Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - VÒNG HOA VÀ QUÊN LÃNG

24 Tháng Sáu 201410:35 CH(Xem: 2645)
Nguyễn-Xuân Hoàng - VÒNG HOA VÀ QUÊN LÃNG

VÒNG HOA VÀ QUÊN LÃNG



blank

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên [30.05.52-03.08.92] là một hiện tượng trong thi ca Việt Nam, hiểu theo nghĩa trong thi có ca, trong thơ có nhạc. Vòng Hoa Và Quên Lãng là tên bài viết của Nguyễn Xuân Hoàng trên nhật báo Người Việt số ra ngày 6.8.1992, thời ông làm tổng thư ký nhật báo này. Tám năm sau, ngày 2.8.2000, ông đã phát triễn từ bài viết trước đây. Để tưởng niệm tác giả Thà Như Giọt Mưa.

1.

Sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày trên trái đất.

Ở đâu có con người, ở đó có sự quên lãng. Và, tất nhiên có cả những vòng hoa.

Cũng là điều dễ hiểu thôi, bởi vì không nợ nần gì nhau thì cần gì phải nhớ. Trí nhớ bao giờ cũng kén chọn. Nó chỉ nhớ những gì đáng nhớ hoặc sẽ chỉ nhớ những gì ta cố quên. Thế nhưng, khi mà hoa vẫn nở và người ta vẫn có khả năng kết được những vòng hoa thì rõ ràng đó là bằng chứng cho thấy con người không bội bạc.

Con người ta sống với nhau mà không bội bạc đã là quí. Đòi hỏi một cái gì khác hơn nữa có là điều quá đáng chăng?

Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Bởi vì theo tôi, không ai sống trên đời mà không nợ nần gì nhau. Cái máy chữ tôi đang gõ, trang giấy tôi đang viết, cái ghế tôi đang ngồi... có thứ gì mà tôi không nợ của người khác chứ!

Nếu chúng ta không thể quên được ơn của những người đã sinh ra ta, không thể quên ơn những người đã đổ mồ hôi mang đến cho ta những bữa cơm hàng ngày, những thực phẩm của trần gian, thì chúng ta càng không thể quên ơn những tiếng hát, những bài thơ, những bức tranh,... những thứ làm cho cuộc sống ta văn hóa hơn, người hơn. Thế mà trên thực tế có vẻ như người ta không mấy tử tế với những người đã làm ra các sản phẩm ấy.

2.

Có người sẽ bảo, thực phẩm trần gian là những gì nuôi dưỡng thân xác ta, cũng như khí trời, nếu không có nó thì ta chỉ có chết thôi, chứ còn văn chương với chữ nghĩa, hội họa với âm nhạc,... những thứ ấy thì ăn nhập gì! Trước cái chết của những người Nam Tư trong cuộc chiến hiện nay, liệu ông nhà văn, bà nhà thơ Serbia, Croatia nào có thể làm ngưng được tiếng súng? Đó là chuyện của những nhà chính trị. Nhà văn, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ... chẳng qua chỉ là những người cung cấp cho chúng ta những thứ trang trí trong một ngôi nhà mà thôi. Những thứ ấy là một loại xa xí phẩm. Có cũng được, mà không có cũng chả sao. Nó đâu phải là khí trời. Nó cũng đâu phải là cơm áo.

Người ta cũng nói nhà khoa học làm cho đời sống tiện nghi hơn, nhà chính trị giải quyết những cuộc chiến đẫm máu bằng hòa bình hoặc bằng những... cuộc chiến đẫm máu khác. Văn chương nghệ thuật có làm được điều đó đâu.

Người ta bảo vậy, nhưng có lẽ người ta quên rằng thật ra có những tác phẩm đã làm biến đổi [xấu hay tốt, xét sau!] thế giới. Căn Lều Của Chú Tom của Harriett B. Stowe và nước Mỹ, Cuộc Chiến Đấu Của Tôi của Adolf Hitler và nước Đức, cuốn Le Prince của Niccolo Machiavelli và những thủ đoạn chính trị...Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoi, Vua Lear của Shakespeare, Truyện Kiều của Nguyễn Du,... Vâng, Truyện Kiều của Nguyễn Du từng sống với dân tộc ta bao năm tháng, qua bao thăng trầm của thời đại. Truyện Kiều đã mang đến cho chúng ta niềm hãnh diện của một dân tộc văn hoá. Truyện Kiều, và bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật khác của dân gian đã làm cho chúng ta ngững mặt lên mà đi chớ không phải cúi mặt xuống mà bước. Còn Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyên Sa, Võ Phiến, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, ....những thứ ấy đã làm cho chúng ta vượt qua bao nhiêu đoạn đường của một con người.

Một nhà văn Nga có nói: Người ta đâu chỉ sống bằng bánh mì! có thể hiểu rằng ngoài bánh mì còn có những thứ khác không thuần vật chất cũng nuôi sống con người một cách... không thể thiếu được.

Người ta có thể nói nếu thế kỷ này không có một Einstein thì thế kỷ tới thế nào cũng có một Einstein khác, nhưng nếu trước đây chúng ta không có một Nguyễn Du thì không chắc gì thế kỷ sau này sẽ có một Nguyễn Du. Cho nên ta không thể không trân trọng những Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Võ Phiến, Nguyên Sa, những Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái,...

Chính những người đó dù còn sống hay đã qua đời bao giờ cũng đang sống giữa chúng ta, những người đã làm cho đời sống chúng ta có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Những người đang cùng chúng ta thở chung một bầu không khí, đang cùng chia sẻ với chúng ta những hãnh diện và khổ đau của một dân tộc, những người nói cùng một ngôn ngữ với chúng ta, thế mà không những chúng ta không ngó ngàng gì đến nhau, không thuận thảo nhau, thậm chí còn nguyền rủa nhau... khi vắng mặt, thì nói làm chi chuyện một vòng hoa cho người nằm xuống.

Cái tội lạnh nhạt, thờ ơ với người sống, nhất là những người mà ta chịu nợ thật là một lỗi lầm khó tha thứ. Cái tội ấy làm cho trái đất ta đang ấm áp sẽ lạnh lẽo đi, và đang lạnh lẽo sẽ băng giá hơn. Nó làm cho những trái tim đang nồng nàn sẽ nguội lạnh và những trái tim cằn cỗi sẽ khô cứng hơn. Nó sẽ làm cho thế giới này chỉ còn nơi chứa những sinh vật chứ không còn là nơi ăn chốn ở của con người.

blank

3.

Tôi nhớ những ngày sau cùng của Nguyễn Tất Nhiên ở Quận Cam. Phải thú thực, kể từ khi quen biết anh, cho đến ngày anh ra đi, tôi chưa bao giờ thấy thoải mái với anh. Tôi luôn luôn giữ một khoảng cách với anh, mặc dù bao giờ tôi cũng yêu mến những bài thơ của anh. Tại sao? Tôi không có câu trả lời. Cũng như tôi không thể trả lời được tại sao, lúc nào và bao giờ tôi cũng quý mến Nguyễn Hoàng Nam, bào đệ của Nguyễn Tất Nhiên.

Phải nói rằng thơ Nguyễn Tất Nhiên là một đóng góp hồn nhiên vào đời sống thi ca của chúng ta, mặc dù chữ nghĩa trong thơ anh - nhiều bài - vẫn còn ở thể quặng mỏ của ngôn ngữ. Nó là một thứ nham thạch ròng chưa bị tính bác học của ngoại lai xâm nhập, thẩm thấu và tác hại như một vài dòng thơ Việt Nam đã và đang chảy ra trong thi ca chúng ta.

Thơ Nguyễn Tất Nhiên làm cho đời sống chúng ta ấm áp, thế nhưng, những ngày sau cùng với chúng ta, anh đã sống trong sự lạnh lẽo.

Nguyễn Tất Nhiên bước vào đời như một nhà thơ và anh đã ra đi trong sân một ngôi chùa lặng lẽ như một thi sĩ.

Hoa đã ngập đầy nơi an nghỉ cuối cùng của anh. Người ta đã choàng cho người thi sĩ vòng hoa cuối cùng.

Không nên trách sự lạnh lẽo của người khác khi Nhiên còn sống, cũng chẳng ai trách sự vội vã của những người choàng vòng hoa lên Nguyễn Tất Nhiên khi anh đã ra đi. Bởi vì sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày trên mặt đất.

Nguyễn Tất Nhiên đã đến trong cuộc sống, đã rong chơi cùng chúng ta, và anh đã từ giã chúng ta.

Thà cứ như một giọt mưa đi nhé, Nguyễn Tất Nhiên...

Trước sau gì rồi chúng ta lại chẳng có dịp gặp nhau.

Vaya con Dios!

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

California [6.8.1992- 2.8.2000]