Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - ĐỌC MỘT BÀI THƠ MỚI CỦA TRẦN MỘNG TÚ

03 Tháng Bảy 20149:02 CH(Xem: 2370)
Nguyễn-Xuân Hoàng - ĐỌC MỘT BÀI THƠ MỚI CỦA TRẦN MỘNG TÚ


ĐỌC MỘT BÀI THƠ MỚI CỦA TRẦN MỘNG TÚ




Đọc một bài thơ mới của Trần Mộng Tú
Đọc một bài thơ mới của Trần Mộng Tú

Đến California vào ngày 21 tháng 4, 1975, cách nay đúng 35 năm, nhưng Trần Mộng Tú đã có 40 năm viết văn làm báo. Hãy đọc bài thơ Bản Tin Trong Ngày của Trần Mộng Tú viết năm 1969 để thấy nhà thơ-nhà báo của chúng ta đã sống và viết như thế nào:

… Ở toà báo em làm
những người phóng viên
đang thu xếp ngày mai ra Đà Nẵng
không có ai đi Kiên Giang
làm sao em gửi được cho anh
một nụ hôn vào chiếc bao thư
làm sao em gửi được cho anh
những giọt nước mắt sáng nay của em
vào trong bao thuốc lá

Em se mình trong toà báo
hoang mang
cúi xuống một bản tin mới ra
….

Em gọi trong lồng ngực đáng thương của mình

Ôi anh!
Ôi anh!
Ôi anh!

Buổi chiều
em trở về
chiếc xích lô vẫn còn đầy gió.

Bốn mươi năm sau, tháng Tư, 2009, trong bài thơ Có Phải Tôi Không?, Trần Mộng Tú viết:

Có người gửi tôi tấm hình trên mạng
cô gái Sài gòn áo trắng khăn tang
đi trong Sài gòn bốn mươi năm cũ
có gái trong hình có phải tôi không

Ô hay tự nhiên tại sao tôi nhận
Sài gòn cả trăm cô gái giống tôi
cả ngàn khăn tang trên đầu goá phụ
goá phụ còn hồng một vệt son môi

Ô hay tại sao tự nhiên tôi chối
Sài gòn ngày ấy trắng toát khăn tang
những cô trẻ lắm mắt đầm đìa lệ
theo tay ai dắt đi vào nghĩa trang

Sài gòn bây giờ khói nhang đã tắt
goá phụ ngây thơ tóc đã phai xanh
nhìn lại tấm hình nhận ra cô gái
khẽ gọi tên cô
Trần Thị Chiến Tranh.


Hai bài thơ Trần Mộng Tú viết cách nhau 40 năm, nhưng người đọc nhận ra đó là một câu chuyện, một câu chuyện dài trên bốn mươi lần của 365 trang-ngày giấy. Một cuốn sách dày trên 14.606 trang-ngày mà người đọc dù không được đọc những trang giữa cũng có thể hình dung ra một câu chuyện tình thời chiến. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó, Trần Mộng Tú sẽ cho người đọc một tác phẩm có tên là Trần Thị Chiến Tranh.

Nhưng có vẻ như, Có Phải Tôi Không? chưa hẳn là chương cuối của Trần Thị Chiến Tranh. Lần này, tháng Tư, 2010, trong khung cảnh Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại, Trần Mộng Tú lại vừa gửi đến cho chúng ta sáng tác mới nhất của chị: bài Thơ của người lính trong nhà già.

Liệu đây có phải là những trang chót trong tác phẩm Trần Thị Chiến Tranh của Trần Mộng Tú? Đó là một câu hỏi không cần câu trả lời, bởi vì – như lời chị nói - dù thời gian có làm xoay chuyển cái môi trường sống của Trần Mộng Tú đến thế nào đi nữa thì những hình ảnh của những người chiến sĩ Việt Nam ngày xưa vẫn thấp thoáng trong thơ văn của chị. Trần Mộng Tú trẻ thì họ trẻ, Trần Mộng Tú già thì họ cũng già theo nhà thơ. Họ luôn luôn hiện diện trên từng trang chữ của chị.

TRẦN MỘNG TÚ

Thơ của người lính
trong nhà già

Tôi ngồi đây
căn nhà già
chiếc ghế già
tất cả đồ đạc có mùi tuổi tác
bàn tay tôi

da nhăn như lịch sử

tôi ngồi đây
buổi chiều xuống thấp
sao hôm mờ mờ
những chiếc lá ngoài kia
hình như đang buồn ngủ
những chiếc lá sống thêm một ngày
đi dần về con phố mùa đông
những chiếc lá không biết gì
về lịch sử
những chiếc lá chưa hề nghe bom nổ
trong tĩnh lặng của một vòng tròn

tôi ngồi đây
trong tĩnh lặng của một vòng tròn
tôi nghe bom nổ
tôi nghe tiếng súng
tiếng mìn
tiếng pháo kích
tiếng kêu thất thanh
tiếng gào
tiếng khóc
và cả tiếng rơi của một bông hoa

chưa kịp nở

tôi ngồi đây
người lính già
ở một quê hương khác
kê lại tuổi mình
trên viên gạch thời gian

người lính
người tù
khi được sống khác đi
không biết làm sao sống
quê quen
đất lạ
hai sân khấu
đóng hoài không biết đổi vai
cả hai cùng lạc chỗ
cả hai cùng cúi xuống
vỗ về tôi

tôi ngồi đây
trong căn nhà già
bỗng thấy mình rất lạ
da nhăn nheo
nhưng ký ức trong veo
ký ức đổ tràn
những ống mầu trong lồng ngực
rồi dịu dàng treo một bức tranh

Một bức tranh
không có tựa đề
vẽ bằng rất nhiều cây cọ
lớn nhỏ khác nhau
mầu xanh
mầu trắng
mầu vàng
mầu đỏ
mầu đen
khẩu hiệu hung hãn
dấu hiệu hòa bình
cùng vẽ vào một góc
ngũ sắc

vẽ thêm những dòng nước mắt
vẽ được môi cười
vẽ được cả đả đảo hoan hô
ngũ sắc

tôi cúi xuống bàn tay mình
da nhăn như lịch sử
có phải chính tôi
đã phụ vẽ
bức tranh này

tôi ngồi đây
trong căn nhà già
chiếc ghế già
tất cả đồ đạc có mùi tuổi tác
bàn tay tôi
da nhăn như lịch sử
buổi chiều xuống chập choạng
ngoài kia

cúi nhìn xuống vết thương
giữa ngực mình

chao ôi,
vết thương
còn trẻ lắm!

TRẦN MỘNG TÚ
Tháng Tư, 2010


* Tác giả dùng chữ “nhà già” thay cho Viện Dưỡng Lão

NGUYỄN XUÂN HOÀNG