CÙNG VUI BÊN NẮNG CHIỀU PHAI.

  Sáng ngày 7/8/2013., Chiếu có gửi mail cho tôi và Thông, đề xuất bạn bè có buổi sáng cà-phê chia tay với bạn Nguyễn Thị Hồng, để tuần sau bạn theo chuyến bay quay về tổ ấm. Đã thành thông lệ, sau lần họp mặt với bạn bè phương xa, bạn bè quê nhà sẽ cùng nhau đóng góp tổ chức tiệc chiêu đãi chia tay để người đi nhớ mãi ân tình nơi cố hương. Tất cả đồng ý và chuyển tin đến bạn bè, càng đông càng vui. Địa điểm do Thông lựa chọn. Thời gian, 8 giờ sáng của ngày thứ năm, 8/8/2013.
  Sáng hôm đó, tôi cố gắng làm xong công việc thường ngày sớm để đến điểm hẹn đúng giờ. Đang chuẩn bị đi, có điện thoại của Thông cho hay là cũng đang trên đường di chuyển. Địa điểm được chọn là quán cà- phê, kết hợp vườn sinh thái ở khu Miễu Bình Thiền. Nhả Viên Quán. Chủ nhân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để có không gian thoáng đảng, rộng rãi cho những buổi họp mặt ấm tình hoặc đàm phán thương mại, làm ăn. Những khung nhà rường kiểu cung đình Huế, làm bằng gỗ quý, được chủ nhân mua rồi về lắp ráp lại cho tăng phần quý phái. Bàn ghế ngồi cũng vậy. Đứa cháu nói, ở Bình Dương cũng có cà-phê Hoàng Cung, phong cách như thế nầy. Tôi đến nơi, Chiếu và Thông đang ngồi uống trà chờ bạn bè. Tâm khỉ điện thoại hỏi tôi hướng dẫn đường đi, tôi bảo, đường đi trong miệng. Bạn Nghiêm Thái Bình với chiếc áo chim cò kiểu Philippine cũng đang từ cổng bước vào. Phạm Văn Đạo bận ca trực ban ngày, không đến được, vẫn điện thoại hỏi thăm. Bạn Hà Thu Thủy nhận nhiệm vụ đến nhà, dùng xe máy chở bạn Hồng đến điểm hẹn. Lần họp mặt chiều chủ nhật, bạn Hồng có nhờ bạn bè chuyển tin mời bạn Thủy, tôi ngở Thông đã mời qua điện thoại nên không chuyển mail. Không ngờ Thông bị lạc mất số điện thoại nên bạn Thủy không biết để đến tham dự. Bù lại, hôm qua bạn Thủy và Hồng cũng đã có buổi cà-phê sáng cùng một số bạn bè. Tâm nhủi sau khi sắp xếp công việc ở nơi sản xuất, cũng đến sớm. Mọi người đến gần đông đủ, buổi gặp gỡ được bắt đầu.
  Bạn bè chào nhau, không cần giới thiệu cũng đã biết nhau ở lần họp mặt trước. Thức ăn, thức uống được chọn qua menu. Tôi vẫn gọi ly cà-phê đá truyền thống, dù buổi sáng ở

blank
nhà đã uống ly cà-phê sửa cúng ông địa. Bạn bè gặp gỡ nhau để nhắc nhở về kỷ niệm ngày tháng ở Biên Hòa, cũng như năm tháng học ở trường trung học Ngô Quyền. Mọi người nhắc nhau về nhà thơ lận đận Nguyễn Tất Nhiên, đồng môn Nguyễn Hoàng Hải. Những câu chuyện cuộc sống của xóm Dốc Tòa, ngã ba Cây Chàm, của chợ Biên Hòa còn hằn in trong ký ức. Những người bạn chung lớp chung trường. Mai Quỳnh Lâm học chung lớp nhì, lớp nhất với tôi ở tiểu học Chợ Đồn. Mai Phương Mai cùng học lớp ba với các bạn ở tiểu học Nguyễn Du, chung lớp ở khóa 9 NQ. Ngày xưa mỗi lần đi học, Mai ôm cặp táp, đi bộ từ rạp hát Phước Chung xuống bến xe lam ở đầu cầu Gành, nhà tôi ở ngay chợ. Tôi xem trong trang Tứ 1-2-3, do Hát Bình Phương thực hiện, có ảnh Mai chụp chung với anh Phẩm năm 2010, trong một hội nghị. Tôi nhớ ra, cả hai là anh em cô cậu. Bạn Thủy cũng cho hay, bạn có mời bạn Tùng Thư, người bạn thân cùng lớp, hiện ở Sài Gòn, đang trên đường về Biên Hòa bằng xe buýt để chung vui với thân hữu. Trong lần họp mặt ngày 7/10/2012, mừng 60 năm cuộc đời của những người bạn tuổi Rồng, bạn Tùng Thư có về tham dự. Dù từ Sài Gòn, hơn 9 giờ bạn mới lên xe buýt, thời gian xe chạy cũng một tiếng đồng hồ, nhưng bạn bè vẫn đợi. Chuyện của quá khứ, ngồi tâm sự cả ngày cũng không đủ. Bạn Trần Văn Minh, em Thông đến hơi trể một chút. Minh liên lạc với bạn Nguyễn Văn Đạo, đang ở chợ Biên Hòa, rồi lấy xe máy đến đón Đạo để chung vui. Sau buổi họp mặt chiều chủ nhật, tôi gửi hình ảnh cho bạn bè, biết sức khỏe Đạo đã khả quan, các chị đã gửi lời chúc mừng. Lần họp mặt 55 năm trung học NQ, Đạo đã từ Virginia bay sang tham dự, có ghé chơi nhà chị Tuyết. Sau đó , bạn ngã bệnh, bị mở nhiểm quấn dây thần kinh, phải về BH điều trị Đông Y. Bạn nói vui, có lẽ nhờ khí hậu nóng bức quê nhà, mở bị tan, sức khỏe hồi phục 80%. Bạn nói, mấy hôm nay bị mất ngủ. Bạn bè chỉ dẫn, dùng chùm bao nấu nước uống. Có cả kho thuốc Nam ở Hưng Bình Tự. Sau khi xong công việc gia đình, Đinh Thiên Thọ cũng đến chung vui với bạn bè. Buổi họp mặt chiều chủ nhật, Thọ cũng không dự được vì còn lo cơm áo.

blank

blank

Tâm nhủi - Luận - Thủy - Thọ- Tùng Thư - Thông - Hồng - Minh -Bình - Tâm khỉ.

blank

Thông - Chiếu - Minh - Đạo.

  Đã hơn 11 giờ trưa, mọi người cảm thấy bụng đã cồn cào, tôi nêu ý kiến dùng cơm trưa tại chỗ, dù đã có mấy ly trà đá tiếp sức. Bình đề xuất nên đến làng bưởi Tân Triều để ăn trưa và thư giản. Đề xuất nầy hữu lý, vì nói đến Biên Hòa, địa danh Tân Triều là phải nói về bưởi, vì thổ nhưởng nơi đây thích hợp cho loại trái cây nầy. Tôi liên tưởng đến bài vọng cổ " Gánh bưởi Biên Hòa " của soạn giả Viễn Châu, do danh ca Thanh Hải trình bày.

Hò ơ… sông Biên Hòa chảy ra Bãi Cát,
Bưởi Biên Hòa vị ngọt mùi thanh.
Mười năm khói lửa đao binh.
Cô em bán bưởi, hò ơ…
Cô em bán bưởi bỏ mình tại ai?
 ......
  
  Người Trà Vinh còn biết bưởi Biên Hòa, huống chi mình dân Biên Hòa chính gốc. Chiếu đã hẹn có buổi cơm trưa gia đình nên phải về nhà. Thọ thì tiếp tục lên lớp. Minh đưa Đạo về với gia đình. Còn lại 8 người trực chỉ làng bưởi Tân Triều. Từ khu Miễu Bình Thiền, xe máy chạy vòng qua núi Bửu Long, con đường bọc quanh phi trường BH. Tôi nhớ, thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi đã có lần đi qua đây với chiếc Honda Dame, hai bên đường là rừng tràm, vắng người. Nếu lỡ xe máy bị bể bánh, đành chịu. Từ trung tâm BH, đến làng bưởi khoảng gần 10 km. Đến ngã ba Cây Đào, Bến Cá, rẽ trái là vào làng bưởi, hơn cây số nửa. Trên đường vào làng bưởi, tôi có đi ngang qua nhà thờ Tân Triều. Tôi định về sẽ chụp ảnh, tiếc rằng trời mưa nên thôi. Từ ngã tư, đi thẳng là lên quận lỵ Công Thanh, thác Trị An. Dù là cư dân của BH, nhưng là lần đầu tiên tôi lên thăm làng bưởi. Khoảng năm 1960, dịp Tết, gia đình ba má tôi có thuê chiếc xe lam ba bánh, chở cả gia đình đi chơi thác Trị An. Qua khỏi cầu Rạch Đông, đến Đại An để vào thác, mấy anh lính cản lại không cho vào, vì đó là vùng cấm. Năm tôi học đệ lục, 1965, Nguyễn Trương Hoàng, bạn chung lớp, chơi thân với tôi, sau nầy là chồng Bùi Tuyết Nga, có dẫn tôi về nhà ở chợ quận Công Thanh, tôi nhớ tên là Tân Phú. Từ chợ BH lên đây bằng xe đò camionnette. Nhà mái ngói âm dương, có 3 gian. Hoàng kể, chợ Công Thanh cách chợ Tân Uyên con sông Đồng Nai, yên hùng hai bên mỗi lần gây sự là chèo đò qua sông đánh lộn. Bạn Thủy cũng biết nhà Hoàng, vì có thâm niên 10 năm dạy học vùng nầy. Ở đây có bến đò Bà Miêu, để sang Thường Tân, Lạc An. Bến đò hoạt động đến 22 giờ đêm để đưa rước công nhân sang khu công nghiệp bên nầy sông. Nhờ có bến đò nầy, bạn Phạm Bình Nguyên đã gặp cô giáo và nên duyên, khi cô giáo thay cha đưa đò. Nhưng khi bạn mất, ba tháng sau bạn bè mới hay tin. Trong ngày họp mặt khóa 8 CHS NQ đầu năm 2013, sáng hôm đó, hai bạn Trần Văn Thông, Nguyễn Khải Hoàng, đã qua bến đò nầy, đến gia đình bạn Nguyên, thay mặt bạn bè viếng thăm và gửi lời chia buồn. Sau đó hai bạn trở về BH cho kịp giờ họp mặt khóa. Bây giờ, đã có cây cầu Thủ Biên bắc qua sông Đồng Nai, nối liền Tân Uyên-Vĩnh Cửu. Cũng khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi có đến chơi thác Trị An đôi ba lần, đến nay chưa có dịp. Quê hương ở gần mà chưa đến được, đừng nhắc chuyện xa vời.

blank

  Ngôi làng này nằm trọn vẹn trong cù lao Tân Triều, mảnh đất được bồi đắp bởi phù sa sông Đồng Nai. Theo lời kể của người dân, vùng đất màu mỡ nhờ phù sa nhưng hay ngập nước nên không thể trồng hoa màu, lúa như nhiều vùng khác. Thử nghiệm, trăn trở mãi, người Tân Triều phát hiện ra chỉ có cây bưởi là sống tốt, sống khỏe trên đất. Một nhà trồng bưởi thành công, cả làng học theo, nhà nhà trồng bưởi.
  Giống bưởi được chọn là bưởi đường lá cam, vỏ xanh mịn, ruột có vị ngọt đậm pha chút chua thanh, đặc biệt không hậu đắng. Sau này, dù người dân cù lao Tân Triều đã trồng thêm nhiều giống bưởi mới, mang từ vùng khác về như bưởi da xanh (Bến Tre), bưởi Năm roi (Vĩnh Long) hay bưởi Long, bưởi Xiêm… nhưng khách phương xa về làng bưởi vẫn chỉ thích ăn nhất bưởi đường lá cam.
  Mấy năm trở lại đây, người làng bưởi đã biến những vườn bưởi nhà mình thành khu du lịch sinh thái, phục vụ những người thành phố ngày ngày mệt mỏi với khói bụi giữa những khối bê tông nóng bỏng. Một trong những khu đầu tiên là làng bưởi Năm Huệ, mang tên của ông chủ vườn. Đến đây, điều thú vị nhất là du khách sẽ được thưởng thức những món ăn, thức uống từ bưởi như gỏi bưởi và rượu bưởi.(1)
 

blank



blank



blank

  Khu du lịch Làng bưởi Năm Huệ, do tư nhân bỏ vốn đầu tư, tận dụng đất vườn, và cảnh quan sông nước. Tùy số lượng thực khách, ta chọn nhà chòi thích hợp. Nếu không dùng thực đơn của họ, khách có thể thuê chòi, theo dạng picnic. Nếu cần, khách cũng có thể thuê du thuyền, vừa ăn uống, tâm sự và ngắm cảnh sông nước. Đang vào mùa nước lũ, nên dòng sông quê hương vàng đục phù sa chảy về hạ du. Ở đây có hai đặc sản không thể bỏ qua, gỏi bưởi và rượu bưởi. Rượu bưởi, cũng có cách làm như những loại rượu trái cây khác, nhưng ngon dở là do nguyên liệu làm và cách chế biến.

  Ông Huỳnh Đức Huệ, thường gọi là ông Năm Huệ, chủ cơ sở Làng bưởi Năm Huệ cho biết, gỏi bưởi ở Tân Triều có vị riêng, ngon đặc biệt nhờ được làm bằng công thức và nguyên liệu truyền thống. Đó phải là các tép bưởi của giống bưởi đường da xanh vừa chín tới trong vườn, đem trộn với tôm bắt dưới sông còn tươi nguyên, cùng ớt trái, hành tây, ngò, đậu phộng. Lấy bánh tráng hay bánh phồng xúc gỏi bưởi, nhấp thêm một miếng rượu bưởi thơm nồng, nhẩn nha nhấm nháp giữa vườn lồng lộng gió sông thì thú vị vô cùng.
  Nói đến rượu bưởi, người làng bưởi lại kể chuyện mình kỳ công ra sao để tạo nên thứ nước uống đặc biệt này. Theo ông Năm Huệ, để biến bưởi thành rượu như hôm nay thì ông phải mất mấy năm ròng rã hết ủ bưởi, lên men lại đến mời mọi người uống thử để lấy ý kiến tham khảo. Khen chê mãi, cuối cùng bưởi cũng thành rượu; mà lại ngon không ngờ, vừa ngọt, vừa êm, uống say lúc nào không hay.
  Chưa hết, ông Năm Huệ còn muốn rượu bưởi thì phải đựng trong… trái bưởi. Vì vậy, ông chủ của mảnh vườn vài hecta trồng bưởi này lại đi nhờ thợ sành, sứ chế tạo bình đựng mang hình trái bưởi vỏ xanh, núm hơi vẹo. Ông ta cười hỉ hả giải thích: “Núm có vẹo mới đúng hình trái bưởi nhen, vì bưởi mọc thành chùm nên luôn luôn vẹo đầu”.(2)

  Ông chủ vườn bưởi nầy đặt sành sứ nơi cơ sở làm gốm của em tôi, định kết thông gia nhưng không thành, dù em tôi cũng mê rượu bưởi. Làng gốm định kết thân với làng bưởi.
  Đến nơi, mọi người chọn khu nhà chòi dành cho 8 người. Các nhà chòi đầy khách tham quan. Dù ngoài trời có nắng, nhưng trong vườn dịu mát vì được tàng cây bao phủ. Các cô phục vụ đều mặc áo bà ba trắng. Cũng như các cô phục vụ ở vườn sinh thái cà-phê mặc áo bà ba xanh. Chiếc áo bà ba đã được khôi phục, tạo nét duyên dáng cho các cô gái Việt Nam. Vẫn những món ăn dân giả truyền thống : gỏi bưởi xúc bánh tráng, rau luộc chấm nước mấm kho quẹt, cá bóng kho, đậu hủ chiên... Chai rượu bưởi đầu tiên được mang lên, chia đều ra các ly nhỏ để cùng nhau thưởng thức hương vị quê nhà. Vị ngọt nồng vì có men rượu. Nhưng đặc biệt không có vị đắng. Bởi vì có những cơ sở làm ăn gian dối, để thao tác nhanh không tốn thì giờ, họ không tách hết tép bưởi ra, có lẫn vỏ bưởi nên có vị đắng. Điều nầy tôi đã gặp khi có lần mua rượu bưởi ở chợ BH. Con sâu làm rầu nồi canh. Năm 2008, con trai tôi lên thăm bạn học ở Ban-Mê-Thuột, tôi có mua gởi cho cháu mang theo 2 cặp, bốn trái bưởi hồng da xanh, nặng gần 10 ký lô, để làm quà biếu. Gia đình bạn cháu xẻ ra ăn, khen bưởi BH ngon, mình cũng thấy hảnh diện.Chai rượu bưởi thứ hai được mang lên. Hết ly thứ hai rồi ly thứ ba. Tình cảm vẫn còn sâu nặng. Rượu quê hương làm ấm lòng người xa xứ trong vòng vây bè bạn.

  Sau lần bạn bè gặp gỡ cách đây 3 ngày, Phạm Văn Đạo bận ca trực nên không dự được, bạn cảm thấy vấn vương, luyến tiếc. Sáng qua,10/8/2013, bạn điện thoại mời bạn bè party cà phê sáng chủ nhật, để chia tay tạm biệt bạn Hồng. Bạn bè đồng ý. Địa điểm được chọn cạnh bờ sông Đồng Nai, nơi bạn bè đã đôi lần gặp gỡ bạn phương xa. Nhìn hướng xa là làng cá bè Tân Mai. Bên kia sông là xóm Bình Tự của cù lao Hiệp Hòa.

blank
Hướng xa là làng cá bè Tân Mai.



blank
Xóm Bình Tự của cù lao Hiệp Hòa. Phía xa là chòm cây dầu của chùa Phước Hội.

  Chiều qua, Biên Hòa hứng trận mưa lớn. Tối đến, lại tiếp tục mưa. Tin thời tiết có 2 cơn bão đang hoạt động ngoài biển Đông. Tôi hơi lo lắng. Sáng nay tiết trời trong, có cơn nắng nhẹ. Trời cũng chiều lòng bạn bè. Lần lượt các bạn đến điểm hẹn. Nữ, có bạn Hồng, cây đinh buổi gặp gỡ. Bạn Hà Thu Thủy, cùng trưởng nữ và cháu ngoại trai gần 2 tuổi. Nam, có Đạo, Thông, Chiếu, Luận, song Tâm là Tâm nhủi, Tâm khỉ. Bạn bè tâm sự tiếp những gì còn vương vấn. Tôi nối máy để bạn Hồng tâm sự, mời bạn Đinh Mỹ Chơn đến gặp gỡ. Dù sức khỏe cháu nội đã khả quan, nhưng bạn Chơn còn lo lắng, nên không đến dự được. Rạng sáng ngày kia, bạn Hồng sẽ lên máy bay, tạm biệt người thân bè bạn. Đến 9 giờ sáng, cuộc vui kết thúc để bạn còn sắp đặt công việc cho ngày đi. Bạn bè nói lời chia tay, hẹn lần gặp sau, có thể là ở Biên Hòa, có thể là ở xứ người. Những cụm mây đen mà gió mang về từ hướng biển, báo hiệu một ngày nửa thời tiết nhiều biến động.

blank

blank

   Dòng sông quê hương vẫn lửng lờ trôi, lớn ròng theo ngày tháng. Cuộc đời cũng vậy, có vinh, có nhục. Bưng chén cơm mà nước mắt quanh tròng. Sông dài đổ ra biển lớn. Cuộc đời cũng có điểm dừng. Nhưng kỷ niệm vẫn sống hoài theo năm tháng. Cám ơn bạn bè đã cho những ngày vui. Bây giờ là tháng bảy, là mùa mưa bão ở quê hương. Ngẩu nhiên, bạn bè chia tay dịp mưa Ngâu. Mây đen kéo về, cuộc vui dừng lại khi nắng chiều phai. Chợt thấy tuổi già đến lúc nào không hay biết. Tôi chỉ có những dòng thơ, làm quà gửi tặng bạn bè. Những gày vui qua mau, như hơn bốn mươi bạn bè tạm biệt trường xưa và xa cách nhau.

Cùng vui bên nắng chiều phai.
Hòa chung nhịp thở tháng ngày nhớ mong.
Cuộc đời không có, có không.
Lưởi dao kỷ niệm gọt hồng máu tim.


Bao năm chân bước đi tìm.
Lợi danh, hạnh phúc ấm êm gia đình.
Ngoan hiền con cháu thảo xinh.
Bỏ quên bè bạn nghĩa tình sớm trưa.


Nhắc nhau kỷ niệm xa xưa.
Nắng sân trường đón giao mùa yêu thương.
Vuốt tay sợi nắng hè vươn.
Dốc xưa ai đứng cuối đường em đi.


Bây giờ hai ngã phân ly.
Nửa vòng trái đất ngại gì cách xa.

Đưa tay nâng chén quỳnh hoa.
Rượu quê hương vẫn đậm đà bờ môi.


Đường mây chim sắt lưng trời.
Người đi dạ thắt bồi hồi xuyến xao.
Quê hương ngũ giữa tầng cao.
Sông quê vẫn chảy dạt dào yêu thương.
Chợt nghe, mợt niệm khúc buồn...


             Biên Hòa, ngày 11/8/2013.
                Đỗ Công Luận.
(1) và(2). Dẫn nguồn từ net.
Trích bài, VỀ THĂM LÀNG BƯỞI TÂN TRIỀU.