Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG MƯỜI HAI, 1999

02 Tháng Bảy 201410:06 CH(Xem: 2415)
Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG MƯỜI HAI, 1999


SỔ TAY THÁNG MƯỜI HAI, 1999


Chào mừng nhà văn Andrew X. Pham

Cao, hơi gầy, tóc cắt ngắn, ngắn gần như cạo trọc, một khuôn mặt khắc kỷ, một nụ cười hiền, nhưng đôi mắt dưới tròng kính trắng là một đôi mắt buồn, nhà văn Andrew X. Phạm , tác giả cuốn Catfish and Mandala nói với tôi bằng một thứ tiếng Việt không sỏi lắm..

Đó là một buổi tối thứ Năm 21 tháng Mười, 1999, tại trường Đại Học San Jose State University, nơi anh đã đến ký sách và nói chuyện. Cuốn sách là một hồi ký rất văn chương của một người Việt Nam rời bỏ đất nước - khi còn là một chú bé con, vào năm 1977 - trên một chiếc ghe vượt biển. Gần 20 năm sau, 1996, anh trở về trên một chiếc xe đạp khởi từ Vùng đất điện tử, để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi về bản chất văn hóa của anh, về cái chết của người chị đầy trắc trở và về mảnh đất quê hương vẫn còn hằn trong trí nhớ anh.

Andrew X. Phạm nói "chuyến du hành này đã cho tôi biết rằng tôi là người Việt Nam hơn tôi tưởng và ít chất Mỹ hơn là tôi mong muốn. Hầu như mỗi đứa trẻ thuộc thế hệ thứ nhất lớn lên ở Mỹ, vào một lúc nào đó, đều tin chắc rằng mình hoàn toàn là một người Mỹ trên mọi ý nghĩa...."

Cuốn sách với tựa đề phụ là A Two-Wheeled Journey through the Landscape and Memory of Vietnam. là một tác phẩm nặng chất văn chương [hơn chất hồi ký] với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Mặc dù rời bỏ Việt Nam ra đi lúc mới 10 tuổi, Andrew X. Phạm trở lại quê nhà đã tìm thấy lại một mảnh đất tràn đầy kỷ niệm.. "Bây giờ qua khung cửa kính nhuộm màu, tôi thấy một buổi chiều Sài Gòn như những buổi chiều khác trước đây. Tôi thấy mặt trời lặn đang chìm xuống trên những ngọn cây cổ thụ và những cây "ăng-ten" chia chỉa trên mái những ngôi nhà xếp lớp nhau... Các quán kiosk dọc theo con lộ, không có lề đường , đón lấy dòng người do xe cộ đùn lên. Những người bán bánh mì, những bà già với những đôi tay đầy dầu mỡ, ... Những người đàn ông ở trần , da rám nắng, mặc quần dùi, đi dép cao su, ngồi xổm nướng thịt trên chiếc chảo sắt. Một con chó lông loang lổ cạnh sườn, ngửi phân một con chó khác. Trong một ngõ hẽm, bà mẹ và cô con gái chiên bánh và gói trong những tờ giấy báo bẩn.." Và anh gặp lại những người khốn cùng trong xã hội, những đứa bé ăn xin ở Hồ Con Rùa, ở chợ Bến Thành. Mỗi góc đường nhung nhúc những người đàn ông tàn tật, những người đàn bà với những vết thương lở lói bưng mủ. Từ những chỗ sưng tấy lên , da thịt ung thối tỏa ra một mùi hôi nồng. Những bé trai què quặt nằm trên tấm gỗ có bánh xe thô sơ, bò lết với đôi tay mang dép và một cái lon xin tiền cặp giữa những hàm răng bẩn. .... Một đoạn văn cho thấy xã hội đất nước ta còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, cần biết bao nhiêu những người như Mẹ Teresa. Trái đất này còn nhiều khổ đau - tất nhiên?- nhưng cái mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra và bỏ đi, sống cuộc đời tha phương cầu thực, khi quay về nhìn lại sao mà bi thảm đến thế. Làm sao? Phải làm sao? Đừng nói chi xa. Hãy nói đến chiếc xích lô. Chiếc xích lô với người phu xe ngồi sau rướn mình nhấn bàn đạp chở một đôi thanh niên khỏe mạnh, ăn mặc đẹp đẽ sao nó làm lòng tôi xốn xang đến thế! Những chiếc xích lô làm đề tài cho những cuốn phim từ Trần Anh Hùng đến Tony Bùi, như một cách nhìn Việt Nam, nhưng cái tôi nhìn quê hương tôi là làm sao trong những thứ cần thay đổi, tôi mong sao cho chiếc xích lô không còn tồn tại trong trí nhớ của người ngoại quốc nữa. Trong những thứ làm nên văn hóa Việt Nam, xin xóa dùm tôi chiếc xích lô. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự đầy ải và hạ thấp con người là điều không thể chấp nhận được. Chiếc xích lô là một trong những "nghề" sau cùng phải được lấy ra khỏi đời sống người dân Việt Nam. Cùng lắm nó chỉ được coi là tấm ảnh vàng úa trong cuốn album bị bỏ quên trong ngôi nhà quá khứ. Có người sẽ hỏi: Vậy chứ nếu bỏ cái xích lô đi thì những người đạp xích lô sẽ sống bằng gì? Câu hỏi đó phải để cho những người đang cầm vận mệnh đất nước trả lời. Và tôi nghĩ câu trả lời đó cũng dễ thôi.

Cùng với Nguyễn Quí Đức, Andrew Lâm, Trần Đệ, Lai Thanh Hà, Lily Dizon,... Andrew X. Phạm đã mang đến người đọc bản xứ và cho thế giới văn chương cái nhìn của một người Việt Nam đạp chân trở lại trên chính mảnh đất quê hương mình.

Miền Trung chìm trong biển nước

Cái quê hương mà Andrew Phạm trở về không chỉ nghèo khó - trong cảnh phồn vinh bề mặt ở các thành thị - mà nó còn bị "trời hành cơn lụt mỗi năm" như trận lũ đầu tháng Mười Một vừa qua. Cả miền Trung chìm trong lũ lụt. Ở Huế chỉ trong vài tiếng đồng hồ sáng ngày 2 tháng Mười Một, nước sông Hương, sông Bồ dâng cao dìm cả thành phố và các vùng lân cận dưới biêûn nước. Báo trong nước cho biết đến 4 giờ chiều cùng ngày đã có 58,000 ngôi nhà trong tỉnh Huế-Thừa Thiên chìm trong cơn lũ. Giao thông hoàn toàn bị gián đoạn. Điện bị mất, truyền hình ngưng phát sóng. Chỗ bị ngập sâu nhất tại Huế lên đến 7, 8 thước. Tại Quảng Trị, mực nước sông Thạch Hãn lên đến 7. 24 thước. Báo cho biết 60,000 ngôi nhà bị chìm trong nước. Một chi tiết làm chúng ta chảy nước mắt: "Bệnh viện Triệu Hải nước lũ đã ngập giường các bệnh nhân." Những bức ảnh của hãng thông tấn chụp hôm 3 tháng Mười Một, 99 tạ xã Cẩm Kim, Hội An cho thấy nhân viên giải cứu chèo ghe gần những mái nhà tranh ngập nước; một bứckhác chụp một phụ nữ chèo ghe thúng chạy lụt có chở theo con chó nhỏ, căn nhà ngói phía sau nước ngập gần mép cửa sổ, và trên căn gác ngôi nhà một cô bé chừng 10 tuổi đứng ngó xuống ... Tôi không nhớ rõ mình đã chúng kiến trận lụt nào những ngày còn nhỏ ở quê nhà. Nhưng khi lớn lên ở Dalat, rồi Sài Gòn tôi chưa thấy một trận lũ nào như hình ảnh miền Trung chìm trong biển nước như tôi được thấy trong những bức ảnh này. Ở Nha Trang, trong những năm tiểu học tôi chỉ còn nhớ những ngày mưa bão lớn, con đường dọc theo biển chạy dài từ Nhà Giây Thép xuống Cầu Đá nước biển tràn lên mặt đường theo từng đợt sóng. Biển giận dữ điên cuồng gào thét. Biển đục ngầu ghê rợn. Biển địa ngục. Biển như một nấm mồ mở tung nấp ván thiêng đầy những oan hồn nổi dậy . Những hàng cây dọc đường Yersin trốc gốc. Những cành cây còn nguyên lá xanh nằm ngổn ngang trên mặt đường. Những trụ điện ngã nghiêng. Thành phố suốt đêm không còn ánh sáng. Bãi cát trắng nơi tôi vẫn thường xuống ngồi nhìn những con tàu ngoài khơi tưởng tượng những chuyến đi xa, tưởng tượng những thành phố mình sẽ đến, tưởng tượng những chuyện thần tiên chỉ có trong sách cổ tích.... cái bãi cát làm nền cho trí tưởng tượng của tôi đã hoàn toàn chìm trong biển nước. Những cây dừa và những tàu lá ngả nghiêng theo chiều gió. Lụt miền Trung và thành phố tuổi thơ của tôi bây giờ ra sao?

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Tháng Mười vừa qua - đúng ra là ngày 13 tháng Mười - người đọc yêu mến nhà văn Vũ Trọng Phụng đã tưởng niệm 60 năm ngày ông qua đời. Tác giả của Giông Tố, Số Đỏ, ... lừng danh với câu nói bất hủ "Biết rồi, khổ lắm , nói mãi!", cha đẻ của những nhân vật Xuân Tóc Đỏ, Bà Phó Đoan, Cụ Cố Hồng, Nghị Hách, Thị Mịch, ... Vũ Trọng Phụng là một trong số rất hiếm nhà văn Việt Nam "không ai bắt chước được, không ai theo kịp được", (Nguyễn Tuân,) "ông vua phóng sự đất Bắc", (Lãng Nhân Phùng Tất Đắc), "tiểu thuyết gia trác tuyệt của văn học Việt Nam (Nguyễn Đình Thi). Mười tám tuổi (1930) có truyện ngắn đầu tay - Chống Nạng Lên Đường - in trên tờ Ngọ Báo, chín năm sau vừa kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ chín - Trúng Số Độc Đắc - trước khi qua đời vì bệnh lao. Một nhà văn chết vì suy dinh dưỡng ở tuổi 27, Vũ Trọng Phụng đã làm người đọc ngạc nhiên trước khối lượng sáng tác gần như đồ sộ trong thời gian cầm bút ngắn ngủi của ông: ba mươi truyện ngắn, chín tiểu thuyết, tám tập phóng sự, sáu vở kịch. Đó là chưa kể bản dịch vở kịch Lucrèce Borgia của Victor Hugo, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị xã hội, văn hóa. (GS Trần Hữu Tá).

Nhà văn "trác tuyệt của văn chương Việt Nam", "ông vua phóng sự đất Bắc" sống cuộc sống ngắn ngủi vì triền miên đói khát, vậy mà sau khi chết cũng không yên thân. Hai mươi năm sau ngày ông qua đời, 1958, Hà Nội bắt đầu "vạch lá tìm sâu" trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng. Người ta gọi ông là tác giả "khiêu dâm", là "trốt-kít", sách ông trong thư viện bị bỏ vào khu vực nghiên cứu đặc biệt, muốn đọc phải có giấy giới thiệu Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phan Cự Đệ của Hà Nội, năm 1960, khi viết giáo trình Văn Học Việt Nam 1930-1945 (nxb Giáo Dục - 1961) không xem Vũ Trọng Phụng như một tác gỉa. Đến cuối năm 1960, Viện Văn Học [Hà Nội] tổ chức hai cuộc thảo luận về Vũ Trọng Phụng đưa ra những "ý kiến": "Nghe nói" Vũ Trọng Phụng lúc còn sống có nhận tiền của mật thám Pháp, Vũ Trọng Phụng là một "nhà văn lưu manh", "chỉ giỏi xỏ xiên", "không có gì đáng nghiên cứu",... Cho mãi đến năm 1983, Vũ Trọng Phụng mới được ghi nhận trong câu nói của Nguyễn Khải về cuốn Số Đỏ: "cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho một nền văn học."

Trong một bài tham luận Hội Thảo Tưởng Niệm 50 Năm Ngày Mất Vũ Trọng Phụng đọc tại Văn Miếu Hà Nội, [ngày 12 tháng Mười, 1989] ông Hoàng Thiếu Sơn cho rằng cuốn Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng "chỉ muốn nói đến bọn nhơ øvận may chó ngáp phải ruồi mà nên sự nghiệp " và ông cho rằng cái văn tài của Vũ Trọng Phụng là "đã cho ta thấy tất cả cái gọi là vô nghĩa lý của xã hội." Điều này Vũ Trọng Phụng đã viết trong các tác phẩm của ông, "còn lòng xót thương thì Vũ Trọng Phụng đã để dành cho một cuốn tiểu thuyết khác, tiếp theo Số Đỏ, mà tác giả đã đặt tên là Số Đen. Nhân vật trong tác phẩm này là một con người hết sức đáng trọng vì nhân phẩm mà rất đáng thương vì cuộc đời gặp toàn sóng gió, trải qua mọi nỗi bất công. Số Đen trùm lên cả cuộc đời của nhân vật như thiên la địa võng, thật là chạy trời không thoát." Cho đến nay, mười năm sau khi phát hiện có một tiểu thuyết mang tên Số Đen của Vũ Trọng Phụng, người ta vẫn chưa có cái "may mắn" được nhìn thấy mặt mũi của đứa con bị bỏ quên của nhà văn có mộït số phận đen đủi này.

Tưởng niệm 60 năm ngày mất của tác giả Số Đỏ, người đọc Vũ Trọng Phụng lại thêm một lần nữa nhìn thấy văn học Việt Nam từng có một nhà văn lớn, nhà viết phóng sự lớn.

Thầy Tôi

Hồi ở Đại học Dalat, người Thầy để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất có lẽ là Linh Mục Alexis Cras,** giáo sư phụ trách môn Siêu Hình Học. Tôi còn nhớ dường như gần suốt ba năm trời ông chỉ giảng đi giảng lại có mỗi một câu của Martin Heidegger. Ông có phong thái của một vị Thánh hơn là một giáo sư. Tôi không hiểu được gì nhiều qua những lời Cha giảng. Nhưng tôi học được nhiều điều nơi Cha qua cách sống. Tôi khám phá ra mỗi người chỉ có một đời sống để sống và gắng sống sao cho ra con người. Một con người tử tế. Làm con người tử tế giống như người đi trên giây xiếc. Nếu không đứng thẳng rất dễ ngã. Nói về Heidegger hay nói về Sartre, về Merleau-Ponty hay về Karl Jaspers, bao giờ Cha cũng đi kèm theo một tác giả Việt Nam. Cha thích nói về tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên, về nhà văn Khái Hưng, nói về một ngôi nhà thờ Hà Nội, về một con đường của một thành phố mà chưa bao giờ tôi đặt chân đến. Trong lớp tôi có 28 sinh viên thì có đến gần 20 người là đi đạo Chúa. Tôi nằm trong số người ít ỏi còn lại. Tôi là một người athéiste. Cha thường bảo tôi là hãy giữ những gì con đang có, học thuyết chỉ là cái để nghe, để làm giàu sự suy tưởng của mình. Học thuyết không làm thành đời sống, chính đời sống mới làm thành học thuyết. Cha bảo hãy đọc Goethe đi. Đó là một con người vĩ đại. Nhưng tôi chỉ đọc Camus và tôi không cách sao mê nổi Goethe, Tôi thích Gide. Nhưng khi Gide bảo "Ôi gia đình, ta ghét ngươi!" thì tôi thấy mình không thể sống được nếu không có gia đình. Tôi khám phá ra tâm hồn tôi là hễ cứ yêu một thứ gì thì có nghĩa là phải làm ngược lại những gì thứ ấy mong mỏi. Đối với tôi Cha Cras là hình ảnh của một mẫu người dẫn đường. Cha đã dẫn tôi đi ở vào lứa tuổi mà tôi biết rằng chỉ có sức mạnh của bàn tay và quyền lực mới xứng với khát vọng tuổi trẻ tôi. Tôi đã từng đánh nhau với những thằng sinh viên mất dạy nhất ở sân trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Tôi đã có lần cứa cổ một thằng ưa dùng tay chân dao búa trên sân Cù Dà Lạt năm tôi mười tám tuổi. Nhưng tôi cũng đã có lần chảy nước mắt vì một bàn tay dịu dàng xoa vết chém trên lưng tôi trong một buổi tối trong khu chợ cá Trần Quốc Toản. Tôi đã sợ hãi vì đôi mắt buồn rầu của mẹ tôi khi tôi bảo là tôi sẽ bỏ học ra đi - mà không biết đi đâu. Đôi khi tôi thấy mình giống như một thằng trôi sông lạc chợ. Tôi biết mình dễ trở nên một tên du đảng hơn là một cậu học trò may mắn đứng đầu lớp. Học cho lắm vào, cha tôi thường nói, đầu óc mày cũng chỉ có một dúm cỏ chữ nghĩa là cùng. Cỏ chữ nghĩa, cha tôi thường bảo vậy, chẳng hù dọa được ai đâu. Cho tới bây giờ sự hiểu biết mà tôi có thật ra cũng chỉ là một dúm cỏ. Cái hiểu biết thực sự của mình sao mà nó tầm thường, nhỏ nhoi.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG