Truyện Giải Trí
ĐỨC ÔNG NỔI GIẬN.
Dù đã là thần, được người dân thành kính tôn thờ nhiều nơi trên đất nước Việt Nam hình chữ S. Ngự mãi ở quê cũng buồn, một hôm vào một ngày cuối tháng 4… , Đức Ông “Lễ Thành Hầu” Nguyễn Hữu Cảnh chợt thấy trong lòng buồn bã… . Ông nói với Đức Bà (cũng thành thần luôn, vì theo lô-gích: vợ của Ông Thần đương nhiên là Bà Thần rồi !):
- Bà nó nè, cũng đã lâu tôi chưa vào phương Nam, nay tiết trời thuận lợi, để tôi vào trong đó xem dân tình thế nào – Bà Thần nhìn ông thoáng chút âu lo rồi nói:
- Ông đi thăm dân tình thì cũng phải thôi, việc này lẽ ra còn phải… thường xuyên, tôi đâu dám can ngăn. Nhưng bây giờ có nhiều phương tiện hiện đại, cái gì Ông không biết thì đừng có… đụng vào, nguy hiểm lắm! – Đức Ông cất giọng cười… ha hả, sang sảng trả lời:
- Cám ơn Bà, nhưng Bà quên rằng tôi đã thành thần rồi. Thần là bất tử, có chết nữa đâu mà sợ. Vì mình đã… chết lâu rồi! Ba trăm mười năm rồi còn gì! Ha… ha… .
Cười xong một hơi dài thật quá… đã. Đức Ông cho gọi tả-hữu vào, ra lệnh chuẩn bị hành trang: người, ngựa, thuyền buồm (!?) đầy đủ. (Những thứ này khi Đức Ông thành thần đã được cấp theo… “chính sách chế độ” lúc bấy giờ). Sau khi Bà thần đã kiểm tra hành trang xong xuôi đâu đó, Đức Ông cất tiếng tạm biệt Bà, rồi như là một cái… click chuột quang của máy vi tính! Toàn cảnh Quảng Bình biến mất! Thay vào là cả đoàn đang ở trên đất của một tỉnh miền Đông Nam Bộ: nơi có dòng sông tên tuổi “ Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”!
Đức Ông đứng trước mũi thuyền, sau vài cái… ho và hắt hơi, Ông chép miệng:
- Định đi theo cách mấy trăm năm trước ta đã vào đây, nhưng nếu vậy phải mất… mấy tháng trời. Đành phải dùng phép… thần cho nhanh. Dòng sông Đồng Nai mùa này mưa chưa nhiều, nước vẫn còn một màu xanh như ngọc. (Cả một đoàn người ngựa đông như vậy nhưng vì chúng ta là người trần mắt thịt nên không có nhìn thấy gì đâu nha). Bỗng Đức Ông nhíu đôi chân mày, hít hít mũi… :
- Cái mùi gì lạ quá vậy?! – Tả, hữu đều đồng loạt thưa lớn:
- Thưa ngài, mùi này là do khí thải và nước thải của các nhà máy xả ra đó ạ.
Đức Ông ngồi xuống, lấy tay định vốc nước lên… uống. xung quanh mọi người kinh hãi, xúm lại can ngăn:
- Thưa… ngài, không nên đâu, nước này không uống được đâu! – Vị thần trợn mắt… thần, cao giọng hỏi:
- Vậy chớ dòng nước quý giá này bây giờ dùng để làm gì? Không lẽ chỉ dùng để… tắm ngựa à? – Đức Ông cất giọng (Quảng Bình) có hơi gay gắt.
- Thưa… ngài, mười mấy triệu con người vẫn ăn, uống, tắm, giặt… , sinh hoạt, nói chung sinh sống và hoạt động nhờ vào dòng nước này ạ. – Câu trả lời khiến vị thần biết… chết (lần nữa) liền! Mặt ngài bắt đầu… ửng hồng:
- Ta từng làm quan, người dân tôn vinh ta văn- võ song toàn. Ta đâu phải như đám thất phu ngu muội-tham lam, phường “sâu dân-mọt nước”, trong cái đám này thế nào cũng có một số tên dù học thật hay học giả đều có bằng… giả . Nhưng mà… . – Ngài dịu giọng đôi chút – ta không thể nào hiểu được?! Nguồn nước này trước đây ta vẫn uống… vô tư mà?! Trong đám tùy tùng có một tay “trí tuệ” nhất, run run lên tiếng trả lời. (Cũng không có gì lạ đâu, chẳng qua nhờ các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài… , kể cả báo điện tử nên nắm bắt được tình hình mà thôi!):
- Thưa ngài, bây giờ ở đây người ta bơm nước lên, gọi là nước thô, rồi lắng lọc, cho hóa chất vào tiệt trùng xong rồi mới… sinh… h..o..ạt ạ. – Con thuyền to trôi đi đến một khúc sông khác, gương mặt Đức Ông đã bớt đi nét cau có, nhưng:
- Các ngươi nhìn sang bên kia sông có cái nhà gì to thật to, ánh kim loại trắng lóe đến… nhức mắt! Trên nóc có cái ống khói cao quá mức đang phun khói lên trời đó. Không cần mắt thần, chỉ cần mũi thường và mắt thường ta cũng thấy nước sông đoạn này có mùi và màu rất khác lạ! – Tả, hữu có kẻ nào đó cung kính trả lời:
- Thưa ngài, chính vì vậy chúng tiện nhân không dám để ngài uống nước sông này ạ. – Đức Ông vỗ trán cái… “chạch” rồi nói:
- Ta nhớ ra rồi, cảnh vật nơi này thay đổi nhiều quá, đây là cái nhà làm… ra giấy, sao bây giờ nó còn… to lớn hơn xưa?! Cách đây khoảng gần mười năm, ta vào đây và từng nghe nói đã có kế hoạch di dời cái nhà máy này rồi mà. Và chất lượng nước thô như thế này sau khi lắng, lọc… liệu có đạt chỉ tiêu “an toàn vệ sinh thực phẩm” hay không?? – Đám tùy tùng nhìn nhau lấm lét không dám trả lời. (Xem như đã có… trả lời gián tiếp rồi vậy!!!). Vì việc này có lẽ chỉ có… trời biết, còn nếu chỉ mới là thần thì chưa ăn thua! – Chợt có kẻ nào đó bạo gan nói xen vào thêm… chuyện khác:
- Thưa ngài, dọc hai bên bờ sông đã thấy lai rai có xác cá chết. Vừa qua ngư dân nuôi cá bè khu vực này đã bị chết hơn năm vạn ký cá. Và theo hiểu biết của tiện nhân, một ký bây giờ nặng hơn một cân thời trước ạ. – Đức Ông gương mặt… đỏ gay trở lại, chặc lưỡi, lắc đầu:
- Thôi! Là thần nhưng ta bắt đầu thấy… sợ đám hậu bối này rồi! Các ngươi cho thuyền cặp vào bờ và dẫn ngựa lên cho ta!
Lên đến bờ, vì đây là một xã cù lao, bốn bề sông nước bao quanh, việc giao thông với bên ngoài dựa vào hai cây cầu sắt được làm từ thời… Phú Lang Sa (Pháp). Đức Ông cưỡi ngựa, chầm chậm cùng đoàn tùy tùng thong dong đi trên đường… .Ngài thấy thích thú trước con đường khá rộng, được tráng nhựa phẳng phiu. Chỉ buồn cho con chiến mã già, đi trên đường này nên không có cảm giác… tiếp đất! Xe cộ đủ loại, con người đủ tầng lớp thành phần, xuôi ngược qua lại không dứt. (Nhưng tất cả mọi người không ai nhìn hoặc nghe thấy vị thần và đoàn tùy tùng đâu. Chỉ có ngược lại thôi. Họ nhìn cả đoàn người ngựa chỉ như nhìn vào… không khí!) Giá mà bây giờ là năm 2030, nếu có cả một chiếc xe lửa cao tốc lao xuyên qua đoàn người cũng không… hề gì !! Rồi khi đến một cây cầu sắt, chợt xe cộ, người lớn đi làm, trẻ con đi học… , nhất nhất đều dừng lại hai bên đầu cầu. Đức Ông nhíu đôi chân mày… tướng, đòi tả hữu lại hỏi han sự tình (Thần cũng có lúc trở lại như… người trần!):
- Tại sao mọi người đều dừng lại ở hai đầu cầu vậy? – Tả, hửu đồng thanh trả lời:
- Thưa ngài, mọi người dừng lại chờ xe lửa, hay còn gọi là tàu lửa, khi nào xe lửa qua cầu xong mọi người mới tiếp tục… “tham gia giao thông”.
Chờ mãi một lúc lâu, tiếng động cơ xe, tiếng cãi lộn inh tai, khói xe lẫn khói thuốc lá mịt mù. Hôm nay không biết gặp chuyện gì mà xe lửa về muộn, mọi người ai cũng khốn khổ trong cảnh kẹt… cầu (khác với kẹt… xe ). Tùy tùng có người chịu không được nữa, lên tiếng thưa:
- Bẩm Đức Ông! Ngài đã là thần rồi, hơn nữa đâu có ai… nhìn thấy mình?! Đoàn mình cứ đi qua cầu, xe lửa có lao đến cũng đụng vào… không khí có sao đâu? – Không ngờ Đức Ông nạt ngang:
- Bậy bạ, q..u..á bậy bạ! Ta đây đã từng làm quan, rồi được làm thần, phải làm gương cho dân chúng, không được đứng trên luật pháp luật lệ. Người dân chờ được, chúng ta cũng phải… chờ được! – Thế rồi xe lửa cũng đi qua, Đức Ông cùng đoàn tùy tùng tiếp tục lên đường… .
Gần đến “cổng làng”của một xã cù lao. (Thật ra vì con đường vào làng chui ngay dưới đường sắt của xe lửa, nên được người dân còn gọi “cổng làng” một cách tượng hình là… cầu hang.) Nhờ vốn là cầu hang nên cổng làng được xây dựng khá hoành tráng, trên đó có hàng chữ mạ vàng cho biết đây là một xã… anh hùng! Đức Ông vui sướng, hả hê ra mặt, quay sang tả-hữu:
- Đây là nơi đầu tiên ta đến khi vào khai phá đất phương Nam, đám hậu bối còn nhớ đến công xưa nên đặt tên đây là một xã… anh hùng! – Không ngờ trong tả-hữu có kẻ bộc trực lên tiếng:
- Thưa ngài, xã anh hùng này chỉ mới được phong tặng những năm về sau của năm 1975 thôi ạ. – Đức Ông tỏ vẻ cau có, bực bội không vui:
- Lại có chuyện như vậy sao? Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt , bất cứ ai chống giặc ngoại xâm đều xứng đáng là anh hùng hết… . – Bỗng … “rắc” một tiếng. Cái mũi nhọn thếp vàng trên đỉnh cây lộng che nắng che mưa cho Đức Ông bị gảy ngon lành vì đụng vào… cầu hang! Người lính cầm lộng mặt mày xanh như… lá chuối! Vốn con nhà tướng, Đức Ông nhanh như chớp đặt tay vào… chuôi gươm vì tưởng rằng có biến. Rồi chợt hiểu ra mọi sự, Ông cười hiền hậu:
- Thôi không sao. Cây lộng này theo ta đã mấy trăm năm cũng mục rồi, nếu lỡ gẩy cái mũi nhọn để khi về đến nhà cho thợ làm lại. Rồi Ông quắc mắt nhìn cái… cầu hang, có tấm bảng hướng dẫn chỉ độ cao từ mặt đường đến dạ cầu chỉ hai mét sáu! Ông lẩm bẩm:
- Hèn chi! Số cư dân trong làng và chung quanh đây hiện nay đã tăng lên mấy lần, rồi thêm các phương tiện đi lại nữa. Ngần ấy người khi “tham gia giao thông” lại phải chui qua, chui lại cái… hang này đây!!?? Đức Ông quay sang định hỏi một… người đi đường. Tả-hữu lật đật can ngăn:
- Thưa ngài, ngài nói người trần thế không… nghe thấy gì đâu. Ngôi đình thờ ngài cách đây chỉ vài mươi bước sải của ngựa thôi, thỉnh ngài đến nghỉ chân (?!). Đến tối ngài báo mộng hỏi người giữ đình khắc biết nhiều sự tình, vì ông ta là người sống lâu năm ở vùng này. – Đức Ông chợt nhớ lại mình là… thần, tấm tắc khen phải rồi thúc ngựa đi một vòng, dừng lại nghe hết mọi chuyện những người dân nói với nhau. Mãi hơn canh giờ sau ngài mới đi về phía đình, gương mặt buồn buồn… .
Tối hôm đó người thủ từ già (trong bữa cơm chiều đã làm hết một xị rượu chuối hột cho… giãn gân cốt) nằm mộng gặp… Đức Ông. Tất cả những điều mắt thấy tai nghe được vị thần đem ra hỏi. Tội nghiệp người thủ từ, biết được những gì làm sao dám giấu… thần, đều nói hết cho thần nghe:
- Việc dòng sông bị ô nhiểm, nhất là cá nuôi bè chết tại khu vực gần cái nhà làm ra giấy, kể cả việc khai thác cát lậu làm sạt lở bờ sông… . Người dân, cho đến báo đài đều có lên tiếng… . Các “cấp thẩm quyền” và “nghành chức năng” đã cho lấy mẫu nước, phân tích và nghiên cứu… . Nghe đâu cá chết không do bệnh, “nhưng có khả năng” (??!!) do “các nhà máy” trong khu vực xả nước thải… .
- Việc cần có thêm cây cầu để dân chúng đi lại thuận tiện thì đã có… quy hoạch mấy năm rồi, không phải một cây cầu mà nghe đâu có từ 6 đến 8 cây cầu. Nhưng hiện nay không biết sao chưa thấy… cây cầu nào?!
- Nhưng đáng phấn khởi là có dự án làm bờ kè dọc bờ sông… . – Đến đây Đức Ông chợt khoát tay, mặt mày lại đỏ ửng:
- Việc này lúc đi đường ta nghe dân chúng nói với nhau nhiều rồi. Làm bờ kè ở một xã ngoại thành mà bề ngang đến 20m, giải tỏa trắng 132 hộ dân, gây xáo trộn dân tình… . Đó là chỉ mới làm một đoạn hơn 1800m thôi. Theo vật giá cách đây khoảng hai năm, dự tính (trên giấy) tốn hết gần 93 tỉ tiền… đóng thuế của dân! Ta hỏi ngươi, a..i là “q..u..a..n” ở đây!? – Người thủ từ mặt mày xám ngoét, run run:
- Thưa ngài, bây giờ không còn “quan” đâu, chỉ có… “đầy tớ’ thôi, thường dân thành… “người chủ”, vì dân là người đóng thuế để có tiền trả lương cho “đầy tớ” ạ! – Đức Ông sôi nổi, khẳng khái:
- Đúng! Quá đúng. Ta khi xưa hưởng bổng lộc của triều đình cũng từ đồng tiền mồ hôi, nước mắt của dân đen đóng góp… . – Đôi mắt ngài chợt rươm rướm – Nhưng bây giờ ta không hiểu “cấp thẩm quyền” hoặc “nghành chức năng” ở đâu, “đầy tớ” ở đâu mà để dân tình bất an như vậy ?? – Nghỉ mệt một chút, ngài tiếp:
- Nơi giàu có sung túc như miệt Bến Nghé (ý nói Sài Gòn, nhưng vì ngài quen dùng địa danh cũ), nơi bán đảo Thanh Đa, rồi miệt Vĩnh Long, người ta làm bờ kè ngang có 4m-5m thôi. Đây sao lại “thừa giấy vẽ voi”? Mà người sinh nhưng đất không sinh nên “giấy” có thừa đâu? Tiền đóng thuế của dân đen khó khăn lắm mới có, sao không cân nhắc? Sao không dùng tiền này để làm ngay cây cầu? Hay chỉnh trang, nâng cấp con đường chính nơi đây? Sao từ lúc thiết kế bờ kè không cho “người chủ” được góp ý theo chủ trương “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”?? – Ngài bức xúc, nói một hơi rồi… quên rằng mình đang nói với… một người thủ từ, chớ không hề có… “đầy tớ” nào ở đây nghe cả! Quá bực tức, ngài xua tay:
- Thôi ta về quê cho rồi, nhưng cái đám “đày tớ” này rồi cũng sẽ có ngày biết tay ta!
Không ngờ cái xua tay làm rơi chiếc lư hương trên bệ thờ xuống nền gạch vỡ tan tành! Gương mặt Đức Ông thoáng thất sắc… mấy giây! Nhưng rồi ngài nhanh chóng ôn tồn nói với người thủ từ:
- Ồ! Cho ta… xin lỗi ! Ngươi cất cái này mua lư hương khác. Ta biết cái lư hương quý ngươi sợ bị trộm nên đã cất kỹ rồi, cái bị vỡ này không nhiều tiền đâu! Cám ơn những gì ngươi đã cho ta biết. Tạm biệt nhé! – Đoạn ngài nhét vào túi người thủ từ một tờ giấy gì đó… .
Mới có 4g sáng người thủ từ chợt thức giấc. Giờ này nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày, mà trán ông lấm tấm mồ hôi. Nhớ lơ mơ giấc mộng vừa rồi ông thấy hơi sờ sợ. Bước lên chánh điện, rõ ràng cái lư hương vỡ thành nhiều mảnh đang nằm chơ vơ trên nền gạch. Mặc dù có tiếng hai con mèo hoang đang kêu gào rượt đuổi nhau nhưng ông không quan tâm. Ông mở công tắc cho đèn sáng lên, cho tay vào túi áo: ngoài mấy ngàn tiền lẻ chiều hôm qua, hiện giờ không biết sao có thêm tờ hai chục ngàn còn mới!? Tim đập thình thịch, ông lẩm bẩm:
- Không lẽ bà bán rượu thối… dư tiền? Hay là tiền của… ? – Nghĩ đến đây thì ông… ngưng, không dám nghĩ tiếp nữa. Lặng lẽ ông lấy cái ly uống nước, cho ít gạo vào, thắp lên ba cây nhang. Ông lâm râm khấn vái trước bệ thờ Đức Ông rồi cắm nhang vào ly. Sáng ông sẽ đi mua cái lư hương khác… ./.
HUỲNH VĂN HUÊ
(Truyện được viết vào tháng 4-2010. Không biết có phải nhờ vào uy linh của… Đức Ông hay không, vài tháng sau có một cây cầu được khởi công! Đến nay đã hoàn thành vào đầu năm 2012)