Ở QUÁN CÀ PHÊ STARBUCKS
Người đàn ông tôi gặp trưa nay ở quán cà phê Starbucks tên B.
Ông và tôi quen nhau tình cờ từ hơn sáu tháng nay cũng ở quán cà phê này. Hôm nay ông ăn mặc khá giản dị, cái áo choàng lạnh màu xanh đã cũ, quần màu vàng kaki hiệu Dockers hơi rộng, bàn tay ông to bè, những ngón tay ngắn và thô, móng tay dài cáu bẩn, như một người vừa làm vườn. Ông đứng xếp hàng trước tôi chờ mua cà phê.
"Chào ông." Tôi lên tiếng trước.
"Chào!" Ông trả lời, giọng mệt mỏi.
Buổi trưa, nhiều nhân viên các cơ sở quanh vùng sau khi ăn lunch xong thường lấy cà phê trước khi trở lại sở làm. Hàng người chờ lấy cà phê khá dài. Ông B. quay mặt lại hỏi tôi hôm nay uống gì. Tôi cám ơn. Tôi nói để tôi vì tôi còn tiền trong thẻ Starbucks.
Nhớ lần đầu gặp ông, cũng đúng vào lúc xếp hàng mua cà phê vào buổi trưa. Ông đứng sau lưng tôi và hôm đó bất ngờ ông hỏi tôi một câu bằng tiếng Anh “Xin lỗi, ông có phải là người Việt Nam không?”
“Phải”, tôi trả lời bằng tiếng Việt. “Tại sao?” Tôi hỏi lại.
Ông nói mấy lần trước đi cà phê ở đây thấy tôi ngồi một mình nhưng ngại không dám hỏi sợ tôi không phải người Việt Nam. Người Việt mình ít ai uống Starbucks lắm. Cà phê Việt Nam dù gì cũng hợp gout hơn là cà phê Mỹ. Thấy tôi đeo sợi giây mang thẻ sở làm một toà báo, ông hỏi, tôi làm việc gì ở sở này. Tôi nói dối, tôi làm janitor, nghiã là lau chùi bàn ghế, quét dọn rác rến trong một toà soạn. Ông nhìn tôi thương hại.
"Qua Mỹ hồi nào? Làm janitor sống đủ không? Vợ con ra sao?" Tôi trả lời cho qua chuyện, tôi biết mình đã lỡ nói dối không thể tiếp tục thêm. Tôi nói tôi qua Mỹ năm 1985, vợ tôi thất nghiệp cả năm nay, tôi có bốn đứa con, đứa út mới vào đại học, ba đứa kia đã có việc làm.
“Vẫn ở với con cái à?”
“Không”, tôi nói, “vợ chồng tôi sống riêng, giống như hai con khỉ già chờ ngày ra đi.”
“Đi đâu?” Ông hỏi.
Tôi cười, “thì ra đi đó mà. Ai sống mà chẳng có lúc sau cùng phải ra đi.”
Ông cũng cười, “nói bậy. Lương bổng sao? Đủ sống không?”
Ông ta nhắc lại câu hỏi.
Tôi nói “à thì cũng sống vậy vậy.”
“Qua Mỹ năm nào?” Đây là lần thứ hai ông hỏi tôi.
Tôi nhắc lại: Năm 1985.
“Mà ở thành phố này lâu chưa?”
“Ồ chỉ mới sáu năm thôi.”
“Trước ở đâu?”
Tôi nói ở Quận Cam.
“Hồi đó làm gì?”
Tôi nhắc lại: “À, thì cũng lau chùi bàn ghế, nhà cửa, phòng ốc, hốt rác rưới cho một toà soạn báo.”
“Vậy sao?” Ông hỏi mà như nói.
Tôi hỏi lại ông, vậy chứ ông đến Mỹ từ bao giờ? Ông cho biết ông đã qua Mỹ từ trước 1975, đi du học rồi do biến cố tháng Tư 75, ông ở lại luôn. Ông hiện làm kỹ sư cho một hãng nhu liệu điện tử ở đây. Gần 10 năm sau ngày 30 tháng Tư, ông mới lo được giấy tờ cho vợ con qua, và bây giờ... ông bỏ lửng câu… “Tôi và vợ tôi không hợp nhau. Mấy đứa con đã lớn, đứa nào cũng có công ăn việc làm. Tôi hiện sống một đời sống khác.”
Tôi muốn hỏi ông thế nào là một đời sống khác, nhưng tôi nghĩ lại, hỏi để làm gì?
“Ông dùng loại nào?” Tôi nghe cô thu ngân hỏi ông. Ông gọi món frappucino và quay sang nói với tôi "hôm nay không mang tiền lẻ, ông trả hộ ly nước của tôi nhé!"
"Không sao." Tôi gọi một double expresso, và như thường lệ, tôi đưa cái thẻ Starbucks cho cô thu ngân .…
Lấy cà phê xong, chúng tôi ra ngồi ở chiếc bàn trống ngoài sân…
Trời mùa hè vùng Thung Lũng năm nay không nóng như mọi năm. Tôi ấp hai tay vào ly cà phê. Tôi hỏi ông sao lúc này ít ra quán cà phê vậy? Ông nói hồi này ông uống cà phê Việt Nam nhiều hơn ở cái quán quen, chỗ đó thiếu chịu được. Tôi hỏi công việc của ông, ông nói ông tính về hưu. Ông là người thích du lịch. Nhưng chuyện chưa tính xong, còn nhiều chuyện phải giải quyết trước khi nghỉ hưu sao cho có lợi. Ông hỏi tôi hôm nay có phải về sở lau chùi bàn ghế ngay không? Tôi nói còn sớm, tôi có thể ngồi nán thêm ít phút nữa.
Ông B. than hôm nay ông buồn quá.
“Tại sao?”
“Tay kỹ sư làm cùng sở tôi vốn là một tay hiền lành, bỗng nhiên hôm nay nó chửi tôi là đồ khốn nạn.”
“Tại sao?”
“Đời sống tinh thần tôi mấy lúc sau này không ổn. Tôi nhìn đâu cũng thấy người ta nói xấu tôi, âm mưu hãm hại tôi. Tôi không tin ai, cái khổ của tôi là tôi thấy chung quanh mình ai cũng ngu dốt, đứa nào cũng có ý xấu với tôi. Một câu nói bình thường của bọn nó cũng làm tôi điên đầu suy diễn ra trăm nghìn ý nghĩa thâm độc.
Tôi có cảm tưởng cả thế giới này đều nhắm vào tôi. Cái tay kỹ sư ấy mới qua Mỹ chưa đầy 20 năm mà giữ cái chỗ tốt trong khi tôi sống ở đây đã hơn 30 năm, ăn học đàng hoàng mà vẫn cứ còn lẹt đẹt. Nếu không phải nó bắt tay với thằng phụ tá chủ tịch công ty thì làm sao có đươc chỗ đó.”
Tôi hỏi ông B., hay là tay này nó có bà con họ hàng gì với ông chủ tịch công ty?
"Làm gì có chuyện đó. Chủ tịch công ty là người Mỹ, còn nó là người như mình, mũi tẹt da vàng mà!"
“Không”, ông B. tiếp, “không có bà con cô bác gì đâu. Tôi nghĩ là nó nịnh thằng manager Việt Nam, thằng này cất nhắc nó lên. Tôi biết thằng đó dốt bỏ mẹ, tài năng gì! Tôi sẽ nói cho bàng dân thiên hạ biết tay đó là một thằng dốt. Anh làm nghề hốt rác lau chùi nhà cửa thì không biết gì chuyện của những người trí thức như tôi đâu.”
Và đột nhiên, ông B. đổi đề tài:
“Ở Việt Nam ông ở thành phố nào?”
Tôi nói Sài Gòn.
“Hồi đó ông làm ngành nghề gì?”
Tôi ấp úng, “tôi làm thợ mộc. Nhà tôi có hai anh em, anh tôi là lính Biệt Động Quân, còn tôi…làm thợ mộc.” Tôi đã lỡ nói dối nên tới luôn.
“Còn tôi, tôi rời nước sớm quá, tôi không biết gì về tình hình đất nước những ngày 30 tháng Tư.
Anh có bị tù không?”
“Không, thợ mộc không bị tù, nhưng tôi cũng ở tù vì tội vượt biên.”
“Tù ở đâu? Có cùng chỗ với ông Đại Học Máu không?”
“Ông Đại Học Máu là ông nào?”
“Ồ, xin lỗi.” Ông nói, “tôi quên ông là người hốt rác lau chùi nhà cửa. Đại Học Máu là tên một cuốn sách viết về người tù cải tạo. Ông không biết đâu! À ông nói ông bị tù vì tội vượt biên, nhưng tù ở đâu?””
“Tôi ở tù dưới Rạch Giá, U Minh.”
“Vậy là ở chỗ của ông Hương Rừng Cà Mâu chứ gì?”
Tôi nói tôi không hiểu ông muốn nói gì.
Ông cười, “xin lỗi, anh không bao giờ đọc sách báo à?”
“Sách thì không, nhưng báo thì cuối tuần nào mà tôi không đọc, báo Việt ngữ bỏ đầy ở các tiệm ăn Việt Nam.”
Ông B. nhìn tôi:
“Mặt mũi anh trông không đến nổi nào mà sao không chịu học hành gì cả. Tìm một nghề nào khá hơn không?”
Tôi ậm ừ không trả lời. Tôi đang chán vở kịch tôi đang đóng.
Ông B. lại hỏi “Lương bổng anh sao? Đủ sống không?”
Tôi nói “12 đồng giờ. Cũng sống được.”
Ông B. bỗng nghiêng qua bàn, kê sát miệng vào tai tôi thì thầm:
“Anh có cần tiền không?”
Cái miệng kinh khủng với đôi môi thâm xì, hai hàm răng vàng khè và hơi thở ông khét mùi thuốc lá làm tôi khó chịu.
“Tiền hả? Tiền thì ai mà không ham. Nhưng tiền ở đâu ra?”
Ông B. rút trong túi áo ra một tấm ảnh cắt từ một tờ báo. “Đây là thằng X. cái thằng kỹ sư ngu dốt mà tôi đã nói chuyện với anh, nó là thằng dám nói tôi là đồ khốn nạn. Tôi sẽ đưa anh một ngàn nếu anh làm nhục nó trước mặt đám đông.”
“Làm nhục bằng cách nào?”
“Anh chỉ cần chửi nó là đồ ngu, đồ dốt nát, đồ khốn nạn trước mặt đám đông ở một tiệm phở mà nó hay đến. Tôi chịu trả anh một ngàn đồng.”
Tôi không trả lời. Tôi nhìn ông B., ngạc nhiên hơn là khinh bỉ, khinh bỉ hơn là giận dữ.
Tôi đứng dậy, cầm xâu chìa khoá xe. Ông B. kéo giật tay tôi, "anh ngồi xuống đây với tôi chút nữa thôi. Tôi sẽ trả anh hai ngàn. Chịu không? Tôi đang có những ngày tháng không vui. Những ngày tháng mà bỗng dưng giữa đám bạn bè ai cũng nhìn tôi như một con quái vật mang hình dáng người. Một con quái vật trở mặt, thoắt một cái từ mặt người thành mặt thú, thoắt một cái từ cái dáng vẻ lương hảo thành tay lưu manh xảo quyệt, thoắt một cái từ sự thanh tao trở nên thô lỗ cục cằn... Con quái vật có đủ mọi thứ bề ngoài của một con người bình thường, nhưng khi nó há miệng ra cho người ta thấy những chiếc răng nanh nhọn hoắc đầy máu me của mình. Con quái vật có những ngón tay cầm bút nhưng khi nhìn kỹ đó chỉ là móng vuốt của một thứ Dracula đang bấu vào cổ người. Tôi vốn không tin có Dracula trong đời sống này. Chẳng qua đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thật ra bây giờ tôi mới biết tôi đã có một ý nghĩ sai. Thế giới chúng ta quả thật có ma quỷ, có hồ ly, có Dracula. Dracula sống trà trộn giữa chúng ta. Chúng nói cười đi đứng sinh hoạt như chúng ta. Chúng luôn luôn than van thiếu thốn nghèo túng mặc dù chúng không hề túng thiếu. Chúng thích vơ vét, bốc hốt, thích dí mũi vào đời sống người khác may ra moi móc chút đời tư để kể lại bằng giọng hả hê. Chúng giống như con dòi ngúc ngoắc từ một đống phân. Chúng đóng vai một tên có chút kiến thức nhưng là một thứ kiến thức ăn đong cóp nhặt từ những trang báo, những cuốn sách chưa kịp tiêu. Những con quỷ Dracula không thể sống nếu không hút máu của người khác. Nhưng nó sẽ không hút được máu ai nếu trước hết nó không làm cho người khác tin nó là một con người tử tế. Người ta cứ tưởng nó mềm như một miếng bông gòn, nhưng thực ra nó là một cục chì, đất sét. Nó là một con vật thông minh chứa đầy nọc độc. Tôi đang có những ngày không vui, khi bỗng dưng một hôm phát hiện ra con quỷ Dracula mà lâu nay tôi cứ tưởng là người nào khác lại chính là tôi. Anh đừng bỏ đi, tôi sẽ cho anh mười nghìn đồng, mười nghìn chứ không phải hai nghìn, anh làm nhục tên kia dùm tôi. Tôi xin anh, chỉ khi nào anh làm được như thế con quái vật Dracula kia mới ra khỏi đầu óc tôi, ra khỏi trái tim đầy lòng hoài nghi của tôi.”
Ông B. nói một hơi không nghỉ. Ông làm tôi ngạc nhiên, quá sức ngạc nhiên…..
Hôm nay là thứ Sáu, buổi chiều cuối tuần, công việc ở sở tương đối nhẹ nhàng, tôi có hai ngày nghỉ ngơi trước mắt.
Tôi nói với ông B. là ông cứ moi hết những rác rưới trong đầu ông ra đi tôi sẽ đổ dùm ông. Ông cứ móc hết sư nhơ bẩn của cống rảnh ra khỏi trái tim xấu xa của ông đi tôi sẽ dội nước sôi dùm ông. May ra…..
Tôi cầm xâu chìa khoá dứt khoát bước ra khỏi tiệm Starbucks.
Cà phê Starbucks nhạt và dở trừ phi uống một cái double expresso. Nhưng hôm nay cả ly double expresso cũng nhạt phèo hơn nước lả!
Chiều thứ Sáu tuần này là một buổi chiều không vui của tôi.
Nguyễn-Xuân Hoàng
Nguồn: voatiengviet.com