HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI TRẠI THẲNG TIẾN IX
Trại hè Thẳng Tiến lần thứ 9 (tên đầy đủ là Trại Họp Bạn Hướng Đạo Việt Nam Thẳng Tiến IX 2009) do Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam tổ chức, chính thức khai mạc ngày 11/7/2009 và bế mạc ngày 16/7/2009 tại San Lorenzo County Park, thành phố King City, tiểu bang California (cách San Jose 97 dặm về hướng Nam). Đây là kỳ trại được tổ chức quy mô và đông đảo nhất, đã được chuẩn bị suốt ba năm dưới sự điều hành trực tiếp của Trại trưởng Trần Anh Kiệt. Tham dự trại có 300 Trưởng chính thức và 2,557 trại sinh. Bao gồm 59 Liên đoàn Hướng Đạo Việt Nam đến từ các tiểu bang của Hoa Kỳ cùng các quốc gia khác như Úc, Pháp, Đức và Canada… Trưởng Mai Liệu 91 tuổi, đến từ San Jose là trại sinh cao tuổi nhất.
Theo Trưởng Trần
Hoàng Thân, phụ trách Ban Thông Tin của
Trại thì: “Trại Họp Bạn Thẳng Tiến IX là trại họp bạn
đầu tiên có con số trại sinh ghi danh kỷ lục. Trong tổng số hơn 5000
Hướng Đạo Sinh Việt Nam đang hoạt động tại hải ngoại, đã có hơn phân nửa số
Hướng Đạo Sinh kể trên đến với trại Thẳng Tiến IX. Con số 2,557 trại sịnh dự
trại hè lần này, tăng gấp 3, 5 lần so với số 700 của Trại Thẳng Tiến VIII năm
2006 được tổ chức tại miền Nam California. Đây là một tín hiệu vui của phong
trào Hướng Đạo Việt Nam….”
Qua thông tin trên trang web http://tt9.thangtien.net,
tôi đăng ký tham dự trại. Và tôi đã nhận e-mail hồi đáp của Ban tổ chức trại
ngay ngày hôm sau, đề nghị tôi cung cấp thông tin cá nhân và phổ biến nội qui
nhập trại.
Để đến với kỳ trại này, tôi cần có hai tấm giấy phép. Một, giấy phép nhập cảnh nước Mỹ. Hai, giấy phép nhập trại Thẳng Tiến IX. Đối với HĐSVN ở các nước khác, thủ tục này chỉ là … chuyện nhỏ. Riêng đối với một “cụ” HĐSVN đến từ Việt Nam đến như tôi, mọi việc không dễ chịu một tí tẹo nào. Để trở thành trại sinh chính thức, điều lệ của trại qui định tôi phải được một HĐS đang sinh hoạt Hướng Đạo ở Mỹ bão lãnh.
Tôi gọi cho anh Đỗ Quốc Tuyến, một HĐS cựu trào của Đạo Trấn Biên – hiện sinh sống ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn – đề nghị anh bảo lãnh. Trên phone đường dài, giọng nói anh Tuyến ngập ngừng: “ Tên của em anh nghe quen quen, nhưng thiệt tình anh… chưa nhớ ra!...” Tôi bèn gửi cho anh tấm hình thẻ Hướng Đạo tôi chụp… 40 năm trước, và anh reo vui như dân ghiền nhậu gặp món… cầy tơ: “A, nó đây rồi!...” Kể từ lúc đó, tôi nhận được sự hổ trợ rất tích cực của anh Tuyến lẫn Ban tổ chức trại. Các anh khuyến khích tôi: “Chỉ cần Hoàng Mai … vác xác đến trại, các anh nhất định sẽ lo lắng chu đáo cho em ….”
Nhận được visa nhập cảnh Mỹ, tôi chỉ còn vỏn vẹn 14 giờ đồng hồ chuẩn bị mọi thứ để kịp giờ ra sân bay. Tôi điện báo tin ngay cho anh Tuyến, anh hướng dẫn tỉ mỉ để tôi không bỡ ngỡ suốt hành trình bay lần đầu tiên đến nước Mỹ. Anh dặn đi dặn lại: “Cô nhỏ yên tâm, ra khỏi sân bay San Francisco anh đón em liền!...” Sáng ngày 9/7/2009, tôi khởi đầu hành trình đến với trại họp bạn Hướng Đạo Việt Nam Thẳng Tiến IX từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Hành trình mười bảy giờ bay của tôi khá yên ả. Mặc dù khi biết tôi thuộc hàng… cao tuổi, lại mới đến nước Mỹ lần đầu nên cô nhân viên hãng bay đã ngõ ý đưa tôi vào danh sách hành khách cần “trợ giúp”. Tôi đồng ý, vì tôi cũng lo sợ bị lạc giữa “biển người” như lời mô tả của nhiều người từng đi Mỹ. Nhưng thú thiệt, khi rời khỏi máy bay tôi không đủ kiên nhẫn chờ đợi nhân viên hãng bay “gom” đủ số hành khách cần trợ giúp. Thứ nhất, tôi không phải ngồi… xe lăn. Thứ hai, tôi chỉ có cái ba-lô gọn gàng trên vai mà chờ người dẫn dắt thì… kỳ quá! Vì vậy mà tôi cảm ơn nhân viên trợ giúp, rồi hối hả theo dòng người xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh vào nước Mỹ.
Khi tôi đưa thư mời và nói lý do đến Mỹ dự trại họp
bạn Hướng Đạo, cô nhân viên di trú tại sân bay San Francisco nở nụ cười thân
thiện: “Very good! Have a good trip ...” Các thủ tục an ninh khác cũng được
thực hiện nhanh chóng không ngờ. Nhận lại hành lý ký gửi là chiếc vali chứa
đựng toàn… đồ nghề Hướng Đạo, tôi theo dòng người rời khỏi sân bay… Ủa, anh
Tuyến đâu không thấy? Tôi chờ hoài, chờ hoài cho đến khi hành khách chuyến bay
chỉ còn lại mỗi mình tôi. Tôi bắt đầu lo lắng, vì trời đã về chiều mà tôi không
có điện thoại liên lạc với anh Tuyến. Trông thấy một nhân viên sân bay đang sử
dụng điện thoại cầm tay, tôi lẻo đẻo đi theo. Đợi anh dứt cuộc gọi, tôi vội
vàng “ Excure me!...” rồi đưa số phone của anh Tuyến nhờ anh gọi giúp. Nghe anh
Tuyến “alo …” tôi mừng quýnh: “Em đợi anh ở sân bay lâu rồi…” Anh Tuyến cho
biết đang bị kẹt xe trên đường ra sân bay, dặn tôi yên tâm… đợi!..” Tôi trả
phone và cảm ơn anh nhân viên sân bay. Anh cười, lại chúc tôi “have a good
trip”.
Đang là mùa hè nước Mỹ, nhưng càng về chiều trời càng trở lạnh. Tôi bắt đầu run với chiếc áo khoác mỏng manh. Cuối cùng anh Tuyến cũng đến, và tôi mất hết… khí thế khi gặp lại người anh Hướng Đạo tôi xa cách gần 40 năm: ”Cũng may ở nước Mỹ này không ai thèm… hốt xác em. Anh bảo em vác xác qua đây anh lo, vậy mà anh để em … tê tái lạnh!...” Anh Tuyến rối rít xin lỗi và choàng lên vai tôi chiếc áo khoác dày. Không chỉ một mình anh Tuyến, mà có đến ba ông anh Biên Hòa nữa cùng đi đón tôi. Các anh trêu tôi: “Đón trễ một chút, nhưng em Mai được lời vì có tới bốn ông anh đi đón. Để anh giới thiệu…” Đã được ấm áp trên xe, tôi tỉnh táo hẳn: “Mấy anh khỏi giới thiệu, em nhớ hết! Anh Phước chớ ai, anh Hiệp chớ ai, chỉ có anh Hoàng em chưa biết vì anh Hoàng không có đi Hướng Đạo. Nhưng đã là người Biên Hòa, thì là anh em cả nhà…”. Các anh bất ngờ, vì bị “cô nhỏ” mấy mươi năm trước “bắt giò” một loạt…
Tôi náo nức muốn đến ngay đất trại, nhưng các anh bảo tôi cần nghỉ ngơi sau chuyến bay dài. Một cuộc họp mặt CHS-NQ được tổ chức tại nhà vợ chồng anh chị Tài – Dung (Thái Dương) vào buổi tối hôm đó. Tôi tình cờ được “vui ké” với lớp đàn anh. Mãi đến trưa hôm sau, anh Huỳnh Quang Phước mới lái xe đưa tôi đến đất trại trước. Anh Đỗ Quốc Tuyến túc trực sân bay San Franciso đón trại sinh các nơi tiếp tục bay về…
Sau khi hoàn tất thủ tục nhập trại, tôi nhận lều trại, phiếu ăn và các vật dụng cá nhân. Công việc đầu tiên, tôi phải dựng lều để có chỗ ở cho mình. Mở chiếc lều ra, tôi lúng túng không biết dựng thế nào. Hơn 34 năm không sử dụng kỹ năng lều trại, bây giờ dựng lại kiểu lều chữ A may ra tôi còn nhớ tí tẹo. Với chiếc lều kiểu mới gọn nhẹ trong tay, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu?… Đang loay hoay với mớ que thép và mấy tấm lều bạt, một giọng nói thân thiện cất lên từ phía sau:
- Không dựng lều được phải không? Có cần anh giúp đỡ không?...
- Dạ có chứ! Em chưa biết dựng kiểu lều này…
Một
thiếu sinh đứng gần đó, có lẽ không rành tiếng Việt, nhìn thấy anh Phạm Văn
Chương - một huynh trưởng đến từ nước Úc giúp đỡ tôi- em nhanh nhẹn đến phụ anh nối những chiếc
que. Thì ra em có ý giúp tôi từ nãy giờ, nhưng vì tôi không ngõ ý “ May you
help me?” nên em cứ theo “văn hóa kiểu Mỹ”, chỉ yên lặng đứng nhìn.
Chưa đầy một phút, mái lều trại của tôi đã… tươi cười đón nắng mới của San Lorenzo Park. Anh Chương căn dặn tôi: “Từ nay trở đi, mỗi khi dựng lều trại là em Mai phải nhớ anh Chương nghe…” Tôi cười dòn: “Em sẽ nhớ anh Chương, kể cả những lúc… không dựng lều. Bộ anh tưởng em có nhiều dịp được dựng lều hay sao?...” Thế là lần đầu tiên đến nước Mỹ, cũng là lần đầu tiên đến với kỳ trại họp bạn… hoành tráng sau 34 năm ngưng sinh hoạt Hướng Đạo, nhưng tôi không hề có cảm giác bơ vơ lạc lõng. Ban tổ chức trại và các anh em Hướng Đạo đã chăm sóc tôi hết sức tận tình. Tôi nhanh chóng hòa mình vào những sinh hoạt của trại, với tâm trạng háo hức như cá mắc cạn gặp dòng sông trong mát.
Với chủ đề “Về
Nguồn và Tình Tự quê hương” ngay trong đêm lửa trại khai mạc, liên đoàn La San đã trình làng một tiết mục
trống hết sức độc đáo. Màn múa trống thể hiện chí khí hào hùng của dân tộc Việt
qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, đã liên tục nhận những tràng pháo tay
tán thưởng của các trại sinh. Những đơn vị khác cũng không kém cạnh, các em đã
trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ xuất sắc không ngờ. Có thể các em không nói
rành tiếng Việt, nhưng tôi chắc chắn các bậc phụ huynh đã truyền cho con em
mình tinh thần dân tộc Việt vững vàng. Các em say sưa múa hát, và tôi cảm nhận
các em đã thực sự tự tình cùng quê hương, qua những tiết mục văn nghệ các em
dày công luyện tập.
Ngày Hội Làng là một sinh hoạt độc đáo khác, với đầy đủ sắc thái sắc văn hóa làng xã Việt Nam. Hình ảnh làng quê ba miền được tái hiện qua các trò chơi dân gian, các gian hàng triển lãm. Đây chiếc cổng làng, đây nhịp cầu tre, đây gian nhà Nam bộ... trưng bày vật phẩm đặc sắc ba miền đất nước. Tôi thích thú với hình ảnh cụ đồ già mặc áo the thâm viết câu đối Tết, hay ông thầy bói mù ngồi cạnh đình làng giải đoán vận mệnh hên xui… Những cô gái, những chàng trai trẻ xúng xính trong tà áo dài dân tộc rộn ràng hát đối hát đuổi trêu nhau. Thu hút dân làng ghé thăm nhiều nhất, vẫn là các gian hàng ẩm thực với các món ăn đặc sắc mỗi miền. Tôi thầm tiếc, mình không đủ thời gian chuẩn bị “đạo cụ” để tham gia sinh hoạt truyền thống rất thú vị này.
Song song với những hoạt động văn hóa truyền thống chung, trại Thẳng Tiến IX còn nhiều hoạt động, nhiều trò chơi sôi nổi khác phù hợp cho từng ngành hoặc từng liên đoàn. Các em nhỏ khi biết tôi là một cựu huynh trưởng đã có tên rừng, các em bèn xúm xít xin hai chữ ký. Thì ra với chữ ký tên rừng của Trưởng, các em sẽ có số điểm tích lũy gấp đôi chữ ký thường. Em nào sưu tầm được nhiều chữ ký của Trưởng, để tích lũy đủ số điểm theo yêu cầu trò chơi, em đó sẽ được nhận phần thưởng vào cuối kỳ trại.
Ngày vui nào cũng qua mau, rồi cũng đến lúc các trại sinh Thẳng Tiến IX hát bài ca tạm biệt. Đêm cuối cùng ở trại trời dường như lạnh hơn, nhưng các trại sinh cảm thấy ấm áp khi xiết chặt tay nhau: “Anh em ta, mau cố chất cây khô vào đây đốt chung. Đêm khuya nghe, tiếng tí tách cây khô nổ vang giữ rừng. Dang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng, trông khói xanh gió đưa bốc cao…” Lâu lắm rồi mới được sống trong không khí thân tình Hướng Đạo thế này, cho nên tôi không thể ngăn dòng nước mắt trong đêm lửa trại bế mạc.
Hạnh phúc quá lớn lao khi thoải mái sống lại đời Hướng đạo, khiến tôi đắm mình trong không gian ấm áp thân tình này. Suốt một tuần lễ ở trại họp bạn Hướng Đạo, tôi không mảy may có ý nghĩ đi thăm những địa danh nổi tiếng khác của miền Bắc Cali. Trên đường ra sân bay San Jose để đến miền Nam Cali, anh Vinh ngõ ý đưa tôi ghé thăm Golden Gate – chiếc cầu Vàng nổi tiếng tôi từng mơ cùng người bạn thân xưa sóng bước qua cầu (?!...) – Tính toán thời gian, tôi đành lắc đầu từ chối vì sợ trễ chuyến bay. Cũng thoáng tiếc nuối, vì dịp may tôi đâu dễ có đến hai lần. Nhưng tôi đành tự dỗ dành mình: "Hẹn lần khác sẽ ghé thăm Goden Gate…” dù thâm tâm tôi đoan chắc, sẽ không còn lần sau nữa đâu!… "Lúc thú vui này, lòng càng quyến luyến luyến anh em chúng mình. Lúc thú vui này, lòng càng những muốn anh em thấu tình. Rời xa nhau nhớ lâu nhé!...” Chắc chắn tôi sẽ nhớ hoài những ngày tuyệt vời ở King City, và tôi mượn lời bài ca tạm biệt này của HĐS để giã từ nước Mỹ.
Tháng 04/ 2012
Diệp Hoàng Mai
Một số Hình ảnh các Cựu Hướng Đạo Sinh:
Lê T. Tài, Đỗ Q. Tuyến, Huỳnh Q. Phước, Diệp H. Mai, Nguyễn V. Hiệp, Phạm C. Hoàng, Mai Q.Vinh
Trưởng Tô Văn Phước (Đức), Trưởng Phạm Văn Chương (Úc), Trần Duy Mỹ (Hoa Kỳ)
Trại trưởng TT9 Trần Anh Kiệt Trưởng Mai Liệu, trại sinh cao niên nhất trại TT9
Gian hàng lưu niệm của chi nhánh Đức- chị Minh Trang Diệp Hoàng Mai