Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Ngô Nguyên Dũng - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG VĂN CHƯƠNG

Monday, July 7, 201410:14 PM(View: 8107)
Ngô Nguyên Dũng - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG VĂN CHƯƠNG

MỘT CHẶNG ĐƯỜNG VĂN CHƯƠNG


Niên khoá 1968-1969, đậu xong Tú tài một, tôi được vào trung học Pétrus Ký học lớp đệ nhất. Giảng dạy môn triết học là một giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Đà lạt, khoa triết, kiêm văn sĩ đang được nhiều độc giả trẻ ngưỡng mộ: Nguyễn Xuân Hoàng.
blank
Tôi chú ý đặc biệt đến ông, vì từ năm học lớp đệ ngũ tôi đã bắt đầu tập tễnh viết văn, làm thơ thiếu nhi gởi đăng trang Búp-bê do nhà văn Duyên Anh phụ trách trong nhật báo Sống. Giữa thập niên 1960, tôi khởi sự dọ dẫm làm quen với sách báo văn học ảnh hưởng đậm nét trường phái văn chương tây phương đang được giới độc giả trẻ tuổi ở Sài gòn ưa chuộng.
Bữa nọ, chị tôi được bạn cho mượn quyển "Vòng Tay Học Trò" của Nguyễn thị Hoàng. Tôi xin đọc. Chị nói không được, bảo tôi chưa tới tuổi. Tôi nài nỉ. Cuối cùng chị xiêu lòng.
Cảm xúc tôi, khi mở đọc những trang sách đầu tiên, lạ lắm. Tôi thấy mình tuồn tuột rơi theo những trang chữ diễm lệ óng ả của tác giả diễn tả tâm tư cô giáo Trâm vướng víu khắc khoải vào mối tình cấm kỵ với cậu học trò tên Minh. Không khí xứ lạnh Đà lạt ấy, thứ bút pháp bóng bẩy dục tính ấy mới lạ, rất khác, hoàn toàn khác với văn phong của các tác giả trong những cột tiểu thuyết tình cảm xã hội đăng nhiều kỳ trong nhật báo. Cũng không giống những "Điệu Ru Nước Mắt" hay "Trần thị Diễm Châu" của Duyên Anh, là vài quyển tiểu thuyết người lớn đầu tiên chính tôi bỏ tiền túi mua về đọc.
Bắt đầu từ đó tôi tìm đọc những tác phẩm kén độc giả như "Con Sâu" của Dương Nghiễm Mậu, "Bếp Lửa" của Thanh Tâm Tuyền, "Sống Chỉ Một Lần" của Mai Thảo, "Sau Giờ Ra Chơi" của Nguyễn Đình Toàn, "Khung Rêu" của Nguyễn thị Thuỵ Vũ, …
Cho tới lúc đọc được văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, một lần nữa, tôi khám phá thêm một khuynh hướng sáng tác khác: tính đẹp của tư tưởng bi quan ẩn trong chủ nghĩa hiện sinh. Ở tuổi mười tám, tôi tìm đọc văn ông, ngoài vai trò độc giả, còn với tâm trạng tò mò của một đứa học trò, hy vọng nhặt ra những mảnh vụn tâm tư ẩn náu giữa những dòng chữ về con người và đời sống của người thầy mà tôi mến mộ. Tôi tìm thấy không nhiều, mà vặt vãnh như những mẩu giấy ráp một bức ảnh lỗ chỗ nhiều mảng trống.
Với cương vị giảng viên môn triết, Nguyễn Xuân Hoàng là một người thầy linh động hoạt bát. Ông dẫn dắt tuổi trẻ chúng tôi bước vào ngôi nhà triết học tây phương với những luận lý, tâm lý và đạo đức học cổ điển. Thầy Hoàng là người trẻ nhất, dáng vẻ hào hoa và diện mạo điển trai nhất trong ban giáo viên lớp mười hai của chúng tôi.
Là văn sĩ, Nguyễn Xuân Hoàng đã khai mở trong tâm thức tôi những cánh cửa bước vào cõi chữ nghĩa huyễn mộng. Cuối năm 1969, tôi rời nước du học. Bạn tôi biết tôi để ý tới văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, cho nên mỗi khi có tác phẩm mới ấn hành của ông ở quê nhà, đều gởi cho tôi. Từ đó, những "Ý Nghĩ Trên Cỏ", "Khu Rừng Hực Lửa", "Kẻ Tà Đạo", "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu" rắc mầm trong tâm tư tôi những chồi cây.
Trong "Khu Rừng Hực Lửa" tôi đã gạch dưới vô số câu và những chương tâm đắc. Tôi đã xúc động dào dạt sau khi đọc xong đoản văn "Cha và Anh", mà tôi nhớ được in trong tập truyện "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu", ấn bản in ở Sài gòn khi trước. Ngoại trừ "Kẻ Tà Đạo" là một quyển tiểu thuyết với nhiều tình tiết gút mắc, những truyện ngắn, truyện vừa hoặc tuỳ bút khác của ông là những suy tư, những ý tưởng, những nhân sinh quan của riêng ông, một nhà trí thức chịu ảnh hưởng triết lý tây phương và trào lưu chủ nghĩa hiện sinh trong văn chương, về cuộc đời, tình yêu và thân phận con người trong một đất nước chiến tranh.
Trong văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, rải rác đây đó là những tư tưởng bi quan, vô vọng trước những bất toàn của con người, tầm hữu hạn của hạnh phúc, những bất trắc của đời sống. Chính những đặc điểm ấy làm nên bản sắc văn-chương-Nguyễn-Xuân-Hoàng, không trùng lặp với ai khác. Sau "Khu Rừng Hực Lửa", một truyện vừa gây nhiều tiếng vang trong giới yêu thích văn chương, tiểu thuyết "Kẻ Tà Đạo" là tác phẩm thành công rộng rãi của ông, ấn hành năm 1973. Quyển truyện là một phim bản linh động kể lại sinh hoạt của giới trẻ, giới văn thi sĩ và chính trị gia Sài gòn vào cuối thập niên 1960 với những phân cảnh yêu vội sống cuồng lồng trong tình huống chính trị rối reng, không lối thoát. Cá tính và cách ứng xử của những nhân vật nam qua bút pháp Nguyễn Xuân Hoàng, như Thăng trong "Kẻ Tà Đạo", không cường điệu thái quá, không công-tử-tính cổ điển như một tay chơi đất Hà thành vào những thập niên 40, 50 của thế kỷ 20 qua ngòi bút Mai Thảo, mà hờ hững, lãnh đạm trước thực trạng chính trị và xã hội như một kẻ mộng du giữa ban ngày. Và Thăng đi về phân vân giữa những nhân vật nữ.
Loại văn phong được Nguyễn Xuân Hoàng sử dụng, gán ghép cho những vai trò văn chương rất thời thượng, rất "tây", rất trí thức, nhiều phim ảnh tính. Và thụ động.
»… Tôi là một người đàn ông thụ động. Tôi không biết sục sạo tìm kiếm như con gà bươi móc trong đống rác ngoài sân để mổ được chút hạt gạo thừa.
Tôi thụ động trong tận cùng xương tuỷ …« (i)

Không phải chỉ riêng những nhân vật nam trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Hoàng chất chứa tâm trạng thụ động ấy, mà không ít người thuộc giới trí thức cũng như văn thi sĩ thời bấy giờ cũng cùng quan điểm như họ. Phần lớn, có lẽ, bắt nguồn từ bối cảnh chiến tranh. Ranh giới sống chết quá mong manh. Cánh cửa hướng về tương lai khoá kín. Quan niệm về cuộc sống trong văn chương ông tuy mù mờ bảng lảng, nhưng vẫn khiến người đọc nghĩ ngợi. Nó bóc vỏ những bí ẩn về tính hiện hữu của đời sống, mặc dù không sắc sảo, tinh tế như văn chương Võ Phiến, nhưng đủ đậm để khắc dấu thành một ấn tượng Nguyễn Xuân Hoàng.
Sau biến cố 1975, tôi trực tiếp tham dự vào các diễn đàn văn chương hải ngoại. Khi được tin thầy tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cùng gia đình sang Hoa kỳ định cư, tôi tìm cách liên lạc. Trong lá thư đầu tiên trả lời tôi, ông đề nghị sửa cách xưng hô, gọi bằng "anh" thay vì "thầy". Kể từ đó, tôi thường xuyên theo dõi văn nghiệp ông. Ông viết không nhiều, không bền bỉ dài hơi như Nguyễn Mộng Giác, nhưng tương đối đều đặn.

Những sáng tác ở ngoài nước của ông, tôi được ông gởi tặng bốn quyển: truyện dài "Người Đi Trên Mây", tái bản của "Kẻ Tà Đạo" với nhiều nhuận sắc và sửa đổi, là quyển một trong trường thiên tiểu thuyết cùng tựa (ii), tập truyện "Căn Nhà Ngói Đỏ", truyện dài "Sa Mạc" và tập truyện tái bản "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu".
Đọc "Người Đi Trên Mây", tôi bỡ ngỡ vì không thấy lại những chương, những đoạn và những câu văn đã từng làm tôi rung động trong "Kẻ Tà Đạo". Cá nhân tôi ưng ý bản chính hơn bản nhuận sắc ấn hành ở Hoa Kỳ, vì "Kẻ Tà Đạo" sắc nét và đậm đà cảm tính hơn "Người Đi Trên Mây", với những ý nghĩ thú vị về văn chương và điện ảnh của nhân vật Thăng. Hoặc, có lẽ chỉ vì "Kẻ Tà Đạo" đã bầu bạn thân thiết cùng tôi suốt nhiều năm tha hương đầu tiên.
Mở tập "Căn Nhà Ngói Đỏ", lòng tôi chùng xuống, khi đọc lại dòng chữ ông ghi thêm trên truyện ngắn "Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự": "Tặng Ngô Nguyên Dũng tự truyện này. N.X.H.". Chi tiết thân ái này của ông dành cho tôi, từ lâu rồi tôi quên bẵng. Tôi tần ngần đọc lại đoản truyện, lần này với nhiều xúc cảm sâu xa như thể chính tôi là người hứng chịu những nghịch cảnh, những mất mát.
Chuyện kể kết thúc như sau:
"… Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi buồn bã. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó." (iii)
Một hôm, đã lâu, tình cờ tôi xem được một cuốn phim Ý đen trắng cũ của đạo diễn Federico Fellini chiếu trên truyền hình: "La Strada", Anthony Quinn diễn vai chính. Phim kể về cuộc sống lang bạt nay đây mai đó của một gã đàn ông cục súc hành nghề xiếc dạo, giang hồ mưu sinh cùng một thiếu nữ phụ việc … Sực nhớ lại, trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, đã có lần ông đề cập tới một cuốn phim có nội dung tương tự với nhạc phim là một khúc kèn đồng não nuột, mà không nhắc tới tựa. Soạn lại những gáy sách cũ, tôi tìm thấy độc nhất một quyển của ông: "Kẻ Tà Đạo". Những cuốn khác thất lạc đâu mất. Tôi bâng khuâng lật từng trang sách úa vàng hoài niệm. Và tôi tìm ra đoạn văn ấy (iv), cũng như những suy nghĩ rời của nhân vật Thăng, xưng tôi, đôi ba lần đề cập tới W. Somerset Maugham. Luôn cả câu văn trích từ một truyện ngắn của Maugham đã được Nguyễn Xuân Hoàng đem in lên bìa sau, làm nền cho quyển sách, đã bám víu tôi một khoảng thời gian dài:
"Thảm kịch của tình yêu không phải là cái chết hay sự chia phôi … Thảm kịch của tình yêu chính là sự dửng dưng." (v)
Những mẩu chuyện nhắc nhớ bên lề của ông, từ một cuốn phim không đề tựa cho tới câu văn trích dẫn nói trên, đã bắt tôi lùng mua tất cả sách truyện của W. Somerset Maugham được chuyển sang Đức ngữ, để tìm cho ra manh mối, được trích dẫn từ truyện ngắn nào. Nhờ vậy mà tôi đã đọc sạch ráo toàn bộ trước tác của Maugham. Văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng, vì vậy, có thể nói, là tác động làm vỡ mạch những đam mê văn chương, âm nhạc, điện ảnh trong tôi. Và tôi viết. Viết để giải toả những ứ nghẽn của tư tưởng. Viết để thăng hoa ý nghĩ thành những trang chữ hào nhoáng. Viết để khai sinh những bóng hình hư cấu. Viết để biểu lộ thái độ tự mãn, rúng ép những nhân vật hành động theo ý mình.
blank
Nguyễn Xuân Hoàng
(bìa sau "Kẻ Tà Đạo",
Sài gòn, 1973)
Năm 2002, trong chuyến đi Cali thăm bạn, tôi và bạn có tham dự một buổi nhạc thính phòng vinh danh nhạc sĩ Phạm Duy. Sau giờ trình diễn, ca sĩ Quỳnh Giao dẫn tôi vào dự buổi tiếp tân, gặp gỡ ca nhạc sĩ. Tình cờ tôi tái ngộ nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cùng hiền thê là chị Trương Gia Vy. Chào hỏi nhau xong, ông nhoẻn cười nhìn tôi:
"Ngô Nguyên Dũng thấy anh ra sao?"
Tôi không nhớ tôi đã trả lời ông như thế nào, vì trong khoảnh khắc ấy, thú thật, tôi đang bối rối. Ồn và đông, quá đông những khuôn mặt vang tiếng trong giới ca nhạc sĩ hiện diện, mà tôi chỉ là một tham dự viên "đi ké", không được mời, cũng không phải khán giả mua vé hạng nhất. Tôi nán lại thêm chốc lát, rồi lẻn về.
Từ đó tới nay, tôi và ông gần như bặt tin nhau.
Giờ đây, đọc và ngẫm lại, tôi nhận ra có điều gì dường như nghịch lý trong câu văn ghi trên của W. Somerset Maugham. Ví dụ như, thay "tình yêu" bằng "đời sống" và hoán đổi mệnh đề, thành:
"Thảm kịch của đời sống không phải là sự dửng dưng … Thảm kịch của đời sống chính là cái chết hay sự chia phôi", thì sao?
Theo thời gian, sở đọc văn chương của tôi có phần thay đổi. Đọc lại dăm ba quyển sách đã một thời làm tôi ngẩn ngơ đêm ngày, tôi không còn xúc động như xưa. Bi thảm hơn nữa, tôi cảm thấy có điều gì đó không thật giữa những hàng chữ. Không phải tôi thất vọng. Đúng hơn, tôi hoài nghi. Nhưng những trang sách của Nguyễn Xuân Hoàng là một trong vài ngoại lệ nằm trong sở thích tôi. Thỉnh thoảng có dịp, tôi lấy ra, đọc lại. Những bóng ảnh quá khứ trồi lên, quay quắt. Thời hoa niên hừng hực nắng Sài Gòn. Những khuya tha hương quạnh quẽ, tôi viết nằm trong căn phòng hẹp. Chữ ứa ra giấy. Băn khoăn dập xoá. Lắm khi rúng động theo tâm tình của nhân vật. Đôi lúc gục đầu ngủ quên trên bản thảo.
Gấp sách, tắt đèn, tôi mở cửa sổ. Nhà trọ hai gian như hai hộp diêm kề cận nhau trong ngõ cụt. Cũng khung cửa ấy, những sáng mùa hè mở ra vườn nắng, nhác thấy con bồ câu trên đầu hồi mái nhà hàng xóm, cúc rúc rời rạc. Cứ vậy, lẻ loi, nhẫn nại nhiều sáng liên tiếp. Cho tới sáng nọ, sau một lúc cúc rúc, bất chợt nghe tiếng cánh xoạc. Một con bồ câu khác sà xuống, cách đoạn rụt rè một sải tay. Lấc ngấc dè dặt ngó nhau một chặp, đoạn con trống đập cánh, liệng một vòng biểu dương tài mọn. Rồi đậu lại, gần hơn, vờ vĩnh ngó mông. Tưởng xong, ngờ đâu một con thứ ba, rồi thứ tư xúm lại, ngúc ngắc xum xoe. Không biết tính toan ra sao, đột ngột cả bốn vỗ cánh túa lên, mất dạng.
Đứng yên như vậy một đỗi lâu. Hương đêm tháng tám lùa vào, se se dịu dàng. Đêm ngoài chập chùng úp tay lên vườn cây. Không một hơi gió. Ngoài kia tịch mịch, rỗng rang. Nhưng trong tôi chật chội những ý tưởng, những hình bóng. Không dưng một câu hát lướt ngang trí: "Để lại cho ai. Buồn như giọt máu …" (vi). Đam mê văn chương trong tôi như một thương tích, tưởng lành, không dưng loét đau, rỉ máu. Hồi tưởng nhiều thập niên dài. Đọc và viết, chỉ mình tôi với chữ, thâu đêm. Chuyện văn chương, cũng như kiếp nhân sinh, phải chăng chỉ là những vui buồn phù du chất nặng chiếc thuyền bào ảnh, là một giấc huyễn mộng dài?
Nhưng dù là gì đi nữa, tôi tin rằng, những tác phẩm của thầy tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, vẫn vững chãi với thời gian. Chữ nghĩa của ông hội đủ sức đề kháng, chống chọi lại những huỷ diệt không thương tiếc của năm tháng qua dòng biến động lịch sử. Cùng với nhiều văn nhân thi sĩ tài danh khác, ông là một tên tuổi, một khuôn mặt quan trọng góp phần gầy dựng một nền văn học rực rỡ của miền Nam, thời kỳ 1954-75 nói riêng, và của toàn cõi Việt nam nói chung.
Một lần nữa, tôi cám ơn đời đã cho tôi cơ hội góp mặt trên văn đàn, để tôi có dịp cùng đi với ông, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trên nẻo về văn chương vô tận. Dẫu chỉ một chặng đường ngắn ngủi.
(Đức, tháng 8. 2013)


i Kẻ Tà Đạo, tr. 22, nxb. Nguyễn Đình Vượng, Sài gòn, 1973. (Không tìm thấy trong ấn bản "Người Đi Trên Mây".)
ii Bụi và Rác: quyển hai của bộ tiểu thuyết "Người Đi Trên Mây", tôi không được đọc.
iii Căn Nhà Ngói Đỏ, tr. 27-28, nxb. Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1989.
iv n. tr., tr. 192-193. (Không tìm thấy trong ấn bản "Người Đi Trên Mây".)
v »The tragedy of love is not death or separation ... The tragedy of love is indifference.«, Red, W. Somerset Maugham. (Trong "Người Đi Trên Mây", tái bản của "Kẻ Tà Đạo", đoạn văn được nhân vật xưng tôi nhớ và thuật lại rành rẽ truyện ngắn nói trên của W. Somerset Maugham - Kẻ Tà Đạo, tr. 335-336, nxb. Nguyễn Đình Vượng, Sài gòn, 1973 - được rút gọn: "Rồi chị Quỳnh sẽ hiểu. Yêu nhau mà không lấy nhau được đến nỗi phải chia tay, hoặc phải đi tìm cái chết... thì tình yêu ấy vẫn tồn tại. Thảm kịch của tình yêu chính là người nầy dửng dưng dưới mắt người kia trong khi vẫn sống bên nhau." Tôi nhớ lại một truyện ngắn của nhà văn Anh, ông Somerset Maugham, mà có lần tôi đã thấy trên kệ sách trong nhà này... - Người Đi Trên Mây, tr. 245, nxb. Người Việt, Hoa Kỳ, 1987.)

Trích đoạn ca khúc "Lặng Lẽ Nơi Này", Trịnh Công Sơn.

Ng
ô Nguyên Dũng