NHỚ GIÁNG SINH XƯA
Hoàng Quỳnh Hương
(San Jose, California. USA)
Một mùa Ðông nữa lại về. Ngày Lễ Giáng Sinh nơi xứ Mỹ đang được mọi người rộn rịp tổ chức với những buổi lễ tiệc thật linh đình, đồng thời chuẩn bị chào đón năm mới Tết Dương Lịch 2013 sắp đến.
Không khí lễ hội đang tràn ngập trên đường phố với muôn vạn ánh đèn màu lấp lánh và những cây thông Noel được trang trí thật công phu, đèn hoa rực rỡ giăng mắc khắp mọi nơi, đặc biệt tại các nhà thờ Thiên Chúa Giáo, hang đá Bê Lem được dựng lên cùng cảnh tượng Chúa giáng trần rất trang trọng… Lòng tôi nô nức, dù chẳng nói ra và dường như có một huyền lực nào đó khiến tâm trí tôi cứ quay ngược về quá khứ, một quá khứ thật ngọt ngào và êm đềm của tuổi mộng mơ khi tôi còn ở quê nhà…
Tôi còn nhớ cách đây hơn 40 năm, một người bạn rất thân, học chung lớp với tôi tại trường Ngô Quyền Biên Hòa; bạn theo đạo Công Giáo, nên thường rủ tôi đi lễ hàng tuần và có lần đi dự Lễ Giáng Sinh tại nhà thờ Biên Hòa, ngôi nhà thờ cổ kính đối diện trường Mỹ Nghệ mà hằng ngày tôi đều đi ngang qua, lúc tôi còn học tại trường Tiểu Học Nguyễn Du.
Mặc dù tôi theo đạo Phật, nhưng tôi rất thích đi nhà thờ, bạn tôi hiểu được điểm nầy, nên thường rủ tôi đi dự lễ… Nhờ vậy, tôi thuộc rất nhiều bài kinh thánh: Kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Cha, Kinh Tạ Ơn… Ngoài ra tôi còn thuộc nhiều bài thánh ca như: Ave Maria, Hang Belem… Nhưng tôi thích nhất là bài: “Đêm Thánh Vô Cùng” hoặc “Đêm Yên Lặng” (tiếng Đức: Stille Nacht; tiếng Anh: Silent Night). Lời của bài hát Stille Nacht được viết bằng tiếng Đức bởi linh mục Josef Mohr và giai điệu được sáng tác bởi nhà giáo/nhạc sĩ thiên tài người Áo Franz Xaver Gruber, cả hai đều là người Áo.
“Silent Night/Đêm Thánh Vô Cùng” bài thánh ca bất hủ, được dịch ra nhiều thứ tiếng và lưu truyền đến ngày nay, nhất là không thể thiếu trong các ngày Lễ Giáng Sinh trên khắp thế giới: “Đêm thánh vô cùng. Giây phút tưng bừng. Đất với trời xe chữ Đồng. Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa. Ơn châu báu không bờ bến. Biết tìm kiếm của chi đền. Ôi Chúa Thiên đàng. Cam nếm cơ hàn. Nhắp chén phiền vương phong trần. Than ôi Chúa thương người đến quên mình. Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành. Ai đang sống trong lạc thú. Nhớ rằng Chúa đang đền bù. Tinh tú trên trời, sông núi trên đời. Với thánh thần mau kết lời. Cao sao Hoá Công đã khéo an bài. Sai con hiến thân để cứu nhân loại. Hang chiên máng rêu tạm trú. Bốn bề tuyết sương mịt mù.”
Chúng tôi là đôi bạn gái cùng đang ở lứa tuổi hoa mộng, có thể nói là lứa tuổi đẹp và rất hồn nhiên… Bạn thường hay giải thích những gì tôi thắc mắc về Chúa hoặc các vị Thánh, hay ý nghĩa của những ngày lễ trọng.
Nhờ bạn tôi, mà tôi hiểu khá nhiều về đạo Thiên Chúa và từ đó, tôi thường xuyên cùng bạn đi lễ. Bạn tôi cho biết Giáng Sinh là ngày trọng đại của những người theo Kitô Giáo, phải làm lễ kỷ niệm và tưởng nhớ ngày sinh của Chúa Giê-Su vào ngày 25 tháng 12, ngày mà Thiên Chúa xuống thế gian làm người để cứu nhân loại… theo tài liệu viết về lịch sử Thiên Chúa Giáo, Chúa được sinh ra tại Bethlehem cách Jerusalem khoảng 5.5 miles (khoảng 09 cây số) thuộc Vương Quốc Juda, dưới thời Đế Quốc La Mã.
Tại một số nước, người Thiên Chúa Giáo ăn mừng Lễ vào ngày 25 tháng 12, nhưng cũng có một số nước tổ chức Lễ vào tối 24 tháng 12. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, tôi được biết những người theo Chính Thống Giáo Đông Phương vẫn sử dụng lịch Julius để tổ chức lễ vào ngày này và theo lịch Gregorius thì Lễ Giáng Sinh vào ngày 07 tháng 1. Sau nầy, dần dần theo thời gian và qua lễ hội của người phương Tây, người ta tổ chức Lễ Giáng Sinh càng linh đình hơn, cho đến ngày nay, Lễ Giáng Sinh được xem là một ngày lễ quốc tế.
Một hình ảnh quen thuộc được gắn liền trong mùa Lễ Giáng Sinh là ông già Noel, một ông già mặc quần áo màu đỏ viền trắng với tóc bạc phơ, râu và hàng ria dài trắng như tuyết. Ông già Noel tùy ngôn ngữ của mỗi nước mà tên đọc khác nhau. Từ đầu, người Hà Lan gọi Thánh Nicholas là Sinter Klass, sau này đọc thành Santa Claus. Trong tiếng Anh, Ông già Noel được gọi là Santa Claus (Thánh Nicolas), xuất phát từ truyền thuyết về một nhân vật có thật, sống ở thế kỷ thứ 4 tên là Nicolas. Tiếng Pháp gọi là Le Père Noel (nghĩa là Ông cha Noel). Riêng người Việt Nam, ảnh hưởng văn hóa Pháp một phần, vẫn quen gọi là Ông Già Noel.
Nhiều
bộ phim của Hollywood về Ông già Noel được trình chiếu khắp nơi như The Polar
Express...
Nhiều nhà viết sử nổi tiếng cho rằng hình ảnh đầu tiên về Ông già Noel trong bài thơ có tên: “A visit from Saint Nicholas” (Chuyến Thăm của Thánh Nicholas) được xuất bản năm 1823. Với gương mặt dễ thương trong trang phục màu đỏ viền trắng, hình ảnh Ông già Noel được xuất hiện lần đầu tiên trên báo vào năm 1860 qua nét bút thật điêu luyện của nghệ sĩ Thomas Nast.
Truyền thuyết cho rằng Ông già Noel trở lại trần gian qua đường ống khói lò sưởi, đến mỗi gia đình để tặng quà cho trẻ con vào trong chiếc vớ hay giày treo gần giường ngủ hay lò sưởi. Ông mang lại những giấc mơ đẹp với tuổi thơ trong đêm Lễ Giáng Sinh. Vì vậy mà cha mẹ, người thân thường mua quà bỏ vào vớ để cạnh lò sưởi lúc trẻ con ngủ, để khi thức dậy chúng cảm thấy vui mừng với quà của ông già Noel tặng. Điều này khuyến khích trẻ em biết vâng lời cha mẹ, làm việc thiện để được ông già Noel tặng quà theo điều ước…
Bạn tôi kể, người ta thường nhắc đến biểu tượng của ngày Lễ Giáng Sinh qua ý nghĩa “vòng lá mùa vọng”, một vòng tròn kết bằng cành lá xanh tươi treo nơi cửa chánh hoặc đặt trên bàn để mọi người dễ thấy. Cây thường xanh được trang hoàng trong các bữa tiệc của những ngày Đông Chí, cũng là dấu hiệu của mùa Đông sắp kết thúc. Bốn cây nến được đặt trên vòng lá. Đó là tục lệ được khởi xướng bởi các tín hữu Lutherans ở Đức vào thế kỷ thứ XVI để tượng trưng cho cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối. Vòng lá hình tròn màu xanh còn nói lên tính cách vĩnh hằng, tình thương yêu của Thiên Chúa cũng như niềm hy vọng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu giúp con người. Bốn cây nến trong đó được phân chia theo đúng thời gian của Mùa Vọng: ba cây màu tím, màu của Mùa Vọng và một cây nến màu hồng. Cây nến màu tím (purple) đầu tiên được thắp sáng vào ngày Chúa Nhật tuần lễ đầu tiên của Mùa Vọng; cây nến màu tím thứ hai được thắp sáng vào Chúa Nhật tuần lễ thứ Hai; kế, cây nến màu hồng được thắp sáng lên vào Chúa Nhật tuần lễ thứ Ba, cây nến màu tím cuối cùng được thắp sáng lên trong ngày Chúa Nhật tuần lễ thứ Tư của Mùa Vọng. Những người Kitô hữu chuẩn bị tâm hồn lẫn con tim để đón nhận Thiên Chúa trong mùa Giáng Sinh và trong ngày Lễ Giáng Sinh, cây thông Noel là một biểu tượng không thể thiếu…
Mùa Giáng Sinh năm nay tự nhiên tôi cảm thấy thật lạnh, cái lạnh khác thường làm tôi không tài nào ngủ được. Tôi choàng dậy lấy khăn choàng quấn ngang cổ, chân mang vớ dày, mặc thêm quần và khoác thêm áo ấm, tôi cuộn tròn trong chiếc chăn kín mít để chống đở cái lạnh. Vậy mà không hiểu sao nó vẫn len vào được. Tôi khẽ rùng mình và run lên nhè nhẹ. Tiếng chuông nhà thờ gần nhà vang lên… Tôi nghe trong lòng dâng tràn cảm xúc… Nhớ ơi là nhớ không khí Giáng Sinh nơi quê hương Biên Hòa, mà mấy mươi năm rồi tôi không thể nào quên, và chắc sẽ không bao giờ quên được trong suốt cuộc đời mình…
Đời sống của một cô nữ sinh chỉ biết có mái trường và gia đình, đột nhiên rẽ sang hướng đời khác với một quá khứ không thế nào có thể xoá nhòa… Quá khứ ngọt ngào và êm đềm quá… Giáng Sinh năm đó, mọi thứ đều thay đổi, tôi nghĩ đã đến lúc mình trưởng thành, tôi không cùng cô bạn gái đi lễ nhà thờ như hàng năm, vì tôi có người bạn mới, bạn trai… Tôi bắt đầu biết mơ mộng, tình yêu hé nở… Trong cuộc đời có những tình cờ không giải thích được, thêm vào đó có những ngẫu nhiên như được bàn tay vô hình sắp đặt… Những lần theo cô bạn đi lễ nhà thờ, tôi có dịp làm quen với một người bạn trai… Lần đầu tiên tôi cảm thấy như có sự thân thiện, khi anh đưa tôi đến quỳ dưới chân Chúa cầu nguyện… Tôi và anh yêu nhau từ đó. Những đêm Noel của những năm kế tiếp cũng như những lần theo anh đi lễ sau này tôi cảm thấy càng ấm áp hơn, khi nhà thờ Biên Hòa sáng rực ánh đèn, đường phố về khuya se lạnh nhưng đẹp lạ lùng và sau khi dự thánh lễ, chúng tôi cũng có chung những bữa ăn “Réveillon” vào nửa đêm thật hạnh phúc.
Đêm Giáng Sinh xưa thật ngọt ngào và êm đềm. Từ đó, tôi yêu mùa Đông, tuy lạnh nhưng thật lãng mạn. Noel cũng là dịp tôi và mọi người xung quanh tận hưởng những giây phút ngọt ngào của tình yêu, của niềm tin và hy vọng, tuy là mùa Đông nhưng vẫn thấy ấm áp. Ấm áp không phải ngồi bên lò sưởi, mà được ngồi bên cạnh người thương, khi mình dựa đầu vào một bờ vai tin cậy, một người mình yêu và mang tình yêu đến cho mình. Tôi càng cảm thấy ấm áp lạ thường từ đôi bàn tay ấy. Thật khó quên khi đôi bàn tay đan chặt vào nhau, và cho đến bây giờ người bạn đưa tôi đi dự Lễ Giáng Sinh ở nhà thờ Biên Hòa trên 40 năm, hiện là ông xã của tôi. Tôi nghĩ lần đầu hai chúng tôi quỳ dưới chân Chúa cầu nguyện… và nhờ bàn tay nhiệm mầu của Chúa se kết cho chúng tôi có được hạnh phúc đến ngày hôm nay, có cuộc sống bên nhau gần trọn đời… chúng tôi vẫn giữ những kỷ niệm khó quên này, những thông lệ hằng năm đến nhà thờ cầu nguyện. Chúng tôi sống với nhau đến bây giờ và đã có bốn mặt con, tất cả đều trưởng thành... Noel đối với tôi thật sự là một niềm hạnh phúc.
Tôi xin dâng lời cảm tạ Chúa và bao hồng ân Ngài đã cho chúng tôi một cuộc sống đầy ý vị …
Trong làn không khí hân hoan vui mừng đêm Chúa giáng trần, tôi mong ước và kính chúc quý đồng hương một mùa Giáng Sinh an bình và Tết Dương Lịch 2013 đầy may mắn, sẽ đến với mọi người. Và một điều, tôi muốn nói lên ở đây là lời chân thành cảm ơn người bạn học ngày xưa của tôi, hiện không biết đang ở phương trời nào. Người bạn ấy tên Vũ Thị Quyết trước năm 1975 ngụ tại Tân Mai/Biên Hòa.
Thung Lũng Hoa Vàng, nhớ Giáng Sinh xưa.
Hoàng Quỳnh Hương