Ở phòng giáo sư, mấy đồng nghiệp của tôi đang bàn tán về sự vắng mặt của Ký, Sum, và Tích. Ký, giáo sư Việt văn, tác giả tập thơ Sầu Ở Lại, tay nhậu không mỏi mệt của Chợ Đủi. Sum phụ trách môn Sử Địa, người mập mạp tròn trịa, vui nhộn. Khi nghe có tiếng cười ở đâu biết là có Sum ở đó. Tích dạy Pháp văn, vừa mới đổi về trường được năm nay. Ký đóng Đại Úy, còn Sum và Tích mang cấp Trung Úy.
Sau vụ này, người hiệu trưởng mới không nói gì với Danh. Y là người thâm trầm, kín đáo. Không ai nghĩ mình có thể chờ đợi một người chiến thắng như thế.
“Có gì lạ không ông?” Tôi hỏi Danh.
“Sao không? Bây giờ tôi phụ trách việc sửa tất cả bàn ghế hư của nhà trường.”
“Sao? Ông làm thợ mộc?”
“Mà tại sao không chớ! Không chừng sắp đến lượt ông mà ông không hay!”
Minh rót trà vào ly, uống một ngụm, ngó ra sân. Anh nói khá nhỏ:
“Tôi nghĩ là mấy ông ít nói đi thì hay hơn.”
Tôi nhìn Minh không hiểu. Tôi ngó ra cửa lớn nối liền hành lang với phòng hành chánh. Lê Hiên đang bước rất chậm về phía bàn nước.
Y hơi gật đầu chào chúng tôi, xong từ tốn kéo ghế ngồi xuống. Nhấc điếu thuốc ra khỏi môi, đặt lên cái gạt tàn, Hiên rót nước trà, uống chậm rãi. Tôi chờ Hiên nói, sau cùng đốt gần tàn điếu thuốc, Hiên mới mở lời:
“Tôi muốn gặp anh Thăng có chút việc riêng. Anh có rảnh không?”
Tôi nhìn Minh và Danh. Không ai nói gì. Tôi gật đầu.
“Xin lỗi hai anh.” Hiên đứng dậy. Tôi bước theo.
Tới trước cửa phòng giáo sư, Hiên đi chậm lại chờ tôi cùng bước song song.
“Ông bà Phan liên hệ thế nào với anh?”
“Ông bà Phan?” Tôi giật mình.
“Phải, ông Phan. Lâu nay anh có được tin tức gì của ổng không?”
“Không. Tại sao tự nhiên anh hỏi chuyện ông Phan?”
“Anh Thăng nên nhớ là không có việc gì trên đời này mà cách mạng không biết. Anh là người có cuộc sống như thế nào trước khi cách mạng về, chúng tôi đã rõ. Hôm qua tôi có được gặp đồng chí Mười Tân.”
Hiên nhắc ông Mười Tân làm tôi nhớ lại hôm Tuấn đến nhà thăm Quỳnh mới sanh. Quỳnh nói ông Mười Tân là con ông bác và cho đến nay “em vẫn chưa gặp ảnh lần nào. Nghe nói ảnh đi theo Việt Minh hồi nhỏ, làm tới chính ủy trung đoàn, rồi từ đó không được tin tức gì cho tới nay.”
“Tại sao hồi đó anh ở trong nhà ông Phan?” Lê Hiên hỏi tiếp. “Đâu có phải ai cũng vào nhà ông Phan ở được phải không?”
“Nếu anh muốn biết chuyện ông Phan thì đó là một câu chuyện dài.”
“Không. Biết thì cách mạng đã biết hết rồi. Nhưng vấn đề ở đây là tôi muốn anh thành khẩn kể ra.”
“Anh muốn tôi kể ra hay viết ra?”
“Theo tôi, anh nên viết thì tốt hơn.”
Tôi nhìn kỹ Hiên. Y có gương mặt xanh mướt, hai gò má nhô xương, đôi mắt thỉnh thoảng nhấp nháy như người sợ ánh sáng, hai cánh tay dài lòng thòng. Cách phát âm từng chữ từng tiếng chậm rãi nhẹ nhàng của Hiên làm tôi sợ.
“Còn một điều nữa, tôi muốn nói với anh.”
Hiên nhìn thẳng vào mắt tôi. “Tôi biết anh đang gặp khó khăn về việc đứng lớp. Xin anh cứ nói thẳng để tôi tìm cách giải quyết.”
Tôi không ngạc nhiên gì về điều Hiên nói. Anh ta phải biết điều đó thôi.
“Cảm ơn anh. Tôi muốn xin anh giúp một điều.”
“Anh cứ nói. Điều gì có thể làm được tôi sẽ không từ chối.”
“Tôi muốn xin nghỉ dạy. Tôi muốn tìm một nghề khác để sống.”
Hiên nhìn tôi bàn tay trái của y giơ lên gãi gãi mép tai.
“Tại... sao? Mà tại sao mới được chớ?”
“Tôi thấy quay một vòng tới một trăm tám mươi độ khó quá!”
“Tôi không nghĩ như vậy đâu. Cách mạng sáng rỡ như mặt trời. Có gì mà quay đến một trăm tám mươi độ. Đọc Sử anh không biết Ngô Thì Nhậm sao? Không ai nói Ngô Thì Nhậm quay tới một trăm tám mươi độ. Ngô Thì Nhậm là một kẻ sĩ tức thời...”
“...”
“Tôi nghĩ là anh bất mãn với chế độ mới. Để tôi gặp đồng chí Mười Tân đề nghị
đồng chí ấy trao đổi với anh.”
Câu trả lời làm tôi chán ngán. Tôi giơ tay xem giờ.
“Xin lỗi. Có lẽ tôi phải xuống lớp.”
“Chuông chưa reo mà!” Hiên nói, “Nhưng thôi, cũng được.”
Khi tôi bước chân ra tới cửa, Hiên gọi giật lại:
“Anh Thăng, dù sao anh cứ viết đơn. Tôi sẽ chuyển cho anh. Đồng chí Mười Tân là thủ trưởng của tôi, chắc anh biết rồi phải không?”
“Xin cảm ơn!” Tôi trả lời như một cái máy.
Trên hành lang trở về phòng giáo sư, tôi đi như một người bị thương. Mùi khói thuốc của Hiên như theo đuổi tôi tận chỗ ngồi giữa Danh và Minh.
(còn tiếp)