh chị em tôi có ngay những câu chuyện chung để nói với nhau, dù mới gặp lần đầu. Tôi khoe với anh Tô Anh Tuấn, rằng: “Trưởng Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hội đồng TW Hướng Đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ khen trang web Ngô Quyền Biên Hòa là một trong những trang web mạnh. Em bèn nói với trưởng Nhân, nhưng chỉ website NQBH mới có góc Hướng Đạo mà thôi…” Điều tôi tâm đắc nhất, là định hướng rất riêng và mục đích rất đẹp của website Ngô Quyền Biên Hòa:
- Tụi anh đã và sẽ cố gắng hết sức để duy trì sự trong sáng của trang web nhà, sao cho website NQBH trở thành sân chơi hồn nhiên nhất, thân thiết nhất cho tất cả các cựu học sinh trường Ngô năm cũ…
Tôi cũng rất vui khi gặp lại cô Ma Thị Ngọc Huệ và anh Nguyễn Hữu Hạnh. Tôi đã được tháp tùng thầy Diệp Cẩm Thu tặng hoa, nhân dịp cô Huệ về quê và dự họp mặt bạn bè cùng khóa của cô. Với anh Nguyễn Hữu Hạnh thì … tưng bừng hơn, hai anh em đã nâng “ly rượu mừng” và café tán gẫu bên sông Đồng Nai yêu dấu rồi. May mắn cho tôi – hy vọng cũng … may cho anh Hạnh luôn – nhờ quen anh Hạnh trước nên tôi có người … cầu cứu, mỗi khi cần post quá nhiều hình ảnh cho chuyên mục Hướng Đạo NQ&BH. Có lúc tôi cũng ái ngại, rằng anh Hạnh sẽ rên rỉ: “Hỏng biết hồi đó có mắc nợ đời cô em không, mà bi giờ nó hành mình dữ vậy nè?...” Biết chắc như vậy, nhưng mà lúc bí quá tôi bèn vớt vát: “Có ông anh giỏi như vậy, mắc mớ chi mình hỏng hành anh mình cho xứng với… tầm cỡ của anh?!!...”
Gặp chị Nguyễn Thị Thêm và anh Trầm Hữu Tình, tôi mừng quá chừng chừng. Nhưng thời gian họp mặt ngắn ngủi, không cho anh chị em tôi cơ hội chia sẻ chuyện đời Hướng Đạo. Nhưng không sao, anh chị em mình còn có sân chơi dành cho “ Hướng Đạo NQ&BH ” trên web nhà mà! Em hy vọng anh Tình sẽ có bài hồi ký về kỳ trại họp bạn Hướng Đạo thế giới lần 10 ở Phi Luật Tân năm 1959, mà anh Tình là một trong hai thiếu sinh của đạo Trấn Biên được tham dự trại…Đến bên cạnh chị Nga Frook, tôi cảm thấy tự tin hẳn về … chiều dài cơ thể của mình. Chị Nga vui tính và sôi nổi, cuốn hút người chung quanh vui lây với chuổi cười dòn tan của chị.
Tôi cũng rất mừng khi gặp lại anh chị Huỳnh Thị Hiền – Nguyễn Văn Tám. Hồi xưa nhóm đội trưởng Thiếu đoàn Trưng Trắc của chúng tôi gồm các chị: Huỳnh Thị Mộng Hoàn, Lưu Thị Mỹ Trinh, Bùi Thị Kim Hoa, Thái Kim Dung, Lê Thị Thanh Loan, Trần Thị Phụng, Diệp Hoàng Mai … thường nhóm họp chiều thứ bảy ở nhà của chị. Chị Huỳnh Thị Mộng Hoàn là em ruột của chị Huỳnh Thị Hiền và chị Huỳnh Thị Mộng Quyên. Mỗi khi anh Đỗ Cao Thông và anh Nguyễn Văn Tám mang “ mồi” về làm tiệc đãi bạn bè, là thế nào nhóm đội trưởng chúng tôi cũng được ké một “mâm” chầu rìa khoái khẩu…
Rộn ràng nhất, là lúc tôi gặp lại bạn học chung lớp 10B4 ngày xưa: Đào Thị Nam và Nguyễn Thị A Hương. A Hương đi dự họp cùng con gái, và cô em Nguyễn Thị B Hoa. Đào Nam và A Hương cũng từng là nạn nhân trong “Tai nạn nghề trưởng lớp” Mười Bê “bối” của tôi. Cũng vì bài ca sinh hoạt “Ngày trở về anh xuống sông bắt cá lòng tong nấu canh bí đao. Có dè đâu, lòng tong chết chìm thành con cá lìm kìm..” mà hai bạn cũng bị phạt quỳ chung với lớp. Là lớp “B con gái thuần chủng ” đầu tiên và duy nhất của trường trung học Ngô Quyền lúc bấy giờ, niên học 1972-1973 lớp Mười Bê Bốn của tôi nổi bần bật giữa sân trường quần xanh áo trắng. Số là truyền thống từ trước đến giờ, lớp Bê Bốn toàn con trai. Năm học đó lớp Mười Bê Bốn toàn là con gái, Ban giám hiệu vô tình xếp … lộn buổi con trai. Sự nhầm lẫn vô tình này khiến cho “Bên Nội cũng vui mừng nè! Rồi bên Ngoại cũng vui mừng nè! Trai – gái cũng vui mừng nè! … Hoan hô Ban giám hiệu nè!...”
Gặp Phạm Thị Mỹ Dung, hai chị em cùng “A….” dài một tiếng, chừng như đã quen nhau từ lâu lắm rồi. Thật ra cả Dung và tôi chỉ biết nhau qua trang web Ngô Quyền, nhưng Dung lại là em gái của Phạm Kim Luân, người anh em Hướng Đạo của tôi:
- Chị Mai có đến Hà Lan, và ghé thăm gia đình anh Luân của em. Vui lắm nhỏ ơi!...
Tôi cũng gặp lại Lê Thị Thúy, bạn chung lớp Nhứt C trường Nữ Tiểu học Biên Hòa; Em Đào Tú Trang, từng là hoa khôi áo trắng trường Ngô; Em Lê Thị Hường, người thông tin cho bạn Bích Thủy của tôi ở bên nhà đến dự “Đêm tri ân Thầy cô giáo cũ”; Em Nguyễn Lê Hiệt, người tự nguyện làm tài xế cho tôi những ngày ở Nam Cali; Và cuối cùng là “đôi uyên ương” Lam & Mai, với những bước chân điêu luyện và đầy đam mê trong đêm dạ vũ. Lam & Mai hẹn tôi ngày về sẽ Mời chị Mai cà phê bên sông Đồng Nai …” Gì chứ lời mời café ven sông quê mình, ít khi nào chị Mai từ chối lắm hai đứa ơi!...
- Phải chi tính trước, em đi về chung xe bus với tụi anh vui lắm! Có thiếu chỗ ngồi, tụi anh sẽ đứng để nhường chỗ cho em…
Tôi hơi tiếc nuối khi nghe anh Ngãi nói vậy. Nếu đi bus, tôi sẽ có thêm thời gian gần gũi anh chị em trong gia đình cựu học sinh Ngô Quyền. Tha hồ ca hát, tha hồ la hét, tha hồ … quậy, và tha hồ vui… Nhưng mà, cuộc đời này hỏng có chi tròn trịa cả. Gần chạm nóc lứa tuổi U.60, tôi nghiệm ra và tin sái cổ rằng: “ Người tính không qua Trời tính…” Và có lẽ nhờ Trời thương, nên tôi mới có được ngày vui không hẹn trước này.
Tuy không được đi chung chuyến xe bus vui tưng bừng với liên khúc “Ăn chay, ăn rau, chuyện ba người…” của anh Trần Văn Châu – cùng những câu tếu lâm cười suốt tuyến của mọi người – nhưng tôi vẫn tiếp tục may mắn, vì có thêm những “ ngày vui không hẹn trước” ở miền Nam Cali…
Tháng 08/2014
Diệp Hoàng Mai