QUÁ KHỨ ÊM VUI.
Thời còn Tiểu học, hắn là một đứa bé ngoan hiền và học giỏi của gia đình. Những năm liên tiếp được lãnh thưởng và bằng khen như làm tin tưởng thêm về sự nghiệp sau này của hắn từ Cha Mẹ. Thuở nhỏ, hắn cũng tự nghĩ như thế và cuộc đời cứ thế trôi dần, trôi mãi cho đến khi hắn... ngồi mà tiếc nhớ..!
Chẳng ai có thể quên được tuổi thơ. Những gì còn nhớ hay còn sót lại trong trí thì không thể phai mờ cùng thời gian. Hắn giờ tuy đã có tuổi, đầu óc không còn minh mẫn, lúc nhớ lúc quên. Hắn không còn đủ tự hào để nói mình là người kiểm soát được chính mình. Lão hóa đang đến dần và hắn không thể cưỡng lại. Thế giới của mắt mờ tai điếc đã đến thật gần!
Hắn tuổi con Ngựa 1954. Có lẽ vì thế, chân vó ngựa của hắn không bao giờ để yên. Hắn cũng như bao đứa trẻ khác là thích ‘lồng’ ra ngoài đường phố. Chỉ có khác là tự trong lòng, hắn vẫn cảm nhận được sự ham muốn ra khỏi nhà chơi một cách mãnh liệt hơn những đứa khác. Một ham muốn mà nếu bị gò bó hay do Cha Mẹ Anh Chị không cho phép thì như thể con Ngựa buồn thiu bị nhốt chuồng. Trong lòng luôn lồng lộn lên sự ấm ức.
Chính vì thế hắn luôn tìm đủ mọi cách để ra đường. Lứa tuổi lớn dần lên cũng tạm cho hắn sự dễ dãi dần của Cha Mẹ. Có lẽ do hắn còn học từ khá đến giỏi, nếu không... đừng có hòng!
Khi chiều xuống, lúc đã về đến nhà sau buổi tan học. Hắn thót ngay ra đường, tìm ngay điểm ồn ào nhất như là khu tập họp của bạn bè hàng xóm. Có lúc hắn bày chuyện chơi hoặc do đàn anh hàng xóm bày ra. Thích nhất là trò ‘thám hiểm’. Đó chỉ là cảnh cả một nhóm lóc chóc tập trung lại, khoảng mười mấy đến hai chục người. Trang bị roi mây như vũ khí nhỏ cầm tay. Thế là a lê hấp! Cả bọn gồm trai lẫn gái hè nhau chạy chầm chậm dọc bờ sông Đồng nai, len lỏi qua ngóc ngách xóm Lò heo nổi tiếng bên kia. Những con đường nhỏ chưa từng đi qua, sẽ được thám hiểm lần đầu tiên và để dành cho những lần chơi sau tiếp nối. Tuy rất sợ khi qua bên ấy nhưng nhờ đi đông nên nỗi ám ảnh bị gây sự cũng bớt nhiều. Có nhiều lúc cũng bị đám trẻ hay người lớn bên ấy lừ mắt, nhưng tổng kết lại, biết bao lần như thế, bọn hắn chưa hề bị gặp ''tai nạn'' nào xảy ra, cứ vù thật nhanh và đừng quay đầu lại nơi ấy là được. Mọi cảm giác hồi hộp, phấn khích như khám phá vùng đất mới lan dọc khắp sống lưng. Sự thích thú càng tăng khi cùng la hét lúc bắt gặp khu vực có ngõ nhỏ thật hẹp để lách qua hay khu vực thật trống trải có cây xanh bóng mát lần đầu tiên để nghỉ thở. Những tour trở về theo giao ước bắt buộc là phải chạy vòng lên hướng trên và thả dốc Tòa án dần về nơi xóm xuất phát. Hắn nhớ, mỗi lần đi vòng như thế đến lúc tập trung đầy đủ quân số cũng phải mất một tiếng đồng hồ. Về đến nơi thì ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại. Ôi chao! Mệt nhưng sao đã và vui quá!
Thời chiến tranh thì xóm cũng được lợi. Hàng tháng đều có xe nhà binh của lính Hàn quốc, chạy qua và xuống sông để đổ đi hàng chục thùng pin phế thải. Tuy là hàng bỏ đi với chất liệu độc hại như thế nhưng sao họ vẫn được chính quyền ngày xưa cho phép nhỉ? Cũng may là nhờ có chúng tôi và bọn con nít Lò heo. Tập trung mò vớt lên để tái sử dụng, chứ không thì bờ sông nơi ấy đã bị ô nhiễm môi trường trầm trọng lúc ấy. Giờ thì hắn mới nghĩ ra chứ thật ra, lúc đó hắn và bạn bè chỉ biết vớt và vớt! Cứ mò vớt thật nhiều càng tốt! Nói là phế thải chứ thật ra pin vẫn còn nhiều điện tích lắm. Thích nhất là những cục pin to như cái hộp vuông, dựng đứng thì thành hình chữ nhật. Có nhiều lỗ cắm mà khi đem về là có thể gắn bóng đèn nhỏ cháy sáng để phòng khi cúp điện liên miên của thời ấy. Số lượng người mò vớt quá đông nên lính Hàn nhiều lúc bực mình do chưa đổ xong, bọn lính cầm những cục pin to đùng, chọi thẳng về hướng bọn trẻ Lò heo, lúc nào cũng chờ chực sẵn dưới nước trước cả bọn hắn. Bọn hắn đã sợ phát khiếp nếu không may một cục như thế mà trúng ngay đầu đứa nào? ''Từ chết đến bị thương!''. Cũng vì thế mà bọn hắn chỉ đợi khi lính Hàn đổ xong xuôi mới ào xuống. Vui nhất là sau khi mò vớt xong, lên bờ và bày ra thành quả. Đủ loại Pin cục, pin đại và pin trung. Cách thử nhanh nhất tại chỗ xem có còn dùng được hay không là dùng lưỡi nếm vào đầu dương với tay thì bịt vào đáy pin đầu âm. Thấy lưỡi tê tê là còn. Sự ganh tức, giành giật khi dưới nước sẽ không có nữa. Chỉ còn tiếng lầu bầu: “ Đáng lẽ là của tao, đáng lẽ tao xí trước...Tại nó…v.v...!”.
Bọn hắn đã đem về lợi ích cho gia đình. Những pin sử dụng radio hay thắp sáng trong nhà. Nhiều lúc xài cả tháng cũng chưa hết mà đến đợt sau là lại đợt mò tiếp. Kho pin mỗi đứa lúc nào cũng dư dả.
Chuyện ‘mò vớt pin’ đã thêm danh sách vào một trong những thú vui của bọn hắn.
Thú vui tuổi trẻ là không giới hạn. Cơm chiều xong xuôi là những trận bóng đá đường phố. Thuở ấy, con đường của xóm hắn thì ít xe qua lại. Hai hàng cây sao cổ thụ như che rạp hết con đường. Những tàng cây rậm rạp như bịt kín kết hợp cùng những hàng keo với trái lủng lẳng ngon ngọt trên cao tít tắp, nằm cuối đường bờ sông. Những trái keo nửa vàng nửa đỏ làm ngây dại lòng bọn trẻ mà biết bao cặp mắt đã thèm thuồng nhìn lên. Không biết cách nào để hái? Chỉ biết đứng nhìn, mong chờ ngọn gió mạnh dưới sông thổi lên. Hy vọng có trái già lão nào rơi rụng từng mắt cơm màu trắng đục xuống đường không?
Tiếng hò reo của trận banh đá như còn vang vọng mãi trong tai hắn đến giờ. Cả xóm gồm cả người lớn ngày ấy cũng vui lây. Trận banh mà tỉ số thắng thua không thể tính. Chỉ biết kết quả khi đã đến giờ đi ngủ hay khi bị khiếm khuyết quân số do người nhà gọi về và hai đội phải tan hàng. Hắn còn nhớ, hình như bọn trẻ xóm hắn không bao giờ gây gổ với nhau từ trận banh đá. Chỉ có tiếng cười đùa thỏa thích vang vọng khắp xóm thâu đêm..
Trời đã về chiều và lòng hắn thì như chưa muốn dừng. Nhiều chuyện hắn muốn kể nữa, về cái tuổi thơ êm đềm của hắn nhưng đầu óc hắn như đã thấm mệt. Cái tuổi già thật là lố bịch! Những chuyện còn lại của hắn là chuyện chung quanh ruộng rau muống của bà Trùm sau nhà của đám trẻ, những trận đấu bóng bằng quả banh tenis mà mỗi lần sút không khéo là trầy xước bàn chân trong sân bóng rổ của khu liên hợp, nằm sát sân banh. Những ván bài cào trên khu Quan thuế đầu Dốc và nhất là những buổi vẫy vùng khắp bờ sông Đồng Nai hiền hòa và thơ mộng đối với hắn. Ôi! Nhớ thay với xiết bao kỷ niệm êm đềm và ôi tiếc thay những mộng mơ tắt ngấm khi hắn tổng kết lại cuộc đời của hắn. Chẳng làm hắn an phận và chẳng làm hắn quên cái tuổi thơ một thời.
NghiemHai - 17.08.2012