THẦY TÔI – NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN HOÀNG
Nhiều thế hệ học trò xuất thân Pétrus Ký,đều nhớ nhiều về thầy cô,về ngôi trường thân thương một thời tăm tiếng nhất miền Nam - nơi đã đào luyện nhiều trí thức(nhà văn,nhà báo,nhà giáo,bác sĩ,kỹ sư,viên chức,chính khách…) - đóng góp vào dòng chảy lịch sử theo từng giai đoạn - công tâm mà nói - khó có ai phủ nhận được.
Năm cuối cấp lớp đệ Nhất A1,chuẩn bị thi Tú tài toàn phần (67-68), phải nói tôi rất ấn tượng thầy Nguyễn Xuân Hoàng dạy môn Triết (Tâm lý học,Luận lý học).Hồi tưởng lại dạo ấy thầy rất trẻ,đẹp trai,có nét điện ảnh – thầy dạy triết lại viết văn trên cái nền đào bới tư duy trừu tượng,song hành cùng thực tiễn - không biết có phải vì vậy mà phong thái thầy khoáng đạt như xa cái trần trụi,như gần mây khói – khiến rất lôi cuốn học trò - Bọn chúng tôi ngày ấy tiếp xúc với môn Triết cảm giác như những hạt bắp rang nở phồng rất thú vị - Thú thật với riêng tôi ban đầu va chạm với những khái niêm như: ý thức,bản năng,đam mê,tình yêu,hiện tượng phân tâm Sigmund Freud (1856 – 1939),mặc cảm Oedipus … khá bí hiểm,tắc rối như hũ nút ...- phải đánh vật cào cấu mới có tí vốn đến trường thi – Sau này nghiệm lại kiến thức triết học “tư sản” – dù sao đã hình thành trong lịch sử phát triển tư tưởng của nhân loại,đã góp phần soi rọi,“mổ banh”cái tôi cá thể - để chính nó là hạt nhân,nguồn cội của sự tỉnh thức-quán chiếu trong hành trình“thiền”đi tìm mình – hơn thế nữa giúp hiểu rõ luận điểm của C.Mác: con người và con vật đều có những nhu cầu như ăn uống, tính dục…, nhưng con người hoạt động theo bản năng, con người hành động theo ý thức. Và chính mặt xã hội của con người đã làm cho mặt sinh vật trong con người phát triển ở trình độ cao hơn những động vật khác.
Sau 75,mọi sự thay đổi mang tính tất yếu nhưng cũng đầy nghiệt ngã – môn Triết không còn chỗ đứng trong hệ thống chương trình phổ thông – thầy thôi không dạy nữa - Văn cũng treo bút - đối với trí thức văn nghệ sĩ điều đó xem như một sự chấm dứt ! Mười năm ở lại Saigon(1975-1985)là sự chịu đựng ghê gớm,tôi đoán như vậy .Chuyện gì đến phải đến bởi tất cả chúng ta là con rối cho thời cuộc giật dây – nói theo kiểu hiện sinh“làm gan sống”,làm gan nốc cạn chén thuốc đắng để rồi hoặc chịu sự hủy diệt hoặc buộc phải dửng dưng sống! Thầy định cư San Jose,Bắc California.
Bên cạnh công việc giảng dạy,thầy còn được biết nhiều đến với tư cách một nhà văn – bút pháp khá mới mẻ qua những truyện ngắn,tùy bút,tạp ghi:Mù Sương,Sinh Nhật,Ý nghĩ trên cỏ,Bất cứ lúc nào-Bất cứ ở đâu – truyện dài: Khu rừng hực lửa,Kẻ tà đạo, Sự đã rồi của Jean-Paul Sartre.…(dịch chung với Trần Phong Giao). Sau 1975 (ở hải ngoại): Người đi trên mây,Sa Mạc,Căn nhà ngói đỏ,Bụi và rác(Người đi trên mây II)…
Tôi ra trường vào Văn Khoa,Sư phạm theo nghiệp của thầy – học Triết thầy,đọc Văn thầy – là độc giả trung thành của nguyệt san VĂN nên thường xuyên“gặp”thầy qua tạp chí - trong vai trò tổng thư ký biên tập (1971-1974).
Thời gian trôi qua,cách biệt nửa vòng quả đất,những tưởng tắt ngấm thông tin nhưng nhờ internet,mỗi sớm mai vào mạng lướt Web xà quần một lát tôi lại tạt vào thăm “tô giới” của thầy (voatiengviêt.com) – Hình ảnh thầy ngồi đó mái tóc đầy những“mù sương”,trầm tư“dửng dưng”giữa tư bề cuộc sống toàn cầu sôi động không ngơi dứt 24/24.
Tôi thường download các sáng tác của thầy : Hồi ký viết sớm,Tự truyện một người vô tích sự- Người đi trên mây,Tự lực văn đoàn-một lần lỡ hẹn,Ở quán cà phê Starbucks …,đọc nhiều bài viết về thầy : “Nguyễn Hưng Quốc - Nguyễn Xuân Hoàng và cái mỹ học của sự phù phiếm”,NXH- “kiểu cách mà hững hờ”(Võ Phiến),NXH một đời viết văn,làm báo,dạy học(Huỳnh Như Phương)…
Thầy tâm sự : “Mười năm sau,đặt chân lên đất nước này(Mỹ),tôi không còn tuổi trẻ…- Tôi khám phá ra chữ nghĩa đã không còn Chàng và Nàng,tôi lược bỏ không thương tiếc những tĩnh từ trong câu văn tôi.Tôi sợ những chữ mình viết ra chưa ráo mực đã cũ,như tấm ảnh rửa bằng thứ nước thuốc xấu,bị ố vàng dưới ánh sáng.Nhiều cuốn sách viết trước 1975 giờ đọc lại đã thấy cũ.Những đề tài thời thượng nhanh chóng bị đào thải.Tôi sợ những trang chữ của mình.Tôi cố đơn giản cùng cực trong cách dùng chữ.Tôi tránh cái sướt mướt.Tôi muốn những câu văn khô.Tôi “không ưa một nhà văn nói lý quá nhiều.Họ chỉ làm như vậy khi họ không còn tin vào cái lực của ngòi bút họ.Khi một người đã qua thời nhan sắc vẫn thường bình luận nhiều về tình yêu,ghen tuông nhiều hơn và chẳng chịu thừa nhận bất cứ sắc đẹp của ai”.Ai đã nói câu nói đó vậy?”(Hồi ký viết sớm – NXH)
Võ Phiến nhận xét :”Truyện Nguyễn Xuân Hoàng vốn không hề là truyện rườm rà lòng thòng. Trái lại. Đối thoại trong truyện ông thường vắn tắt, ỡm ờ, thông minh, có lúc đến khó hiểu….- Nguyễn Xuân Hoàng cẩn thận kết cấu nên những công trình hững hờ mà kiểu cách. Một tác giả không có chủ tâm, cặm cụi tạo nên những tác phẩm không có chủ đích (không có chủ đích nào ngoài nghệ thuật).Vậy ông Nguyễn muốn … vượt không gian và thời gian chăng? – Rất có thể. Có thể ông không hề muốn bắt vào thời thế, không có ý phát biểu gì về các vấn đề xã hội, chính trị …. Thế nhưng có dễ đâu. Lũ cỏ lan mặt đất, mớ rêu xanh dưới đế giày, mấy con én liệng ngược liệng xuôi trong tòa nhà vắng …, những thứ lăng nhăng ấy nào có định phát biểu cái gì? Nào có ý nói lên cái gì? Chẳng qua tự chúng nó, bản thân chúng nó, bày ra cái hoang sơ tiêu điều thôi.Đám nhân vật của Nguyễn Xuân Hoàng – đa số là những người trẻ – không hẹn mà họ cùng nhau bày ra một vẻ chung, khiến những ai có chút quan tâm đến thế cuộc lúc bấy giờ hẳn phải chú ý ….” –(NXH-“kiểu cách mà hững hờ” - VP)
Ý kiến của Nguyễn Hưng Quốc rất sâu sắc: “Ngay trong sổ tay thường đăng trên tạp chí Văn trước đây, Nguyễn Xuân Hoàng cũng chỉ quan tâm đến những điều có vẻ như khá phù phiếm. Sổ tay là một hình thức bút ký. Bút ký vốn là một thể loại mang tính báo chí, và với tư cách báo chí, nó gắn liền với thời sự; mà bản chất của thời sự là sự kiện, là biến cố. Sổ tay của Nguyễn Xuân Hoàng lại rất ít biến cố. Chúng toàn là những chuyện hết sức bâng quơ và vu vơ. Đọc các bài gọi là sổ tay ấy, chúng ta không mấy khi thấy bức tranh mang tính xã hội học của văn học. Chúng ta thường chỉ bắt gặp một số cảm nghĩ thoáng hiện nhẹ nhàng. Chúng không phải là những tư tưởng lớn, đã đành. Chúng cũng không liên thông được với một hệ thống tư tưởng lớn nào cả. Chúng lửng lơ. Chúng chơi vơi.Chúng hoàn toàn có tính phù phiếm.
Ở trên, tôi cố tình lặp đi lặp lại chữ “phù phiếm” nhiều lần. Nhưng xin đừng lẫn lộn tính phù phiếm với sự hời hợt. Hời hợt liên quan đến tầm tư duy trong khi phù phiếm liên quan đến ý nghĩa văn hoá. Hời hợt là một khuyết điểm trong khi phù phiếm là một chọn lựa; trước hết, đó là sự lựa chọn một thế đứng: ngoại cuộc; sau nữa, một cách sống: hờ hững; cuối cùng, một giọng điệu: lạnh nhạt. Hai chọn lựa đầu có thể tìm thấy ở khá đông trí thức ở miền Nam trước 1975. Nhưng, ít nhất trong giới cầm bút, không có mấy người đi tiếp đến chọn lựa thứ ba. Nguyễn Xuân Hoàng là một trong số ít ấy. Bằng một giọng văn cố tình tiết chế cảm xúc, ông biến sự phù phiếm từ một trạng thái sống thành một phong cách văn học, ở đó, tính chất phù phiếm bỗng dưng có sức nặng của sự khái quát: Nó thể hiện được tâm trạng của một thế hệ bất lực trước vô số các xung đột dữ dội hầu hết đều vượt ra ngoài tầm nhận thức và kiểm soát của họ. Trong ý nghĩa đó, tính chất phù phiếm, ở Nguyễn Xuân Hoàng, là một phát hiện; trước hết, đó là một phát hiện mang tính lịch sử: nhận diện đặc điểm tâm lý của một thời đại, sau nữa, một phát hiện mang tính mỹ học: biến phù phiếm trở thành một cái đẹp: cái đẹp của sự phù phiếm. Giống cái đẹp của mây. Hay, đúng hơn, của khói.”
(Nguyễn Hưng Quốc - Nguyễn Xuân Hoàng và cái mỹ học của sự phù phiếm)
Tôi liên tưởng những “ý nghĩ trên cỏ” đầy sức sống khi thầy trả lời phỏng vấn của Lê Quỳnh Mai (1):
Hỏi : Nếu cho ông đánh đổi giữa danh vọng và tuổi trẻ, ông chọn điều nào? Và nếu cho làm lại từ đầu, ông sẽ đi theo con đường nào?
NXH: Tôi thích tuổi trẻ và tôi không cần danh vọng. Mặc dù tuổi trẻ và danh vọng cũng là những thứ sẽ qua đi, như bóng mây. Nhưng tuổi trẻ là điều tôi thích thú, bởi vì mới ngày nào… và bây giờ …
Nếu cho làm lại từ đầu, tôi sẽ chọn việc viết văn. Tôi yêu chữ nghĩa hơn những thứ khác
Hỏi: Cả một đời cống hiến cho văn học. Bây giờ nhìn lại, nếu có một điều đáng tự hào về mình. Ông tự hào điều gì?
NXH: Trước hết tôi thấy cuộc đời tôi đâu có đóng góp gì cho văn học. Một vài truyện, một vài cuốn tiểu thuyết, đôi ba bài báo. Những thứ đó quá nhỏ so với nhiều tác giả viết trước tôi, những người cùng thời với tôi, và cả những tay bút mới viết bây giờ. Tôi thấy những người đó lớn hơn tôi nhiều. Tôi không thấy có gì để tự hào. Tôi nghĩ nếu mình có thể làm lại từ đầu, tôi sẽ viết những cuốn đã viết bằng một phương cách khác.
Hỏi: Xin ông cho biết cảm tưởng khi bắt đầu sống vào đầu thiên niên kỷ thứ ba. Và ông ước muốn điều gì cũng như nuối tiếc điều gì?
NXH: Tôi ước sao đất nước của chúng ta giàu mạnh hơn. Con người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước được đối xử trân trọng hơn. Tôi ước sao không ai nghèo. Tôi ước sao cuộc đời chỉ có Tình yêu, không thù hận. Ước nhiều quá, cô còn muốn tôi ước nữa không?!
Những ước muốn thật xanh,thật đẹp đã dường như liên kết “mây khói” với hiện thực cuộc đời.Ai bảo”Người đi trên mây”dửng dưng ?
Kính thăm Thầy – xin cầu chúc mọi sự an lành thanh thản.
__________________________
__________________________