Nhớ về chuyến đi Las Vegas Nguyễn Thị Ngọc
Chuyến đi Las Vegas nằm trong chương trình Đại Hội Ngô Quyền Toàn Thế Giới lần 2 đã được thông báo nhiều tháng trước ngày đại hội. Khi ngày đại hội đến gần những dòng thông báo trên web Ngô Quyền càng khiến cho moị người cảm thấy náo nức. Điện thoại của bạn bè từ khắp nơi rủ nhau về dự hội, rủ nhau tham gia chuyến du lịch Las Vegas... chắc là phải vui lắm đây! Niềm vui ấp ủ bấy lâu giờ đã thành hiện thực trên cả sự mong đợi... Từ buổi tối thứ bảy trong bữa tiệc tiền hội ngộ ở nhà anh chị Chung - Kiệt, bạn bè đã hỏi nhau "Có đi Las Vegas không?", " ...lớp tuị mình nhớ rũ nhau ngồi chung cho vui ". Ai ai cũng thấy lòng náo nức. Đến sáng Chủ nhật chính thức bước vào đại hội, một chương trình đại hội được chuẩn bị quá công phu đã cuốn hút mọi người say sưa theo dõi cùng niềm vui gặp lại Thầy Cô, bè bạn khiến cho cuộc đi chơi Las Vegas tạm thời bị lãng quên đi! Nhưng khi đại hội kết thúc, mọi người đã xúm xít lại hỏi nhau ngồi xe số mấy, có được ngồi gần nhau không? Thấy chị Hạnh Trần đang đứng ở bàn tiếp tân, chúng tôi chạy tới hỏi chị đầy tin cậy "Chị Hạnh ơi! làm sao xếp chỗ cho chúng tôi ngồi gần với nhau dược không?". Chị Hạnh đang rất mệt sau khi tất bật với buổi tiệc đaị hội cũng ráng nở nụ cười "Chỗ đã xếp xong hết rồi không biết có đổi được không, quý vị hỏi anh Ngãi đi!" Anh Ngãi đứng gần đó cũng mệt không thở ra hơi, mồ hôi lấm tấm trên trán, không còn biết phải trả lời ra sao, chỉ còn có thể cười trừ... Chị Chung đành phải an ủỉ các bạn "Bữa đó tụi mình ra sớm, cả bọn lên xe xí chỗ ngồi chung với nhau để quậy cho vui"... Đâu có ai ngờ rằng cái trò giành chỗ ngồi của bọn con gái ngày xưa một thuở bây giờ lại diễn ra trong nhóm bạn tuổi 60. Sáng thứ ba, trời hãy còn mờ sương, mọi người đã lần lượt có mặt tại Catina Plaza, nhiều ngươì có mặt từ rất sớm vì đêm qua không ngủ được chỉ mong trời mau sáng. Chúng tôi cũng ráng đến sớm để giành chỗ ngồi chung nhưng rồi cuối cùng cũng phải tuân theo lệnh của Ban Tổ Chức chia ra người ở xe này kẻ ở xe kia. Tôi cũng có cái hên vì được đổi qua đổi lại nên xe bên nào có trò vui tôi cũng được tham dự. Khi mọi người đã đến đông đủ, xe bắt đầu lăn bánh cũng vừa đúng 6g30 như dự định. Ban Tổ chức đã chuẩn bị sẵn sàng phần ăn sáng và nước uống cho mọi người. Buổi sáng hôm đó trời rất đẹp, cảnh trí bên đường thật ngoạn mục nhưng tôi chắc là không ai để tâm ngắm cảnh vì bạn bè lâu năm mới gặp biết bao nhiêu điều muốn nói, không đủ thời giờ để nhỏ to tâm sự còn đâu thời gian để ngắm cảnh bên đường. Lúc bấy giờ không khí trên xe cũng có phần lắng dịu, chỉ nghe những tiếng thầm thì nhỏ to thỉnh thoảng xen lẫn tiếng cười rộn rã. Hai tiếng đồng hồ dành cho những tâm sự riêng tư trôi qua cũng nhanh rồi xe dừng lại ở một quán ăn cho mọi ngươì nghỉ ngơi chốc lát. Tôi nhớ lúc đó nắng đã dần lên, cái nắng rạng rỡ của mùa hè Cali có cái gì đó làm cho người ta cảm thấy lòng phấn chấn hẳn lên. Những ai ở vùng lạnh đã quen với sự dịu mát có thể sẽ thấy nóng bức nhưng dường như vui quá không ai nhớ dến cái nóng của vùng sa mạc... Ba mươi phút cho trạm nghỉ đầu tiên đã hết, mọi người gọi nhau ra xe. Trong những phút nghỉ ngơi rất ngắn ngủi đó, Ban Tổ Chức đã kịp thời sắp xếp cho hai hoạt náo viên bước ra sân khấu, chị Nguyễn Thị Mỹ phụ trách xe số 1, anh Nguyễn Hữu Hạnh phụ trách xe số 2. Tôi đang ở xe số 2, khi anh Hạnh bước lên xe thì anh cũng mang theo tiếng cười đến cho mọi người với những lời dẫn dắt câu chuyện, những lời pha trò dí dỏm của anh. Có các Thầy Cô tham dự chuyến đi ngồi ở xe 2, tưởng rằng mọi người sẽ nghiêm trang cho đúng với phong cách nghiêm trang của Thầy Cô mình như ngày nào còn học ở Ngô Quyền nhưng các bạn biết không chính các Thầy Cô của mình đã đem laị cho chuyến đi sự vui vẻ, hồn nhiên, thân ái... Chương trình hoạt náo của anh Nguyễn Hữu Hạnh bắt đầu từ CD chiếu vài hoạt cảnh của ngày Đại hội Ngô Quyền gợi lại những cảm xúc thân thương một thời áo trắng học trò. Tiếp theo, anh Võ Đình với cây đàn guitar trong tay hướng dẫn cả đoàn hát bài "Về laị trường xưa thân ái" sáng tác của Trần Kiêu Bạc một cựu học sinh Ngô Quyền đầy tài năng, những tiếng hát tuy có phần vụng về nhưng đã chất chứa biết bao tâm tình của năm mươi lăm năm mãi xanh màu kỷ niệm... Để cho không khí sôi động hơn, anh Hạnh đã hát một bài vọng cổ rất hay, tiếng hát của anh Hạnh đưa mọi người trở về con dốc xưa Ngô Quyền tha thướt áo dài trắng con gái xen lẫn với áo trắng quần xanh con trai, một thời của mộng mơ tuổi trẻ ... Rồi đến anh Lê Bình An hát bài "Em tan trường về, anh tan trường về ..." bài hát chỉ có một câu mà hát mãi không bao giờ dứt. Anh Chị Lê Bình An còn hát tặng bài hát tự sáng tác rất cảm động về tình yêu thời học trò của Anh Chị, một cặp đôi vừa là bạn học vừa là bạn đời đã hơn 40 năm, Anh Chị đã gợi lại niềm ao ước của bao người ngày xưa đã từng dở dang những mối tình học trò. Một vị nữ giáo sư hôm nay mái tóc đã bạc màu với thời gian đã được mời lên, cô kể về ngôi nhà ở Cù Lao Phố với khoảng sân trước cửa trồng một màu hoa trắng khiến cho bao nhiêu chàng trai mơ ước, cô đọc một bài thơ tự sáng tác nói về một thời áo trắng đầy những mộng mơ. Tôi bất chợt bắt gặp một cảm xúc rất đổi dịu dàng, tình yêu (không chỉ hạn hẹp trong tình yêu nam nữ mà là tất cả những gì của yêu thương) không hề có tuổi, những cảm xúc của tình yêu vượt lên cả không gian lẫn thời gian. Từ cảm xúc đó anh Hạnh dẫn dắt về những kỷ niệm dưới mái trường Ngô Quyền khiến cho Thầy Phan Thanh Hoài cũng rưng rưng nước mắt. Thầy Phiên rất xúc động nói rằng thầy đã từng được nhận nhiều danh hiệu nhưng danh hiệu cựu giáo sư Ngô Quyền là danh hiệu thầy yêu mến nhất. Thầy Lê văn Túy nói về tình Thầy trò Ngô Quyền, Thầy nói về những học sinh dù đã thành danh vẫn không quên Thầy Cô. Tôi không chuẩn bị nói nhưng xúc động bất ngờ cũng xin lên để nói về những Thầy Cô đã không đến dự đại hội được như cô Nguyệt Thu, Cô Nhã Ý, Cô Tốt ... mà lòng các cô vẫn hướng về đại hội để thương, để nhớ... Rồi những bài hát, đặc biệt là bài vọng cổ của Bạch Thu Hà (chị Chung) vang lên trong không khí vui tươi hào hứng, tiếng hát tiếp nối mãi cho đến lúc xe ngừng lại, mọi người đi shopping rất vui vẻ sau đó xe chở về khách sạn. Nghỉ ngơi xong cũng đến giờ ăn tối và chấm dứt ngày đầu tiên của chuyến đi bằng cuộc dạo phố Las Vegas rực rỡ ánh đèn màu. Sáng thứ tư, 8g30 xe đón mọi người đến thăm Fire Valley. Trạm đầu tiên dừng chân là một tiệm phở để bà con ăn buổi sáng thật no trước khi lên đường. Xe dừng, hơn 100 thực khách bước vào làm cho tiệm phở náo nhiệt hẳn lên. Mọi người từng nhóm, từng nhóm ngồi vào bàn gọi thức ăn, đồ uống. Khách đông dĩ nhiên thức ăn đem lên chậm. Trong lúc chờ đợi, những người ngồi ở dãy bàn bên này bước qua làm quen với người ngồi ở dãy bàn bên kia, chào hỏi, pha trò. Tình cờ chúng tôi phát hiện có đầy đủ tứ cường quốc: Mỹ, Hoa, Anh, Nga ngồi chung một bàn, thế là đem máy hình ra chụp, thấy vậy bên bàn kia cũng chụp hình, đúng là dân du lịch đi ăn phở mà cũng chụp hình nhưng thông cảm đi quý vị ơi, chẳng qua chỉ vì chúng tôi mấy chục năm mới gặp đó mà !!! Những tô phở nóng buổi sáng làm cho mọi người no lòng, ấm bụng hay sao mà thấy cái gì cũng vui. Khi ăn phở xong sắp sửa đi ra bỗng ai đó phát hiện một gánh trái cây: chôm chôm, mảng cầu, măng cục (lúc đầu thấy rồi nhưng mắc lo ăn không để ý). Một người kề vai vào gánh rồi moị người bắt đầu xúm vào ai cũng muốn chụp một tấm hình. Áo đầm, áo kiểu, cả cánh con trai cũng đội nón lá kề vai vô gánh để được chụp hình. Cả anh Ngãi, anh Hạnh cũng đội nón lá, gánh trái cây, còn anh Tuấn thì bấm máy hình lia lịa, vui ơi là vui. Cũng may là trong quán lúc này ngoài đoàn du lịch Ngô Quyền ra chỉ có vài ba thực khách khác. Vui nhất là cảnh xếp hàng chờ đợi vào nhà vệ sinh... Ngoài kia anh Ngãi, anh Hạnh đi ra đi vào, nôn nóng thúc hối vì sợ trễ giờ lên đường. Trong này mọi người nhóm 4, nhóm 5 cũng hối hả, hối thúc nhau. Có một chị bỗng ứng khẩu thành văn nói một câu rất vui "Như vầy mới đúng là được giải phóng, dùng chữ giải phóng ngày 30/4/75 không đúng, phải dùng chữ giải phóng lúc này mới đúng". Ai nấy rộ lên cười, tiếng cười nói tiếp nối nhau không làm sao dứt được. Nhưng rồi mọi chuyện cũng phải xong, xe tiếp tục lăn bánh. Fire Valley hiện ra trong tầm mắt, cảnh thiên nhiên thật hùng vĩ, những dãy núi đá liên tiếp nhau đủ mọi hình dáng, đủ màu sắc lấp lánh dưới cái nóng hơn 100 độ cuả vùng sa mạc. Mọi người ngắm nhìn không chán những bức họa của thiên nhiên được điêu khắc từ sức gió. Trước vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, không chụp hình mới là lạ. Ai đó bỗng thấy hứng thú và thốt lên: “Ai muốn chụp hình đẹp thì đi theo anh Tuấn". Và rồi bất chấp cái nóng trưa hè cháy bỏng ở sa mạc, những cô gái không sợ rám má hồng sẵn sàng đứng phơi ngoài nắng để được chụp hình. Không chỉ có máy của anh Tuấn, hàng chục chiếc máy hình cá nhân được đưa lên, cùng bấm, cùng chụp… mọi người bị phơi nắng nhưng cũng phải cười thật tươi đến mỏi cả miệng nhưng mà vui thật là vui! Sau đó đoàn được đưa đến một địa điểm khác để mọi người được ngắm nhìn những nét bích họa từ hơn 4000 năm xưa của bộ tộc da đỏ. Thung lũng lửa quá rộng, xe phải chạy chầm chậm đến mấy vòng cho đến lúc mọi người ngắm nhìn được hết những cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Sau khi chiêm ngưỡng thỏa thích vẻ đẹp của những dãy núi đá, mọi người trở laị với trò vui của mình. Không hiểu từ đâu, cô bạn Nga tinh nghịch của chúng mình lại nghỉ ra trò chơi đám cưới giả. Hai diễn viên chính bị chọn là anh Ẩn E và chị Thúy Hồng. Cũng may là anh và chị đã vui vẻ nhận vai nếu không thì chúng ta đâu có một kỷ niệm vui nhộn đến thế. Đám cưới giả nhưng cũng đầy đủ các thành phần, chị Chính trong vai đại diện đàng trai, anh Sơn trong vai đại diện đàng gái, chị Mỹ vừa đóng vai MC vừa làm mục sư cho hôn lễ. Sau mục giới thiệu rất ư là xôm tụ, mục sư Mỹ xuất thần hỏi ngay "Đâu rồi, đâu rồi nhẫn cưới chuẩn bị chưa?". Không ngờ chị Chính cũng rất nhanh trí lột ngay chiếc nhẫn của mình đưa cho anh Ẩn E. Và cũng rất xuất thần, chú rễ quỳ xuống cầm tay cô dâu lên đeo nhẫn. Phía dưới khán giả vỗ tay reo hò và đề nghị cô dâu chú rễ hôn nhau. Thật là dễ thương cô dâu chú rễ giả cũng e ấp ngượng ngùng như thời còn trẻ nhưng chỉ giả bộ thôi chứ đâu có dám hôn thật. Dù không có đạo diễn các diễn viên trong vở kịch đám cưới giả cũng diễn rất hay. Không khí vui nhộn theo đoàn người về đến khách sạn. Vẫn còn thời gian cho mọi người nghỉ ngơi chút ít, sau đó đi ăn bữa chiều và chờ xe đón đi xem show khiêu vũ nước, chụp hình cảnh công viên mùa hè, đi ngắm cảnh, đi kéo máy thử thời vận đỏ đen nếu thích. Ngày thứ 2 của chuyến đi Las Vegas đã kết thúc một cách thật trọn vẹn.
Sáng thứ 5, ngày cuối của chuyến đi, tuy vẫn vui vẻ nhưng đâu đó len lỏi một ít ngậm ngùi. Hành lý đã chuẩn bị gọn gàng từ buổi tối, sáng ra mọi người lo đi ăn sáng cho thật no để chuẩn bị lên đường trở về. Đến 9g30, mọi người đã tụ tập đầy đủ ở phòng khách của Hotel chờ xe đến đón. Giờ cũng là lúc một vài người phải nói lời từ biệt vì sẽ không thể có mặt ở buổi tiệc chia tay ngày mai. Tôi đang ngồi với Bạch Tuyết, lòng cũng ngậm ngùi vì sắp chia tay với người bạn thân hơn 40 năm mới gặp lại. Bỗng nhiên nhìn qua phía bên kia nhóm Nga, Kim Anh, Mai Hoa... khăn giấy trong tay đưa lên chậm dòng nước mắt, tôi vội vã tìm anh Tuấn để anh kịp chụp tấm ảnh bất ngờ của những giọt nước mắt tiễn đưa... Những giây phút đầy xúc động đó qua đi, rồi cũng đến lúc mọi người yên ổn ngồi vào vị trí của mình trong xe. Hai chiếc xe lăn bánh trở về để lại sau lưng một trời kỷ niệm khó quên. Lần trở về tôi ngồi ở xe số 1, lượt đi anh Võ Đình tập cho xe 2 bài hát "Về lại trường xưa..." , lượt về anh tập cho xe 1 hát... tiếng hát Về laị trường xưa... điệu, lời giản dị nhưng thấm sâu vào tận cõi lòng. Bấy giờ không khí trên xe có phần lắng dịu, có thể vì buồn, có thể vì mệt nhưng cũng có thể vì cô bạn Nga mấy bữa nay nói nhiều quá nên giờ đã mất tiếng không nói được ra lời chỉ còn có thể cầm máy chụp hình đi lên đi xuống để "chộp" mấy tấm ảnh đặc biệt rất đáng đồng tiền bát gạo. Trong lúc anh Hạnh cố gắng hoạt náo bằng 6 câu vọng cổ ngọt ngào, anh Đinh Cẩn Cấp kể lại kỷ niệm thời niên thiếu với người cha chính là thầy Đinh văn Sái, giáo sư Pháp văn trường Ngô Quyền..., trong lúc hướng dẫn viên đoàn du lịch cùng với anh Hạnh rút thăm sổ xố tặng quà cho mọi người... thì Nga âm thầm đi sưu tầm các kiểu ngủ ngồi trên xe bằng máy ảnh. Hình như không mấy ai thoát khỏỉ ống kính của Nga, mỗi người mỗi kiểu. Tôi chỉ biết có căp vợ chồng Hạnh - Hợi dù buồn ngủ đến mấy cũng ráng thức canh cho nhau không lọt vào tầm ngắm của Nga. Một vài người bạn trên xe được Nga cho coi những tấm ảnh bất hủ đó không thể nào nhịn cười được dù trong đó có cả tấm ảnh đang ngủ của mình ... Chuyến du lịch 3 ngày Las Vegas rồi cũng đến lúc kết thúc và chia tay ngậm ngùi ở Catina Plaza. Chắc là những ai đã tham dự chuyến đi này và cả những ai được nghe kể lại sẽ thấy "vui nhất từ trước tới giờ chưa từng có" như lời cô bạn Mai Hoa vui tính của chúng tôi. Anh Tuấn, anh Ngãi, anh Hạnh, chị Mỹ, chị Ngọc Huệ, Ngọc Dung... ơi, Ngọc rất cảm động trước những vất vả, lo toan của Ban Tổ chức Hội Ái Hữu Cựu Học sinh Ngô Quyền (kể cả anh Hòa với những công việc thầm lặng của anh)... để cho chúng ta có những ngày họp mặt vui vẻ như thế này. Như lời đã hứa với các anh chị, hôm nay Ngọc đã viết xong bài tường thuật một trong những hoạt động của chương trình Đại Hội Ngô Quyền toàn thế giới lần 2 cũng là để chia sẻ tấm lòng với các anh chị dành cho Trường Ngô Quyền của chúng ta . Bạch Tuyết, Mỹ, Chung, Mai Hoa, Nga, Kim Anh... ơi, lần họp mặt Ngô Quyền kỳ này để lại cho chúng mình thật nhiều kỷ niệm, bài viết này như một món quà nhỏ gửi đến các bạn, mỗi khi đọc nó Ngọc và các bạn sẽ nhớ lại những ngày vui của chúng mình . |
Nguyễn Thị Ngọc
Thầy Lê Văn Túy, Cô Huỳnh Thanh Mai và phu quân Bạch Tuyết, Mỹ và Ngọc
Phụ Bản: Tường trình chuyến đi Las Vegas
Nguyễn Hữu Hạnh
Đúng 6 giờ 35 xe bắt đầu lăn bánh, có lẽ tuổi học trò đã trở về với quý chị, tuy rằng với 2 xe bus được sắp xếp chỗ ngồi theo ban tổ chức và tour guide nhưng có chị vẫn buồn vì không cùng xe với nhóm bạn ngày xưa quậy phá cho vui, cũng như e ngại đi chung xe với Thầy Cô phải giữ kẽ. Xe thứ nhất có thể nói là sôi động nhất tập hợp cựu học sinh Ngô Quyền khắp mọi nơi và các lớp trẻ sau nầy, xe thứ nhì dành cho quý Thầy cô và những anh chị còn lại. Chặng đầu của chuyến đi tôi được phân đi xe thứ nhất, được chị Tuyết Linda giúp đỡ với DVD với một vài hình ảnh đã được chị thâu trong ngày đại hội, cũng như hâm nóng lại những giây phút cùng về mái trường những điệu nhạc tiếng ca Ngô Quyền ơi 55 năm mới xanh màu kỷ niệm… Ấm áp làm sao những phút tâm tình với anh Đinh Cẫn Cấp cùng gia đình từ Seattle, vui tươi và lý lắc với anh Đặng văn Hùng từ Australia, Nguyễn Ngọc Ần E từ Nhật Bản, chào hỏi văn nghệ với Thy Lệ Trang “Tháng 7 em về” từ Massachusett và quý mến hơn với Hát Bình Phương “Duyên Tương Ngộ” từ Seattle, giờ đã tận mặt không còn tìm nhau ở một không gian ảo nào. Êm đềm với sự trách khéo của chị Lăng Muối về một sự nhầm lẫn trùng tên trong ban tổ chức, dâng tràn niềm xúc động khi được anh chị Tăng Phú và Lăng Muối nhắc về Hóa An với bao người muôn năm cũ không thể nào quên. Dừng lại ở đây đôi phút thân tình với chị Trần thị Hiệp anh Nguyễn Huy Sinh từ Việt Nam với những kỷ niệm trường lớp cũ. Hình ảnh “người em không đợi” Nguyễn thị Của từ TN nhìn ra là bạn học cùng lớp với người anh Nguyễn Nhựt Hoành đã mất từ một tấm ảnh còn lưu giữ 40 năm. Được một lần cám ơn Nguyễn thị Ngọc về bài tường thuật Las Vegas 50 năm với lời nhắn nhủ nhớ viết luôn bài cho 55 năm. Được anh chị Nguyễn Đình Châu và chị Tô Thị Nết dành cho những lời khen tặng ấm lòng. Chưa kể đến đám nhà lá Nga Frook, Mỹ, Hoa, Kim Anh tưng bừng quậy phá, đúng là “Về lại trường xưa tay nắm tay reo mừng…”
Sau trạm đầu nghỉ chân tôi được lệnh của “bà ngoại” Nguyễn Tất Ứng điều về xe thứ hai để đánh phá giấc ngủ của quý Thầy Cô. Khi xe bus vừa chuyển bánh sinh hoạt sôi động hẵn lên, bài hát “Về lại trường xưa thân ái” đã phát đến tận tay quý Thầy Cô và các bạn, được anh Võ Đình nhiệt tâm tập hát theo từng giọng nam nữ riêng biệt, để rồi những tiếng hát của Thầy Cô vui mừng hòa lẫn âm thanh những học trò xưa cũ đã đong đầy bao kỷ niệm.
“Mời Thầy Cô và các bạn cùng hát với chúng tôi, hát vang trong tiếng vỗ tay reo cười, hát để quên những mắt đỏ ngậm ngùi… Hát để lưu luyến ngày xưa ôm xanh từng kỷ niệm. Hát để hướng đến tương lai cho tươi mát cuộc đời…”
Bài ca vọng cổ được hát lại vẫn rớt nhịp vì cảm xúc “55 năm biết tìm nhau còn gặp hay chỉ còn những mắt đỏ rưng rưng”.
Giòng lệ rưng rưng của thầy Phan Thanh Hoài được lau khô vội với những câu chuyện cười không dứt, những bài ca tiếng hát, những tâm tình không chuẩn bị trước của quý Thầy Cô. Thầy cô và bạn bè từ phương xa không cùng đi trên chuyến tour Las Vegas. Cô Nhã Ý trên đường phone đã gởi lời thăm hỏi đến các bạn đồng nghiệp, các học trò thân thương, cô lấy làm tiếc vì lý do gia đình không về chung vui với đại gia đình Ngô Quyền. Cựu học sinh Trần Hữu Phúc từ Đức đã gởi lời chung vui với thầy cô và các bạn đồng môn, đặc biệt với thầy Lê văn Túy vì thầy Túy muốn về gặp lại Phúc, đứa học trò giỏi đã là niềm hãnh diên của trường Ngô Quyền. Một lời cám ơn, đôi lời cám ơn giữa thầy và trò ấp ủ một tình cảm sâu lắng. Anh Trần Hữu Phúc cũng không quên nhắc đến thầy Lê Quý Thể bằng sự tôn kính của đứa học trò ngoan ngày nào. Một sự bất ngờ khi quý Thầy Cô và quý anh chị được hân hạnh nghe tâm tình ngập tràn bao cảm xúc, ước mơ về trường Ngô Quyền trong tương lai với 2 người khách đặc biệt cũng xuất thân từ Ngô Quyền, chị Phạm thị Ngọc Oanh đến từ Việt Nam và con gái Nguyễn Phạm Bảo Khanh đang du học tại Hoa Kỳ. Và hình bìa của Tuyển Tập Ngô Quyền 2011 chính là họa phẩm được sáng tạo bằng những cảm xúc chân thành từ tận đáy lòng của phu quân chị là anh Nguyễn Mạnh Dũng, cựu học sinh Ngô Quyền khóa 13 đang ở Việt Nam.
Được nghe những tâm tư và ước vọng của cháu Nguyễn Phạm Bảo Khanh về người cha của mình, mới thực sự nhận ra những người có lòng với trường xưa không chỉ là thế hệ đàn anh đàn chị đi trước, còn có thế hệ đàn em đàn cháu đi sau đểu muốn gìn giữ trường Ngô Quyền thấm đậm mùi hương. Từ đó tôi chợt nhớ lời của một người thầy đã từng nói “con người được nhắc nhớ và quý mến không phải chỉ ở bằng cấp và chức vụ mà do ở tấm lòng”.
Rời trạm dừng chân thứ hai, chỉ còn 2 tiếng nữa sẽ đến Las Vegas, tôi và anh Võ Đình lại chạy show qua xe bus số 1, quý chị cũng đã vui nhộn quậy phá tưng bừng nhưng cũng phải nghiêm chỉnh lại, hướng hết cõi lòng của mình cùng tập ca bài nhạc “Về lại trường xưa thân ái” tiếng hát vẫn vang lên đường dài như ngắn lại.
“Ngô Quyền ơi! 55 năm bây giờ và mãi mãi, mãi mãi trọn đời để nhớ để thương”
Một buổi sáng bắt đầu trong khi mọi người còn say ngủ, thầy Lê văn Tuý, Hạnh, Ngãi, Chiến, Võ Đình, Bạch Tuyết, Hòa Hổng, có dịp ngồi trò chuyện bên ly cà phê buổi sáng, nụ cười của thầy Túy luôn nở trên môi trước sự khơi dậy và khuấy phá của đứa học trò ngày xưa, được cùng thầy nhắc lại những kỷ niệm cũ của từng đứa học trò, cũng như hiểu biết thêm vị thế của người Thầy và nền giáo dục được xem quan trọng hàng đầu trước năm 1975. Sau một ngày đường, tuy rằng vẫn chưa hoàn hồn. Thầy Túy nhẹ nhàng bảo: “Hôm qua em bất ngờ mời Thầy lên nói cảm tưởng thầy lúng túng quá”.
Nhưng chắc hẳn không lúng túng bằng cách đây hơn 40 năm thầy đã bất ngờ gọi một đứa học trò ban B dốt toán lên bảng giải toán trước “tứ cô nương”. Như một kỷ niệm của một thời khó quên.
Chuẩn bị lên xe bus bắt đầu cuộc hành trình, Nguyễn thị Giàu từ xe bus số 1 nhờ tôi giúp được gặp thầy Huỳnh Công Ân. Thẩy và trò được gặp nhau cùng nhắc nhớ bao kỷ niệm dưới mái trường Ngô Quyền xưa. Hi hữu hơn khi cùng dừng chân trạm Fire Valley, anh chị Đặng văn Hùng từ Úc Châu mới nhận ra Thầy Cô Nguyễn văn Phố là họ hàng cũng là hàng xóm ở Tây Ninh dạo nào, họ hàng hàng xóm lại là tình nghĩa Thây trò gặp nhau bất ngờ trong nỗi vui cùng nhớ lại những ngày gian nan khốn khó. Trong tận cùng nỗi nhớ bên cạnh cái nóng thiêu đốt của Fire Valley, mới cảm nhận được nhau tình cảm vẫn đong đầy…
Một đêm cuối cùng vòng quanh Las Vegas về đêm, đêm nay những người học trò Ngô Quyền không có dịp được thầy Phan Thanh Hoài hướng dẫn tìm chùm sao Đại Hùng, nhưng được thầy Phan Thanh Hoài hướng dẫn cách kéo máy hầu có dịp kiếm tiền cà phê hoặc phụ đóng tiền điện cho thành phố ăn chơi. Cũng là một niềm vui trong phút giây giải trí và thầy trò tiếp tục gần gủi với nhau…
Trước giờ từ giã Las Vegas, máy ảnh chụp liên hồi ghi lại hình ảnh chia tay với những giọt nước mắt của chị Lê thị Hai phải ngược đường về Utah, chị Tô thị Nết phải trở về Pháp. Còn nữa vẫn còn bao xúc động quanh đây. Sao hai tiếng Ngô Quyền thân thương quá với bạn cũ trường xưa!
Những bài ca những câu chuyện vui đến quý Thầy cô, quý anh chị trên đường về. Phải chi có cô Hoàng Minh Nguyệt, người em Võ thị Ngọc Dung, ca sĩ thường trực của Ngô Quyền giúp bầu show kiêm MC không phải hát lại những bài hát cũ. Nhưng lời nói thực của Thầy Hoàng Phùng Võ cũng thúc đẩy giọng ca thêm ngọt ngào “Tôi không thích cải lương nhưng thích nghe anh Hạnh ca Vọng cổ”. Nhờ chị Nguyễn Tất Ứng tiếp một tay, chúng tôi đã linh động mời quý Thầy cô và quý anh chị với đôi giòng tâm sự, những câu chuyện chưa bao giờ kể, thầy Huỳnh Công Ân, Thầy Trương Hữu Chí và phu nhân cũng như phu quân của cô Huỳnh Thanh Mai, được nghe những kỷ niệm nhắc nhớ đến đồng nghiệp thầy Lâm Tấn Văn sau 1975, cũng như tài nấu bếp của các cô được các thầy thương mến. Không thiếu phần cảm tưởng chân tình và trào lộng của chị Phượng Liên và anh bắc kỳ Nguyễn văn Hòa. Hình ảnh và lời nói trung thực hao hao giống thầy Mai kiến Phúc của anh Mai Thiện Chiến. Cô Huỳnh Thanh Mai cũng là một chiêm tinh gia coi vận hạn của Ngô Quyền trong năm tới, cũng như có người nhờ cô coi dùm “Anh Tô Anh Tuấn có yên tâm xuống tóc đi tu không? hay tối nay Nguyễn hữu Hạnh có được vợ cho vào nhà?” đã đem những trận cười không thể mua được. Ai bảo đi chung xe với quý Thầy Cô là không vui?
Trước khi dừng trạm cuối cùng ăn trưa, tôi đã lưu luyến nói lời chia Thầy Cô và các bạn, để trở về xe bus thứ nhất cho chặng đường còn lại như lời đã hứa với tour guide. Được biết trên chuyến xe nầy cũng tưng bừng sôi nổi không kém, với Cao thị Chung đổi xe tăng cường cổ nhạc “Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà”, một đám cưới giả cũng có đeo nhẫn và chứng kiến của lãnh đạo tinh thần, không biết vui ra sao khi tôi có mặt chỉ được biết là người vợ sơn nữ Phà Ca không bao giờ cưới, chỉ để lại chú rể Nguyễn Ngọc Ẫn E âm thầm muốn trở về Nhựt để cưới vợ Nhựt Bổn. Trên xe sự ồn ào không còn nữa, hình như mọi người đã muốn đi vào giấc ngủ, tôi đã chủ động đánh phá giấc ngủ mọi người bằng những màn hợp ca nam bộ “ Qua cầu gió bay” kèm theo những câu vọng cổ về quê hương về trường xưa làm xao xuyến lòng người, quý anh chị lại được nghe những tâm tư tình cảm của cựu học sinh Ngô Quyền Đặng văn Hùng từ Úc, Nguyễn Ngọc Ẩn E từ Nhật , chị Lăng Muối từ Canada. Anh Đinh Cẫn Cấp là con trai của vị Thầy Ngô Quyển đầu tiên thầy Đinh văn Sái từ Seattle. Rất tiếc trong ngày đại hội thời gian không cho phép nhưng hôm nay anh Đinh Cẫn Cấp có dịp nói lên cảm nghỉ của mình về người thầy người cha đáng thương và đáng kính. Chương trình được liên tục với tâm tình và tiếng hát anh Nguyễn Huy Sinh từ Viêt Nam, những bài hát xưa cũ của anh Tăng Phú. Những cảm tưởng qua hàng nước mắt của chị Nguyễn thị Giàu nhắc lại những kỷ niệm khi gặp lại người thầy cũ Huỳnh Công Ân, Tôi tự hỏi không phải chính mình đã mang nước mắt đến các bạn không? Vì lại có thêm tiếng nấc nghẹn ngào của người em Nguyễn thị Của trong phần cảm tưởng của mình. Riêng chị Trần thị Hiệp đến từ Việt Nam, là một người thành danh thành công từ trường Ngô Quyền, có thể trong đời chị Trẩn thị Hiệp chưa một lần xúc cảm về trường lớp ngày xưa, nhưng hôm nay tôi đã tìm thấy ở chị với mắt đỏ rưng rưng…
Cảm xúc nổi buồn qua đi, nụ cười lại được mang đến qua phần xổ lô tô với hơn 20 phần quà của công ty Chí Linh đã tăng thêm phần hào hứng và sôi động trên chặng đường còn lại.
Chân thành cám ơn quý thầy cô, quý anh chị và các bạn đã góp mặt trong chuyến du lịch đầy vui tươi và tình nghĩa nầy. Ước chi có 1 chuyến xe bus chuyên chở hết 100 thầy cô và các cựu học sinh Ngô Quyền, để chúng ta nghe trọn vẹn hết những lời “Nói với trò xưa” và “Thưa với Thầy Cô cũ”. Một điều được nghe từ tour guide của công ty du lịch “Chúng tôi đã tham gia hướng dẫn du lịch nhiều năm cũng có nhiều hội đoàn, nhưng với trường Ngô Quyền lần nầy đã mang đến cho chúng tôi sự kính phục và những kỷ niệm đẹp khó quên. Xin được một lời cám ơn.
Nguyễn Hữu Hạnh
Xin bấm vào link dưới đây để xem thêm những hình ảnh về chuyến đi Las Vegas
July 5,6,7, 2011 - Tour DU LỊCH Las Vegas