Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG BA, 2000

02 Tháng Bảy 20149:42 CH(Xem: 2550)
Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG BA, 2000



SỔ TAY THÁNG BA, 2000




Ba bài thơ mới tìm được của Mai Thảo

Anh Nguyễn Đăng Khánh, bào đệ của nhà văn Mai Thảo vừa gửi cho Sổ Tay ba bài thơ mới tìm được của tác giả Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền. Anh cho biết ba bài thơ này do anh Nguyễn Đức Chấn, cháu của Mai Thảo, tìm thấy tại Việt Nam hồi đầu năm 1999 khi Chấn về Sài Gòn đón mẹ sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Thư anh Khánh viết "Chấn đã cố tìm ở nhà chị tôi [mẹ của Chấn] nơi anh Mai Thảo thường tới ẩn náu khi bị chế độ mới truy lùng trong những năm 1975-78, một tấm ảnh mà Chấn đã chụp anh Mai Thảo với chị Kiều Chinh tại nhà hàng La Pagode. Mặc dù không tìm thấy tấm ảnh nhưng Chấn đã tìm được một tờ giấy trên đó anh Mai Thảo ghi ba bài thơ nhan đề Hình Tượng, Thủy Tinh và Kim. Sau hơn 20 năm, tờ giấy đã vàng, nét chữ đã mờ, rất khó đọc, nhưng vẫn là nét chữ của anh Mai Thảo. ... Ba bài thơ trên xác định một điều: Anh Mai Thảo làm thơ từ nhiều năm trước đấy chứ không phải [mới làm thơ] vào những năm gần cuối đời với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền xuất bản vào năm 1989..."

Cùng với những bài thơ, anh Nguyễn Đăng Khánh gửi cho Sổ Tay tấm ảnh [màu] do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh chụp Mai Thảo ngồi với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Trên góc trái bức ảnh, dưới chữ ký của Cao Lĩnh, tôi thấy dòng chữ viết tay: Dưới thềm gác mây 1974.

Bức ảnh mà tôi đã có lần ghi trong Sổ Tay là đã nhìn thấy trên vách phòng anh Mai Thảo trong căn phòng nhỏ anh ở trên đường Bolsa, phía sau nhà hàng Song Long. Xin ghi lại nguyên văn ba bài thơ của anh như một tưởng niệm ngày anh qua đời và đồng thời là một đóng góp cho các nhà phê bình văn học những sáng tác còn bỏ quên của thi sĩ / nhà văn Mai Thảo:

hình tượng

Từ trong cửa tối nhìn ra
Thấy gần: bóng lá, thấy xa: biển trời
Lá lay, bóng cách ngăn đời
Biển im, hình tượng cõi người không ta.

thủy tinh

Trở mình chăn chiếu mênh mông
Giấc mơ chật hẹp vẫn trong cuộc đời
Mộng ta không xóa nổi người
Đáy đêm còn đọng tiếng cười thủy tinh.

kim

Miếng da bịt mắt thành đêm
Cây kim khâu miệng thành im lặng mồ
Tay chân, giây trói bao giờ
Da, kim, giây ấy bây giờ là ta.

Khẩu khí ấy, chữ nghĩa ấy không thể là ai khác, ngoài Mai Thảo.

Tôi vẫn thường nghĩ Nguyễn Đình Vượng là cha đẻ của tạp chí Văn, và Mai Thảo là người đã tiếp sức nuôi nó lớn lên. Văn không có mặt nếu không có cụ Vượng và Trần Phong Giao. Nhưng Văn không thể tồn tại đến hôm nay nếu không có Mai Thảo.

Nhà văn-giáo sư Cung Giũ Nguyên và những người học sinh cũ

Mấy ngày trước Tết, một số bạn học thời nhỏ ở Nhatrang gọi nhau gửi thư chúc Tết thầy cô giáo cũ còn ở quê nhà. Một người bạn cùng trường bảo tôi "anh nên viết cho thầy Cung Giũ Nguyên một cái thư đi. Dù sao anh và thầy Nguyên cũng có chỗ giống nhau." Tôi hỏi giống nhau chỗ nào? Bạn tôi bảo "thì Thầy Nguyên là nhà văn, mà anh cũng viết văn." Tôi nghĩ viết thư chúc tết thầy cô thì ai cũng viết được, cứ gì phải là nhà văn. Và tôi viết thư thăm Thầy. Tôi không còn nhớ hết các thầy cô thời tiểu học, nhưng ở Trung học tôi còn nhớ nhiều vị, mặc dù tôi biết chắc các thầy / cô tôi không nhớ tôi là đứa nào. Cũng dễ hiểu thôi. Tôi chỉ là một học sinh tầm thường trong đám học sinh tầm thường không xuất sắc và cũng không ngỗ nghịch phá phách. Thuở đó tôi là một cậu bé ghét nhà trường và sách vở. Lớp học, với tôi đôi khi chỉ là tù ngục. Cuốn vở tôi không chép bài học mà chỉ tràn ngập chi chít những hình vẽ, những khuôn mặt tôi ghét, tôi thương, những bầu trời giông bão mà tôi tưởng tượng một ngày nào sẽ xảy ra trên thành phố tôi đang sống. Tôi vẽ những ngôi nhà đổ nát, những đường phố không bóng người. Những chiếc xe nằm ụ bốc cháy. Xác người la liệt nằm lớp lớp trên bãi biển, sóng xô dạt vào bờ rồi kéo ra khơi xa... Nhà tôi ở gần nhà thầy Điểm giáo sư phụ trách môn hội họa. Phòng khách của thầy treo nhiều tranh, phần lớn là phong cảnh và một bức lớn, gần như chiếm hết tấm vách ngó ra mặt đường. Bức tranh vẽ biển xanh với bãi cát trắng, mấy cây dừa lả ngọn. Tranh vẽ như chụp lại từ một bức ảnh. Thầy người Nam, tánh tình cởi mở, học trò đứa nào cũng thương thầy. Giờ hội họa, đứa nào cũng được thầy cho điểm cao. Phần tôi, thầy luôn luôn nhắc, "vẽ như mầy mai mốt bán tranh cho ai. Sao không giống gì cả vậy. Biển trong tranh của con thầy thấy giống như mấy miếng giẻ chùi cọ. Đầu óc con không bình thường." Tôi nói tôi thích thầy, nhưng không thích tranh của thầy. Tôi cũng không ưa môn văn với những tác phẩm đầy điển tích khó hiểu. Tôi chịu không nổi những Nhị Độ Mai, truyện Trê Cóc, v.v.. Tôi chỉ nhớ lỏm bỏm mấy câu của Cao Bá Quát, bài Đạo Phùng Ngạ Phu (Đi Đường Gặp Người Đói). Ngày hai cố chiếc tráp, ngày ba nhịn đói dài, thấy ai cũng tươi tỉnh, muốn nói nhưng nghẹn lời... Có lẽ tôi bị ảnh hưởng của cha tôi. Cả đời ông chỉ thuộc có mỗi một bài thơ, bài Thạch Hào Lạ của Đỗ Phủ. Nghe ông đọc đi đọc lại mãi sau mỗi chầu rượu tối tôi nhập tâm hồi nào không hay. "Mộ đầu Thạch hào thôn. Hữu lại dạ tróc nhân. Lão ông du tường tẩu. Lão phụ xuất môn nghênh."* [Ngô Tất Tố dịch ra thơ lục bát: Lính lệ Thạch Hào: Chiều hôm, tới xóm Thạch Hào, Đương đêm có lính lao sao bắt người. Vượt tường ông lão trốn rồi, Cửa ngoài, mụ vợ một, hai mời chào...) Ông thường nói lập thân bằng binh nghiệp, đừng lập thân bằng văn chương. Văn chương chỉ là thứ vớ vẩn. Ông cũng thường hỏi tôi mày thích gì? Tôi trả lời "Con không biết." "Nhưng ít ra mày cũng phải biết mày thích một thứ gì chứ. Như tao đây này. Tao biết tao thích thứ gì và tao ghét thứ gì." Tôi nói tôi tôi thích nhìn biển động, tôi thích trời sập, tôi thích thế giới này không còn ai... Cha tôi nói "đồ ngu, thế giới không còn ai thì mày sống với ai?" Còn sợ? Tôi sợ những giờ học, sợ bị đóng khung - bất cứ thứ gì đóng khung cũng làm tôi sợ..... Tôi sợ thầy giáo, sợ nghề dạy học, sợ những ông bà công chức, sợ giấy tờ, sợ những ngày lễ lạc, sợ trói buộc, sợ gò bó... Tôi nghĩ, mình học hành còn không ra chi, nói gì làm nghề dạy người khác. Và lớn lên tôi trốn chạy nó, trốn chạy mãi, nhưng như một người đi trong mê lộ, cuối cùng tôi gặp lại khởi điểm, nơi từ đó tôi đã ra đi: dạy học. Cũng may bố già Nguyễn Đình Vượng đã cứu tôi một nửa, khi tôi bước vào tờ Văn, một nửa còn lại chấm dứt khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tôi tìm thấy tôi.

Nhưng những ngày giáp Tết Canh Thìn vừa qua, khi những bạn học cũ thời nhỏ của tôi nhắc nhở việc viết thư chúc Tết thầy/cô tôi thấy những suy nghĩ đã từng làm tôi đau nhức ngày xưa trở lại trong tôi. Và hiện lại trong tôi rõ nét nhất là thầy Cung Giũ Nguyên. Nhưng tại sao thầy Cung Giũ Nguyên mà không là ông thầy, bà cô nào khác? Tôi không tìm thấy câu trả lời chính xác. Có thể vì hồi mới lớn tôi nghe người ta thường nhắc thầy là "nhà văn", là tác giả cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp, cuốn Le Fils de la Baleine. Cũng chỉ là nghe thôi chứ không hề thấy mặt mũi cuốn sách ra sao nói gì đọc. Rồi câu chuyện về mối tình của Thầy Nguyên với một thiếu nữ. Cô gái kia chắc thua tôi một hoặc hai tuổi, còn thầy Nguyên, tôi biết thầy lớn hơn tôi chừng 31 tuổi. Người ta đàm tiếu, thêu dệt về mối tình của Thầy. Thời gian đó tôi đã vào Sài Gòn, học trường Petrus Ký, nhiều khi nghe người khác kể lại tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao người ta tốn quá nhiều thì giờ về một mối tình đẹp đẽ của thầy Nguyên như thế! Thầy Nguyên là một con người, và là một con người tài hoa.

Cách đây sáu năm, năm 1994, tôi được đọc một tác phẩm mới của thầy, cuốn Thái Huyền, do nhà Đại Nam ấn hành. Đây là bản dịch cuốn Le Boujoum tiếng Pháp, dày 700 trang đã xuất bản tại Pháp năm 1980. Khi đó thầy Cung Giũ Nguyên đã 71 tuổi. Chính thầy Cung Giũ Nguyên đã - theo lời yêu cầu của nhà xuất bản Đại Nam - dịch tác phẩm của mình ra tiếng Việt. Cuốn Thái Huyền tôi có trong tay là tập một. Đọc lại phần tiểu sử mới biết thầy đã viết truyện ngắn đầu tay đăng trên tờ Đông Pháp Thời Báo năm 1928 tức là năm thầy mới 19 tuổi. Những tác phẩm thầy Cung Giũ Nguyên viết trực tiếp bằng tiếng Việt đã xuất bản gồm: Một Người Vô Dụng, tiểu thuyết, 1930; Nhân Tình Thế Thái, truyện ngắn, 1931; Nợ Văn Chương, tiểu thuyết, 1934. Năm 1938 thầy chủ trương tờ Les Cahiers de la Jeunesse; làm chủ bút nhật báo Le Soir d'Asie, 1940-1941 và La Presse d'Extrême-Orient, 1954. Bài của thầy Nguyên cũng có mặt trên tạp chí Đại học Hoa Kỳ Syposium ở Syracuse, New York, 1952 và Books Abroad ở Norman, Oklahoma, 1956. Về sách trực tiếp viết bằng tiếng Pháp có Volontés d'Existence (Những Ý Chí Để Sống Còn), tiểu luận, France-Asie, Saigon, 1954. Tiểu thuyết Le Fils de la Baleine, (Con Ông Nam Hải) Arthème Fayard, Paris, 1956, được dịch ra tiếng Đức xuất bản năm 1957, tạiGenève và Franfort dưới nhan đề Der Sohn des Walfischs. Viện sĩ Hàn Lâm Pháp, ông Daniel Rops trong khi phê bình quyển truyện này đã có ý xếp Cung Giũ Nguyên ngang hàng với Giono, một nhà văn lừng danh của Pháp.

Tôi biết chắc là thầy không thích tôi nói lăng nhăng về thầy như những dòng chữ trên , nhưng tôi mong là Thầy sẽ tha thứ cho tôi về những phát biểu linh tinh của một người học trò cũ. Tôi chắc chắn sẽ có dịp viết thêm về nhà văn Cung Giũ Nguyên, người thầy ngày xưa của tôi, trong những số tới.

Nguyễn Đình Toàn và Hiên Cúc Vàng

Nguyễn Đình Toàn, một trong những nhà văn được yêu mến nhất của Sài Gòn trong những năm trước 1975 vừa đến với người đọc người nghe của ông bằng một CD mang tên Hiên Cúc Vàng. Tác giả Chị Em Hải và nhiều tiểu thuyết khác như "Áo Mơ Phai", "Ngày Tháng", "Con Đường", "Sau Giờ Ra Chơi" và Đồng Cỏ",... đã chinh phục người đọc trẻ tuổi Sài Gòn không chỉ bằng chữ nghĩa mà còn bằng cả âm thanh và âm điệu nữa. Những người Sài Gòn từng nghe chương trình nhạc chủ đề của ông trên Hệ Thống Truyền Thanh Quốc gia cách đây 30 năm hẳn không thể nào quên được giọng nói ấm áp truyền cảm của ông qua cách giới thiệu tiếng hát và các ca khúc nóng thời bấy giờ. Có thể nói Lệ Thu, Khánh Ly và nhiều ca sĩ nổi tiếng của SàiGòn trong những năm 60-70 đều lớn lên qua chương trình của Nguyễn Đình Toàn. Ông là người không chỉ xuất sắc về thơ và truyện mà còn là người có khiếu thẩm âm vô cùng tinh tế. Trước 75, ông viết lời từ cho nhiều ca khúc, trong đó có bài Tình Khúc Thứ Nhất rất nổi tiếng của Vũ Thành An. Sau 75 trong những ngày tù tội dưới chế độ mới, ông viết nhạc và giờ đây những ca khúc ấy được nữ ca sĩ tên tuổi Khánh Ly - người được Nguyễn Đình Toàn gọi là "góa phụ của chiến tranh" mang đến cho người nghe trong đêm nhạc Hiên Cúc Vàng tại Vũ Trường Ritz, thành phố Anaheim, Quận Cam...

Khoảng 500 khán thính giả yêu mến và ngưỡng mộ Nguyễn Đình Toàn đã đến tham dự chào đón một tài năng văn chương, mừng ông trở lại với người đọc-người nghe quen thuộc của những năm tháng cũ trong một bầu không khí mới. Có thể nói với Hiên Cúc Vàng, Nguyễn Đình Toàn đã mang đến cho sinh hoạt âm nhạc hải ngoại một làn điệu mới, một hơi thở mới.

Cách đây không lâu, khi nhà báo Lê Đình Điểu giới thiệu tác phẩm mới của Nguyễn Đình Toàn - cuốn Đồng Cỏ - tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt tại Nam Cali, tôi có viết một bài Tạp Ghi có tựa đề là: Nguyễn Đình Toàn-Sài Gòn-Pagode, nhắc lại những kỷ niệm của anh và đám bạn bè vẫn gặp nhau buổi sáng ở quán cà phê Cái Chùa [Pagode] và bao giờ cũng vậy giữa những Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Đình Toàn luôn luôn là người đưa ra nhiều nhận xét về bạn bè và văn chương người khác một cách sắc bén nhất. Ông là một trong những khuôn mặt lớn của sinh hoạt văn học nghệ thuật Sài Gòn những năm 70. Gặp lại ông sau bao nhiêu năm tháng xa cách, chúng ta không chỉ muốn nghe nhạc của ông mà người đọc đang muốn thưởng thức tiếp những tác phẩm văn chương mới mẻ của ông nữa.

Trầm Tử Thiêng: Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy

Ngày 25 tháng Giêng năm 2000, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tác giả ca khúc nổi tiếng Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy đã từ giã anh em bạn bè ra đi. Tôi không có cơ duyên quen biết ông trong những năm ở Sài Gòn, nhưng ở Mỹ, năm 1986 khi từ đảo Bataan Phi Luật Tân qua làm cho nhật báo Người Việt thì không lâu sau đó Trầm Tử Thiêng cũng về trú cùng một mái nhà, nhưng công việc của anh là phụ trách chương trình văn nghệ cho Đài Truyền hình Người Việt. Trầm Tử Thiêng có một ngoại hình nhỏ thó, gầy gò, khắc khổ. Anh ít cười, ít nói, nhưng mỗi khi nói anh nói chắc nịch như đinh đóng những gì anh bảo vệ. Tôi còn nhớ năm đó Người Việt ra số báo Xuân - năm nào Người Việt cũng ra một số báo Xuân ngoài những số báo thường - và tôi có đề nghị anh viết một bài tổng kết về tình hình văn nghệ ca nhạc hải ngoại. Báo chuẩn bị đi in, nhưng bài anh Thiêng còn đang viết. Anh rất cẩn thận trong chữ nghĩa và bài anh viết càng lúc càng dài thêm do những tài liệu anh vừa thu lượm hàng ngày trong tiếp xúc với những nghệ sĩ trình diễn. Cho đến lúc không chờ bài anh được nữa, Nguyễn Đức Quang - lúc đó trong vai trò người điều hành tờ báo - và Lê Đình Điểu, chủ bút, bàn với tôi là quyết định lấp bài cho kịp đưa nhà in thì Trầm Tử Thiêng đưa bài. Bài anh viết công phu và khá dài. Nếy lay out nguyên bài thì tờ báo bị coi như trình bày lại từ đầu. Biết tính anh khó không ai dám dưa ý kiến cắt bớt một số chữ cho vừa số trang dành cho anh. Tôi lãnh nhiệm vụ trình bày ý kiến đó. Trầm Tử Thiêng không trả lời đồng ý hay không đồng ý cách giải quyêt. Anh không nói chuyện với bất cứ ai trong ba chúng tôi một thời gian khá lâu. Tôi biết anh giận, nhiều lần kéo anh đi uống cà phê, nhưng anh luôn luôn kêu bận. Phải hơn một năm sau [1987] tôi mới thấy anh cười với tôi. Thời gian đó anh đã rời Người Việt, trở lại với âm nhạc, phụ trách phần hòa âm cho ca sĩ Khánh Ly và Thanh Thúy. Nhiều năm sau tôi thỉnh thoảng gặp anh, khi thì ở quán Anh Thi đường Bushard, khi thì ở Coffee Factory, đường McFadden. Cũng có khi gặp anh ở những lần các ca nhạc sĩ ra mắt CD ở Ritz hay Majestic. Chúng tôi ngồi chung bàn nghe anh nói chuyện âm nhạc, đời sống và thế thái nhân tình. Khi ca sĩ Thùy Dương muốn thực hiện một vài ca khúc mới với lời từ viết sẵn cho anh phổ nhạc, tôi thường gặp anh ở quán Anh Thi. Tôi ăn vội vì còn phải về tòa soạn, còn anh vẫn thường nhâm nhi cà phê thuốc lá sau đó. Anh nói có nhiều chuyện muốn bàn với tôi, nhưng thấy tôi lu bu quá, anh hẹn để đó, trước sau gì cũng sẽ làm thôi. Cho đến cuối năm 1998, tôi đổi việc làm lên San Jose, anh từ Quận Cam gọi cho tôi biết anh vừa viết một ca khúc mới mà anh rất thích: phổ nhạc bài thơ của Xuân Diệu Cha Đàng Ngoài, Mẹ Đàng Trong. "Tôi sẽ lên San Jose tuần tới, Đêm Nhạc Thùy Dương tôi sẽ hát bài này cho cậu nghe!" Anh đã nhắn riêng tôi như vậy và đêm đó tôi đã bỏ việc lay out tờ Văn đến nghe anh hát. Đêm có Lê Uyên, Từ Công Phụng, Lệ Thu, Thùy Dương và Trầm Tử Thiêng. Ca khúc mới của anh do chính anh trình bày đã làm tôi thực sự xúc động. Tôi nói với anh bài ca này khó hát, tôi sợ ngoài anh ra khó ai diễn tả có hồn như anh, mặc dù giọng anh không mạnh lắm.. Anh biết điều đó. Và có vẻ như đó là lần sau cùng tôi gặp anh. Khi nhạc sĩ Trường Kỳ từ Montreal báo tin cho tôi biết Trầm Tử Thiêng đã qua đời, tôi hoàn toàn bất ngờ. Bởi vì tôi biết anh bệnh ít lâu nay, nhưng anh đã bỏ thuốc tây chữa thuốc ta và anh đã thấy hiệu nghiệm của việc dùng thuốc mới. Vũ Ánh từ Quận Cam sau đó đã viết mấy bài về Trầm Tử Thiêng trên Nhật báo Viễn Đông. Đó những bài viết rất hay về một nhạc sĩ.

Dưới tựa đề Những Dòng Nhạc Định Hình Trầm Tử Thiêng, Vũ Ánh đã nhắc đến ca khúc "Mưa Trên Poncho" của Trầm Tử Thiêng. "Hình ảnh chiếc poncho, một loại áo mưa làm tương tự như loại áo khoác của người Mễ Tây Cơ, bằng một loại vải nhựa, có mũ che. Nó thân thiết với người lính cả lúc sống lẫn lúc nằm xuống. Chiến trận miệt mài, nắng mưa sương gió, nằm bờ ngủ bụi, người lính dùng poncho như những tấm lót thay mền. Khi chết, cũng chỉ một chiếc poncho đó gói tấm thân vừa trọn nghĩa với đất nước. Mưa Trên Poncho là hình ảnh bi hùng tráng tuyệt vời của những người lính trận. Nó giống như chiếc nón sắt đa dụng, như chiếc ba lô vốn là tài sản duy nhất của người lính.

"Chiến tranh Việt Nam ngày một lan rộng. Nhạc viết về chiến tranh thời gian này khá nhiều và nhiều bài nổi tiếng. Nhưng nội dung những nhạc phẩm ấy đẩy người nghe vào hai trạng thái đối nghịch:

"Một làm cho người nghe chùng xuống tê liệt vì nỗi buồn và tuyệt vọng.

"Và một làm cho người nghe cảm giác người lính bị huyền thoại hóa một cách vụng về.

"Trầm Tử Thiêng không rơi vào hai trạng thái đó. Sựï lãng mạn đã giúp ông viết những ca khúc chiến tranh nhẹ nhàng hơn. Ông cho người nghe ý thức được nỗi đau đớn, phiền muộn, sợ hãi chiến tranh, nhưng đồng thời ông cũng mở cho người nghe những lối thoát bằng niềm tin và bằng sự lãng mạn của những cuộc tình trong thời chinh chiến. Khi nhạc phẩm Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy ra đời sau Tết Mậu Thân đã đánh động hàng triệu con tim của người Việt Nam.

"Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, một người bạn khá thân của Trầm Tử Thiêng cho biết trong dòng nhạc lính lúc bấy giờ, ca khúc Một Trăm Phần Trăm [Ngô Mạnh Thu không nhớ tên tác giả] thường do Hùng Cường và Mai Lệ Huyền trình bày bán được một triệu bản thì Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy của Trầm Tử Thiêng cũng đã bán được trên 600,000 bản. Một kỷ lục vào thời đó.

...Và Vũ Ánh kết luận: "Tuy nhiên, suy đi nghĩ lại, trong suốt 40 năm sống cho âm nhạc, tác phẩm định hình cho Trầm Tử Thiêng chính là ca khúc Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy. Không có tác phẩm nhìn chiến tranh bằng con mắt lãng mạn này, có lẽ con đường mà ông đi sẽ chẳng có khúc quanh nào để lưu lại cho chúng ta di sản của một bậc tài hoa."

Xin chào vĩnh biệt Trầm Tử Thiêng, người nhạc sĩ không ngừng tìm cái tuyệt đối trong một thế giới chỉ toàn những điều tương đối, trái tim lớn trong một thân thể nhỏ bé, tấm lòng bao dung trên một khuôn mặt khắc khổ.

Vĩnh biệt, bạn hiền!

NGUYỄN XUÂN HOÀNG