Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 27- THẦY ĐINH VĂN SÁI

18 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 30833)
MGTT 27- THẦY ĐINH VĂN SÁI

 

MGTT 27

 

THẦY ĐINH VĂN SÁI (1915-1992)

 

4thay_dinhvansoai-content

 

 

MGTT số 27 xin được giới thiệu đến quý Thầy Cô và các chs NQ những cảm xúc chân thành về một trong những vị Thầy đầu tiên của trường Trung học Ngô Quyền: Thầy Đinh Văn Sái (1915-1992) qua tâm tình của các chs NQ khóa 4, anh Đinh Cẩn Cấp (cũng là trưởng nam của Thầy), chs NQ khóa 9 chị Phạm Thị Hữu Hạnh, Chs NQ khóa 9 Nguyễn Mỹ Châu, chs NQ khóa 11 chị Nguyễn Thị Minh Thủy cũng như một số trích đoạn trong các bài viết của Thầy Trần Minh Đức, Chs khóa 1 Lương Thị Khá và chs khóa 8 Đỗ Công Luận.

Chừng như tất cả chs NQ (từ K1 đến K19) có sinh ngữ chính là Pháp Văn học vở lòng trong quyển "Le Francais Élementaire" đều là học trò của Thầy Đinh Văn Sái. Mời anh, mời chị, mời bạn, mời em, cùng nhau chúng ta xin được gởi vào hư không nén hương lòng chân thành với tất cả lòng kính nhớ Thầy Đinh Văn Sái.

 

Đôi Dòng Về Thầy Đinh Văn Sái

Kính thưa quý Thầy Cô, quý Anh Chị Em và các Bạn cựu học sinh Ngô Quyền.

Tôi tên là Đinh Cẩn Cấp, trưởng nam của Thầy Đinh Văn Sái, cựu học sinh khóa 4 Ngô Quyền (1959 – 1966). Gia đình tôi có bốn anh em: Đinh Cẩn Cấp, Đinh Cẩn Thân, Đinh Thị Thu Cúc và Đinh Cẩn Thủ. Tôi xin có đôi dòng về thân phụ tôi là Thầy Đinh Văn Sái.

thay_sai__1981-large

Thầy Sái trong ngày cưới của Trưởng nam, Đinh Cẩn Cấp

thay_sai1992-large-contentcap-large-content

Ba tôi sinh ngày 15 tháng giêng năm 1915 tại Tân Uyên, Biên Hòa. Ba tôi là cựu học sinh trường Petrus Ký Saigon và trường Sư Phạm. Sau khi tốt nghiệp trường Sư Phạm, trường đầu tiên ba tôi dạy ở tận dưới Cà Mau. Sau đó ba tôi được đổi về trường Phú Hội, Long Thành và được chuyển về trường tiểu học Biên Hòa, sau nầy có tên là trường Nguyễn Du.

Năm 1945, phong trào kháng chiến và giặc giã nổi lên khắp nơi. Hầu hết người dân Tân Uyên chạy xuống Biên Hòa. Gia đình tôi cũng rời khỏi Tân Uyên xuống ở phố Thầy Hai Lụa, chỉ còn một mình ông Nội tôi không đi vì Ông nghĩ rằng nay mai rồi cũng yên, vả lại Ông cũng không muốn bỏ lại nhà cửa và mồ mả Ông Bà.

Gia đình tôi đông người nên Thầy Hai thương tình cho thêm nhà xe (garage) ở tạm. Chính nơi nhà xe nầy là nơi tụ tập của những bậc đàn anh chơi bóng bàn như một câu lạc bộ rất đông vui và họ là những cầu thủ của đội túc cầu Hàng Dương.

Cách nay vài năm, Thầy Trần Minh Đức có gọi phone cho tôi để hỏi thăm về gia đình tôi. Thầy cũng có nhắc đến nhà xe nầy đồng thời kể cho tôi nghe: “Ba em luyện cho Thầy môn Pháp Văn để thi tuyển vào Đệ Thất trường Petrus Ký Saigon và Thầy đã thi đậu năm đó nên Thầy nhớ ơn Ba em nhiều lắm!”.

Ở Biên Hòa, thỉnh thoảng ba tôi lên Tân Uyên để thăm ông Nội. Ba tôi kể lại, có một lần lên thăm, xui xẻo gặp lúc Tây đang bố ráp. Họ thấy thanh niên là bắt vì nghi ngờ những người ở lại là Việt Minh. Sau đó họ bắt những thanh niên nầy đi làm tạp dịch như dân công làm đường, làm cầu, v.v. trong số đó có ba tôi. Trong một lần cùng với tôi đạp xe từ Tân Uyên trở về Biên Hòa, lúc đi ngang qua cầu Rạch Tre thì ba tôi chỉ xuống phía dưới cầu chỗ bờ rạch và nói với tôi rằng khi bị bắt làm cầu nầy, trong lúc nghỉ ngơi, thấy bọn Tây lơ đểnh, ba tôi tính chạy trốn nhưng lại thôi. Ba tôi kể lại nếu lúc đó chạy trốn chắc chết vì sau nầy mới biết bọn Tây còn bố trí một lớp phục kích ở vòng ngoài nữa.

Cứ mỗi ngày bắt làm cầu, chiều tối đến họ đem ra hai người tù bắn bỏ. Họ nghĩ rằng đây là Việt Minh nên chủ trương “thà giết lầm hơn tha lầm”. Ba tôi đã chứng kiến cảnh giết người khủng khiếp đó nên rất lo sợ. Tới phiên ba tôi, vào lúc cùng đường, ông vụt buộc miệng nói tiếng Pháp với họ. Bọn Tây ngỡ ngàng hỏi: “Sao mầy biết tiếng Pháp?”. Ba tôi mới nói là giáo chức dạy ở Biên Hòa. Họ hỏi: “Sao hổm rày mầy không nói?”. Ba tôi nói vì nhốt chung cả đám nên không biết ai là Việt Minh nên không dám nói vì Việt Minh chủ trương ai làm việc cho Tây thì giết, không giết được chồng thì sẽ giết vợ.

Sau đó họ nhốt riêng ba tôi và bắt làm thông dịch tạm thời. Một thời gian ngắn sau, họ liên lạc với Ty Tiểu học Biên Hòa và được xác nhận đúng tên tuổi nên chờ có chuyến tàu về Biên Hòa thì gửi ba tôi đi. Trở về nhà với gia đình, ba tôi thầm cảm ơn Trời Phật và Ông Bà đã phò hộ cho ba tôi thoát nạn.

Ba tôi dạy ở trường tiểu học Biên Hòa một thời gian thì trường trung học Ngô Quyền được thành lập. Ba tôi cùng với hai Thầy Phạm Văn Tiếng và Bùi Quang Huệ được Bộ Quốc Gia Giáo Dục đề cử lên dạy trường trung học Ngô Quyền từ lúc mới thành lập năm 1956 cho đến lúc nghỉ hưu khoảng năm 1977. Đó là ba vị Giáo Sư đầu tiên của trường Ngô Quyền mà nhiều người trong tỉnh Biên Hòa đều biết và kính mến.

Khi làm Giáo Sư ở trường Ngô Quyền, ba tôi phụ trách môn Pháp Văn là chính, lại thêm môn phụ là Toán. Ngoài ra ba tôi rất ham thích các hoạt động thể dục thể thao nên được phân công thêm phụ trách môn bóng rổ vì lúc còn đi học ở Petrus Ký Saigon, ba tôi có chơi trong đội bóng rổ của trường. Ba tôi thành lập nhiều đội bóng rổ của các lớp trường Ngô Quyền để thi đấu với nhau thật vui vẻ và học sinh rất thích thú.

Ngoài ra có thời gian ba tôi được cử tạm thời làm phát ngân viên lên Ngân Khố tỉnh Biên Hòa lãnh tiền về phát lương cho Thầy Cô và nhân viên hàng tháng. Cũng có thời gian ba tôi được đề cử làm Tổng Giám Thị cùng làm việc với các giám thị như Cô Tư Giàu, Cô Tư Múi, Thầy Tý và Thầy Cầm.

Những kỷ niệm với ba tôi thì nhiều nhưng tôi nhớ nhất là thông lệ của gia đình hàng năm mỗi khi Tết đến. Từ lúc nào không biết, nhưng cứ mỗi dịp Xuân về Tết đến dù thế nào thì ba tôi cũng lo có một cành mai vàng chưng trên bàn thờ Ông Bà.

Tháng chạp năm Tân Mùi 1992, trước rằm vài ngày, ba tôi lên Tân Uyên trước và dặn tôi lên sau. Năm đó có ba ngày trời trở lạnh quá, chiều tối ba tôi phải đốt củi ở bếp nóng lên để sưởi. Sáng hôm sau tôi lên đến thì ba tôi chỉ tôi cắt cành mai nầy, cành mai nọ của những cây mai trồng trong vườn nhà. Vì bị cảm nặng nên ba tôi phải về lại Biên Hòa sớm hơn dự định. Còn tôi lo thui những gốc mai đã cắt xong rồi về Biên Hòa sau. Tới nhà, ba tôi cảm thấy đau nhức nơi cổ nên đến bác sĩ Lộ để khám bệnh. Bác sĩ chỉ cho thuốc đau nhức và thoa bóp nhưng không thấy thuyên giảm. Ba tôi bị đau nhức xuống tới lưng và mỗi lúc nặng thêm. Thấy vậy hai người chị bà con khuyên tôi nên đem đến bệnh viện Biên Hòa. Tới đó ba tôi bắt đầu mê sảng, bác sĩ có rút tủy sống ra thử nghiệm và nói rất tiếc vì đã muộn quá rồi!

Đến chiều tối hôm đó có nhiều bà con đến thăm và bác sĩ khuyên nên đem về nhà sớm để tránh thủ tục rắc rối ở bệnh viện. Gia đình tôi đồng ý đem về nhà và tối hôm đó ba tôi ra đi vĩnh viễn vào ngày 24 tháng giêng năm 1993 (nhằm ngày 20 tháng chạp âm lịch năm Tân Mùi 1992) để lại trong lòng tôi biết bao luyến tiếc không nguôi!

Đám tang của ba tôi có rất đông quý Thầy Cô đồng nghiệp Ngô Quyền và các thế hệ cựu học sinh Ngô Quyền tham dự. Có Thầy Hiệu Trưởng cùng quý Anh Chị dạy ở trường tiểu học Nguyễn Du dẫn những em học sinh nhỏ đến điếu tang xếp hàng dài thật đông từ trong nhà ra đến ngoài đường cái. Có cả đội bóng rổ nữ rất đông mà trong lúc lo buồn và khóc nên tôi không nhớ hết, tôi nhận thấy có cô Loan, con của Thầy Bùi Quang Huệ cũng đến đưa tiễn ba tôi lần cuối.

Có một buổi tối, thân mẫu và cậu Tám của Phan Kim Phẩm (San Jose) đến phân ưu cùng gia đình tôi. Cậu Tám nói với tôi: “Mới thấy Thầy đi chợ đạp xe Solex mà nay Thầy đã mất rồi, nhanh quá!”. Cậu Tám còn nói thêm với tôi: ”Hồi đó anh lười học lắm, nhờ Thầy khuyên nhủ và khuyến khích anh ráng lo học hành nên anh vẫn nhớ ơn Thầy”.

Theo ý nguyện lúc còn sanh tiền, ba tôi được an nghỉ ở nghĩa trang xã Bình Long, quận Công Thanh, tỉnh Biên Hòa. Bên nầy sông chỗ nghĩa trang nhìn qua bên kia sông là chợ Tân Uyên gần nhà và miếng vườn của ông Nội để lại. Ngôi nhà ông Nội tôi ở ngày xưa bây giờ là nhà hương hỏa của gia đình, nơi thờ phượng Ông Bà.

Từ khi mất đi người Cha thân yêu, cứ mỗi độ xuân về, khi nhìn những cành hoa mai vàng nở tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến ba tôi - một người cha, một người thầy và cũng có thể nói một người bạn thân thiết - luôn khuyên nhủ và khích lệ mỗi khi tôi nản chí hay gặp trở ngại trên đường đời…

Tôi có dịp đọc những bài viết của quý Thầy Cô và các cựu học sinh Ngô Quyền có nhắc đến ba tôi như một lời bày tỏ lòng biết ơn Người đã góp công đào tạo về giáo dục. Cảm ơn quý Thầy Cô và quý Anh Chị Em đã dành những tình cảm chân thành đối với ba tôi nên vẫn còn giữ lại những kỷ niệm khó quên của một thuở Ngô Quyền…

Hình chụp của ba tôi khá nhiều nhưng tiếc rằng đã bị thất lạc theo thời gian, nay tôi chỉ còn giữ được vài tấm hình chụp lúc ba tôi còn sinh tiền, xin chia sẻ cùng quý Thầy Cô và Anh Chị Em cựu học sinh Ngô Quyền.

cap1-large

Hình 1: Nơi sân vận động Biên Hòa khoảng thập niên 40: Các Cô Đào Thị Nga, Đinh Thị Hòa,

Khương Thị Bàn đang thi thể dục. Phía xa xa là dãy nhà sơ sài ở phía bờ sông Đồng Nai.

 

 

cap2-content

Hình 2: Nơi sân vận động Biên Hòa khoảng niên học 60-61:

Trong kỳ Ngô Quyền tham dự meeting cùng với những trường trung học khác.

 

cap3-content

Hình 3: Trước nhà vào dịp Tết năm 1982

 

 

cap4-large

Hình 4: Do hai em CHS Ngô Quyền đến thăm Thầy và chụp hình kỷ niệm năm 1992.

Thầy giơ tay chào giã từ tất cả…

Đinh Cẩn Cấp

CHS Ngô Quyền Khóa 4

Seattle, ngày 5/9/2012

borderline_9png


Nhớ Về Thầy Đinh Văn Sái


thay_sai_-_bia_sach-large

Trang bìa quyển sách Pháp Văn

Kể từ khi biết được trang web Ngô Quyền khoảng ba năm nay, tôi cảm thấy như mình đã tìm lại được những kỷ niệm của một thời áo trắng qua những sáng tác của Thầy Cô và cựu học sinh Ngô Quyền mà mỗi ngày một thêm phong phú. Riêng mục “Một Góc Thầy Trò” đã đưa tôi trở về vùng kỷ niệm với Thầy Cô cùng bạn bè.

Suốt bảy năm trung học, biết bao nhiêu Thầy Cô đã tận tâm dạy dỗ, truyền đạt những kiến thức để chúng tôi làm hành trang bước vào đời cùng với lòng tự tin của tuổi trẻ. Riêng với Thầy Đinh Văn Sái, vị giáo sư đã dạy tôi môn Pháp Văn lớp Đệ Thất 1, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của Thầy gắn liền với chiếc xe Velo Solex đen của ngày xưa ấy.

Thầy là một vị giáo sư nghiêm khắc nên tôi và các bạn trong lớp rất sợ và kính nể. Trong giờ Pháp Văn của Thầy là cả lớp im phăng phắc, lắng nghe lời Thầy giảng. Pháp Văn lại là môn ngoại ngữ đầu tiên khi chúng tôi bước chân vào ngưỡng cửa lớp Đệ Thất nên rất háo hức với môn “tiếng Tây” nầy. Nhờ chăm chỉ học, cộng thêm năng khiếu nên trong lớp tôi có một số bạn học giỏi môn Pháp Văn, luôn được Thầy khen ngợi.

Tôi nhớ sau vài tháng làm quen với quyển sáchLe Français Élementaire” đã được Thầy dạy, kiến thức Pháp Văn của chúng tôi đã khá thì Thầy thường dành một khoảng thời gian cuối giờ học để dạy thêm mấy bài hát ở phía sau quyển sách Le Français Élementaire” mà tôi chỉ nhớ bài hát “Alouette” với những lời hát và điệp khúc rất dễ nhớ, chỉ thay vào các từ: la tête, le nez, les yeux, le cou, les ailes, le dos, les pattes, la queue là có một bài hát thật dễ và dài.

Vậy mà bài hát nầy đã ngủ yên trong tiềm thức tôi gần 50 năm qua cho đến khi trong một lần cùng với đứa cháu nhỏ nghe CD nhạc “Toddler”, trong đó có âm điệu của bài hát “Alouette”. Cái trí nhớ của tôi như bừng tỉnh dậy và những lời hát, nhịp điệu của bài hát chợt hiện về nên tôi cảm thấy rất quen thuộc, gần gũi và tôi đã lẩm nhẩm hát theo cho cháu nghe:

"Alouette je te plumerai
Alouette, gentille Alouette
Alouette je te plumerai
Je te plumerai la tête
Je te plumerai la tête
Et la tête, et la tête
Et la tête, et la tête
O-o-o-o-oh
Alouette, gentille Alouette
Alouette je te plumerai

Alouette, gentille Alouette
Alouette je te plumerai
Alouette, gentille Alouette
Alouette je te plumerai
Je te plumerai le nez
Je te plumerai le nez
Et le nez, et le nez
Et le nez, et le nez
O-o-o-o-oh
Alouette, gentille Alouette
Alouette je te plumerai..."

Cho dù đã xa rời Biên Hòa từ năm 1971 và cái trí nhớ đã bị bào mòn bởi thời gian qua những thăng trầm của cuộc sống, nhưng hình như trong tận cùng sâu thẳm ký ức của tôi vẫn còn những kỷ niệm thân thương, chờ đợi khi có cơ hội là hiện về thật rõ ràng như chỉ mới hôm qua!

Thầy là một trong ba vị giáo sư đầu tiên của trường Ngô Quyền thành lập năm 1956. Theo định luật của tạo hóa, Thầy cũng đã ra đi, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học sinh Ngô Quyền. Những người học trò Ngô Quyền năm xưa luôn trân quý và nhớ ơn Thầy Cô đã từng là "Người Lái Đò" bao nhiêu năm học là bấy nhiêu chuyến đò đưa khách sang sông...

Hát Bình Phương - Washington

thay_sai-_hh_2011-large-content

Phạm Thị Hữu Hạnh


borderline_9png

 


 

NGƯỜI THẦY CHUYỂN HÓA ĐỜI TÔI

 

Nguyễn Thị Minh Thủy

Có khi nào bạn làm một việc gì đó rồi ân hận với chính mình suốt đời, dù lỗi lầm ấy chưa chắc có người thứ hai nào biết được ngoài bạn? Nếu không, bạn là người may mắn. Nếu có, tôi hi vọng bạn sẽ dễ cảm thông với tôi hơn: Tôi đã từng sơ xuất như thế với ngay vị thầy thân yêu đáng kính của mình.

Đó là thầy Đinh Văn Sái, người dạy vỡ lòng tiếng Pháp cho tôi năm đệ thất cũng như năm đệ ngũ. Tôi không thuộc loại nghịch phá trong lớp, cũng không biếng nhác chây lười, nếu không nói là hoàn toàn trái lại – từ nhỏ tới lớn, tôi từng được nhiều thầy cô khen tặng trong học bạ là “học sinh gương mẫu”. (Tôi “gương mẫu” đến đỗi mỗi lần mấy đứa bạn đầu têu muốn “nhảy rào”, thí dụ như bỏ giờ học cuối vì giờ đầu thầy/cô vắng mặt, tụi nó đều rủ ren tôi nhập bọn cho bằng được). Vậy tôi đã phạm lỗi gì với thầy đến đỗi phải áy náy cho tới bây giờ, chắc chắn có bạn sẽ ngạc nhiên về điều tự thú này.

Thật ra, đó là một biến cố nhỏ, rất nhỏ, xảy ra sau thời gian tôi học với thầy và cách đây cũng hơn ba mươi lăm năm qua. Chuyện tưởng đã ngủ yên trong dĩ vãng, nhưng không ngờ đã bừng sống dậy khi tôi tình cờ trông thấy bức ảnh bán thân khá rõ của thầy đăng trong tập Kỷ Yếu trường nhà. Cũng khuôn mặt hiền hòa nghiêm nghị thân thương quen thuộc, cũng hai con mắt “không nhìn cùng một hướng” mà đám học trò đệ thất tụi tôi từng sợ hãi khi bị thầy hỏi bài tới tấp trong lớp. Đúng là hình ảnh của thầy trong khúc phim quá khứ của tháng ngày thơ dại, thuở chúng tôi mới vừa chập chững bước chân vào trường trung học Ngô Quyền.

“Qu’est ce que c’est? – C’est un livre. – Ce livre est à qui? – Ce livre est à Pierre. – Òu est Pierre?...” Thầy vừa gõ thước vừa hỏi, tay chỉ lia lịa gọi từng học sinh đứng dậy trả lời. Tuy đã lớn tuổi, thầy rất linh động, dồn hết nhiệt tình để khai tâm đám học trò nhỏ bé đang bỡ ngỡ làm quen với ngoại ngữ lần đầu. Thầy gọi đứa bên dãy bàn bên phải rồi bên trái, bàn đầu rồi bàn cuối, tứng lựng cả lên. “Nguy hiểm” nhất là đôi mắt “dương đông kích tây” của thầy, bởi vì tụi tôi không thể nào biết rõ đứa nào đang được (hay bị) thầy chiếu cố. Hồi hộp ghê nơi. Nhưng cũng nhờ vậy mà đứa nào cũng ráng học và vốn liếng ngữ vựng Pháp Văn của chúng tôi mỗi ngày một đầy sau những giờ học “vô cùng căng thẳng” đó.

Lên lớp đệ ngũ thì chúng tôi bớt “ngán” thầy một chút, vì màn hỏi tới tấp khi xưa cũng giảm bớt. Câu hỏi ở lớp này đã khó hơn, đòi hỏi học trò phải “động não” nhiều hơn nên được nhiều thời giờ suy nghĩ hơn, chắc có lẽ vậy.

Ở lớp tuổi ô mai ô mận choai choai này, tụi tôi cũng được thầy uốn nắn nhiều hơn xưa. Ngoài ngành dạy chuyên môn, sự dạy dỗ của thầy dành cho chúng tôi không khác chi những lời khuyên bảo của một bậc cha mẹ dành cho con cái. Mà ở tuổi mới lớn, con cái đâu phải lúc nào cũng ngoan ngoãn phục tùng cha mẹ. Thành thử có lúc tụi tôi lại cảm thấy “sợ” thầy nữa. Tôi còn nhớ một lần vào dịp Tết, để chuẩn bị cho tiệc tất niên, trong giờ ra chơi tụi tôi xúm nhau cặm cụi cắt giấy pelure màu xanh màu hồng để “chế tạo” những cái hoa giấy xinh xinh hay các chùm tua tụi để cột thành những sợi dây trang hoàng trần thiết. Thầy trông thấy bèn hỏi, “Mấy trò đang làm gì đó?” Tụi tôi nhanh nhảu trả lời cho thầy rõ. Những tưởng được thầy khen “khéo tay hay làm” hay ít nhất cũng tán thành, ai ngờ bị thầy quở liền, “Tụi bây bày đặt quá, mua giấy mua má làm ba cái thứ này vừa mất công, vừa tốn tiền cha mẹ. Theo thầy thấy, mấy trò bữa đó cứ mỗi đứa bận một màu áo, xanh đỏ tím vàng, đi tới đi lui chan hòa trộn lẫn với nhau cũng tươi tắn, đẹp đẽ rồi.”

Chưa hết, thầy cũng làm tụi tôi “cụt hứng” một lần nữa, vào dịp cuối năm. Vào những ngày gần bãi trường, tụi tôi thường hay xin thầy cô ngưng dạy sớm một chút để cả lớp vui hưởng vài màn “văn nghệ văn gừng”. Thường là mấy thầy cô vui vẻ đồng ý ngay thôi. Thầy Sái cũng nhân từ chấp thuận lời xin của đám học trò ham vui. Thế nhưng sau khi nghe hai ba cô ca sĩ mầm non mười ba, mười bốn tuổi, lên véo von trình diễn “Nỗi buồn hoa phượng”, “Ba tháng tạ từ” với những câu như: “Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu, những chiều hẹn nhau lúc đầu, giờ như nước trôi qua cầu…” hay “Rồi đây tan trường mình không chung lối, thương nhau nhiều biết gửi về mô, thì chuyện cũ tan vào hư vô…” thì thầy gõ thước, phán liền: “Thầy có ý kiến như vầy. Mấy trò còn nhỏ mà hát gì toàn là nhạc tình anh anh, em em, thương thương, nhớ nhớ, hẹn hẹn, hò hò như vậy hổng được. Phải biết lựa mấy bài hợp với lứa tuổi học sinh, như bài “Hè về” nè, bài “Tạm biệt” nè. Như vậy có phải tốt hơn hôn?”

Đó, thầy của chúng tôi là như vậy đó. Thầy sẵn sàng nói ra những “lời thật mất lòng” để khuyên nhủ học trò non nớt của thầy. Bây giờ, đã làm cha làm mẹ, đã phải thở ngắn than dài vì đám con “teenager”, tôi mới biết cảm kích sự quan tâm cũng như tình thương bao la nơi vị thầy mẫu mực đáng kính của mình.

Dĩ nhiên là buổi “văn nghệ bỏ túi” hôm đó mất vui thấy rõ, ca sĩ học trò tẽn tò lấm lét chạy về bàn. Nhưng bất mãn là bất mãn chút chút vậy thôi, không đứa nào dám tỏ thái độ gì, lớp chúng tôi nổi tiếng là hiền ngoan mà.Và dĩ nhiên không phải vì một vài chuyện như vậy mà tôi đã hành xử điều chi thất thố với thầy.

Chuyện làm tôi tự trách mình cho tới bây giờ đã xảy ra vào khoảng giữa năm 1975, lúc thầy đã nghỉ hưu và tôi đã ra khỏi trường được gần hai năm. Đó là lần tôi bất ngờ gặp lại thầy sau khúc quanh tại một góc đường ở Biên Hòa giữa ánh điện nhá nhem mờ nhạt của một buổi tối nặng nề. Xuất hiện trước mắt tôi lúc ấy là một người đàn ông lớn tuổi, mặt buồn xo tiều tụy, hai tay ôm một bọc đồ đang đứng lạc lõng bên đường. Trong một thoáng, tôi không nhận ra thầy. Với ý nghĩ vừa xẹt ra trong đầu “Bác này là ai mà sao thấy quen quá”, tôi buột miệng “Chào bác”. Trời đất ơi! Rồi cũng trong tích tắc, tôi nhớ lại liền và cất tiếng chào lớn hơn, “Dạ, chào thầy”, cùng một lượt với câu hỏi thốt ra từ miệng thầy: “Ủa Thủy, con đi đâu đây?”

Tệ hại cho tôi chưa! Thầy, tuổi đã ngoài sáu mươi, đã từng đứng trên bục giảng dạy biết bao học trò mà còn nhớ tên tôi. Trong khi tôi, mới vừa đôi mươi, học xong với thầy chưa được bao lâu mà quên bẵng thầy mình, cho dù chỉ trong một sát na. Tôi tự thẹn vô cùng, cầu mong cái bệnh nói nhỏ của mình lần này giúp được tôi thoát nạn, hay đúng ra là giúp cho thầy tôi khỏi phải đau lòng: thầy đừng nghe được câu “Chào bác” oan nghiệt kia. Còn gì buồn hơn, con bé học trò mà mình từng cưng thương nay lớn lên nó lại quên mình.

Đúng. Tôi từng là học trò cưng của thầy. Và cũng chính nhờ thầy, nhờ tình thương thể hiện qua một cử chỉ “khích tướng” của thầy vào năm lớp sáu, tôi đã cố gắng học hành và đạt được những kết quả học tập khá vinh quang trong suốt bảy năm sau đó, như một mạch suối giữa rừng đang tắc nghẽn bỗng được khai thông và bung nở để dần dần trở thành một dòng sông tuôn chảy không ngừng.

Tôi còn nhớ năm đó, sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, một buổi sáng nọ sau khi chào cờ, nhà trường đã làm lễ vinh danh các học sinh giỏi của từng lớp. Thế là mỗi lớp được trường chọn ra ba học sinh, theo kết quả của kỳ thi cộng với số điểm trung bình hàng tháng, và gọi tên từng người bước lên cho thiên hạ “chiêm ngưỡng”.

Khi vào lớp, thầy đứng trước chỗ bàn tôi (tôi ngồi bàn đầu), hỏi “Lớp này trò nào hạng nhứt?”. Cả lớp trả lời “Dạ, Tuyết Trinh thầy”. Rồi thầy hỏi “Còn đứa nào được kêu tên vinh danh nữa?” Hai đứa khác lần lượt đứng dậy cho thầy nhận diện. Bỗng thầy nhìn xuống tôi, hỏi nhỏ “Còn trò Thủy, trò không được kêu tên sao? Trò hạng mấy?” Tôi luống cuống đáp nhỏ “Dạ, con hạng 11.” Thầy trợn mắt “Mười một!” rồi lắc đầu, bĩu nhẹ môi. Ôi chao, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mình quê muốn độn thổ và “đau khổ” tột cùng.

Thật ra thì cũng có nhiều nguyên nhân đưa đến cái tội “học dở” của tôi lắm. Thứ nhất là kể từ khi đậu được vào trường, tôi “mừng hết lớn”, cảm thấy “áp lực” như nhẹ hẳn đi. Không còn phải lo học ngày, học đêm, học thêm, học luyện, để trúng tuyển với hạng cao như hồi năm lớp nhất nữa. (Cô giáo lúc ấy của tôi – cô Kim Sơn – hàng năm đều mở lớp dạy thêm, và nhờ nổi tiếng dạy giỏi, cô đã quy tụ được nhiều học trò xuất sắc từ các lớp khác hoặc từ trường khác nữa. Cô hy vọng mấy đứa tụi tôi đều đậu cao, ít nhất là “top ten”, để làm “rạng rỡ tông môn” nhưng tôi đã làm cô thất vọng lần đó mất rồi.) Lọt được vào trường công, khỏi tốn tiền ba má, hàng ngày lại được mặc áo dài đi học, vui hết biết rồi, còn lo chi nữa. Lý do thứ hai để tôi… “chạy tội” là sự kiện lớp tôi có khá nhiều “cao thủ” đã rớt kỳ thi tuyển năm trước, bèn học đệ thất ở trường bán công Trần Thượng Xuyên chờ năm sau thi vào Ngô Quyền một lần nữa; nhờ học lại nên tụi nó rành rẽ và “giàu kinh nghiệm chiến trường” hơn tôi là cái chắc rồi.

Nhưng dầu gì thì gì, đổ thừa cho hoàn cảnh cũng không phải là một thái độ tốt. Nhất là khi thấy rõ hậu quả là… cái bĩu môi thất vọng của thầy. Từ đó, tôi bắt đầu để ý tới việc học hành trở lại. Và kết quả như một phép mầu: kỳ đệ nhị lục cá nguyệt, tôi hạng nhất và cộng lại tổng số, điểm tôi đủ cao để đạt được vinh dự đứng đầu toàn năm.

Thầy đã để lại cho tôi nhiều dấu ấn như thế, mà trong một giây phút bất chợt nào đó tôi bỗng quên bẵng, thật ra cũng không phải là không có lý do. Tôi không muốn biện minh cho sự sơ xuất của mình, nhưng đã kể thì phải kể hết cho tỏ rõ ngọn ngành.

Tôi không nhớ đích xác đó là vào tháng nào của năm 1975, nhưng bối cảnh u ám, nhiễu nhương bát nháo của những ngày vừa mới đổi đời ấy không làm sao phai mờ trong tâm khảm. Đang học năm thứ hai Ban Thương Mại của đại học Vạn Hạnh và năm đầu của Trung Tâm Huấn Luyện Chuyên Môn Ngân Hàng Quốc Gia, tôi đã dần dần định được cho mình một hướng đi tương đối thích hợp với khả năng. Tuy biết rằng cuộc đời vốn không toàn bích, quê hương chinh chiến triền miên, nhưng trong lòng người sinh viên trẻ nào đã mang chút ít tâm huyết lại không có những mơ mộng lạc quan, hi vọng một ngày kia tương lai đất nước sẽ khá hơn với sự đóng góp của thế hệ trong sạch như mình. Tôi hằng cầu mong sớm có hòa bình, nhưng không bao giờ ngờ rằng có một ngày phải chịu cảnh hòa bình trong tan hoang thua trận như vậy.

Những giọt lệ lặng lẽ rơi giữa buổi sáng 30 tháng tư, nỗi hụt hẫng và hoang mang bấn loạn trong giai đoạn ban đầu ấy chỉ mới là khởi điểm cho một chuỗi dài đau thương phẫn hận càng ngày càng xoáy sâu, sâu mãi trong lòng, gây ra từ những va chạm mỗi khi phải đối mặt với bọn người chiến thắng đang nắm trọn quyền hành. Người người thở than, ta thán, nhớ câu “nước mất nhà tan” hay “đất nước còn, còn tất cả, đất nước mất, mất tất cả”. Đau ở chỗ đất nước không mất vào tay ngoại bang mà vào tay những người tưởng cùng nòi giống mà lại là những kẻ giả hình.

Mỗi ngày, mở mắt ra là đụng phải, nghe thấy, những điều trái tai, gai mắt, trá ngụy, điêu ngoa. Người dân miền Nam chờ đợi một phép mầu, hay thậm chí một biến cố nào đó để rồi ngày qua tháng lại, niềm tin mỗi ngày một mỏi mòn dần và người ta đau đớn nhận ra rằng tất cả chỉ là ảo vọng mà thôi. Người ta xì xầm chuyện vô bưng, chuyện lên rừng, chuyện phục quốc, vân vân, tất cả chẳng qua chỉ là một chút dưỡng khí để tạm nuôi hai buồng phổi đang khát khao hít thở.

Tới một lúc nào đó, tôi không khát khao hít thở nữa. Tôi muốn chết.

Vì gián đoạn việc học, tôi trở thành một kẻ vô công rỗi nghề. Ở nhà phụ giúp ba má cũng không xong vì nghe đâu phường khóm sẽ bắt thanh niên thiếu nữ cỡ tuổi tôi phải gia nhập đội Thanh Niên Xung Phong đi làm thủy lợi chi đó. Để “lánh nạn”, ba má tôi (ở Biên Hòa) bèn “biệt phái” tôi xuống Sài Gòn (ở Sài Gòn dù sao cũng “dễ thở” hơn, ai cũng bảo như vậy), vừa lo bếp núc cho anh tôi, vừa trông coi nhà cửa cho anh ấy. Nói là nói cho oai vậy thôi chứ “thực chất” thì như thế này: Đồ ăn thì má tôi đã nấu sẵn, tôi chỉ việc hâm lên và nấu cơm mà thôi. (Phần lớn thì giờ của tôi tiêu hao vào việc… xếp hàng rồng rắn suốt cả buổi để mua nhu yếu phẩm – được phân phối thật ít oi – tại cửa hàng công nghiệp hoặc cửa hàng thực phẩm theo lời thông báo của anh tổ trưởng dân phố). Còn nhà cửa thì cũng chẳng có gì để trông coi vì căn nhà trống trơn, anh tôi chỉ mới dọn vô ở vài ngày trước 30 tháng 4, thậm chí chưa kịp mua sắm đồ đạc bàn ghế gì cả. Đó là một căn “condo” còn rất mới nằm trên lầu ba thuộc khu Cư Xá Thanh Đa thuộc quận Bình Thạnh, có ban công nhìn ra nhịp cầu Bình Triệu cao vút xa xa. Cứ vài ngày, tôi lại đáp xe lửa ở ga Bình Triệu để về Biên Hòa thăm nhà và… lấy đồ tiếp tế.

Vì phương tiện giao thông khi ấy rất hạn chế trong lúc thì giờ lại dư dả, tôi thường hay đi bộ từ cư xá, vòng vèo ra tới đường lớn, băng qua cây cầu để tới nhà ga. Không hiểu sao mỗi lần nhìn xuống dòng cuồng lưu phía dưới chân cầu, tôi càng nghĩ tới cái chết nhiều hơn. Hay tại cây cầu này tên là cầu Bình Triệu, “bà con” với cầu Bình Lợi, nơi nổi tiếng có nhiều người tự trầm? Buổi chiều đó cũng vậy, tôi nhìn dòng nước hung hãn va đập vào chân cầu rồi cuốn phăng phăng những thứ trôi nổi trên sông, lòng chỉ mong gieo mình xuống đó, cho nước cuốn trôi, trôi hết, xóa tan, mất dấu. Không còn bế tắc, không còn nhục nhã, bực bội hay phiền muộn, u sầu. Nhưng rồi tôi cũng bước đều tới nhà ga, mua vé và chen chân giành một chỗ ngồi trên toa tàu đầy cảnh chen lấn ồn ào.

Thường thường tuyến xe lửa Sài Gòn-Biên Hòa ngừng khoảng trên dưới mười ga, hình như vậy. Tôi không còn nhớ rõ ở gần ga nào mà chuyến xe lửa của tôi bỗng ngừng lại khá lâu, quá lâu là khác. Trời càng ngày càng chiều, ai nấy đều sốt ruột, nhất là những người đi buôn hàng chuyến. Mãi một lúc sau, bỗng nghe nhiều người xì xầm chuyền miệng, “Hình như có người mới vừa tự tử trên đường rầy.” Mẩu tin vụn, ngắn, nhưng đủ làm cho không khí trong toa tàu chợt nhốn nháo, sôi động hẳn lên thay thế cho sự quạo quọ bất mãn chán chường trước đó. Còn tôi, dường như vừa có từng luồng hơi lạnh chạy dọc xuống lưng rồi lan khắp tứ chi. Cứ như thế, tôi ngồi chết điếng, cơ thể lạnh ngắt, tuy thời tiết chung quanh đang nóng ngộp hơi người.

Sau một lúc rục rịch, nhúc nhích tới lui, cuối cùng rồi xe lửa cũng lăn bánh tiếp tục hành trình. Vài kẻ hiếu kỳ từng rời toa để đi “thám sát” tận mắt đã leo lên tàu trở lại, trong đó có thằng bé bán dạo. Khi nghe có người hỏi han, thằng nhỏ nhún vai trả lời, “Có thấy gì đâu. Người ta lấy chiếu đậy xác bà già lại rồi.” Trời đã chạng vạng hoàng hôn, nhà cửa trong thôn xóm bên đường đã bắt đầu lên đèn. Ánh đèn vàng vọt hắt ra giữa những vùng tranh tối tranh sáng làm không gian càng thêm ảm đạm thê lương như có oan hồn ai đang vất vưởng. Tuy không tận mắt nhìn thấy cảnh tượng thương tâm, hình ảnh chiếc chiếu sơ sài đắp lên thi hài người bất hạnh cứ lởn vởn trong đầu tôi và nằm luôn trong ấy. Tôi lại nghĩ tới “cái chết” nhảy sông của tôi và mường tượng thi thể của mình rồi sẽ tấp lên một bờ bãi nào đó, được người ta vớt lên và cũng được đắp lên một manh chiếu như vậy. Ý nghĩ đó làm tôi có phần chùn chân, rờn rợn. Nhưng sống như hiện tại có đáng sống hay không? Cái cảm giác bế tắc lại trở về đè nặng tâm tư. Người đàn bà vừa tự tử chắc chắn cũng lâm vào một cảnh cùng đường nào đó và bà đã mạnh dạn quyết định. Còn tôi, tại sao không? Lờ mờ đâu đó, tôi tự thấy mình “đi cũng lỡ dở mà ở cũng chẳng xong”.

Với mớ tư tưởng chết-sống ngổn ngang hỗn độn trong đầu, tôi thất thểu cuốc bộ từ nhà ga hướng về nhà, cho tới khi bất ngờ chạm mặt với thầy tại ngã ba công trường Sông Phố, chỗ cuối con đường Trịnh Hoài Đức rẽ xuống Hàm Nghi, và buột miệng “Chào bác” thay vì “Chào thầy”. “Con đi đâu đây?” Giọng nói ôn tồn của thầy bỗng như truyền cho tôi sinh lực, vực tôi trở về thực tại. Thầy trò rưng rưng thăm hỏi nhau vài câu. Tôi nói tôi từ Sài Gòn về bằng xe lửa và đang đi bộ về nhà. Còn thầy cho biết thầy có việc phải ra đây đón xe lam đi Tân Mai Tam Hiệp chi đó.

Sau khi từ giã, thầy vẫn cô đơn đứng đó chờ xe dưới ánh đèn đường tù mù không đủ sáng trong khi tôi tiếp tục rảo bước về nhà. Nhưng trái tim tôi lúc này dường như càng chĩu nặng thêm vì một nỗi buồn lo mới. Không biết thầy có nghe thấy câu chào sơ xuất của tôi ban nãy chăng? Nếu nghe được, thầy có buồn có giận tôi không? Trời ơi, sao mà tôi có thể đoảng như thế được chứ? Cho dù tôi đang bị những cú sốc kinh khủng dằn vật nội tâm, nhưng vô tình làm cho người khác buồn giận, làm sao lương tâm yên ổn cho đành. Có lẽ một ngày nào đó tôi phải chuộc lại lỗi lầm này với thầy mới được, tôi tự dỗ lòng như vậy.

Rồi bỗng như một con bệnh dần dần hồi phục, tôi bắt đầu gượng dậy, bước tới trước gương nhìn ngắm chính mình. Tôi cũng tiếp tục mường tượng ra chiếc chiếu đắp điếm thi hài mình, nhưng bây giờ tôi thấy cả cảnh má tôi nhào tới cạnh bên, kêu gào thảm thiết, sùi sụt khóc con; cảnh ba tôi run chân bước đi không nổi, phải ngồi bệt xuống thềm như có lần nghe tin tôi bị xe Honda đụng ngoài đầu ngõ trước đây. Càng nghĩ, tim tôi càng se thắt và nước mắt chỉ chực tuôn trào.Và khi đưa tay đẩy cái cổng quen thuộc để bước vào sân nhà, tôi đã biết mình phải quyết định ra sao: Tôi phải sống, dù thế nào đi nữa. Chung quanh tôi còn biết bao tình thương ràng buộc vây quanh mà ngẫu nhiên, người đầu tiên nhắc nhở cho tôi điều ấy khi tôi từ đường ranh sống-chết trở về chính là thầy Sái.

Kể xong câu chuyện, mắt tôi tự dưng rướm lệ nhưng đồng thời cõi lòng dường như nhẹ bớt đôi phần. Tôi ước ao phải chi thầy tôi đọc được những dòng này mặc dù thật ra chưa chắc tôi đã đủ can đảm tự thú khi thầy còn sống. Nhưng bạn ơi, phải chăng muộn còn hơn không, nhất là khi mình đã viết ra với tất cả chân thành.

thuy_2011-1-large-content

Nguyễn Thị Minh Thủy

Westminster, ngày 13 tháng 4 năm 2011


borderline_9png

 

Tưởng Nhớ Đến Thầy Đinh Văn Sái

thay_sai-1-large

Thầy Đinh Văn Sái

Mỗi lần đi ngang qua nhà Thầy Đinh Văn Sái lòng tôi bồi hồi, xúc động và luôn có cảm tưởng Thầy đang ngồi trong nhà nhìn ra, vì đó là thói quen của Thầy trong khoảng thời gian tuổi Thầy đã xế chiều...

Nhà tôi cách nhà Thầy chỉ mấy bước, trước nhà Thầy có mảnh đất nhỏ trồng đủ các loại rau: bạc hà, cần, quế, dấp cá... cánh cửa phía bên ngoài nhà Thầy làm bằng những nẹp gỗ đan xen với nhau và được sơn màu xanh da trời... Thuở ấy, vào những buổi trưa vắng lặng, tôi với các bạn cùng xóm hay băng qua lối sau nhà để sang đất phía trước nhà Thầy có khoảng đất trống rộng rãi và chung quanh có cây ăn trái như cây trứng cá, cây lý có trái vừa ngọt vừa thơm ngát, không kềm được tính phá phách của tuổi thơ nên chúng tôi lén hái những trái cây này để cùng oẳn tù tì chia nhau, thật thú vị... Rồi lại hay đùa giỡn, chơi những trò chơi như nhảy dây, đánh đáo, bắn bi, đánh hấp... vì bọn tôi có cả trai và gái nên không từ bất cứ trò chơi nào. Vào buổi trưa không gian rất im lặng và yên tĩnh, đó là lúc để mọi người nghỉ ngơi, thế mà chúng tôi chơi thì làm sao không tránh khỏi cải vã, la hét... Thế là các chị trong nhà Thầy chạy ra và nói: “Suỵt, các em đừng có ồn ào để Thầy ngủ, Thầy đang ngủ trưa đó nha các em!...”. Thế là chúng tôi phải giải tán. Hình ảnh đó đã in sâu trong tâm trí của tôi từ thuở còn thơ ấu.

Thuở đó tôi còn quá nhỏ chỉ biết Thầy là Thầy giáo, nhưng không biết Thầy dạy gì, ở đâu? Trong gia đình Thầy rất nghiêm và lễ giáo, nên không bao giờ nghe người nào nói lớn tiếng trong nhà, Anh Chị nào cũng nhỏ nhẹ và khiêm tốn, sau này tôi mới biết phần lớn các Anh Chị đều nối nghiệp Thầy “ Gõ đầu trẻ”, cho nên chúng tôi cũng rất sợ và kính nể .

Mãi đến năm 1964, khi tôi vào ngưỡng cửa Trung Học Ngô Quyền và được xếp vào Lớp Đệ Thất 1 – Pháp Văn thì tôi rất ngỡ ngàng khi môn Pháp Văn vỡ lòng này được Thầy Đinh Văn Sái phụ trách, tôi hồi hộp lo sợ vì thế nào Thầy cũng nhìn ra tôi, một đứa trong nhóm hay sang khu nhà Thầy quậy phá đây! Buổi học đầu tiên Thầy bước vào, đứng trên bục Thầy nhìn cả lớp qua đôi kính, khẽ mĩm cười và khoát tay bảo chúng tôi ngồi xuống. Giọng Thầy rất ấm áp, hiền từ nói: “Các em đã có quyển sách Le Français Élementaire chưa? Chúng ta bắt đầu Leçon 1 nha!” . Những tiếng rào rào vang lên do các bạn đồng giở trang sách một lượt của bài học đầu tiên tiếng Pháp. Dù Thầy biết mặt tôi là ở gần nhà, biết tôi là con của gia đình nào, nhà ở đâu nhưng không biết tên tôi, qua sơ đồ lớp Thầy đã biết, do đó suốt cả niên học tôi được Thầy “chăm sóc” nhiều nhất, nào hãy chia Verbe “AVOIR”, Verbe “ÊTRE” cho cả lớp nghe xem v..v.. Nhờ thế tôi học rất chăm chỉ, lúc nào đến giờ Thầy tôi đều chuẩn bị bài rất kỹ vì biết Thầy sẽ “chăm sóc” mình mà! Thầy luôn dành thời gian sau giờ học khoảng nửa tiếng để dạy hát nhạc Pháp như bài Frère Jacque, Alouette... Những bài hát này tôi thuộc nằm lòng, những lời ca cả lớp hát vang lên kèm sau đó là những tiếng cười dòn tan vì mình đã ca được tiếng Pháp, và Thầy cũng nở nụ cười hài lòng.

Frère Jacque, Frère Jacque

Dormez - vous? Dormez - vous?

Sonnez les matines! Sonnez les matines!

Din, dan, don, Din, dan, don

Tôi rất kính trọng Thầy nên rất siêng năng học để khỏi phụ lòng Thầy, dù không nói ra nhưng mỗi khi nhìn ánh mắt trìu mến của Thầy tôi cũng biết tình cảm Thầy dành cho tôi. Có lần trong giờ ra chơi, gặp Thầy tôi cúi chào và Thầy hỏi: “ Con là cháu Nội của Ông Sáu hả? Là con của người thứ mấy?” “ Dạ, Ba con thứ ba”. Mỗi buổi chiều tan trường, hình ảnh của Thầy khòm lưng trên chiếc Velo Solex chậm rãi chạy từ từ, thanh thản trở về cuộc sống gia đình đạm bạc mà hạnh phúc.

Chỉ còn mấy ngày nữa là Mùa Vu Lan qua đi... Mùa báo hiếu, của những người con tưởng nhớ đến bậc sanh thành đã nuôi mình khôn lớn và báo ơn dưỡng dục các bậc Thầy Cô đã dạy bảo dìu dắt, nên người. Tôi sang nhà Thầy với hộp bánh Trung Thu trong tay, trên gương mặt vui mừng và không dấu được vẻ ngạc nhiên của Chị Quí và Chị Thảo (cũng là Cô giáo dạy con tôi Cấp I ở Trường Nguyễn Du) khi thấy tôi đến thăm, trước khi vào chuyện tôi đặt bánh lên bàn thờ, xin phép hai chị cho tôi được thắp một nén hương cung kính tưởng nhớ đến Thầy, tấm ảnh Thầy trên bàn thờ vẫn nụ cười nở trên môi như thuở nào và tôi được hai chị kể lại cho tôi nghe qua cuộc đời của Thầy:

Trường đầu tiên Thầy dạy ở Biên Hòa là Trường Tiểu Học Nguyễn Du, trường này rất cổ kính với lối kiến trúc của Pháp xây dựng lên. Sau vài năm Thầy chuyển sang Trường Nữ Công Gia Chánh (gồm hai dãy, một bên dạy nữ công và một bên dạy Trung học) cùng với các Thầy Bảo, Thầy Đức, Thầy Hiệp, Thầy Hoài và Thầy Võ.

Năm 1956 Trường Trung Học Ngô Quyền chính thức được thành lập, các Thầy đều chuyển về Trường và Thầy dạy Khóa 1 đầu tiên của Trường Ngô Quyền các lớp Đệ Thất, Lục, Ngũ, Tứ. Đến năm 1975, Thầy về hưu và lĩnh lương hưu, nhưng Thầy được giữ lại Trường dạy thêm được 2 năm. Đến năm 1977 Thầy nghỉ dạy ở tuổi 62. Do vận mệnh đất nước thay đổi nên kéo theo đời sống kinh tế của người dân nói chung gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống của mọi gia đình trong thời điểm này không ai được no ấm, hạnh phúc. Mọi người đều phải bươn chảy mong có miếng ăn, áo mặc . Ở trong hoàn cảnh Thầy lại vừa nghỉ dạy lại vừa chứng kiến diễn biến thời cuộc, tuổi già chỉ biết sống lẵng lặng qua ngày. Do đó, khi có dịp đi ngang qua nhà Thầy, tôi hay thấy Thầy ngồi bên trong và tôi gật đầu chào Thầy. Đến ngày 24/01/1993, Thầy Đinh Văn Sái đã ra đi vĩnh viễn hưởng thọ 78 tuổi, để lại bao nhiêu niềm thương tiếc cho các học sinh Trường Ngô Quyền nói chung và người học trò ở cạnh nhà Thầy nói riêng, luôn trân quý và ghi mãi công ơn của Thầy dạy dỗ.

Ngô Quyền ơi, dù thời gian có trôi qua bao nhiêu năm đi chăng nữa thì tình nghĩa Thầy Cô vẫn luôn in sâu đậm trong tim của mỗi CHS Ngô Quyền hiện còn sinh sống trên đất Biên Hòa hoặc bên kia nửa vòng trái đất. Tất cả đều hết lòng hướng về bóng hình Thầy Cô còn phảng phất đâu đó dưới mái Trường Ngô Quyền thân yêu.

“Tận trong sâu thẳm tâm hồn không ai có thể quên Thầy Cô và bạn bè đã khuất bóng, để lại những chiếc ghế bỏ trống, hôm nay và mãi mãi ....”

(Trích lời dẫn bài hát ''Về Lại Trường Xưa" Mừng Ngô Quyền 55 năm)

Con thành kính tưởng nhớ và ghi mãi công ơn của Thầy.

thay_sai_-_mychau-large-content

Nguyễn Mỹ Châu - Biên Hòa

 

thay_sai_3-large

Hình chụp Thầy Cô Ngô Quyền & Nguyễn Du ở phía trước Trường Nguyễn Du năm 1956

thay_sai_2-large

Hình chụp Thầy Cô Ngô Quyền ở phía trước Trường Ngô Quyền năm 1963

borderline_9png

Kỷ Niệm Tuổi Học Trò.

Kính thưa Thầy (Thầy Đinh Văn Sái),

Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.

Ngày đó tôi là một học sinh của lớp Đệ Thất B1. Hôm ấy là ngày thi môn Nữ Công của kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt. Cô giáo cho đề thi là may cái quần đáy giữa nữ với một miếng vải nhỏ. Người coi thi ngày ấy là Thầy Đinh Văn Sái. Tôi rất khổ sở vì thứ nhất là tôi rất sợ Thầy, thứ hai tôi không biết cắt cái quần như thế nào. Nhưng cuối cùng tôi cũng nhờ được bạn Trịnh Thị Hóa cắt cho một cái quần. Khi tôi đã có cái quần trong tay tôi bắt đầu may lia lịa cho kịp giờ nộp.

Khi may xong tôi bèn nhìn các bạn tôi, người nào may cái quần cũng có hai ống, riêng cái quần tôi may không thấy được ống quần đâu cả. Giờ nộp bài đã tớI tôi không thể tháo ra để may lại. Khi đem nộp bài Thầy Sái nhìn cái quần tôi may không giống cái quần của bất cứ một bạn nào trong lớp đã may.

Mãy hôm sau, đến giờ Thầy Sái dạy Toán, và đến cuối buổI học còn dư giờ Thầy bèn kể chuyện vui cho cả lớp nghe, trong đó có câu chuyện là Thầy biết được một cô gái nọ đi về làm dâu một nhà kia, và khi bà mẹ chồng nhờ cô ấy may áo gối của một cái gối ôm, cô ấy lấy vải quấn vô một cây cột tròn và đứng may. Đến khi may xong cô không biết làm sao để lấy áo gối ra.

Cả lớp cùng cười và Thầy nhìn tôi cười...

Boston, ngày 4/3/2006

Lương Thị Khá

 

luongthikha-content


borderline_9png

thaytranminhduc-content

Thầy Trần Minh Đức

 

''...Ba tôi là Bác sĩ Trần Văn Châu, làm việc tại nhà thương Chợ Rẫy, thành hôn với má tôi là cô giáo Phan Thị Nữ, người phụ nữ đầu tiên có bằng Diplôme, tại tỉnh nhà, và là bà con cô cậu với các ông Chương, Đỗ và Trí. Vì gốc gác cố cựu tại Biên Hòa, tôi lên Nha Học Chánh xin đổi sự vụ lệnh, về dạy Anh Văn tại Ngô Quyền, vì tôi có vốn liếng 6 năm học Anh Văn tại Lycée Yersin Đalat, và một năm luyện giọng Anh Văn tại tổ chức tiền thân của Hội Việt-Mỹ tại Saigòn.

Ba vị Giáo Viên già dặn kinh nghiệm được phái qua dạy Trung Học Ngô Quyền cũng là bậc chú bác, bậc Thầy của tôi. Thầy Đinh Văn Sái đã dạy tôi ở lớp Moyen 2 và Supérieur tại trường Tiểu Học Biên Hòa, lúc đó còn theo chương trình Pháp, học tiếng Pháp từ lớp chót (enfantin). Thầy đã thương yêu tôi, nên bỏ công trong 2 tháng nghỉ hè, luyện tôi thêm về Pháp Văn để thi tuyển vào Pétrus Ký. Tôi nhớ đã học với Thầy hàng ngày, nơi bộ ván để sau garage của ông Đỗ Cao Lụa, thân sinh ra bạn đồng học với tôi là anh Đỗ Cao Thanh.

.............................

Như thế, tôi đã liên tiếp dạy 2 niên khóa tại Ngô Quyền, năm đầu tại trường Tiểu Học Nguyễn Du, năm sau dọn lại trường Nữ Công Gia Chánh. Vì đây là những ngày tôi bắt đầu cuộc đời Sư Phạm, nên cố gắng rất nhiều, dạy liên tục không hề nghỉ một phút. Tôi dùng sách Anh Văn của chương trình Pháp, (sixième et cinquième bleu) và luyện giọng Anh Văn theo đúng phương pháp mà tôi đã học được nơi tổ chức tiền thân của Hội Việt-Mỹ. Vì quá hăng hái, tôi dạy hơi nhanh, nên có lúc đã nghe thầy Sái phê bình: “ông Đức dạy cho học trò giỏi thôi, chứ học trò trung bình thì khó theo kịp.” (từ khi làm Giáo Sư, Thầy Sái đổi cách xưng hô với tôi, luôn gọi là ông Đức, chứ không phải là em Đức, như trước.) Tôi thành khẩn chấp nhận khuyết điểm, và từ đó, tôi dạy chậm lại, dành thì giờ giảng nghĩa rõ hơn, cho các học sinh trung bình theo kịp.

Tôi rất kính và thương yêu Thầy Sái, vì Thầy đã dạy tôi 2 năm ở lớp Nhì (cours Moyen 2) và lớp Nhất (cours Supérieur). Lúc đó, Thầy còn rất trẻ, chuyên thêm việc làm Moniteur cho chúng tôi luyện tập thể thao. Thầy có đi học khóa Moniteur ở Phan Thiết, cùng với thầy Miên. Hai Thầy chung phụ trách việc tập thể thao cho học sinh. Thầy Sái còn dạy cho chúng tôi hát một bài hát mà đến ngày nay, tôi còn nhớ mãi: ”Ngừng chèo lại đây, cô lái đò ơi, ngừng chèo lại đây giây phút ngừng bơi...” Tôi nhớ mãi đến ngày nay, khi Thầy đã ra người thiên cổ.

Một điều tôi còn nhớ nữa là Thầy rất tin cẩn tôi. Mỗi lần đọc Dictée Francaise, Thầy chấm điểm cho tôi trước tiên, cho biết những chỗ sai phạm, rồi Thầy cho tôi quyền chấm điểm các bạn học khác.

Khi còn trẻ, tôi rất ham chơi đá banh (bây giờ, họ gọi là bóng đá!) Tôi gia nhập Đội banh Tỉnh nhà, đội Biên Hùng. Thầy Sái cũng rất ham coi đá banh, tuần nào cũng có mặt tại khán đài. Tôi đá được vài lần, một bữa Thầy Sái vào trường nói với tôi: ”Ông Đức đừng đá banh nữa, làm Giáo Sư Ttrung Học rồi, mà còn đá banh, coi không được.” Tuy không đồng ý, tôi cũng theo ý kiến Thầy, đổi qua đá cho Hội Banh Cercle Sportif ở Sàigòn. Lúc còn trẻ, tôi ham vui, chơi với bạn bất kể là bình dân hay có học, và nơi nào trong tỉnh Biên Hòa cũng đều có tôi lui tới. Nhận lời khuyên bảo của Thầy Sái, tôi cũng ít đi chơi với bạn bè....''

(Trích trong ''Hồi Ký Của Một Người Yêu Biên Hòa'' - Thầy Trần Minh Đức)



borderline_9png

 

''...Tôi được xếp vào học lớp thất 3, lớp học toàn là bạn trai. Không như cấp tiểu học, ở cấp trung học mỗi môn học do một giáo sư phụ trách. Ở lớp thất 3 năm đó, thầy cô tôi ấn tượng nhất là thầy Đinh văn Sái, dạy môn Pháp văn và cô Khương thị Bàn, dạy môn toán. Khi đến trường Ngô Quyền để nộp đơn thi vào đệ thất, tôi đã gặp thầy Sái đang hướng dẫn các anh chị lớp trên chơi môn bóng rỗ ở sân tập cạnh hàng rào trường. Dáng người cao to, trán hói, lưng hơi khòm, gọng kính đen cáng nhựa luôn trên mắt. Bây giờ,tôi lại được thầy giảng dạy môn Pháp văn ở năm đầu trung học đệ nhất cấp, sách học là quyển Elementaire. Thầy có giọng nói từ tốn, sang sảng, hai tay ưa xoa xoa đáy quần. Một buổi học, tôi không nhớ là bài lecon thứ mấy, có hình con chó đang ngồi nhìn cục xương. Thầy bảo đặt một câu văn bằng tiếng Pháp tả cảnh ấy. Thầy đưa ngón tay trỏ xoay xoay một vòng rồi chỉ bạn Nguyễn Khắc Dũng, dáng công tử, da trắng trẻo, ngồi đầu bàn. Bạn Dũng đứng lên trả lời ấp úng:
_ Dạ, le chien regarde..., regarde.., regarde..
Thầy gằn giọng:
_ Regarde-quoi?
_ Dạ, regade..., regarde... cục xương ạ!
Cả lớp cười ồ như vỡ chợ. Từ đó, bạn Dũng bị đặt biệt danh là Dũng cục xương."

(Trích ''Tản Mạn Chuyện Thầy Cô Trường Lớp Cũ'' )

-ecluan-content

Đỗ công Luận

03 Tháng Hai 2012(Xem: 137310)
Có những người ra đi thoáng chốc đã đi vào quên lãng, nhưng cũng có người đi để lại tiếc thương và kính mến cho bao người.
11 Tháng Mười 2011(Xem: 69580)
Một góc tâm tưởng của đồng nghiệp và học trò sẽ có một chỗ cho Cô an lành bình yên như những ngày xưa thân ái ở Ngô Quyền
29 Tháng Chín 2010(Xem: 123602)
Cầu mong Cô đi an bình, thanh thản. CHS NQ khóa 15, 16 và 17 luôn nhớ đến Cô
28 Tháng Sáu 2009(Xem: 41479)
Ân sâu nghĩa nặng tình dài Khóc Thầy khóc mãi biết đời nào nguôi