Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Hữu Hạnh - PHILA TÌNH XANH PHẦN II

21 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 58740)
Nguyễn Hữu Hạnh - PHILA TÌNH XANH PHẦN II



KHÔNG LÀ TRĂM NĂM


Không là trăm năm, chưa là bến đỗ
Người cứ quên tình thơ dại mà đi- TD


 Nơi đi chốn đến như một lần hò hẹn, đã đến rồi đi gặp lại biết khi nào. Để đáp lại lời mời chân tình của một đàn anh Ngô Quyền dành cho một đàn em, một người bạn từ phương xa, Võ Đình đã giục tôi liên lạc với anh Phạm Chinh Đông, để có thêm một lần tao ngộ “Một chút tình xưa sương khói mịt mù”.

img_3536-content

 Nhà anh một căn nhà nhỏ ấm cúng nằm cạnh nhà thờ, anh Hiệp cùng chị Năm và con gái đã chào đón chúng tôi. Một bình trà với những ly cà phê nóng được bàn tay chăm chút của Chị Năm, trong những tự truyện được anh Hiệp kể lại qua bút hiệu Phạm Chinh Đông gọi bà chằng lửa. Chắc với tiếng chuông nhà thờ vang lên mỗi sáng, tôi đã nhận thấy ở chị Năm người đàn bà hiền hậu, vẫn còn phảng phất nét chân chất của người con gái Trà Vinh. Tôi và Đình đều nhận ra anh Hiệp có nhiều diễm phúc khi bỏ Biên Hòa mà đi, để chọn người con gái miền Hậu giang nâng khăn sửa túi. Anh Phạm Chinh Đông giới thiệu sơ qua nơi anh làm việc, một computer, cây đàn kế bên và những đĩa nhạc nơi anh miệt mài sáng tác tô điểm cho đời. Chúng tôi tiếp tục trao đổi nhau về những sinh hoạt sáng tác, sinh hoạt đời thường bằng sự cảm thông vì cả ba chúng tôi đều là người lính. Có sự chuẩn bị trước và dành cho anh Võ Đình một sự bất ngờ, anh Hiệp trao ra 2 tấm hình được chụp khá lâu, trong hình Đình đang đàn cho con gái của anh trong buổi họp mặt mừng Xuân tại thành phố nầy.

vannghe-content

Võ Đình và cháu Tường Vi

 Đã gần 10 năm rồi, Đình không còn nhớ dù rằng ký ức của Đình luôn lưu giữ hình ảnh đẹp như hình ảnh Cha và con của Nguyễn Ngọc Long bạn khóa 8 của tôi và Tuyết đến đây từ Việt Nam. Long cùng con trai sánh bước lên giảng đường đại học trong ngày lễ tốt nghiệp và hình ảnh của thằng con của tôi cặm cụi mang đàn giúp Đình chuẩn bị cho ca đoàn. Con trai Long hiện đang làm cho một công ty Mỹ tại Singapore, con trai của tôi tương lai cũng rất gần và con gái anh Phạm Chinh Đông cháu Tường Vi đã là Bác Sĩ Nhản khoa của thành phố Philadephia. Nhưng người chú nhạc sĩ Võ Đình năm xưa vẫn âm thầm ôm đàn cất tiếng hát trong ca đoàn giáo xứ Hatfield.

 Anh Hiệp cho biết những bài anh viết là những câu chuyện thật của đời mình và những kỷ niệm hòa trong thơ và nhạc. Vì không còn thời gian, chúng tôi mời anh chị cùng đến trong buổi chiều họp mặt để biết thêm bằng hữu Ngô Quyền Biên Hòa và nối tiếp những vần thơ, nhưng những ngày nầy rơi vào ngày lễ các con anh lại về sum họp, nên anh tạm mượn buổi ăn sáng tại Phở More như một lời chia tay

 Võ Đình tiếp tục lái xe, trên đường về chúng tôi ghé đón cô Trần Thị Nguyệt Thu. Tôi nhớ lại trên chuyến xe bus năm nào trên đường về, trong ngày tham dự hội ngộ Ngô Quyền tại San Joe cô Thu đã rơi nước mắt và ước mong xe chạy mãi không dừng lại để cô được gần gủi với bạn bè đồng nghiệp và đám học trò. Với tình cảm của cô, cô Nguyệt Thu được nhiều học trò cũ thương mến và nhắc nhớ. Tình cảm của học trò Ngô Quyền được thể hiện nhiều cách, như Trần văn Chừng ở Canada, Phạm Văn Đạo tại quê nhà và Nguyễn Thị Ngọc với tháng ngày long đong trên đất Mỹ. Nếu biết nhiều chắc học trò sẽ dành sự thương kính cô nhiều hơn. Vì từ ngày đầu đến Mỹ, một nữ giáo sư Ngô Quyền cô phải làm việc chân tay nặng nhọc vất vả trong bệnh viện cho đến ngày được nghỉ hưu cách đây vài tháng, cô đã nuôi nấng và chăm sóc hai con ăn học nên người. Người bạn đời của cô đã mất cách đây hơn hai năm, hiện cô thích sống một mình trong khu người già và không muốn làm phiền đến con cái. Cô cho biết một mình trong căn phòng đôi khi cô vừa run sợ và khóc, khi cố đuổi côn trùng nhỏ vào phòng, phải chi ông xã cô còn sống... 

 Tôi cũng muốn tìm thăm Thầy Phan Thông Hảo, cũng đang ở Philadelphia nhưng không đến được, vì Thầy Hảo không còn dùng phone và email, có lần học trò đến nhà tìm chỉ nhìn thấy nhà cửa vắng lặng và đóng kín, nghe đâu Thầy Hảo thường làm công quả cho một ngôi chùa... Không biết làm sao hơn lại sức khỏe không cho phép, nên Đình không thể đưa tôi đi nhiều hơn...

img_3545-contentimg_3541-content

 Đôi bạn đến với tôi đêm nay là đôi uyên ương của Ngô Quyền, Lê văn Thanh và Nguyễn Thị Bê. Thanh khóa 7 và Bê khóa 8, cả Thanh và Bê đều có những người bạn thân thiết tôi đều quen biết. Căn phòng rộn ràng ấm cúng hẵn lên, cô Nguyệt Thu luôn cười vui dù bị tấn công tới tấp bởi 4 đứa học trò Thanh Bê Tuyết Hạnh, những tiếng nói cùng giọng cười không dứt, đã xóa phần nào sự buồn tẻ và nhìn đời không còn màu xanh trong lòng cô, cùng ôn lại những bài học cô đã từng truyền đạt cho học trò. Và chắc chắn cô Thu không dạy học trò uống bia rượu như đêm nay.

img_3542-contentimg_3544-content

Nhưng nhờ có bia rượu Thanh và Bê mới có dịp nhắc nhớ những kỷ niệm về những người bạn Hà Thu Thủy, Nguyễn Thị Ngọc cũng như kể lại những kỷ niệm thời ấu thơ, những ngày đi học, tình yêu đi đến hôn nhân hai bạn đã sống đời với nhau, qua bao gian nan thử thách trong chiến tranh và sau ngày mất nước. Bê vui vẻ cám ơn Thanh khéo chăm sóc mình khi được tôi khen dáng người “ mủm mỉm”, riêng Thanh lo sợ ngăn không cho Bê uống tiếp vì e rằng sẽ bị quậy về đêm. Bạn bè Ngô Quyền rất chân tình luôn muốn gần gủi với nhau, dù rằng sáng sớm mai Bê phải ra phi trường xuống Florida, nhưng cũng hết lòng thù tạc với bạn bè quá nửa đêm. Cali, Phila là chặng đường dài.

 Trên con đường vắng lặng và mù sương, tôi cùng Tuyết đưa cô Nguyệt Thu trở về nhà, chiếc xe 3 người chuyên chở bao niềm vui không thể chạy mãi như sự mong ước của cô, xe được dừng lại ... dừng lại, trả cô Nguyệt Thu trở về không gian của cuộc sống riêng mình.

 Như có sự giao cảm và trùng hợp giữa hai bờ đại dương, nhận được email với hình ảnh của Nguyễn Thị Ngọc khóa 8 đang về Việt Nam gặp gở các bạn cùng lớp cũ, Hà Thu Thủy, Lê Thị Kim Hạnh và nhóm bạn trai thất 3 và thất 4 thuở nào. Chuyển Tuyết cùng xem cùng chia sẻ niềm vui niềm hạnh phúc với bạn bè. Giờ nầy chắc Ngọc, Thủy, Hạnh chắc đang cười vui cho một ngày mới trong ngày hội ngộ, riêng chúng tôi vẫn còn trăn trở thao thức cố ru vào giấc ngủ, nhưng dù đang ở bên nầy hay bên kia, chắc hẵn chúng ta đều có niềm vui chung đó là“ Tình Bạn Ngô Quyền”

ngoc6img_3539-content

ngoc4-contentngoc5

 Đang ở Philadelphia nhưng dường như được tao ngộ bạn bè khắp mọi nơi, đàn anh Phạm Chinh Đông “ văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình “ đã tận mặt, Tạ Xuân Khoa thằng bạn cùng lớp đi lạc gần 40 năm, bạn bè còn lại Việt Nam Tâm, Huê, Tường,Thông, Chiếu, Luận, đôi bạn đời Võ đình Tuyết, đôi uyên ương Ngô Quyền Thanh và Bê. Sự kết hợp hạnh phúc của Lê văn Thanh và Nguyễn Thị Bê đã là sự mong ước cũng như sự nuối tiếc của bao người bạn Ngô Quyền không đến được. Nhìn lại bản thân mình với chút muối nồng qua khóe mắt, hình như mình đã đánh mất, chỉ vì mình mãi mê mềm môi với những người lính, những thẳng bạn tù đày, đàn anh giang hồ đầy nghĩa khí. Hay vì em không dám dấn thân và phiêu lưu. Thôi! cũng một lời cám ơn. Cám ơn một kỷ niệm tình, với em chỉ là bờ lưng quay vội... với anh không là trăm năm…

Nguyễn Hữu Hạnh

Nhạc phẩm " Không Là Trăm Năm" - Thơ Tưởng Dung - Nhạc Phạm Chinh Đông - Hòa âm Đỗ Hải- Trình bày Bảo Trâm

 

 


01 Tháng Giêng 2024(Xem: 852)
Ngày 10 tháng 3 năm 2024 Hội Ngộ Ngô Quyền Mừng Tân Niên Giáp Thìn tại Houston, Texas.
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2075)
Nhưng lần họp mặt năm nay và những năm sau nầy…chị Thanh Vân Anderson không còn về với chúng ta nữa !!!
23 Tháng Hai 2023(Xem: 3720)
Sự hiện diện đông đảo của Quý Thầy Cô và Quý anh chị Đồng Môn nói lên tình đoàn kết keo sơn giữa tình đồng hương nơi xứ lạ quê người.
03 Tháng Tư 2022(Xem: 6566)
Đây là hồi ký của Tiến Sĩ Thanh Vân Anderson. Nội dung nói về ba giai đoạn trong cuộc hành trình gian khổ,