Tôi ngồi nghe, lặng người. Tôi biết tình trạng sức khỏe của anh tôi kéo dài từ Bảy Hai đến nay đã là những ngày nằm chờ chết. Có lẽ anh đã chết từ những ngày Sài Gòn vừa mất, khi các con anh bị bắt đi học tập cải tạo, và cả chính anh cũng bị chính quyền mới cho người đến tận nhà điều tra xem bệnh thật hay giả, có đủ sức đi học tập cải tạo không.
“Tôi nói vầy sợ không phải, nhưng chú nên hiểu, anh Thúc thế là may. Nếu anh ấy không bị bán thân bất toại, nằm chờ chết trong nhà bên cạnh vợ con, thì có lẽ anh ấy cũng nằm chờ chết trong một trại cải tạo nào đó ngoài Bắc.”
Tôi nhìn khách, không rõ lắm ý anh ta. Anh nói như vậy là đứng từ góc độ nào ngó về cái sống và cái chết của anh Thúc. Bệnh tình như chỉ mành treo chuông, không biết đứt lúc nào mà vẫn còn may(?)Hóa ra có những cái còn tồi tệ hơn cái chết sao.
“Tại sao chú không đi?” Khách đột ngột hỏi. Và đó là lần thứ hai trong ngày tôi nghe câu hỏi này.
Tôi chưa biết trả lời sao. Tôi chưa hề quen người khách lạ này, mặc dù tôi biết rõ chắc chắn một trăm phần trăm khách là cán bộ. Chiếc nón cối đã cũ, vải bị tưa ra ở mép, bộ quần áo vàng bạc màu, đôi dép nhựa trong, khách đã có sẵn nơi anh ta tấm lá chắn mà người Sài Gòn phải dội lại khi trò chuyện.
“Tôi có người em tên Quý, nó mang cấp bậc đại úy Hải quân, đã đi được rồi. Cũng may, nếu nó còn kẹt lại, coi như vô phương cứu chữa.”
Tôi có hiểu ý nghĩa thật lời nói của người khách. Tôi bưng ly trà lên uống một ngụm. Khách cũng bưng ly nước lên môi. Và tôi nhìn kỹ ông ta một lần nữa. Ông khá gầy, người nhỏ thó, xương hàm bạnh ra, hai gò má hóp. Tôi thấy ông ngó chăm về phía trái tôi, phía có một kệ sách. Sau vụ gọi là tịch thu “văn hóa phẩm phản động và đồi trụy” của chế độ cũ, tôi còn giữ lại được một số sách, loại khảo cứu. Thật ra lúc đến xét nhà, những người Ba Mươi Tháng Tư đồng loạt tịch thu hết, bất cứ ấn loát phẩm nào do Sài Gòn in lẫn sách của Tây phương, nhưng do trong nhóm này có một học sinh cũ của tôi, tôi được cho lại một số. Những cuốn sách này tôi vừa muốn giữ lại vì tiếc nuối, vừa muốn thải đi vì thân mình còn không giữ được nói gì những cuốn sách.
“Chú có nhiều sách quý quá!”
Khách vừa nói vừa đứng dậy bước gần kệ, mắt dán sát vào các gáy sách. Ngón tay rà lên từng đề tựa, thỉnh thoảng dừng lại ở một cuốn. Bất thình lình, khách rút ra một quyển, lật từng trang, ngó chăm chú vào một tấm ảnh rồi xếp sách lại, đặt vào chỗ cũ.
“Anh có thích những cuốn này không?” Tôi hỏi.
“Có nhiều cuốn tôi thích lắm. Quyển tự điển những nhà văn Pháp viết bằng tiếng Pháp, đây là quyển tôi rất cần.”
“Nếu anh muốn xin anh cứ tự nhiên.” Tôi nói
“Chú cho tôi mượn được chừng bao lâu?”
“Anh cứ lấy và giữ luôn cũng được.” Tôi nói dửng dưng.
“Cảm ơn chú Thăng! Cảm ơn chú Thăng! Trời ơi, tôi định đi chợ trời kiếm mấy cuốn này đấy. Xin cảm ơn chú!”
Phòng khách tôi vốn đã quá nhỏ, cái kệ sách choán hết chỗ, có lẽ dọn quách đi trống chừng nào đỡ chừng đó, để còn có chỗ cho con bò quanh quẩn.
Có tiếng đứa bé khóc. Tôi nghe tiếng Quỳnh lắc lắc chiếc nôi. Tôi sực nhớ bữa cơm ăn dở chừng. Tôi nói với khách.
“Gặp bữa, xin mời anh dùng cơm với tụi này.”
“Cảm ơn chú. Tôi cũng đang đói quá. Đi bộ từ ga xe lửa tới đây. Tôi chưa kịp ăn gì.” Khách tự nhiên.
Tôi xấu hổ vì quên mời khách. Tôi đứng dậy, khách đứng lên theo.
“Em, đây là anh Phú, bạn của anh Hai. Và đây là Quỳnh nhà tôi.” Tôi giới thiệu khách.
“Chào cô! Cô chú có căn nhà xinh xắn quá!”
“Không dám. Xin chào anh.” Quỳnh ngẩng đầu lên, tay vẫn không ngừng lắc lắc chiếc nôi cho thằng bé ngủ.
Khách ngồi xuống ghế.
Tám dọn bàn ăn, đặt bát đũa mới cho chúng tôi.
“Hình như cô Quỳnh có ông anh là đồng chí Mười Tân?” Khách hỏi, mắt hướng về phía Quỳnh.
“Dạ phải. Anh Mười Tân là con của ông bác tôi.” Quỳnh trả lời bình thường, không hăng hái lắm.
“Đồng chí Mười Tân là người trong mặt trận, một cán bộ lãnh đạo cao cấp lắm, cô chú có biết không?”
“Không. Tụi em đâu biết gì. Hôm trước ảnh có ghé thăm, nhưng không nghe ảnh nói gì.” Quỳnh nói.
“Ở ngoài Hà Nội, chúng tôi thỉnh thoảng có đọc bài của đồng chí Mười Tân. Theo tôi, đồng chí ấy là một người rất sâu sắc và rất cực đoan” khách ngừng một lúc, ngó tôi rồi tiếp “đồng chí Mười Tân là một người không biết đi lui...”
Cả Quỳnh và tôi bỗng rụt lại, im lặng chờ nghe khách nói.
“Trung ương không đánh giá cao đồng chí Mười Tân. Tính cực đoan quá khích của đồng chí ấy khiến nhiều khi cánh cửa của Ủy Ban Trung Ương vừa mới mở ra định cho đồng chí ấy vào, đã phải đóng lại.”
“Tôi không hiểu gì hết.” Tôi nói, tay cầm đũa lên mời khách.
“Rồi cô chú sẽ hiểu thôi. Liên hệ ruột thịt với đồng chí Mười Tân có thể là cái may, cũng có thể là cái rủi, dù cô chú sống ở đâu.” Khách tiếp, “Mời chú!” Khách cầm đũa lên.
Khách ăn tự nhiên, ăn nhiều, món nào khách cũng khen ngon.
“Chú tính bao giờ thì về quê thăm anh Thúc?” Khách ngừng đũa.
“Tình hình này chắc tôi phải đi ngay. Quỳnh có cháu bé chắc đi xe lửa không tiện. Tôi sẽ đi một mình.”
“Có lẽ em cũng phải đi, mang con theo. Nếu chẳng may anh Thúc qua đời, em sợ bị gia đình anh trách.” Quỳnh quay lại nói.
“Theo tôi cô chú nên đi về một chuyến. Nha Trang là thành phố có biển. Cũng tiện đôi ba bề.” Khách nhắc nhở một câu mà tôi cho là đầy ẩn ý.
Tôi cầm đũa tiếp khách, nhưng không cách nào nuốt nổi chén cơm. Chỉ trong một ngày tôi tiếp hai người. Một cô bé nằm vùng, cứ cho là như vậy đi, và một ông cán bộ tập kết. Người nào cũng hỏi một câu tại sao không đi, tại sao chưa đi. Đi hay ở? Ở lại trong sự ngột ngạt. Ra đi trong sự mơ hồ. Ở khắp nơi người ta gạt gẫm nhau. Toàn là những người quen hoặc có quen biết chút ít gạt mình chứ đâu có ai xa lạ. Màu áo vàng của người công an khu phố luôn luôn là một ám ảnh tôi. Tiếng gõ cửa ban đêm làm vỡ toang lồng ngực. Những giọt nước mắt của Kiệt báo tin cho tôi biết là ba cậu đã tự tử vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của tôi. Đi đâu khi mà đứa bé chưa đầy tuổi tôi, thuốc men thiếu thốn. Biển cả mênh mông, ghe thuyền như hạt cát, công an đầy dẫy như ruồi muỗi. Hôm qua, tôi nhớ, gặp Tâm - Khô Khốc Thiền Sư - ở quán nước bên chái nhà bà Luật Sư Đại, thấy bạn gầy càng gầy hơn. Hai con mắt sâu hoắm, yết hầu lộ ra, những ngón tay vàng khói thuốc, nhìn tôi như nhìn vào khoảng không. Hai đứa uống với nhau ly nước trà để giữ lại, không, đúng hơn là để đánh tan cái “hậu” của cà phê đã bắt đầu pha trộn cơm rang và nước vỏ măng cụt. Đắng nghét như cuộc sống trước mặt. Nhật đã bị bắt đi mất tích. Đình và Phùng phải xuống hội Văn nghệ học tập, một hình thức cải tạo tại chỗ. định thủy quân lục chiến, sau ngày bị chế độ mới tống ra khỏi Tổng Y Viện Cộng hòa với vết thương ở chân chưa điều trị xong đã phải chống gậy đi tập trung cải tạo. Xung quanh tôi là một bầu không khí đầy những “hơi gió” nghi ngờ. Mặt nạ! Mặt nạ! Mặt nạ!
“Tại sao không đi?”
(Còn tiếp)