BẤT NGỜ TỪ NHỮNG CHUYẾN ĐI…
Phạm Kim Luân, Đỗ Minh Tuấn, Diệp Hoàng Mai, Đỗ Thị Thanh Tuyền, Đỗ Thị Kim Hoa.
Tháng 06/ 2009 một khách hàng nhờ tôi làm thủ tục xác nhận tài sản để đi du lịch, đã “rủ” tôi cùng đi dự đại hội cựu học sinh Gia Long tổ chức ở Pháp. Sau hai ngày “cưỡi ngựa xem hoa” kinh kỳ ánh sáng Paris, tôi đi sang nước Đức bằng xe lửa. Em Đỗ Thị Kim Hoa, nguyên thiếu sinh Trưng Trắc và là CHS.NQ sau tôi sáu khóa, tươi cười đứng đợi tôi ở sân ga Aachen.
Nhà của vợ chồng Hoa ở Monchengladbach, một thành phố xinh đẹp thuộc bang Nordrhein-Westfalen, miền Tây nước Đức. Thi rớt vào lớp 10 trường Ngô Quyền, khiếu nại hoài không được cấp có thẩm quyền giải quyết, Hoa lên tàu vượt biên sang Đức… học tiếp. Là học sinh xuất sắc nhiều năm liền, Hoa nhanh chóng hòa nhập vào môi trường học tập mới. Em hiện là dược sĩ, có chồng làm việc ở một công ty kiến trúc của Đức. Vợ chồng Hoa có hai cô con gái rất ngoan, đang học những năm cuối cấp phổ thông trung học. Mẹ của em, chủ tiệm buôn Thế Hùng ở đường Trịnh Hoài Đức ngày xưa, hiện cũng đang ở rất gần nhà con gái.
Diệp Mai và em Kim Hoa D.H.Mai và Mi Anh-Vi Anh
Lâu ngày gặp lại, hai chị em tíu tít đủ chuyện về thầy cũ bạn xưa. Hoa kể tôi nghe câu chuyện, có lần em điện sang Mỹ tìm thăm cô giáo cũ của mình, nhưng xui khiến sao em gặp cô giáo cũ của… bạn mình. Đáp lại lời xin lỗi của em, giọng nói cô giáo của bạn em từ Florida rất đỗi dịu dàng: “ Không sao, mình cùng là người Biên Hòa mà em… ”Tình đồng hương đã khiến tâm hồn hai người xa xứ, một già một trẻ không quen không biết xích lại gần nhau. Hoa cho tôi biết:
- Cô Loan có người con học cùng khối với em, hiện ở Hà Lan. Cô cho em số phone, nhưng em chưa gọi vì em đâu có quen biết con của cô. À, mà Khanh có người anh ruột cũng ở Hà Lan tên Phạm Kim Luân, học cùng khối với chị đó. Chị có biết anh Luân không?...
Cảm giác của tôi, khi bất ngờ biết thông tin về Luân là … bàng hoàng, bàng hoàng không sao tả được. Bởi ba mươi sáu năm rồi, tôi không gặp Luân, không biết tin gì về Luân. Và càng không thể nào ngờ, tôi đang ở rất gần nơi Luân đang ở. Hoa thúc giục tôi “ Gọi cho anh Luân đi chị, để em điện hỏi Khanh số phone của anh Luân…”
Tôi thoáng ngại ngần, vì khi xưa tôi không thân thiết với Luân. Dù rằng tôi với Luân học chung khối chung trường, cùng sinh hoạt Hướng Đạo chung đạo Trấn Biên nữa. Nhưng Hoa không để tôi suy nghĩ lâu, cô thiếu sinh nhanh nhẹn ngày nào, chạy đi tìm ngay số điện thoại của Phạm Kim Tuấn Khanh. Cả Khanh và Hoa, cũng là hai người bạn học chung khối chung trường mấy mươi năm về trước. Nhưng nhờ có sự “ngộ nhận” nên mấy mươi năm sau, cả hai mới lần đầu “quen” nhau trên phone. Cuối cùng, Hoa chuyển nhanh máy cho tôi “ Chị, em đang gọi số của anh Luân đó. Chị nói chuyện với anh Luân đi…”. Tôi cầm máy, hơi lạc giọng:
- Alo, Luân phải không? Diệp Hoàng Mai đây Luân ơi!...
Luân có lẽ do quá bất ngờ, nên kêu “Trời!...” mấy tiếng. Và Luân càng bất ngờ hơn, khi biết tôi đang ở rất gần biên giới Hà Lan. Nghe câu chuyện dòn tan trên phone của ông anh bà chị, Hoa nồng nhiệt mời gia đình Khanh và Luân cuối tuần sang Đức chơi để… làm quen. Hoa cũng gọi điện mời anh chị Đỗ Thị Thanh Tuyền - Lê Chánh Cần hiện định cư ở nước Bỉ. Tiếc là ngày cuối tuần hôm đó, trùng với sinh nhật nhạc mẫu của Tuấn Khanh, cho nên chỉ mỗi mình Luân sang Đức.
Bác Thế Hùng và Mai Phạm Kim Luân và DHMai
Sau cuộc gọi với Luân, tôi nôn nao từng ngày từng giờ, mong sớm gặp lại những người Biên Hòa đang sinh sống ở trời Âu. Buổi sáng thứ bảy, Luân và chị Tuyền - anh Cần tới
nhà Hoa gần như cùng lúc. Sau giây phút ngỡ ngàng, những người Biên Hòa mau chóng nhận … bà con. Chuyện xưa tích cũ Biên Hòa, cùng những kỹ niệm học trò trường Ngô ào ạt tuôn trào như thác đổ. Ai cũng tranh giành kể chuyện, cười nói rần rần. Tôi nhớ hồi đi học, Luân khá điềm tĩnh và … ít nói (?!..). Vậy mà hôm đó, Luân không hề “khiêm tốn” với những câu chuyện kể về Biên Hòa. Xa xứ lâu năm, tôi đoán Luân cũng … thèm nói tiếng Việt, nhất là nói với chính những người đồng hương Biên Hòa. Những ly sâm - banh ấm nồng, như tiếp thêm sức khỏe cho mọi người … thi nói. Gian nhà kính xinh xắn của vợ chồng Hoa, như muốn vỡ tung theo niềm vui của những người Biên Hòa. Ông chủ nhà Đỗ Minh Tuấn, kéo tay ông anh Lê Chánh Cần:
- Anh em mình là “người thừa” rồi, mình đi chỗ khác uống bia cho … đỡ tủi anh Cần ơi! Nhường chỗ cho người Biên Hòa người ta nói chuyện …
Chị Tuyền vội vàng xin lỗi:
- Thông cảm nha, lâu lắm rồi người Biên Hòa tụi tụi mới có dịp gặp nhau như vầy. Mà hễ gặp nhau, người Biên Hòa chỉ ghiền nói chuyện Biên Hòa thôi. Hai người ráng nghe chuyện Biên Hòa đi, vui lắm!...
Anh Lê Chánh Cần và người BH K.Luân, M.Tuấn, H.Mai,Thanh Tuyền, Kim Hoa.
Luân kể, hồi nhỏ nghe ông nội nhắc chị Tuyền hoài, nhưng Luân chưa biết mặt chị. Chị Tuyền cũng vậy, chỉ nghe ba mình hay nhắc về Luân. Thì ra thầy giáo Phạm Văn Tiếng, ông nội của Luân và bác Đỗ Hữu Quờn, ba của chị Tuyền lúc sinh thời từng là đôi bạn vong niên. Cả hai ông hay kể về việc học của cháu con mình, vì vậy mà chị Tuyền và Luân đã “biết” về nhau qua lời kể của ba và ông nội. Nhưng đến bây giờ, hai chị em mới có dịp làm quen với nhau, ở một nơi không phải quê mình.
Câu chuyện dài… nhiều tập của Biên Hòa chưa dứt, nhưng thời gian thúc giục những người Biên Hòa phải nói lời tạm biệt với nhau. Luân lại một mình, vượt chặng đường dài hai giờ ba mươi phút chạy xe trở về nhà. Tôi theo chị Tuyền - anh Cần, tiếp tục hành trình sang thăm nước Bỉ…
Tôi gặp chị Đỗ Thị Thanh Tuyền (CHS.NQ K.12) có lẽ nhờ “duyên”, bởi hồi đi học tôi không quen biết chị. Chị Tuyền sang Bỉ du học từ năm 1974, sau khi chị thi đậu tú tài phần một. Tốt nghiệp đại học, chị Tuyền lập gia đình và định cư luôn ở Bỉ. Năm 2008 chị Tuyền về quê để thực hiện một công việc riêng cần tư vấn, bạn Nguyễn Mạnh Dũng của tôi – từng tá túc nhà chị Tuyền, sau hội nghị về kiến trúc thế giới ở nước Ý – đã giới thiệu chị Tuyền gặp tôi. Xong công việc, hai chị em có dịp hỏi han nhau mới hay “dây mơ rễ má” tùm lum. Thôi thì cứ theo tập quán Hướng Đạo, ai lớn tuổi hơn là anh là chị, ai ít tuổi hơn là em trong một gia đình. Chị Tuyền kể tôi nghe về quê hương thứ hai của chị, và ngõ ý mời tôi có dịp sang chơi. Trong giấc mơ, tôi cũng không dám … hào phóng thả hồn tôi đi du lịch xa đến vậy. Tôi đâu thể ngờ duyên may đưa đẩy, để bây giờ tôi được anh chị đón về như một người thân. Anh chị đưa tôi đi chơi không ngơi nghỉ, khiến tôi ái ngại vô cùng. Anh Cần bảo: “Em có ít thời gian ở đây, phải tận dụng đi chơi cho biết…”
Bs. Trường, chị Mai, Bs. Nhân, chị Tuyền, anh Cần. Cùng với các tình nguyện viên ở trại Waterloo
Thật may mắn, tôi đến Bỉ đúng dịp kỷ niệm trận Waterloo, đánh dấu sự thất trận của Hoàng đế nước Pháp Napoléon. Hàng ngàn tình nguyện viên từ các nước Pháp, Nga, Anh, Hà Lan đã về dự hội trại tái hiện lại trận đánh lịch sử này. Quân "đồng minh" hóa trang, dựng lều trại và sinh hoạt như thời chiến tranh. Theo chân đoàn khách du lịch, chúng tôi băng qua cánh đồng lúa mì tiến vào đất trại. Bỗng một giọng nói vang lên từ phía sau:
- Vous êtes les Vietnamiens?
- Qui!...
Anh Cần chị Tuyền cùng “Qui” rồi cùng quay lại. Bất ngờ quá! Tất cả cùng bật cười dòn, bởi cùng là người Việt ai lại hỏi nhau bằng tiếng Pháp:” Anh chị là người Việt Nam hả?...”
Đó là ba vị bác sĩ trẻ ở Sài Gòn, vừa mới sang Bỉ tu nghiệp. Nghe chúng tôi chuyện trò bằng tiếng Việt, các em mừng quá hỏi thăm. Thế là nhóm có sáu người, chúng tôi chia thành ba đôi, tôi đi cùng với bác sĩ Nguyễn Bá Hợp. Hợp hỏi thăm tôi về gia đình, về công việc. Khi biết tôi là người Biên Hòa, em cho tôi biết em cũng có người chú ruột từng dạy học ở Biên Hòa. Tôi hỏi:
- Chú của em tên gì?
- Dạ, chú của em tên Nguyễn Phong Cảnh…
B.Sĩ Nguyễn Bá Hợp (đứng bìa phải, khoác balô) cháu ruột của Thầy Nguyễn Phong Cảnh.
Ôi Trời đất ơi! Có phải là … duyên kỳ ngộ hay không? Chú Nguyễn Phong Cảnh của em, chính là giáo sư hướng dẫn lớp 12B3 ( niên học 68-75) của tôi … Nếu như tôi gặp em ở Sài Gòn, cũng đã đủ : “ Ngạc nhiên chưa?...” rồi! Đằng này, hai chị em gặp nhau giữa cánh đồng lúa mì bạt ngàn của trời Âu, thiệt là một cuộc gặp gỡ tình cờ hi hữu…
Luân viết cho tôi: “It's just a small world, đi đâu cũng gặp người quen …”. Riêng tôi qua những chuyến đi, tôi cảm thấy thế giới này trở nên thân thiện hơn, gần gũi hơn với những cuộc gặp gỡ bất ngờ đến mức ngỡ ngàng. Có dịp trãi nghiệm điều này, tôi càng tin vào chữ “duyên” dữ dội. Xin được tiếp tục chia sẻ với thân hữu Ngô Quyền trong những bài viết tiếp theo nha…
Tháng 04/2012
Diệp Hoàng Mai