NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 6)
Có nhiều lý do để biện minh cho việc chọn ngành của tôi, nhưng thâm tâm tôi, tôi biết dù thế nào đi nữa, mình vẫn là tên ngụy biện. Phải, tôi đã lầm lẫn trong việc chọn nghề. Nhưng biết làm sao! Tôi giống như cây mía đã róc vỏ, bị đun đẩy vào cái máy ép. Tôi chỉ có thể ra ở đầu kia chứ không thể lui lại ở đầu này. Tuy vậy tôi vẫn hỏi ông Phan:
-Thưa bác, bác có thể cho cháu biết rõ hơn nữa về nhận xét của bác?
-Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tất cả những gì tôi biết về cậu đều có vẻ chống lại những gì cậu đang theo đuổi một nghề mà cậu không ưa thích. Tại sao?
Như vậy là người ta đã báo cáo cho ông Phan khá nhiều về tôi. Và ông Phan đã nhìn tôi bằng cái nhìn mà mọi người đang có về tôi. Tôi là một tờ giấy trắng có nhiều vết mực bẩn chăng?
-Thưa bác, có lẽ dạy học là nghề không thích hợp với cháu. Cháu ưa một cuộc sống khác hơn là cuộc sống cháu hiện có. Đây là một lầm lẫn tai hại, và vô phương cứu chữa.
-Tại sao?
-Tại vì cháu là một người thụ động.
-Chà! Chà!”
Tôi nghe tiếng ông Phan chặc lưỡi.
-Cậu dạy Triết mà có cái lối lý luận kỳ lạ. Theo chỗ tôi biết thì hình như cậu là một người thành công trong nghề nghiệp mà! Phải vậy không?
Thế nào là thành công trong nghề dạy học? Câu ấy khó mà trả lời. Những ngày đầu tiên khi mới ra trường, được bổ nhiệm về Biên Hòa, tôi đã gặp ngay một khó khăn lớn. Học sinh tôi và tôi không cách biệt bao nhiêu về tuổi tác. Và bài học tôi thu được của nhà trường thật khác xa với bài giảng trong lớp. Tôi càng cố gắng hòa hợp với học sinh tôi, tôi càng bị đồng nghiệp nhìn tôi bằng con mắt khó hiểu. Tôi thực sự lo lắng cho học sinh. Và tôi biết rằng họ cũng quan tâm đến sự lo lắng của tôi. Nếu trong những năm về sau, khi đổi sang một trường khác tại Sài Gòn, một trường trung học lớn nhất Việt Nam, mà tôi có được chút ít thành công, chẳng qua là vì những học sinh của tôi - hoặc là họ thông minh chăm chỉ, hoặc là họ thực sự cố gắng - khiến họ có được điểu họ quyết tâm hơn là do tôi.
-Thưa bác, xin cám ơn bác. Cháu vẫn nghĩ là chưa bao giờ cháu thành công trong lãnh vực này. Cháu chẳng qua là người may mắn.
-Khiêm tốn là điều tốt, nhưng khiêm tốn quá coi chừng sẽ có hiệu quả trái ngược. Cậu hiểu chứ? Con Uyên nhà tôi nói là nó biết cậu, biết nhiều về cậu!
Ông Phan nhấn mạnh hai chữ biết nhiều. Tôi hiểu sự ám chỉ ấy như một lời chê trách.
-Nhưng thưa bác, cô Uyên là ai, cháu chưa biết!
Ông Phan đang nhồi thuốc vào tẩu, bỗng ngừng lại ngó chăm vào mắt tôi.
-Cậu không biết Uyên là ai thật à? Tôi tưởng là cậu có quen nó chứ!
Tôi thực tình không hề quen biết cô Uyên. Nhưng theo cách nói của ông Phan tôi phải hiểu là cô Uyên nào đó biết tôi. Tôi dạy học và có thể trong đám đông học sinh tôi có một thiếu nữ tên là Uyên. Tuy vậy, tôi nghĩ biết tôi là một việc, còn biết tôi nhiều là một việc hoàn toàn khác.
Ông Phan có phần ngạc nhiên về thái độ của tôi. Ông đặt tẩu thuốc xuống bàn, bấm cái chuông điện gắn trên hộc kéo. Cửa phòng mở và người cận vệ bước vào, đứng nghiêm, mắt ngó thẳng.
-Bẩm cụ, gọi con!
-Phải. Làm ơn mời cô Uyên vào giúp tôi.
Cánh cửa khép lại, ông Phan quay sang tôi.
-Con Uyên nhà tôi nói là gia đình cậu có chuyện lục đục sao đó. Phải vậy không?
-Thưa bác, phải. Nhưng cháu vẫn không hiểu làm sao mà cô Uyên có thể biết quá nhiều về cháu như vậy!
Có tiếng gõ cửa. Và không đợi ông Phan lên tiếng tôi thấy tay nắm xoay vòng và một cô gái bước vào, mang theo mùi hương phấn rất đàn bà.
-Thưa bố, gọi con!
-Phải!
Ông Phan bập bập cái tẩu. Tôi nhận ra cái nhìn hơi khác của cô gái, một cái gì hơi khựng lại khi mắt cô đụng vào mắt tôi. Tôi cũng vậy, tôi đã nhìn ra được người thiếu nữ. Hai con mắt đen, mái tóc chải cao, chiếc trán bướng, hàm răng nhỏ, đều, trắng; áo nhung tím than hở cổ, da trắng mướt, chuỗi hạt lấp lánh giữa ngực. Cô gái mà mới vừa cách đây mấy phút, tôi thấy rực rỡ giữa các cậu trai, cuốn hút như một thỏi nam châm.
(còn tiếp)
-Thưa bác, bác có thể cho cháu biết rõ hơn nữa về nhận xét của bác?
-Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tất cả những gì tôi biết về cậu đều có vẻ chống lại những gì cậu đang theo đuổi một nghề mà cậu không ưa thích. Tại sao?
Như vậy là người ta đã báo cáo cho ông Phan khá nhiều về tôi. Và ông Phan đã nhìn tôi bằng cái nhìn mà mọi người đang có về tôi. Tôi là một tờ giấy trắng có nhiều vết mực bẩn chăng?
-Thưa bác, có lẽ dạy học là nghề không thích hợp với cháu. Cháu ưa một cuộc sống khác hơn là cuộc sống cháu hiện có. Đây là một lầm lẫn tai hại, và vô phương cứu chữa.
-Tại sao?
-Tại vì cháu là một người thụ động.
-Chà! Chà!”
Tôi nghe tiếng ông Phan chặc lưỡi.
-Cậu dạy Triết mà có cái lối lý luận kỳ lạ. Theo chỗ tôi biết thì hình như cậu là một người thành công trong nghề nghiệp mà! Phải vậy không?
Thế nào là thành công trong nghề dạy học? Câu ấy khó mà trả lời. Những ngày đầu tiên khi mới ra trường, được bổ nhiệm về Biên Hòa, tôi đã gặp ngay một khó khăn lớn. Học sinh tôi và tôi không cách biệt bao nhiêu về tuổi tác. Và bài học tôi thu được của nhà trường thật khác xa với bài giảng trong lớp. Tôi càng cố gắng hòa hợp với học sinh tôi, tôi càng bị đồng nghiệp nhìn tôi bằng con mắt khó hiểu. Tôi thực sự lo lắng cho học sinh. Và tôi biết rằng họ cũng quan tâm đến sự lo lắng của tôi. Nếu trong những năm về sau, khi đổi sang một trường khác tại Sài Gòn, một trường trung học lớn nhất Việt Nam, mà tôi có được chút ít thành công, chẳng qua là vì những học sinh của tôi - hoặc là họ thông minh chăm chỉ, hoặc là họ thực sự cố gắng - khiến họ có được điểu họ quyết tâm hơn là do tôi.
-Thưa bác, xin cám ơn bác. Cháu vẫn nghĩ là chưa bao giờ cháu thành công trong lãnh vực này. Cháu chẳng qua là người may mắn.
-Khiêm tốn là điều tốt, nhưng khiêm tốn quá coi chừng sẽ có hiệu quả trái ngược. Cậu hiểu chứ? Con Uyên nhà tôi nói là nó biết cậu, biết nhiều về cậu!
Ông Phan nhấn mạnh hai chữ biết nhiều. Tôi hiểu sự ám chỉ ấy như một lời chê trách.
-Nhưng thưa bác, cô Uyên là ai, cháu chưa biết!
Ông Phan đang nhồi thuốc vào tẩu, bỗng ngừng lại ngó chăm vào mắt tôi.
-Cậu không biết Uyên là ai thật à? Tôi tưởng là cậu có quen nó chứ!
Tôi thực tình không hề quen biết cô Uyên. Nhưng theo cách nói của ông Phan tôi phải hiểu là cô Uyên nào đó biết tôi. Tôi dạy học và có thể trong đám đông học sinh tôi có một thiếu nữ tên là Uyên. Tuy vậy, tôi nghĩ biết tôi là một việc, còn biết tôi nhiều là một việc hoàn toàn khác.
Ông Phan có phần ngạc nhiên về thái độ của tôi. Ông đặt tẩu thuốc xuống bàn, bấm cái chuông điện gắn trên hộc kéo. Cửa phòng mở và người cận vệ bước vào, đứng nghiêm, mắt ngó thẳng.
-Bẩm cụ, gọi con!
-Phải. Làm ơn mời cô Uyên vào giúp tôi.
Cánh cửa khép lại, ông Phan quay sang tôi.
-Con Uyên nhà tôi nói là gia đình cậu có chuyện lục đục sao đó. Phải vậy không?
-Thưa bác, phải. Nhưng cháu vẫn không hiểu làm sao mà cô Uyên có thể biết quá nhiều về cháu như vậy!
Có tiếng gõ cửa. Và không đợi ông Phan lên tiếng tôi thấy tay nắm xoay vòng và một cô gái bước vào, mang theo mùi hương phấn rất đàn bà.
-Thưa bố, gọi con!
-Phải!
Ông Phan bập bập cái tẩu. Tôi nhận ra cái nhìn hơi khác của cô gái, một cái gì hơi khựng lại khi mắt cô đụng vào mắt tôi. Tôi cũng vậy, tôi đã nhìn ra được người thiếu nữ. Hai con mắt đen, mái tóc chải cao, chiếc trán bướng, hàm răng nhỏ, đều, trắng; áo nhung tím than hở cổ, da trắng mướt, chuỗi hạt lấp lánh giữa ngực. Cô gái mà mới vừa cách đây mấy phút, tôi thấy rực rỡ giữa các cậu trai, cuốn hút như một thỏi nam châm.
(còn tiếp)