Có lẽ cũng giống như phần lớn các phụ nữ khác, tôi không siêng năng theo
dõi tin tức thời sự cho lắm, cho dù là thời sự quốc tế hay thời sự Bolsa. Ông xã tôi thì trái lại (có lẽ cũng giống như phần lớn quý ông khác), một phần vì nghề nghiệp, một phần vì sở thích, ông ấy không thể nào bỏ qua những bản tin hấp dẫn.
Trong thời gian năm hết Tết đến vừa qua, tin về can phạm Christopher Dorner dám một mình tuyên chiến với giới công lực, khiến lực lượng cảnh sát Los Angeles phải truy nã ráo riết suốt non một tuần mới hạ được, quả là một tin hấp dẫn trên mức bình thường. Và, cũng như những lần khác, thế nào tôi cũng được (hay bị) nghe ông ấy kể lại từ đầu đến cuối câu chuyện, từ hồ sơ lý lịch phạm nhân cho đến động cơ và tận tới màn cuối của thảm kịch.
Nổ súng giết người không phải là chuyện lạ ở thời đại bây giờ, nhất là ở xứ Mỹ này. Nhưng lần này, lý do thúc đẩy việc nổ súng giết người của phạm nhân làm tôi đang rửa chén cũng phải ngưng tay theo dõi: muốn trả thù vì bị cho nghỉ việc (mà anh ta cho là) oan ức. Ay dà! Mấy chữ “bị cho nghỉ việc” chẳng gì cũng chạm đến vết thương lòng sâu kín của tôi, cho dù hai hình thức cho nghỉ việc có khác nhau đi nữa. Thấy người lại ngẫm đến ta. Và cái nỗi buồn thất nghiệp lại được dịp trồi lên sau nhiều ngày bị đè nén bằng nhiều biện pháp (khéo léo lẫn không khéo léo).
Làm sao tôi quên được buổi chiều thứ Sáu ấy. Tôi thường nghe kể rằng làm việc ở Mỹ này, nhất là tại các hãng đang xuống dốc, chiều thứ Sáu phát lương đôi khi lại là những “chiều định mệnh”. Chủ bạn sẽ thân ái mời bạn lên văn phòng, cám ơn sự đóng góp của bạn trong bấy lâu nay và… báo cho bạn biết đây là ngày làm việc cuối cùng của bạn đồng thời đưa cho bạn cái chi phiếu tiền lương sau chót – định mệnh đã an bài. Nhưng tôi nghe thì nghe vậy, rồi cũng để ngoài tai. Thường người ta hay có khuynh hướng cho rằng những chuyện xui xẻo như thế có xảy ra thì xảy ra cho ai kia thôi, chứ không phải mình (làm như mình phước đức ông bà sẵn có nhiều lắm vậy). Hỡi ơi, thế mà bây giờ nó lại xảy đến cho mình, một cách vô cùng bất ngờ. Chiều thứ Sáu ấy không phải là chiều phát lương mà là chiều phát lịch trình. (Hãng tôi phát lương mỗi hai tuần, luân phiên với việc phát hành lịch trình làm việc cho hai tuần sắp tới.) Bởi vậy khi được mời lên văn phòng giám đốc, tôi hoàn toàn không chờ đợi bất cứ tin xấu nào. Thế là sốc. Chết điếng. Mất hết tự chủ. Mất ý thức. Trời đất sụp đổ dưới chân. Đủ thứ từ ngữ mà những người đi trước đã kể lại về tâm trạng của họ trong khoảnh khắc ấy đều đúng y chang với tôi, không khác một chút nào. Thật là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.
Ngay lúc ấy, cái lo về tài chánh, tuy cũng lớn, nhưng thật sự không nặng nề bằng sự thương tổn tinh thần, uất ức trước cảnh bất công. Ông xếp lớn nhất đã bảo với tôi là công ty đã đổi quy chế xét duyệt để cho nghỉ việc nên họ không chỉ dựa trên thâm niên nữa mà dựa trên nhiều yếu tố cần thiết cho lợi ích của công ty. Câu nói như một khối nước lạnh tạt vào thân tôi giữa buổi chiều đông giá buốt. Bao nhiêu hạnh nhẫn nhục từng luyện tập, bao nhiêu lời giảng về vô ngã tôi từng nghe tới nghe lui để nhắc nhở chính mình, lúc đó trôi đi mất tiêu. Một điều duy nhất tôi đã cố gắng làm tròn, đó là không phẫn nộ la lối cũng không rơi nước mắt, thế thôi.
Ngày lại ngày qua, nỗi uất nghẹn có phần phôi pha, nhưng nỗi buồn của một cõi lòng thương tổn vẫn cứ thập thò xuất hiện những khi mình vô ý nhất. “Thức đêm mới biết đêm dài”. Trước đây, khi nghe tin (cũng do ông xã tôi kể lại) nhiều đàn ông Nhật Bản bị mất việc, bên cạnh những khó khăn tài chánh phải vượt qua, họ đã xuống tinh thần đến nỗi phải tìm đến cái chết. Giới phân tích tâm lý cho rằng sở dĩ có tình trạng này vì đàn ông hay đồng hóa mình với cái vị thế xã hội mình đang có, cái công việc mà mình đang phụ trách. Mất đi những thứ đó thì họ không còn giá trị gì cả.
Nay chính mình bị lâm vào hoàn cảnh ấy, tôi mới thật sự thông cảm với họ (mặc dù tôi không phải là đàn ông). Tôi thấy họ cũng đúng lắm (trừ cái việc đi tìm tới cái chết), cho đến một buổi sáng nọ. Sáng ấy, nhân có thì giờ rời rộng, tôi bắt đầu dọn dẹp quét dọn lau chùi nhà cửa (để ăn Tết). Tới màn lau kệ sách, tôi chợt dừng tay và tẩn mẩn dở ra quyển “Dòng Đời Vô Tận” của thầy Trí Siêu mà vợ chồng tôi đã thỉnh khá lâu nhưng chưa có dịp đọc vì quá bận bịu.
Không ngờ, có một bài trong cuốn sách ấy đã giúp tôi rất nhiều. Bài đó đại ý như thế này: Trong một buổi thuyết trình về giá trị đạo đức, một giáo sư bắt đầu buổi giảng bằng cách dơ cao một tờ giấy bạc 20 đô la và hỏi các sinh viên ai muốn có tờ giấy bạc này. Tất cả các sinh viên đều dơ tay. Rồi ông vo tròn tờ giấy bạc, hỏi lại sinh viên. Họ vẫn muốn nhận. Rồi ông dày xéo, dẫm đạp tờ giấy bạc, hỏi lại sinh viên lần nữa, và họ vẫn muốn nhận như thường. (Theo tôi đoán, buổi thuyết trình này chắc chắn không diễn ra ở Việt Nam, nơi mà những tờ bạc cũ e khó có chỗ đứng bình đẳng với những tờ giấy mới). Và ông đi đến kết luận “Này các bạn, quý vị vừa học được một bài học… Bất kể những gì tôi vừa làm với tờ giấy bạc này, quý vị vẫn muốn nó như thường, bởi vì giá trị của nó không thay đổi, nó vẫn là 20 đô la. Cũng như thế, nhiều lần trong đời, quý vị đã bị dày xéo, hiểu lầm, hất hủi, nhục mạ bởi con người và hoàn cảnh… Quý vị có cảm tưởng là mình đã mất hết danh dự, không còn xứng đáng gì nữa, nhưng giá trị thật sự của quý vị vẫn không thay đổi dưới mắt của những người hiểu và thương yêu quý vị.”
Thật là một bài học về giá trị vô cùng… giá trị. Trong trường hợp của tôi, nó đã vực tôi đứng dậy một cách thần diệu. Nửa vui nửa buồn, tôi bùi ngùi tiếc cho các nạn nhân đã bỏ mình vì chính họ hoặc vì những bàn tay sát nhân đầy hận thù tàn bạo. Những bài học chứa đầy từ bi và trí tuệ như vậy, nếu gặp đúng duyên, biết đâu cũng có thể cứu được bao nhiêu mạng người trong cõi đời nhiều đau khổ này.
Westminster, Tháng Hai, 2013