Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 20 - Cô Hà Bích Loan

Monday, September 26, 201112:00 AM(View: 17100)
MGTT 20 - Cô Hà Bích Loan


MGTT 20 - Cô Hà Bích Loan


co_ha_bich_loan-content


Mỗi một chs NQ được học môn Quốc văn với Cô Hà Bích Loan đều không quên giọng Bắc di cư 54 phát âm rất chuẩn xác, lôi cuốn người nghe của Cô.

Cô yêu văn chương Việt Nam, đặc biệt là Cổ văn, nên dạy học trò không chỉ bằng sách giáo khoa mà còn bằng trái tim. Vì vậy, Cô đã góp phần lớn đào tạo được nhiều thi sĩ học trò. Trong số đó , nhiều anh chị đã thành thi sĩ và liên tục làm thơ cho đến bây giờ, chẳng hạn nhà thơ Thy Lệ Trang (chs NQ khóa 9 Nguyễn Thị Cúc), hay nhà thơ Hà Thu Thùy (chs NQ khóa 7).

Cô Loan truyền tình yêu văn chương chữ nghĩa của Cô sang học trò nên các nữ sinh NQ khóa 7 còn lập ra thi văn đoản "Bông hồng cài áo" mà một số thành viên vẫn còn sáng tác thơ văn với đủ cả chất lượng và số lượng đến ngày nay.

Hãy nghe các nữ sinh NQ năm xưa kể lại kỷ niệm với cô Loan để thấy nền giáo dục của miền Nam từ niên khóa 74-75 trở về trước đã tạo ra được những nhà giáo có tấm lòng và nhiều thế hệ học trò không những chỉ học được chữ mà cỏn học được đạo đức từ quý Thầy Cô.

BBT

 

CÔ HÀ BÍCH LOAN - Thy Lệ Trang

thyletrang

Cô dạy môn Việt Văn. Dáng cô gầy, thanh thoát. Nhưng màu áo cô mặc thật trang nhã và chưa bao giờ tôi thấy cô mặc áo hoa sặc sỡ. Khi giảng bài, cô đứng trên bục gỗ hay cạnh bàn, luôn luôn vân vê viên phấn trắng trên tay. Với tôi, đó là một cử chỉ rất nữ tính, rất dễ thương mà tôi không bao giờ quên. Vừa giảng Kiều, cô vừa liếc mắt canh chừng bọn tôi -Ngũ quỷ- nghe dễ sợ nhưng thực sự chỉ ồn ào phá phách hơn đám con gái bình thường chút xíu thôi. Nhỏ Ba tinh nghịch hay tìm những mẫu chuyên vui cười để chọc ghẹo bạn bè. Nhỏ Lưu nổi tiếng quảng giao. Nó có tài gợi chuyện "kiến trong lỗ cũng phải bò ra". Vì vậy những chuyện bồ bịch thầm kín của ai nó đều biết. Cô Loan phải nhắc chừng và cảnh cáo thường xuyên "Đừng nói chuyện nhiều nhá", "Đừng chọc ghẹo cái Lưu và cái Ba nhé -coi chừng chúng xin tí huyết đấy..." Cả lớp cười ồ! Nhỏ Ba và Lưu được dịp "ré" lên thỏa thích "Ô, tao thích cô này quá, cổ nói chuyện "chiụ chơi " quá!”.

Cô hay chêm những từ ngữ giang hồ võ hiệp như "XIN TÍ HUYẾT", "XIN TÍ GÂN", '"LẠNH LÙNG NHƯ MỘ ĐỊA" để pha trò tạo bầu không khí hào hứng sôi nổi cho lớp học. Chúng tôi say mê nghe cô giảng truyện Kiều:

 

 Người lên ngựa kẻ chia bào

 Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san.

 ...

 Vầng trăng ai xẻ làm đôi

 Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

 

Nhờ nghe cô giảng, tôi đã làm hai bài thơ KHÓC THÚY KIỀU và TRÁCH TỪ HẢI. Hai bài này đã đăng trong Đặc San lớp Tứ Ba trường NQ do tôi làm trưởng Ban Báo Chí:

 

KHÓC THÚY KIỀU

Mười lăm năm sống giang hồ

Buôn hương bán phấn nhuốc nhơ tuổi nàng

Ai làm rẽ thúy chia loan?

Ai làm nát ngọc tan vàng đời hoa?

Bán mình chuộc tội cho cha

Quên tình vì hiếu trời già hay chăng?

Phận hồng nhan gặp gian truân

Mây trôi, bèo nổi muôn phần đau thương

Xót xa cho kiếp đoạn trường

Đây hàng nước mắt sầu thương khóc nàng.

 

TRÁCH TỪ HẢI

Cằm én, râu hàm oai lắm nhỉ

Tung hoành góc bể bấy nhiêu năm

Bốn phương nổi tiếng tài ngang dọc

Nghe gái xui nên chết chẳng nằm

Mang tiếng anh hùng sao quá dại

Thế gian mấy kẻ bảo rằng ưa?

Không tiếc - không thương mà tớ bảo

Chết vì gái đẹp - đáng đời chưa?

Thy Lệ Trang

 


Một thời áo trắng học trò - Nguyễn Thị Ngọc 

52__nguyen_thi_ngoc-content

Cô Hà Bích Loan, giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi lớp đệ tứ năm 1966-1967, đến bây giờ vẫn nhắc tới đám con trai nghịch ngầm hồi đó

 Và câu chuyện về tờ Đặc San năm học đệ tứ cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của lớp chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhớ lại lúc ấy Trường Ngô Quyền có những hoạt động văn nghệ, thể thao, báo chí rất hào hứng nhất là khi gần đến Tết Nguyên Đán hoặc tổng kết năm học. Năm ấy, sau kỳ thi Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt, chuyện tranh đua học hành tạm lắng xuống để cho chị Nguyễn Thị Mỹ, cây văn nghệ của lớp hoạt động (Chị Mỹ hiện nay là Trưởng ban Văn nghệ và là MC duyên dáng , hoạt bát của những cuộc họp Ngô Quyền ở Nam Cali). Vì học trò Ngô Quyền học cũng giỏi mà hát cũng hay, cho nên Cô Minh Nguyệt, Thầy Hoàng Long và các Thầy Cô dạy nhạc cũng chiếm chỗ quan trọng trong trái tim học trò chẳng kém gì Thầy Cô dạy các môn học khác. Mùa Văn nghệ vừa đến cũng là lúc bọn trẻ ham chơi chúng tôi chiều nào cũng theo họa mi đầu đàn Nguyễn Thị Mỹ và những họa mi có tiếng hát hay vô trường, ai tập hát thì hát, còn những kẻ khác đi theo vỗ tay cổ vũ cũng có mà vui chơi nghịch ngợm cũng có. Phòng Khánh Tiết những lúc này là nơi thi thố tài văn nghệ, từ chiều đến tối luôn rộn rã tiếng đàn hát hòa lẫn với tiếng cười đùa…

 

Văn nghệ vui vẻ đến như thế thì nhóm nhà văn, nhà thơ của Hà Thu Thủy lẽ nào lại im hơi lặng tiếng. Thế là nhất định phải làm báo mà phải làm một tờ Đặc San hẳn hòi chứ không chỉ đơn sơ là báo tường thôi đâu nhé! Nhưng giáo sư hướng dẫn của lớp, Cô Bích Loan, vì sợ ảnh hưởng chuyện học hành (năm nay còn phải lo cho cái bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp) nên không đồng ý chuyện ra tờ Đặc San của lớp vì làm một tờ Đặc San cũng phải mất nhiều thời gian công sức lại còn phải tính đến chuyện phổ biến tờ báo đến các lớp khác nữa! Mộng làm văn chương chẳng lẽ đành từ bỏ. Thế là cả bọn âm thầm đi cầu cứu Thầy Nguyễn Thế Văn giúp cho lớp làm báo mà không nói cho Cô Loan biết làm ? ). Cô Bích Loan lúc đầu không khuyến khích chúng tôi chuyện làm báo nhưng sau đó đã cùng thầy Văn hướng dẫn đám học trò của Cô Thầy thực hiện mơ ước được làm nhà văn, nhà báo tuổi học trò. Cuối cùng tờ Đặc San cũng được hoàn thành với biết bao công sức của thầy trò lớp chúng tôi .Tôi còn nhớ cuốn Đặc San có bìa màu xanh biển với hình đàn chim bồ câu trắng xếp thành hàng tung cánh bay lên , tấm hình bìa rất đẹp ấy có được là nhờ công lao của Thầy Văn các bạn còn nhớ không? Sau biến cố của đất nước với biết bao đổi thay qua năm tháng có ai còn giữ được tờ báo kỷ niệm một thời tuổi trẻ ấy không?

Nguyễn Thị Ngọc 

 

 

Vị ngọt từ Cô Nguyễn Trần Diệu Hương

82__vuibuon___dieu_huong-content

Cũng như nhiều người khác, tôi không thích chiều chù nhật, phải làm việc nhà nhiều hơn chuẩn bị cho một tuần mới với những tất bật của nợ áo cơm. Chiều chủ nhật hôm nay (25 tháng 9) còn buồn hơn vì tôi vừa được tin cô Hà Bích Loan, cựu GS Quốc văn của Ngô Quyền xưa, đang ở trong một cuộc chiến đấu không cân sức với bệnh tật.

Không được học với Cô, lúc tôi được hân hạnh mang phù hiệu Ngô Quyền trên ngực áo thì Cô Loan đã đổi về Saigon dạy ờ Lê Quý Đôn. Nhưng tôi biết nhà Cô vì Cô là bạn thân , cùng học ở Đại học Sư phạm xưa với chị họ của Mẹ tôi nên thời thơ dại, tôi vẫn gọi Cô bằng dì.

Còn nhớ một lần, tôi được Dì tôi chờ đến thăm Cô ờ cái nhà nhỏ có cổng sắt sơn màu xanh lá cây nhạt ở một con hẻm lớn trên đường Trương Minh Giảng, sau Viện Đại học Vạn Hạnh. Trong lúc Dì và Cô nói chuyện, thấy con bé cháu của bạn ngồi ru rú ờ một góc trước hiên nhà nhìn "ông đi qua bà đi lại", ngoan ngoãn không phá phách, Cô gọi bà bán đậu hủ đi ngang trước nhà mua cho tôi một chén đậu hủ có trộn mấy muỗng nước đường gừng rất hấp dẫn , nhất là đối với một đứa bé thuộc loại "hảo ngọt" như tôi thời đó.

Sau này lớn lên, tôi vẫn mê ăn đậu hủ. Những năm sống tha hương, mỗi lần về thăm quê nhà, buổi trưa, tôi vẫn cầm cái tô nhỏ, ngồi trước cổng nhà, chờ bà bán đậu hủ đi ngang để thưởng thức món ăn vặt rẽ tiền nhưng ngọt ngào, gắn liền với một vài kỷ niệm tuổi thơ. Và mỗi lần như vậy, tôi luôn luôn nhớ đến dì Loan của tôi, cô Hà Bích Loan của các anh chị chs Ngô Quyền .

Vài năm trước, Cô có qua Mỹ du lịch, học trò và đồng nghiệp ở Orange County, California đón tiếp Cô nồng hậu. Thời điểm đó, tôi đang ở miền Đông nước Mỹ, nên không có cơ duyên gặp lại Cô để mời Cô một ly đậu hủ ở quê người, để nhớ lại chén đậu hủ Cô mua cho tôi năm xưa ở cừa chợ Trương Minh Giảng, Saigon.

Hôm nay được tin Cô đang đơn độc chiến đấu với bệnh tật trong giai đoạn thứ ba của chu kỳ "sinh, lão, bệnh , tử", con đường không ai muốn, nhưng tất cả mọi người đếu phải đi qua, tôi thành tâm cầu nguyện cho Cô nếu không chiến thắng vẻ vang thì cũng cầm cự được trước bệnh tật để tôi còn có dịp được trả lại Cô món nợ ngọt ngào năm xưa…

Nguyễn Trần Diệu Hương


 Cô Ơi! - Hát Bình Phương

hat_binhphuong-content

Nghe tin Cô Hà Bích Loan bị bệnh, chị rất lo và buồn, mong Cô chóng khỏi... Chị rất cảm động khi đọc bài viết đầy tình cảm của Diệu Hương cũng như của chị Ngọc và Cúc. Chị không viết hay được như vậy mà chỉ có vài câu thơ mộc mạc gửi gấm tâm tình đến Cô:

 Cô Ơi!

Nghe tin Cô bệnh chốn quê nhà

Đồng nghiệp, trò xưa ở phương xa

Mong Cô chóng khỏi, mau bình phục

Để còn cơ hội gặp gỡ nhau.

Nhớ thuở xa xưa, thời áo trắng

Cô dạy Quốc Văn, tiếng nước ta

Ơn nghĩa Thầy Cô, lời khuyên bảo

Trọng đạo tôn sư, ví Mẹ Cha.

 Hát Bình Phương

(Trích thư gửi Diệu Hương)


KHÓC CÔ HÀ BÍCH LOAN - Phan Kim Phẩm-Nguyễn Tường Lynh.

   Ghi nhận qua trí nhớ Phẩm & Lynh

Cô Loan ơi!

Khi em viết xong bài nầy và vừa gửi đi cho ban biên tập Ngô Quyền vào sáng nay thì được tin cô đã qua đời. Bài viết dưới đây với mục đích là chia sẻ cùng các thầy cô và bạn bè về nụ cười cũng như tâm sự của cô đến với em và Lynh trong lần họp mặt tại Saigon và Biên Hòa năm 2006. Bài viết nầy cũng như lời xin lỗi của em gửi đến cô vì đã không thực hiện lời hứa là sẽ tổ chức họp mặt lần nữa để mời cô tham dự. Bài viết nầy cũng với hy vọng là khi cô khỏe lại sẽ có dịp đọc và nhìn lại những hình ảnh của cô với học trò tứ Hai khóa 6 vào năm 2006. Bài viết vừa xong, vết “mực” chưa khô thì cô đã qua đời! Đau đớn quá khi biết được là trước khi ra đi cô vẫn còn chờ học trò Ngô Quyền đến thăm cô lần chót!

Giọt nước mắt nầy chúng em xin gửi đến cô như một lời chia tay. Chúng em xin thắp nén hương nguyện cầu hương hồn cô sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc.

Phẩm & Lynh


vong_hoa-_co_loan-content

 

Cô Loan là giáo sư của chúng tôi cũng như các bạn học lớp tứ Hai, Ngô Quyền khóa 6. Nếu trí nhớ tôi vẫn còn tốt thì hình như tụi nầy học cô về môn vạn vật. Mặc dù tôi không có nhiều kỷ niệm với cô Loan trong thời gian ở trung học đệ nhất cấp nhưng tôi nhớ nhất về cô là nụ cười luôn nở trên môi của cô cũng như lời giảng dạy tuy nghiêm trang nhưng rất là dí dỏm với giọng Bắc kỳ duyên dáng của cô. Câu cô thường nói trong lớp mà tôi còn nhớ mãi là “xin tí huyết” nếu có ai làm cô bất mản hay nếu học trò nghịch phá trong lớp.

Sau khi ra trường, 1968, rồi đến 1975 thì chúng tôi không còn liên lạc với thầy cô cũng như bạn bè tứ Hai của chúng tôi. Với thời gian và qua nhiều thay đổi của thời cuộc nhưng nhóm bạn bè tứ 2 vẫn liên lạc với nhau và vẫn tìm dịp để về với nhau. Tuy chúng tôi có nhiều lần họp mặt với tứ Hai kể từ 2001 (năm đầu tiên chúng tôi trở lại Việt Nam từ 1975) nhưng chúng tôi không có dịp gặp gở ăn uống với các thầy cô cũ ở Việt Nam. Mãi đến năm 2006, tôi và Lynh về Việt Nam để ăn Tết thì cũng nhân dịp nầy, anh Tô anh Tuấn, đề nghị chúng tôi nên làm một video về buổi họp mặt với thầy Bảo cùng các thầy cô khác và thâu âm từng lời phát biểu của thầy cô cho chương trình họp mặt trung phùng lần thứ 1, 50 năm Ngô Quyền. Cuộc video ấy đã được trình bày tại buổi họp mặt trùng phùng July 2006.

Về đến Saigon thì chúng tôi liên lạc với Phạm thi Hạnh, con gái thầy Bảo và là đồng môn của chúng tôi, để nhờ Hạnh tổ chức buổi gặp nhau với thầy cô tại tư gia thầy Bảo. Thầy Bảo đã sốt sắng nhận lời đề nghị nầy và đã trực tiếp gọi phone và mời thầy cô đến nhà. Có đông đủ các thầy như thầy Văn, thầy Quyến, thầy Lục (ở Canada về VN ăn Tết), cô Phạm kiều Tiên, cô Hà bích Loan cùng vài thầy nữa mà tôi không nhớ tên. Một điều đáng ghi nhận là cô Loan rất cởi mở chuyện trò rất vui vẽ và luôn cười tươi dù rằng thầy trò đã không gặp nhau cả hơn 40 năm.

 image003

 Hình chụp tại nhà thầy Bảo, February 2006, Lynh, Hạnh, cô Loan, cô Kiều Tiên

Nhận dịp nầy, chúng tôi có mời cô Loan cùng thầy Văn và các thầy cô dạy lớp tứ hai đến tham dự tiệc họp mặt “thầy trò tứ Hai” tại nhà hàng Du Long ở chân núi Bửu Long. Thầy cô hoan hỉ nhận lời tham dự nếu có được phương tiện di chuyển. Thế là chúng tôi cùng các bạn như Hiệp, Đặng thị Bạch Tuyết (từ Canada về ăn Tết), chị Bé, Kim Quang, Lùng, Việt, Hội etc. cùng làm việc với nhau cho buổi họp mặt nầy. Người thì lo thuê xe đưa thầy cô từ Saigon về, người thì lo đặt tiệc nhà hàng, người thì lo mời thầy cô ở Biên Hòa, người thì phụ trách tiếp tân và những thức linh tinh khác.


image005

 

Cuối cùng thì xe “đón dâu, rể” thầy cô từ Saigon đã đến nơi. Tôi nhận thấy có sự hiện diện của cô Loan, cô Hòa, thầy Văn. Còn ở Biên Hòa thì có cô Nga, cô Bàn, thầy Tân. Thầy trò gặp nhau chuyện trò rối rít còn máy ảnh thì bấm liên hồi để cố gắng ghi lại những kỷ niệm của buổi họp mặt, để có những hình ảnh đáng ghi nhớ và có giá trị “để đời”.

image008

image010

 image012

Lynh, Hiền, cô Hòa, cô Loan, Thậm, cô Bàng, cô Nga.

image014-large

Hàng đầu: Bổn, Hội, An, Phẩm, Việt, Lùng; hàng giữa: cô Hòa, cô Bàng, cô Loan, thầy Tân, thầy Văn; hàng chót: chị Lượm, chị Bé, Hiệp, Bạch Tuyết, Hạnh, Lynh, Kim Quang, Thậm, chị Đầm, Hiền, chị Huê.

Sau khi ăn uống nhậu nhẹt cùng với những tiếng ca hát của học trò và thầy cô thì cũng đã đến lúc phải chia tay. Tôi, Lynh và Hội tháp tùng xe “hoa” để trở lại Saigon. Trên đường về, thầy Văn, cô Loan và cô Hòa liên tục kể lại những chuyện của ngày xưa, chuyện phá phách của lủ học trò “phá như quỷ” cũng như những khó khăn trong cuộc sống hiện tại (2006). Khi tôi hỏi ý kiến của thầy cô về buổi họp mặt nầy thì cô Loan bảo ngay “nếu các em tạo dịp để cô có cơ hội được tham gia với sinh hoạt của các em thì cô sẽ đi ngay!” Nghe giọng nói đầy hứng khởi của cô cũng như ước nguyện dù nhỏ nhưng ít khi có cơ hội thực hiện được đã làm tôi vô cùng cảm kích. Tôi nguyện trong lòng là sẽ cố gắng để có được nhiều dịp gặp mặt nhau trong tương lai. Dù đã hứa như thế nhưng đã bao năm qua rồi mà chúng tôi vẫn không thực hiện được ước nguyện nhỏ bé nầy. Sau nầy thì cô Loan có sang Mỹ du lịch và đã gặp lại đồng nghiệp, bạn bè và học trò ở Nam California nhưng tiếc là chúng tôi và bạn bè ở Bắc California đã không có cơ hội đón tiếp cô tại thung lủng hoa vàng.

Đến hôm nay thì nhận tin cô đã vào bệnh viện và đang âm thầm đơn độc chống chỏi lại cái bệnh nguy hiểm nầy. Tôi và Lynh vô cùng xúc động với tin nầy và nguyện cầu cô qua khỏi được cơn bệnh hiểm nghèo. Chúng tôi cũng mong là cô đọc được bài viết nầy của tôi để nhìn thấy lại những hình ảnh sinh hoạt của cô cùng học trò vào năm 2006 và cũng xin cô tha lổi cho tôi vì đã không thực hiện được lời hứa của tôi là tổ chức lần họp mặt thứ hai với thầy cô cùng bạn bè.

Xin tất cả hãy cầu nguyện cho cô Hà bích Loan sớm qua khỏi con bệnh ngặt nghèo và sớm hồi phục.


Phẩm & Lynh mùa Thu 09/2011

phamlinh-content



Thursday, November 28, 2024(View: 2010)
Và như thế nên hàng năm theo truyền thống Lễ Tạ Ơn của người Mỹ, xin gởi lòng tri ân chân thành từ các cựu học sinh Ngô Quyền năm xưa đến quý Thầy Cô ở khắp nơi trên thế giới
Monday, November 18, 2024(View: 2014)
Thưa Thầy, học trò ở khắp nơi trên thế giới xin chào Thầy lần cuối với lòng biết ơn và tưởng tiếc. Chân thành cầu nguyện Thầy an nhiên thanh thản ở tịnh độ.
Saturday, July 13, 2024(View: 4811)
Chuyện này được viết khi sắp tròn nửa thế kỷ Sài gòn bị mất tên. Qua một phần đời của một vị Thầy dạy Toán, gắn liền với nhiều thăng trầm của lịch sử từ Việt Nam đến Mỹ
Thursday, April 11, 2024(View: 5768)
Đồng nghiệp và học trò sẽ nhớ Thầy với vẻ nghiêm khắc, nhiệt tình của một ông Thầy trẻ của Trung học Ngô Quyền Biên Hòa gần nửa thế kỷ trước. Vĩnh biệt Thầy với chân thành thương tiếc.
Monday, January 15, 2024(View: 6043)
Họp mặt mini của Thầy trò Ngô Quyền ở thủ phủ Austin ở một tiểu bang được mệnh danh là "Everything's big here" vào cuối tháng 11 năm 2023 được chúng tôi gọi là "Tạ ơn ở Austin".
Thursday, November 23, 2023(View: 5126)
Mỗi năm một lần, vào mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, trước buổi tiệc Thanksgiving chúng tôi vẫn thầm cảm ơn cha mẹ, Thầy Cô, những người đã hy sinh một phần đời để chúng tôi có được ngày hôm nay.
Wednesday, November 23, 2022(View: 3552)
Mùa lễ Tạ ơn đang về ở Mỹ, xin mượn ánh sáng từ lò sưởi thắp sáng thời đèn sách ở Ngô Quyền, và một lần nữa xin gởi lòng biết ơn chân thành đến quý Thầy Cô, đến các bậc sinh thành.
Wednesday, November 24, 2021(View: 3532)
Xin tạ ơn những hạnh ngộ của cuộc đời đã đưa nhiều thế hệ cựu học sinh Ngô Quyền đến bên nhau ở quê người để cùng giữ lửa Việt Nam soi sáng thời đi học ngày xưa.
Tuesday, November 24, 2020(View: 4148)
Sau công cha mẹ ... ấy ơn thầy Ghi nhớ muôn đời chẳng nhạt phai Giũa chữ... cô rèn bao tính tốt Khơi tâm... thầy luyện lắm điều hay Ra sông người chống cơn triều dữ Đến bến trò mang giấc mộng đầy
Friday, August 21, 2020(View: 5376)
Nhưng than ôi! Đã đến lúc chiếc gậy chống không thể nào dẫn dắt Chiếc xe lăn đưa Thầy đến dự mỗi lần Tuổi càng cao sức khỏe yếu dần. Ngày 7 tháng 8 Thầy rời xa dương thế.
Saturday, August 8, 2020(View: 4947)
Giờ đây chúng em là những đứa học trò đã già, vẫn nhớ thương và tiếc nuối khi Thầy bỏ chúng em đi, Nhưng lẽ đời, Thầy là sông rộng chúng em là suối nhỏ; rồi tất cả chúng ta sẽ cùng nhau ra biển lớn
Tuesday, November 26, 2019(View: 7698)
Xin kính cảm ơn quý Thầy Cô đã góp phần tạo nên những chs Ngô Quyền thành đạt, những chs NQ luôn giữ được phẩm hạnh, và nhân cách của con cháu Vua Ngô Quyền...
Tuesday, November 20, 2018(View: 13508)
Sau cùng, xin tạ ơn đời đã cho chúng ta đươc một thời hãnh diện mang phù hiệu Ngô Quyền trên ngực áo, và cơ duyên hạnh ngộ trong những lần họp mặt chs Ngô Quyền.
Sunday, April 8, 2018(View: 10557)
MGTT 46 là nén hương lòng thành kính của lớp 7/1 K15 viếng GS hướng dẫn Bạch Thị Bê (1938-2018)
Saturday, November 18, 2017(View: 17887)
Thầy Cô mang theo mình lời “Lương Sư Hưng Quốc” Trò cũng đau đáu trong lòng câu “Nhất Tự Vi Sư”