NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 9)
Tới đó làm chi? Câu hỏi thật chí lý. Nhưng tôi đâu tới đó để uống rượu. Tôi cũng đâu tới đó để được bắt tay một ông lớn chịu chơi kiếm chút hơi hám quyền lực. Tôi tới đó giống như một người mắc bệnh tò mò muốn tìm xem có chút bí ẩn nào giấu sau cánh cổng của một ngôi nhà bỏ hoang. Và hình như tôi có được đôi chút thỏa mãn. Ông Phan soi chiếu cho tôi thấy đôi nét về cha tôi và về phần ông, ông cũng hé cho tôi thấy tầm mức của một quyền lực đang lớn.
Nhưng tôi có cần tìm cho mình một lời giải thích không? Tôi lảng sang một chuyện khác. Tôi hỏi Ký:
“Anh có nhớ bài Hồ Trường không?”
“Không!”
Tuy trả lời dứt dạt như vậy, nhưng liền đó Ký vung rộng tay đang bưng ly rượu làm sóng sánh nước bia vãi lên bàn.
“Hồ Trường! Hồ Trường! Ta biết rót về đâu? Rót về phương Đông... ư... đếch nhớ!”
Ký đặt mạnh ly xuống bàn.
“Mà tại sao mày lại muốn nghe Hồ Trường?”
“Chẳng có lý do gì. Nhớ thì nhắc vậy thôi!”
“Để yên, tao sẽ đọc cho mày nghe một bài thơ khác. Đồng ý?”
“Đồng ý!”
Ký lại nâng ly lên, ngửa cổ tu một hơi. Xong anh cúi khom người xuống dưới bàn lôi ra một chiếc cặp da dầy cộm bị chôn giữa đám vỏ chai. Anh mở cặp, mò mẫm trong các ngăn đầy sách vở và lấy ra một cuốn tập. Anh dùng một ngón tay thấm nước bọt lật từng trang giấy. Nhưng anh lắc đầu. Ánh sáng ngọn đèn hột vịt không đủ sức soi rõ những chữ. Anh gập quyển tập lại, bỏ vào cặp, vất đại dưới chân bàn.
“Đếch cần đèn! Tao đọc bằng trí nhớ cũng được. Này, tên phá mồi nghe đây!”
Ký lại đổ bia thêm vào ly, bưng ly lên và vung tay ra. Nước trong ly sóng sánh.
“Người con gái lội qua khe
“Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
“Nỗi niềm tưởng lại xưa sau
“Bàn chân với nước cùng nhau lại đè!”
...
“Tuyệt không? Thơ thế mới là thơ chớ! Tên phá mồi thấy thế nào?” Ký hỏi.
“Rất Bùi Giáng!” Tôi trả lời.
“Hay! Khá lắm! Phá mồi mà cũng biết được thơ của Trung Niên Thi Sĩ thì hơi lạ. Vậy còn bài này?”
Ký không đọc liền, anh rót thêm bia vào ly - đã tràn - bưng ly lên và vung tay ra. Nước trong ly sóng sánh đổ xuống mặt bàn.
“Em về mấy thế kỷ sau”
“Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
“Ta đi còn gửi đôi dòng
“Lá rơi có dội ở trong sương mù.”
“...”
“Sao?” Ký nhìn chăm chăm vào mặt tôi, dò hỏi.
“Chịu!” Tôi lắc đầu.
“Không biết à?”
“Thua!”
“Thế thì phá mồi kém thật!”
“Ai vậy?”
Ký đặt ly bia xuống bàn.
“Thì cũng là Bùi Giáng! Không hay à?”
“Không, không phải vấn đề hay hay dở”. Tôi chống chế. “Vấn đề là nó không có chất Bùi Giáng”.
Ký gật gù.
“Cũng được! Cũng được! Nhưng “dô” cái coi!”
Anh bưng ly lên và cụng vào ly tôi.
“Sao anh không đọc thơ anh?”
Bỗng dưng tôi hỏi Ký một câu lãng xẹt. Anh không trả lời. Tôi đã vô tình động mối thương tâm của anh. Còn nhớ có lần trong một bữa nhậu, cũng tại quán này, hôm đó có Nhật và Tâm, tôi đã nói với anh rằng tôi thích đời sống anh hơn là thơ anh. Và khi anh nghiêng tai về phía tôi yêu cầu tôi nhắc lại điều vừa nói, tôi nói rõ hơn: “Đời sống anh thơ hơn là thơ anh!” Ký không giận, nhưng tôi thấy anh đang ồn ào bỗng trầm hẳn lại. Về sau Nhật trách tôi đã nói một điều không nên nói với một người bạn đặc biệt là Ký. Anh lớn tuổi hơn chúng tôi dễ chừng đến gần một giáp. Tôi nhớ hổi nhỏ khi anh tôi mang về những tờ tạp chí Đời Mới, tôi có lần đã đọc thơ anh. Những bài thơ có vần có điệu nhưng chữ nghĩa là những gì có phần cũ kỹ. Cuối bài thơ dù có để tên anh hay một tên nào khác, tôi nghĩ cũng thế thôi. Có lẽ hồi đó tôi có thành kiến là ai làm thơ hay hơn Quang Dũng - thật ra thì tôi cũng nghe lỏm bõm được câu trước mất câu sau của nhà thơ này mà thôi.
(Em ở Thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt mấy lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì...)
(Còn nữa)