Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Bình Sơn - ĐỨA CON DÂU

10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 136916)
Bình Sơn - ĐỨA CON DÂU


ĐỨA CON DÂU

me-que-content

 

Mụ Thi quăng mạnh xấp vải lên bàn, nói trong tiếng rít hai hàm răng: “Ri nè! Ri nè! Tui đem trả lượi cho hội Phụ Nữ, Con dâu tui không cần chi mô na, Chừ tui trả nì. Mấy Mụ lấy chia răng thì chia. Tui ẻ thèm”

Mụ San, trưởng hội phụ nữ xoa hai bàn tay vào nhau, nhìn mụ Thi giả lả: “Thôi Mụ! Răng mà mụ nóng giận hè! Ri là Hội Phụ Nữ họp và bình chọn. Răng ai lấy được mà Mụ trả”. Mấy mụ ngồi họp im phăng phắc. Chả là vì Mụ Thi có tiếng mạnh ăn mạnh nói. Mụ lại là có vai vế trong làng. Động đến Mụ, lúc mưa to bão lớn muốn kiếm lon ruốc hay lá thuốc Cẫm Lệ, Mụ ghét không bán chịu thì mần răng. Nhưng mấy Mụ cũng ức lắm. Ai đời cả đám đàn bà con gái trong làng đua nhau làm lấy tiếng. Giành giật nhau từng điểm lao động.Vậy mà cái quần lụa thưởng Phụ Nữ xuất sắc nhất Hợp Tác Xã, lại về tay con dâu Mụ Thi. Một người Sài Gòn, vợ ngụy quân coi có tức ói máu không kia chứ.

O Tú nhìn về phía Mụ San hỏi với giọng đầy bất mãn: “Bầy choa là thanh niên. Lúc mô cũng làm việc hết mình để đóng góp cho đi lên của Hợp tác. Có chi khó mà Bầy choa không giành làm. Răng Hội Phụ Nữ lại thưởng cho Mụ Chinh không có biết mần ruộng mô tê chi hết”. Mụ Thi nhìn O Tú mắt muốn đổ hào quang. Mụ biết tranh giành cái quần lụa thưởng này là chị em nhà Ôn Đa chứ không ai khác, Mụ không ngờ lũ con cháu họ của mình chỉ vì cái miếng vải quần đen vô duyên này mà cấu xé với nhau. Cái khúc vải này họ vênh vang gọi là lụa. Nhưng mụ biết ngay đó là loại hàng xá xị tầm thường. Ngày xưa mụ cũng đã từng bán. Nhưng vì tức và vì danh dự Mụ không để con dâu mình bị người ta ăn hiếp. Mụ quyết phải làm một trận ra lẽ trước khi cầm chắc cái quần về cho con dâu.

Mụ càng nghĩ càng thương đứa con dâu miền Nam hiền lành đã theo con trai mụ về đây. Ngày xưa, lúc thằng con độc nhất của Mụ viết thư nói là đã chọn được vợ. Mụ nửa mừng nửa lo tức tốc vào Nam. Mụ độc nhất chỉ có một thằng con trai. Mụ ao ước nó cưới cho Mụ một cô gái cùng làng để Trâu ta ăn cỏ làng ta, trai làng lấy gái làng ta mới bền. Vậy mà thằng con đích tôn của dòng họ lại phải lòng một cô gái Biên Hòa. Mụ nghĩ thầm . Cái ngữ này chắc chẳng biết làm ăn chi mô na. Chắc lại ăn với diện. Nhưng không cưới thì Mụ càng lo. Mụ góa chồng từ năm 27 tuổi ở vậy nuôi con. Chỉ hy vọng thằng con này. Không cưới cho nó thì làm sao Mụ có cháu nối dõi. Ngày gặp mặt cô gái, Mụ lại hỡi ơi.Nó ốm nhom, trắng bóc, nói năng như con nít, lại bày đặt vô Hướng đạo, tối ngày nghe đi cắm trại với hát hò. Ôi chao! Cái ngữ này Mụ biết mần răng mà ăn nói cùng làng, cùng xóm. Và thế, Mụ gom góp vào Nam. Cưới vợ cho con và ở luôn trong ấy.

Năm 1975, gia đình Mụ đã chuyễn về Đà Nẳng nơi con trai Mụ đóng quân,con dâu Mụ đi dạy học. Đà Nẵng mất .Nghe lời đứa em trai đã tập kết ra Bắc trở về, Mụ cương quyết dọn nhà về quê. Một làng nhỏ bên bờ sông Ô Lâu thuộc tỉnh Quảng Trị: “Chừ hòa bình rồi, mền về quê để lo hương khói. Lo mồ mã Ôn Bà Cố Vãi” Đứa con dâu năn nỉ: “Khoan đã Mệ, Sài Gòn, Biên Hòa chưa biết sao, từ từ đã Mệ”. Nhưng Mụ dứt khoát “Mi không đi theo tau thì mi cứ ở lại, tau đem con Thu đi”. Mụ bìết con dâu Mụ chỉ nói vậy thôi, chứ nhà Mụ đã cho dỡ nóc rồichỉ còn trơ trọi cái nền xi măng. Một mình nó tứ cố vô thân ở đây với ai.

Con dâu Mụ về làng, mang theo tất cả bi ai của một người mất sạch, trắng tay. Sài Gòn chưa mất, nó đau thương, khổ sở như con chim bị đạn không biết nẽo về nhà. Con trai Mụ cơm đùm gạo bới đi học tập chánh trị. Nói 2 tuần sẽ về mà cứ biền biệt không tung tích. Mụ đi hỏi đứa em trai độc nhất, nay là Đại Úy Bộ đội phục viên. Nó trả lời như một bài học thuộc lòng: “Chị yên chí, hắnĐại Úy, Đảng phải có thời gian để giáo dục cho hắn trở nên người tốt, Hắn có tội lỗi với nhân dân, Hắn học tập tốt, Đảng sẽ cho về”. Con dâu Mụ bị tịch thu hết giấy tờ dạy học.Và Đảng, cũng Đảng ra lệnh cho nó phải lao động tốt thì chồng mới sớm được khoan hồng. Như vậy, con dâu Mụ đem hết áo dài nhét dưới đáy rương. Khoác bộ áo lính của chồng xuống ruộng đồng tham gia hợp tác xã.

Mà hắn đâu có biết làm ruộng ra răng, Mụ cũng rứa, mặc dù sinh ra ở cái làng chuyên về ruộng nương, nhưng Mụ đã buôn bán từ thuở còn con gái đến chừ. Ngày đầu tiên đi họp đội về, hắn nói với Mụ là Đội phân công hắn giữ con trâu Bầu ngày mai. Nó hỏi Mụ: “Con trâu nó có đá mình không hở Mệ”. Mụ tức nghiến chặc hai hàm răng lại với nhau. Mụ biết họ đang tìm cách để hành hạ con dâu Mụ. Mới ngày đầu tiên chúng đã bắt nó đi chăn trâu. Mụtính đi tìm Ôn Đội trưởng để hỏi ra lẽ. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui lại thôi: “Trước sau gì nó cũng phải đối đầu. Đây là lúc thử thách, để nó nhập gia tùy tục. Thực sự làm dâu, gia nương nhà Mụ, Mụ bảo con dâu: “Mai mi cứ dẫn trâu đi theo mấy đứa trong đội. Trâu nó quen bầy, họ làm răng mi làm rứa”. Con dâu Mụ ít nói nhưng nó cũng nhiều nghị lực. Nó theo học cách chăn dắt, gần gũi trâu, điều khiển trâu. Chỉ tội nó không biết cỏ nào trâu ăn được, cỏ nào trâu chê nên nó luôn bị trừ điểm lao động. Có lần nó hớt hải chạy về Đội, kêu đội trưởng ra sông dẫn trâu nó lên .Chẳng là trưa phải cho trâu tắm. Hôm đó mấy đội khác cũng cho trâu về mẹp chung một chỗ. Làm sao nó tìm được con trâu Bầu trong cả mấy chục cái sừng trâu nhô lên mặt nước.Thấy bộ mặt con dâu lo lắng, gầy gò trong bộ đồ lính rộng thùng thình. Mụ Thi muốn rớt nước mắt.

Năm đó không biết sao trời lạnh chưa từng thấy. Cá ở dưới nước nhảy lên bờ ruộng chết cóng. Con dâu Mụ phải đi cấy đi cắt như mọi người. Tội nghiệp, nó sinh trưởng ở miền Nam nắng ấm, chưa từng chịu cái lạnh cắt da như ở đây. Dân làng họ ăn trầu, hút thuốc lá, ăn cơm với ruốc và ớt kho thật cay để giữ ấm. Còn con dâu Mụ không biết ăn cay lại sợ lạnh. Mụ gói cho nó mấy lát gừng và bảo nó mặc nhiều áo. Vậy đó mà nó vẫn run vì lạnh cóng. Mỗi lần đi cấy về mụ lại thấy nó ướt đầm. Hỏi thì nó nói trong nghẹn nghào với hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. “Lạnh quá hai chân con không bước được, nên té dưới ruộng”. Đi cấy theo đoàn đội mà cấy chậm thì thế nào cũng bị đĩa bu theo cắn. Nhìn con dâu với 2 bắp chân tươm máu, Mụ thấy dường như mình đã làm sai. Mụ ân hận. Giá lúc trước mình suy nghĩ kỹ mà ở lại Đà Nẳng thì giờ này có lẽ nó vẫn còn được Cách Mạng cho đi dạy.Và con trai mình. Mụ không dám nghĩ tiếp vì Mụ nghe loáng thoáng là nó đã bị đưa ra tận ngoài Bắc để cải tạo tư tưởng.

 Mỗi ngày con dâu mụ đều phải đi làm theo phân công đoàn đội. Cuốc đất, bứt tót, cấy hay gặt lúa đều dàn hàng ngang mà làm. Ai nhác lười là biết ngay. Buổi chiều sau khi xong một ngày lao động thì họp tổ ngay ngoài ruộng để bình điểm. Mỗi người phải tự nhận xét và cho điểm mình . Rồi cả tập thể phê bình đến thống nhất quan điểm mới qua người mới. Lần nào con dâu Mụ cũng chẳng chịu cho điểm mình. Hắn nói : “Tui không biết làm, mấy ôn mấy mụ cho bi nhiêu cũng được”. Do đó hắn không cải vã, hơn thua hay mất lòng ai. Và lẽ dĩ nhiên điểm hắn rất ít. Có hôm về nhà tối mịt, hắn ăn qua loa mấy miệng cơm độn khoai, cho con bú rồi ngủ luôn với cái quần còn xăn lên khỏi đầu gối. Từ ngày bỏ thành phố về đây, con dâu mụ thay đổi hoàn toàn. Hắn ít nói, trầm buồn, lầm lũi ,chăm chỉ như một người máy. Mụ chưỡi thầm: “Tổ cha mệ nội cái quân chi mô mà ác như rứa. Con dâu mụ dạy học có bằng cấp đàng hoàng, không cho nó dạy. Đưa mấy đứa viết chữ như con trùn bò về dạy ở làng.”

Cứ xẫm tối là kẻng đội lại vang lên đi họp. Nó họp hành chi mô mà tới nửa khuya, con dâu mụ lầm lũi về, lập loè với cây đuốc rơm được đánh thật chắc để giữ lửa. Cứ hể nghe tối có họp đội là mụ đã nấu sẵn cơm buổi chiều, rồi ém vào mo cau cho ngày mai hắn đi lao động sớm. Nhà neo đơn, không đủ phân bắt giao nộp, Mụ vẽ con dâu làm phân xanh, phân chuồng giao hợp tác cho đủ chỉ tiêu. Nhìn nó lăn lóc với đống phân hôi thúi, mụ chạnh lòng nghĩ đến con trai Mụ. Ởđây hắn còn cơ cực thế này, con trai mụ đày lao động xa tận ngoài Bắc không biết nó còn mạng trở về hay không!

Mỗi ngày, dù ăn cơm độn sắn, độn khoai, con dâu mụ cũng phải bớt một nắm gạo bỏ vào hủ cho phụ nữ xã, gọi là hủ gạo nuôi quân. Mụ ấm ức nhất là đôi ba hôm, Ủy ban lại ra lệnh cho gia đình mụ lo ăn ở cho cán bộ về họp. Mồ tổ nó, mẹ con mụ phải nhịn ăn, cơm nước ngày ba bữa dọn lên cho cho cán bộ. Cứ nhìn mấy ẻn quần lững, áo chẻn giống như con chó cụt đuôi ăn trên ngồi trước là mụ sôi gan . Mụ tức lắm nhưng đành phải nhịn vì an toàn cho con trai , con dâu mụ.

Mụ cũng không phải tay vừa. Mụ phải cho cả làng thấy con dâu mụ không thua ai. Mụ không cưới lầm người. Mụ bắt hắn trồng ớt, trồng nén, lôn khoai, lôn đậu. Cứ giữa vụ lúa, Hợp tác xã chia đất canh tác thêm cho xã viên theo đầu lao động. Chỗ nào người ta chê, mụ lấy thuốc lá đổi đất rồi bắt con dâu làm. Nhiều người xấu miệng nói mụ ác, mụ ức hiếp con dâu. Nhưng ai có hiểu cho lòng của Mụ. Mụ nhìn con dâu gò lưng trên đám đất khô cằn, nhìn hắn đầm đìa mồ hôi trên khuôn mặt đen đúa. Mụ cũng xót xa lắm chứ. Nhưng Mụ phải tập cho hắn quen lần với cuộc sống ở đây. Nếu lỡ Mụ chết, nếu con trai Mụ không về, Hắn phải biết làm để mà còn lo cho cháu mụ. Mụ bắt hắn lên độn kiếm củi, trồng sắn, xuôi ghe đi cấy lúa ruộng sâu, đi cả ngày đàng đi đạp nước ruộng cạn. Hắn phải làm tất cả kể cả làm vui lòng họ hàng, làng nước, gia nương nhà Mụ.

Được cái con dâu Mụ biết thân, biết phận Hắn lầm lì làm việc. Hắn không hề cải mụ hay chống đối Hắn cũng không hơn thua, tranh chấp với ai trong đội trong đoàn. Ai nói gìlàm gì hắn cũng cười. Mụ nghe được mụ không cười. Chờ dịp Mụ chưỡi thẳng mặt cái quân ăn đầu sóng, nói đầu gió. Mụ biết, trái tim con dâu Mụ chết rồi. Hắn vì chồng, vì con nên hắn làm bằng tất cả nghị lực. Hắn thường nói với Mụ: “Chúng con cùng đi cải tạo mà Mệ. Ở đây con còn có Mệ, chứ ảnh còn tội hơn con, lẻ loi một mình”

Vậy đó, con dâu Mụ tội nghiệp vậy đó. Ở cái làng này, cái hợp tác xã này có ai hiền hơn hắn, Có ai nhịn hơn hắn. Có ai thương con trâu hơn hắn. Mụ nhớ lần bầu cử. Ủy ban bắt hắn phải cột con trâu Bầu ở trước Ủy ban. Hắn đứng bên con Bầu, chăm chút bắt ve, cho ăn và nói gì với nó. Nét mặt hắn bình thản đến đáng sợ. Hắn chào hỏi mọi người như không có việc gì xãy ra. Mụ uất đến nghẹn lời. Mụ tức đến phát bệnh. Hắn nói: “Mệ giận chi cho bệnh, cực thân Mệ mà cũng cực thân con. Họ muốn con phải tức . Con phớt tỉnh coi họ như trâu. Thế là xong!”

Bây giờ hắn được thưởng cái quần lụạ. Mụ biết tẩy ruột gan Ủy Ban muốn giở con dâu Mụ. Con dâu Mụ có ăn học, có chữ nghĩa, biết tính toán. Lần trước kiểm tra nếu không có nó thì Đội trưởng đã chẳng phải đền mấy tạ phân bón thất thoát hay sao. Họ dụ con dâu Mụ làm thư ký hợp tác xã. Hắn nói hắn không biết ruộng nương, không thuộc tên điền thổ, nên hắn từ chối. Hội Phụ Nữ nhào vô can thiệp . Cuối cùng con dâu mụ ra điều kiện. Hắn xin xuôi Nam một chuyến thăm gia đình rồi khi về sẽ nhận. Mụ thức hết mấy đêm suy nghĩ, Mụ nuốt nước mắt vào lòng, rĩ tai con dâu mụ thầm thì : “Cái gì mi đem được thì đem. Mi về ở lại với Ôn Mệ ngoại con Thu đi. Đừng trở lại đây. Đừng lo cho Mệ”. Con dâu Mụ nhìn sững sờ rồi ôm Mụ khóc nức nở.

Bây giờ con dâu Mụ đang ở trong Nam. Dù sao trong Nam Mụ nghĩ cũng không khắc nghiệt, nhỏ mọn như ở đây. Mụ nhìn xấp vải đen trên mặt bàn rồi thở dài. Mụ thương con dâu Mụ hiền lành, ngay thật. Mụ lo cho con trai Mụ trôi dạt trên núi trên ngàn. Mụ nhớ quá chừng đứa cháu nội đích tôn . Mụ đã cắt ruột cho đi theo Mẹ. Mụ không muốn tranh chấp nữa. Mụ đứng lên, cầm lại xấp vải, nói một cách dứt khoát:

“Ri thì khôn O tê, Mụ mô khiếu nại nữa hỉ? Mụ tra tui cầm cái quần ni về cho hắn. Chờ mai tê hắn trở lượi, hắn mặc để đi họp Phụ Nữ”.

Mụ Thi bước ra khỏi phòng họp đội. Gió ngoài sông thổi vào mát rượi. Mấy chiếc ghe câu đang đánh gõ lốc cốc dồn dập. Họ vây cá vào một khoảng sông và tung lưới. Mụ thầm nghĩ: “Giờ ni 2 mẹ con hắn chắc đã ngũ ngon rồi”.

 

Bình Sơn.

Ngô Quyền khoá 6

 

09 Tháng Ba 2024(Xem: 1858)
Sau bao năm thăng trầm trong cuộc đời có nhiều mất mát có nhiều thay đổi nhưng tình yêu âm nhạc trong anh vẫn sống mãi. Anh đã vui trong niềm vui và buồn trong nỗi buồn ...
08 Tháng Ba 2024(Xem: 2436)
Xuân từ “Lục bát “bước ra? Ngắm Anh Đào nở sắc Hoa trắng ngần! Xuân đi Xuân đến bao lần? Mời tới Lễ Hội ân cần thiết tha!
24 Tháng Hai 2024(Xem: 3264)
Mùa trăng đầu năm tháng giêng Trông như ánh mắt mẹ hiền yêu thương Dù cho xa cách hai phương Sáng soi vằng vặc độ lường nguyên tiêu.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 952)
Hãy viết thêm lời nguyền trên là - Lá vẫn xanh xanh mùa thủy chung - Cho trăm năm chỉ là chút tình - Hãy nâng niu giọt nắng mong mamh
03 Tháng Hai 2024(Xem: 2748)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
21 Tháng Bảy 2023(Xem: 3738)
Rủ nhau về lại "NGÔ QUYỀN" Gặp thầy, gặp bạn huyên thuyên nói cười "TRƯỜNG XƯA" in dấu trong tôi DIAMOND SEAFOOD đón mời thân thương
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 5421)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 6126)
Bầu trời tháng Bảy đẹp như mơ Sinh Nhật 6 nàng tặng rổ…thơ HOÀI NIỆM, NGUYÊN NHUNG tài khó đoán TƯỞNG DUNG, PHƯƠNG THUÝ giỏi không ngờ!
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 5159)
Ai có quay về chốn cố hương Xa xôi cách trở mấy cung đường Hỏi giùm: "Người cũ còn nhung nhớ?" Đất khách bôn ba đời lữ thứ Quê người lận đận kiếp phong sương Nhắn hộ: "Tình xưa vẫn vấn vương"
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5618)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 6134)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 6215)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 6638)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
10 Tháng Hai 2023(Xem: 6091)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
22 Tháng Giêng 2023(Xem: 10438)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 7720)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6188)
World Cup 2022 khép lại với trận chung kết có nước mắt nhiều hơn nụ cười, chỉ có 45 triệu người (Argentina) vui, mà có đến 65 triệu người (Pháp) buồn.
17 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 7398)
Suốt cả cuộc đời Voi hoạt bát chỉ chuyên tâm tu học, hết lòng phụng sự Thiên Chúa và luôn Giúp ích cho đời. Tưởng chừng gieo nhiều hạt tốt sẽ gặt lắm quả lành,
02 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6193)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
01 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 7121)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
28 Tháng Mười 2022(Xem: 7020)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
01 Tháng Chín 2022(Xem: 16742)
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều
31 Tháng Tám 2022(Xem: 7857)
Tôi phải thú thật một điều là chưa có tiệc sinh nhật nào tôi đi dự mà vui vẻ và thật tình như vậy. Người giới thiệu chương trình, ca sĩ lên hát và quan khách đều đến tham dự với sự mến thương và yêu quý Hạnh
29 Tháng Bảy 2022(Xem: 7919)
Anh là một hòn đá cương nghị, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.
28 Tháng Sáu 2022(Xem: 10352)
Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may Chút hương thầm xin là gió cứ bay Theo áng mây về cuối trời xa thẳm Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!