Sự háo hức mong chờ, và nỗi buồn ly biệt vốn là hai mặt của một cuộc hội ngộ. Chuyện hợp tan, tuy xưa như Trái Đất, nhưng thường là nguồn cảm hứng bất tận của Thi Ca và mang lại bao xao xuyến trong lòng người. Nói sao cho hết nỗi lòng của người đi kẻ ở trong giờ phút ly tao, khi thời gian dường như phóng đi thật nhanh, bỏ lại sau lưng những kỷ niệm yêu thương đang kết tụ thành những mộng sầu trong lòng người Lữ khách:
“Giờ ngẫu nhĩ như hồng bay em ạ
Và yêu thương như lá ở bên hoa
Và luyến ái như tơ vàng bốn ngả
Bủa vi vu như thoáng mộng la đà”
Trong “Giấc mộng la đà” người Lữ Khách được hội ngộ với chính mình, được tắm mình trong dòng sông kỷ niệm của tuổi thơ. Nơi đó vốn là một cảnh giới không có thời gian. Trong hội ngộ này, Lữ Khách đã nhìn ra nhau, tay bắt, mặt mừng và ngôn ngữ bỗng trở nên thừa thải không cần thiết. Một ánh mắt một cái gật đầu chào bỗng như là Thiên Thu:
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”
Hạnh phúc thay cho người Lữ Khách, trên đường đời vạn nẻo vô định, được nhìn ra cố nhân và được “chào nhau giữa con đường”. Mùa xuân phía trước đã qua, miên trường phía sau chưa tới. Nhưng duy chỉ có giây phút hiện tại này đây mình đang gặp nhau trong “Cuộc Hội Ngộ” … để còn được chào nhau! Phải chăng là diễm phúc?
Cuộc sống suy cho cùng là một dòng chảy vô tận của hội ngộ và chia ly. Tất cả chỉ là sự kiện. Những gì có thể nói được đều có thể nói một cách rõ ràng minh bạch. Những gì không thể nói được, đành phải chiêm nghiệm trong sự yên lặng. Như một lời chia tay, nhân sự kiện thành công của hội ngộ Ngô Quyền Toàn Thế Giới Lần 2, chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm trong yên lặng về ý nghĩa sâu thẳm của sự Hội Ngộ và Chia Ly.
(*Những câu thơ trích trong bài đều của Bùi Giáng*)
Tô Đăng Khoa