SỔ TAY THÁNG NĂM, 2001
Bức vẽ ghi ngày 1 tháng Tư, năm 2001, 12h 45 là ngày giờ Trịnh Công Sơn ra đi. Đó là một buổi sáng Chủ Nhật, tuần đầu tiên của tháng Tư. Một buổi sáng Chủ Nhật như mọi buổi sáng Chủ Nhật khác trong đời tôi: một buổi sáng để tùy nghi. Tôi nói tùy nghi theo cái nghĩa có nhiều chuyện phải làm và không biết phải làm cái nào trước cái nào sau, thành ra cứ ngồi nhìn thời gian đi qua.. và tùy nghi. Cứ vào thứ Hai đầu tuần tôi tự hứa với mình là mọi việc sẽ thanh toán cho xong vào Chủ Nhật này: dọn bớt [lại một lần nữa!] cái garage, chở sách [lại thêm một lần nữa!] tặng thư viện; gọi một người bạn biếu hết cho anh những thứ làm vườn lỉnh kỉnh; sắp lại mấy số Văn theo thứ tự thời gian, xếp lại mấy cuốn sách cần đọc mang vào phòng khách - cũng là phòng làm việc của tôi; toàn là những lới hứa mà tôi đã không thực hiện được. Sáng nay tôi nhất định phải gọi điện thoại cho Trịnh Cung hỏi thăm anh về buổi gặp bạn bè buổi chiều ở Quận Cam. Một người bạn từ tuần trước từ phía nam đã gọi lên nhắc tôi "ông đừng quên nói mấy lời về người bạn chúng ta nhé! ông ấy sắp trở về Việt Nam..." Tôi có cảm tưởng như buổi gặp gỡ của Trịnh Cung và bạn hữu là một buổi chia tay và khi bạn tôi nhắc tôi đừng quên viết mấy lời tạm biệt anh tôi nghe như một nỗi bùi ngùi. Chia tay một người và biết rằng mình đang nói lời vĩnh biệt, người ta biết rằng mình đã bỏ lại sau lưng những khó chịu những sắc mắc, những điều không vui vì cá tính và tâm tính. Trịnh Cung là người cùng quê với tôi và cùng lứa tuổi tôi. Anh nói với tôi là anh sẽ về Việt Nam gặp Trịnh Công Sơn "chia tay với nó trước khi moa ra đi vĩnh viễn." Trịnh Cung cho tôi biết anh mắc bệnh ngặt nghèo, và sự ra đi của anh chỉ là vấn đề thời gian. "Moa hết nợ rồi chớ thằng Sơn chưa hết nợ đâu. Và toa, toa còn nhiều nợ lắm." Nhưng buổi sáng Chủ Nhật 1 tháng Tư, đã là một Chủ Nhật khác. Trịnh Công Sơn ra đi trước khi Trịnh Cung trở lại Việt Nam. "Moa không còn cơ hội gặp nó!" Và như vậy buổi chia tay của Trịnh Cung và bạn hữu cũng đồng thời là buổi lễ vĩnh biệt Trịnh Công Sơn. Người gọi tôi đầu tiên báo tin Sơn qua đời là Nguyễn Văn Khanh, đài RFA. Tôi gọi ngay cho Đinh Cường vì tôi biết anh là ban thân của Trịnh Công Sơn. Cường nói "tôi biết tin này sớm lắm, tôi đã email cho ông tin Sơn ra đi cách đây mấy tiếng đồng hồ mà! Có lẽ ông chưa mở mail." Đúng vậy, sáng nay tôi chưa mở mail. Tôi cho phép mình không phải mở mail vào một ngày xem sao. Và cái mail đầu tiên trong ngày chính là mail Đinh Cường báo tin Trịnh Công Sơn đã ra đi. Cường nói anh rất buồn. "Tôi gần như bất động, không suy nghĩ gì được, không biết làm gì. Tôi tê điếng." Tôi nghe như có tiếng nghẹn ngào của anh qua đường dây viễn liên. Tôi nói tôi muốn dành một số trang báo đặc biệt về Trịnh Công Sơn, và tôi hỏi xin anh những tư liệu về Sơn. Cá nhân tôi. tôi không có nhiều kỷ niệm về Sơn. Tôi không thân thiết với anh. Trước và sau 1975 tôi có đôi lần gặp anh. Tôi yêu âm nhạc của anh. Đúng ra tôi yêu những ca từ của anh. Những câu viết rời của anh như là một đoản văn cho tôi. Trước hết nó là tình yêu của tôi: "Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng." Nó là nỗi nhớ của tôi trong những ngày xa quê: "Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa. Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ.. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà...." Nó là định mệnh tôi: "Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây..." Trong những tháng gần đây tôi đã nói với tôi bằng cái giọng của Sơn. Nhiều trang sách của tôi trong bộ Người Đi Trên Mây - từ Kẻ Tà Đạo đến Bụi Và Rác* - tôi đã đặc tả một nhân vật nhạc sĩ từ những cá tính và nghệ thuật cũng như đời thường của anh. Trước và sau năm 1975, tôi có đôi lần đi chơi với anh. Nhưng chúng tôi không có nhiều điều để nói. Tôi nhớ cái ngày anh lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối Vòng Tay Lớn, tôi và anh Phan Lạc Phúc [tức Ký Giả Lô Răng] đứng trước đài nhìn qua hàng rào kẽm gai. Và sau đó, năm 1992 Sơn đến Montréal, Canada thăm gia đình và các em của anh, còn tôi trong chuyến đi với Nguyễn Mộng Giác, Đinh Cường, Khánh Trường cùng nhiều bạn khác đến dự buổi triển lãm tranh Võ Đình. Mặc dù đã đến cùng một thành phố , tôi và một số bạn đã "hèn nhát" không dám đến thăm anh để uống với anh một ly rượu. Những tin đồn đầy ác ý muốn phá phòng tranh của Võ Đình, và lên án sự gặp gỡ giữa những người bạn với Sơn mang đầy tính chính trị. Sơn đã ra đi. Tôi nghe mấy tiếng nghẹn ngào của Đinh Cường bên kia đầu dây điện thoại. Tôi muốn nói một chút suy nghĩ về Sơn và về âm nhạc của anh. Đối với tôi, nghe nhạc của Trịnh Công Sơn không phải chỉ là nghe những lời tình tự, mặc dù những người yêu nhau không ngớt lấy âm nhạc của anh làm kỷ niệm cho tình yêu của mình. Bởi vì nhạc Trịnh Công Sơn không đơn giản là những khúc tình ca, nhạc của anh còn mang đến cho người nghe sự đau xót của quê hương, và nỗi nhức nhối của một thân phận làm người. Đó là những lời kinh cầu, những tiếng thì thầm cất lên từ một nỗi đau cũa cả một thế hệ, cả một dân tộc, và caỵ một loài người, nếu tôi được phép nói như thế. Người ta vẫn thường cho rằng âm nhạc và hội họa là hai loại hình nghệ thuật mang tính quốc tế. Nó đi thẳng từ một trái tim đến một trái tim. Nhận xét đó đúng, nhưng không phải ca khúc nào, bức tranh nào cũng làm được công việc đó - như Trịnh Công Sơn. Không phải họa sĩ nào cũng là Chagall và van Gogh, không phải nhạc sĩ nào cũng là Chopin và Mozart. Tất nhiên. Những ca khúc của Trịnh Công Sơn đã không nhờ một trung gian nào khác. Tự nó, âm nhạc của anh có khả năng gõ được các cánh cửa của mọi trái tim, là chìa khóa gia?i mã mọi ngôn ngữ. Người ta thường so sánh Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, vì tính phản chiến o+? ca từ chứa trong các tác phẩm của hai tác giả này. Nhưng theo tôi âm nhạc của Trịnh Công Sơn cao hơn sự so sánh đó. Nó vượt qua "phản chiến," nó nhìn thấu suốt được kiếp nhân sinh. Nó không ngừng ở chỗ những lời tình tự giữa hai người nam và nữ. Âm nhạc Trịnh Công Sơn phát lên tín hiệu của những người cùng thế hệ với anh, thế hệ lớn lên trong một cuộc chiến nhưng đồng thời âm nhạc anh không có tuổi. Nó vượt qua không gian và tôi nghĩ nó còn sống lâu với chúng ta, khi nào người ta còn tình yêu. Chính là những ca từ như thơ trong âm nhạc anh trở thành tiếng kêu của kiếp người. Thượng đế của nó, nếu muốn gọi như thế, đó là con người. Người ta không ngạc nhiên khi nghiệm ra ca từ trong các khúc tình ca của anh đẹp đẽ mà rời rạc, chữ này không dính chữ kia, câu này không dính câu nọ, ý trên rất xa ý dưới, mông lung và mơ hồ. Xin đừng đi tìm sợi xích thuần lý trong ca từ của anh. Hãy thưởng thức âm nhạc Trịnh Công Sơn trong một tổng thể. ở mỗi ca khúc của anh, người ta cảm nhận một tuyên ngôn. ở mỗi ca từ là một tiếng kêu ngạc nhiên bất ngờ trên mặt đất. Trịnh Công Sơn là một thi sĩ. Vâng, anh đích thị là một nhà thơ viết nhạc. Người làm thơ giống như người đi trong rừng. Phải phạt cỏ mà đi. Phải phạt cây mà bước. Thơ của thi sĩ Trịnh Công Sơn đã mang cho âm nhạc Trịnh Công Sơn sức quyến rũ kỳ lạ. hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi Con người là cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Cái ý đó không lạ, nhưng khi Trịnh Công Sơn đưa vào âm nhạc anh bằng những câu như sự "tuyệt vời mệt mỏi," như "mặt trời soi một kiếp rong chơi," ... Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà chờ xem thế kỷ tàn phai Đừng nghe tôi nói lời tăm tối Ngợi ca anh hay lên án anh, yêu mến anh hay căm hận anh, muốn gần gũi anh hay muốn xa lánh anh, bênh vực anh hay chống đối anh... mỗi người đều có lý do riêng để biện minh cho mình. Nhưng không ai có thể phủ nhận tài hoa và sức quyến rũ của âm nhạc anh. Thật tình, người ta khó mà quên anh. Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ có một sức thu hút mạnh mẽ và đồng thời có một lực ly tâm cũng mạnh mẽ cực kỳ. Xin chia tay anh, Trịnh Công Sơn. Chúng tôi nhớ anh. NGUYỄN XUÂN HOÀNG * "Nguyễn Giang, một khuôn mặt lớn trong đời sống âm nhạc của đám đông với mái tóc dài hơi xoắn, chiếc kính cận gọng nhỏ, nụ cười nửa miệng. Anh là cha đẻ của những ca khúc mà mỗi lời hát như một lời thơ. Ngôn ngữ âm nhạc anh là bản lề giữa một bên là tiếng nói hàng ngày và một bên là suy tư triết học. Âm nhạc ấy được trình bày bởi một giọng hát lôi cuốn trẻ trung và đìu hiu: Mai Khanh. Tiếng hát của chị vang lên từ một trái tim hấp hối. Trong buồng ngực chị như có ngọn lửa tàn bạo thổi nóng từng tiếng ngân,... Tôi nghĩ người ta đã nói không quá đáng rằng âm nhạc của Giang sở dĩ chinh phục được tim óc người nghe là nhờ tiếng ca ma túy của Mai Khanh và ngược lại, giọng hát của Mai Khanh có được một chỗ đứng hàng đầu như cô hiện nay chính là vì tiếng hát ấy đã tựa được vào âm nhạc Nguyễn Giang. (Người Đi Trên Mây, Người Việt xuất bản, 1987, tr. 95-96). "Tôi còn nhớ tháng trước tình cờ gặp nhạc sĩ Nguyễn Giang ở một quán cà phê vỉa hè nhà bà luật sư Đại, Giang hỏi tôi... có bao giờ nghe những ca khúc mới của anh không.... Tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời. ừ thì cũng chỉ là trọ thôi. Có lúc Giang thở ra, "Tôi như đứa trẻ tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài... Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười. Đó là những lúc tôi thấy khuôn mặt Giang vốn đã nhỏ và nhô xương, hai con mắt sâu núp dưới đôi kính trắng, tối sầm lại. Dường như quanh đây có điều gì tuyệt vọng. Giang nói lửng lơ. Tôi hiểu bạn." (Bụi Và Rác, NĐTM tập 2, Thanh Văn xuất bản, 1992, tr. 130-131). "Anh ấy là một trong những nhạc sĩ mà tôi ưa thích nhất. Chúng tôi quen biết nhau khá lâu, nhưng đi lại với nhau không nhiều. Tôi phục anh. Ngôn ngữ trong âm nhạc Nguyễn Giang gần gũi với chúng tôi, với cả một thế hệ chúng tôi... Âm nhạc của anh làm tôi nhức nhối..." (Bụi Và Rác, tr. 157)... Và nhiều trang sách khác. |