Những mối ân tình.
Thi xong môn cuối, Huy bước vội ra khỏi khuôn viên trường Đại học. Tháng 10, trời Sài Gòn đổ cơn mưa thật lớn. Mặc kệ. Huy vẫn bước đi trong mưa, lòng mừng khấp khởi vì bài làm rất khá, nhiều hy vọng trúng tuyển. Không gặp ai quen trong số đông thí sinh, một mình Huy rảo bước trên đường Đinh Tiên Hoàng hướng về Phan Thanh Giản dưới cơn mưa tầm tã, cái cặp nylon nhỏ che trên đầu. Huy nhủ thầm: “Có ướt cũng được, để kịp ra đón xe đò về tỉnh…”
Kết quả, Huy trúng tuyển vào Học viện Quốc Gia Nông Nghiệp Sài Gòn với tỷ lệ 1 người đậu thì có … 45 người rớt! Huy nghĩ: “Trường này có lẽ vừa sức trên mọi phương diện với mình”.
Vùng đất cù lao xưa - quê hương của Huy - vào thời đó, người đậu vào đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vịêc Huy thi đậu làm xôn xao cả xóm trên xóm dưới. Huy nhớ làng mình đã có sinh viên thuộc các ngành học: Y khoa, Kiến trúc, Dược khoa, ngoài ra còn ngành Sư phạm và Luật có vài người nữa… Riêng Học viện QGNN mà Huy thi, chỉ có Huy đậu và một bạn người cùng làng - học trung học nông nghiệp trên Bảo Lộc - được tuyển trực tiếp vào.
Gia đình Huy có ba Huy là công chức bình thường, đã mất sớm lúc Huy còn học lớp 3 trường làng. Một mình mẹ tảo tần buôn bán nuôi mấy anh chị em Huy.
Hôm đó, mẹ Huy gương mặt buồn bã kêu Huy đến gần:
- Con đi học Sài Gòn, má làm sao lo cho con đầy đủ được! Ở Sài Gòn, nghe nói cái gì cũng mắc hết…
Huy ngồi làm thinh, buồn và suy nghĩ mông lung. Mẹ Huy tiếp:
- Hơn nữa, có người đến nhà nói, ở Sài Gòn sinh viên hay… biểu tình lắm! Con lại thật thà, xuống dưới có gì má không yên lòng! Hay là con xin đi làm ở đâu đó một thời gian?
Lòng luôn muốn học tiếp lên Đại học, Huy suy nghĩ một thoáng rồi nói với mẹ:
- Nhưng dù sao cũng chưa nhập học, mẹ để con coi có cách nào khác không? Con nghĩ ở Sài Gòn cũng có nhiều sinh viên ở các tỉnh về, miễn mình đừng làm điều gì sai thì thôi!
Và cách nào khác đó đã đến… Ông thầy dạy Huy học lớp nhất trường làng (lớp 5 bây giờ) - cũng là thầy Hiệu trưởng - cùng ở trong xã, cách nhà có hai xóm, đã biết được chuyện, đến tận nhà gặp mẹ con Huy và đưa ra hướng giải quyết:
- Thầy sẽ giới thiệu cho em một chỗ dạy kèm ngay tại địa phương mình, để em có tiền đi học. Nếu thiếu, thầy sẽ giúp thêm. Khi nào nhập học thì xin với người ta chỉ dạy ngày Chủ nhật thôi…
Một trong những người thầy của đời mình mà chỉ việc day dỗ, học hành không thôi đã là ơn sâu nghĩa nặng rồi! Huống chi từ lớp nhất đến giờ, lúc đã trúng tuyển vào Đại học, bảy năm trôi qua nhưng thầy vẫn dõi theo bước chân của đứa học trò quê mùa nhưng thân thương của mình! Đã tìm đến và trao cho những giúp đỡ quý giá, kịp thời. Khỏi nói cũng biết Huy vui mừng đến như thế nào! Huy vô cùng cảm động và chỉ biết lúng túng cảm ơn thầy…
Rồi chàng trai tỉnh lẻ xuống Sài Gòn, bước vào ngưỡng cửa Đại học: dáng cao, hơi gầy, nhiều bỡ ngỡ và … có chút rụt rè!
* * *
Nhập học rồi, sau đó “nghề dạy nghề”, khi đã quen nơi quen chốn, Huy tìm đựơc 3 chỗ dạy kèm ở Sài Gòn. Thêm 1 chỗ ở tỉnh nhà nữa, tổng cộng là 4 chỗ tất cả. Vào thời đó, bạn bè có lẽ không ai biết Huy dạy học nhiều như thế. Tất nhiên, vịêc học cũng bị ảnh hưởng… Trong lớp, Huy thuộc vào hạng học “thường thường” (trong khi có nhiều bạn học rất giỏi, nhất là các bạn gái). Huy nghĩ: “ Lúc đậu Tú tài II mình cũng có hạng, thế mà vào trường này rồi, lại chỉ mong đủ điểm để lên từng năm một và cố gắng để… tốt nghiệp ra trường thôi!”. Đôi khi cũng buồn và tự ái lắm!
Thế là Huy quyết tâm “âm thầm rèn luyện” một môn học mà mình rất ưa thích, đó là môn “Kinh tế nông nghiệp đại cương”. Kết quả thật tuyệt vời! Ông thầy: một vị Tiến sĩ hãy còn trẻ, là Giám đốc (hay cố vấn?) cho một Ngân hàng Thương mại lớn ở đường Hàm Nghi vào thời bấy giờ đã chấm bài thi của Huy với số điểm rất cao và Huy được hạng nhất môn này. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ nhất của Huy. Huy vui sướng và hãnh diện lắm, nhưng không dám lộ ra mặt. Huy có cảm giác trong các bạn bè đã có một số người nhìn mình… có hơi khác một chút!
Nhờ có “lương” từ việc cật lực dạy học, Huy sắm được chiếc xe Honda dame, quần áo mới, vào cư xá sinh viên ăn sáng những “bữa ăn cân bằng dinh dưỡng”… Trong khi đó có vài sinh viên bạn phải tiết kiệm để chi phí cho việc học. Có bạn người miền Trung đã cho Huy biết: “Nếu gia đình gởi vào mỗi tháng 8.000đ là đủ chi tiêu rồi”. Nhưng riêng “lương” 4 nơi dạy học của Huy đã cao hơn thế…
Thời gian dần trôi, Huy đã lên năm thứ III. Ráng nổ lực thêm 1 năm nữa, rồi sẽ ra trường, đi làm, thật tuyệt vời! - Huy vui mừng tự nhủ.
Nhưng rồi việc “làm ăn” của Huy cũng có những trục trặc nhỏ, chứ không hẳn “thuận buồm xuôi gió” mãi! Có nơi dạy kèm, Huy đựơc giao 4 cô, cậu (đương nhiên là 4 lớp khác nhau!). Được cái Huy có sự tín nhiệm cao đến mức phụ huynh đồng ý để con theo học ròng rã từ 1 đến 2 năm trời! “Thầy” cũng “ngán” học trò và … ngược lại!
Từ đó, Huy nghĩ ra một cách: nhờ bạn học dạy giùm mình từ vài tuần đến trọn tháng. Tại sao không? Mình đựơc nghỉ ngơi, vì tiền dạy học gói ghém cũng đủ tiêu xài rồi; bạn bè thân lại có thêm khoản để chi tiêu… Và Huy đã nhờ được 2 bạn nam giúp thay mình dạy học một thời gian ngắn. Công việc êm xuôi… Đến lúc trở lại công việc, mấy bé có vẻ… nhớ “thầy” Huy! Vậy là tốt quá rồi!!!
Nhưng rồi có một ngày - không muốn lại… gặp! - , Huy bệnh: ho, viêm họng, tắt tiếng, nói ra chỉ nghe thều thào! Nguy rồi! Một bạn bên Lâm nghiệp phải ôn thi, bạn nữa thì cũng bận mấy chỗ dạy mới… - Hay là mình nhờ mấy bạn gái học chung? Trong trường, nam nhiều nữ ít. Mấy cô gái này đều đã qua kỳ thi tuyển, đều là dân học giỏi ở các tỉnh về, có “trình độ” hết! Có nên nhờ không? Các cô bạn, tuy không biểu lộ tình cảm gì đặc biệt với Huy, nhưng được cái cũng đâu có… ghét mình!
Và Huy quyết định nhờ cô bạn Hà Thanh, quê ở một tỉnh xa Sài Gòn, dạy giúp mình. Sau nhiều suy nghĩ cân nhắc, Huy hồi hộp ngỏ lời. Bất ngờ nhất là Thanh đồng ý một cách đơn giản, nhẹ nhàng, kèm theo một nụ cười và ánh mắt… tươi rói (?!). Điều kiện là lần đầu tiên Huy phải đến đón “cô giáo” tại nhà Thanh đang trọ học (tại một khu sầm uất không xa trung tâm Sài Gòn) và đưa đến nhà học trò. Nơi dạy học ở đường Nguyễn An Ninh, không xa lắm, chỉ ở bên hông chợ Bến Thành! Vì đã có nói chuyện trước với phụ huynh và các cô cậu học trò, nên sau khi đưa Thanh đến giới thiệu, Huy ra về… Theo thỏa thuận, Huy không phải đến chở Thanh về nhà. Và rồi những lần sau, cũng không phải đưa đón nữa. Cũng đúng thôi! Vì nếu đưa đi đón về thì việc nhờ giúp đỡ đâu còn có ý nghĩa nữa !…
Mấy buổi học trôi qua. Lúc Huy trở lại “lớp”, các cô cậu học trò tỏ vẻ rất … khâm phục “cô giáo” Thanh, và đương nhiên khâm phục cả “thầy giáo” Huy. Sau đó theo Huy tìm hiểu, là vì mình có cô… bạn học giỏi, lại xinh xắn nữa! Các cô, cậu học trò sau đó tỏ ra chăm học hơn trước, nói là để giỏi như… cô Hà Thanh. Lớp học có không khí vui tươi, phấn chấn hơn, không còn “ảm đạm”… như những ngày trước đó. Riêng Huy, trong lòng còn ẩn chứa thêm một niềm vui khác nữa. Vì “cái thằng Huy” học chỉ vừa dư chút điểm để lên từng năm một thôi, vậy mà cũng có bạn gái… quý mến! Vì có quý mến, người ta mới nhận lời dạy giúp, bằng không, theo Huy biết, Thanh đâu có cần gì phải làm thêm để có tiền học Đại học… Còn tiền học phí phải gởi cho Thanh – như điều kiện Huy đưa ra lúc ban đầu – theo Huy nghĩ, cũng sẽ chẳng đáng là gì đối với Thanh… Nghĩ đến đây, “chàng trai miền Đông thật thà” thấy rộn lên trong lòng một niềm vui lâng lâng khó tả!…
* * *
Trên Lầu II lộng gió của khu B trường Đại học, bên kia đường Cường Để, nhân lúc giải lao ít người, Huy tiến đến… gặp riêng Thanh. Một lần nữa, Huy nhỏ nhẹ cám ơn Thanh, kèm theo những lời khen của học trò và đề nghị gởi một phần học phí tháng rồi. Thanh nhoẻn miệng cười thật hiền, ánh mắt tươi sáng:
- Thôi, tiền bạc gì, giúp nhau một chút mà…
Thật ngạc nhiên! Huy ấp úng không nói ra lời và thấy khó xử!. (Mà khó xử thật, với mấy bạn trai thì thẳng thắn: tiền bạc xong xuôi, rủ nhau đi ăn uống chút gì đó để thắt chặt tình bạn bè). Còn giờ thì … lâm vào hoàn cảnh bất ngờ - ngoài suy nghĩ và dự đoán của mình - nên Huy đành… đứng im…!
Nụ cười của Thanh càng tươi hơn, ánh mắt càng sáng hơn. Thanh nhìn Huy, giọng nhỏ lại:
- Thôi… để hôm nào đi uống nước đi…!
Biết là không thể thuyết phục được Thanh nhận tiền “dạy giùm”, Huy đành mỉm cười gật đầu…
Lúc tan học, trên đường về, trong lòng Huy chợt có chút bối rối. Hình ảnh cô sinh viên Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp - người Qui Nhơn - Huy quen trong thư viện mấy tháng nay… Rồi nụ cười, ánh mắt của Hà Thanh lại hiện lên… Huy chép miệng: người ta quí mến và tốt với mình như vậy, mà không biết thế nào… Trong lòng Huy bỗng rộn lên một niềm bâng khuâng… Thời trai trẻ, chàng trai nào lại không “hành trang” cho mình một mối tình (?!)…. Ôi! thời đi học, “những ngày xanh” dại khờ mà đẹp đẽ biết bao!
Sau lần “thành công” nhờ đổi “thầy” sang “cô”, Huy có nhờ tiếp 2 bạn gái khác nữa dạy giúp. Cả hai cô bạn, sau khi làm “cô giáo”… cũng đều đề nghị đền đáp bằng chuyện… đi uống nước, thật nhẹ nhàng và đầy ắp tình cảm. Một cô bạn nhỏ nhắn, duyên dáng, người gốc Bắc, nhà ở khu cư xá Lữ Gia. Còn một cô là một trong những hoa khôi của trường, cũng gốc Bắc, nhưng quê mãi trên “miền đất lạnh”. Những bạn gái này thật tuyệt vời, họ quý mến và… tốt với mình quá! Chỉ vừa qua tuổi đôi mươi, Huy nghĩ có lẽ các bạn cũng biết, người mình có câu “Thi ân bất cầu báo”, bây giờ mình chỉ… tri ân, rồi về sau sẽ còn nhiều cơ hội gặp lại bạn bè và có dịp… đền đáp! (Tiếc rằng sau khi tốt nghiệp năm 1974, sau đó sang năm 1975 cho đến… bây giờ, Huy không có dịp gặp lại hai người bạn gái này nữa!…).
* * *
- Ông đang viết bài gì đó!
Tiếng nói của đứa cháu làm ông Năm Huy đang lim dim ngủ chợt tỉnh giấc. À! Thì ra hình như mình chỉ vừa qua một giấc chiêm bao…! Hôm qua ông mới đi thăm người thầy cũ ở cùng làng, đã dạy ông học hồi lớp… nhất. Các con của thầy đã lớn khôn, thành đạt, ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Thầy, Cô đang ở trong một căn biệt thự nhỏ, xinh xắn, tiện nghi… Nhưng căn bệnh “Tai biến mạch máu não” quái ác đã khiến từ hai năm qua thầy phải nằm một chỗ! Lần nào đến thăm thầy, tuy đã cố gắng nén lòng nhưng sao mắt ông vẫn rươm rướm…! Rồi những ngày xanh của gần 40 năm trước thoáng qua, nhưng cũng đủ làm ông Năm Huy bồi hồi. Tập bản thảo và cây viết còn hờ hững trong tay. Không rời ghế tựa, ông trả lời đứa cháu (vài tháng nữa vào lớp 1, nhưng đọc viết kha khá rồi!) theo cách để cho nó dễ hiểu:
- Ông viết bài cho trang web trường học cũ của ông, cũng như khi đi học cháu viết bài nộp cho… cô giáo vậy!
Nghe nhắc tới trang web, thằng bé nhanh nhẩu:
- Lâu quá, ông không mở nhạc trên “trang quép” cho con nghe!
Đúng là “hậu sinh khả úy”. Mới tuổi này mà nó biết thưởng thức những giai điệu, lời lẽ mượt mà của một bài hát trên trang web Ngô Quyền. Nó còn yêu cầu “tua” đi “tua” lại mấy lần, nhưng nhạc trên TV, chương trình “Giai điệu…” gì đó, mới nghe có mấy câu, nó xin chuyển qua xem hoạt hình… Còn 4 câu thơ của bài “Ngày xanh”, sau khi giải nghĩa hai chữ điểm sương, ông đố nó: …Tại sao “tóc đành điểm sương” mà không viết “tóc thành điểm sương”? Nó lẩm nhẩm rồi nói:… “Tóc đành điểm sương” con “nghe”… buồn hơn! Đến nước này thì ông Năm phục lăn thằng cháu của mình…
Nhà ông sát bờ sông, phía trước là mặt đường, nhưng phía sau nở hậu, chiều ngang theo mặt sông khá rộng. Xế chiều, nước lớn, gió sông thổi lồng lộng. Tháng này, nghe nói có hiện tượng El Nino gì đó, trời nóng quá!… Nhà thơ Hữu Loan vừa mới... ra đi mãi mãi, thế hệ ông hầu như ai cũng da diết “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh phổ nhạc thơ Hữu Loan…. Ông lẩm nhẩm: Nhờ khoảng sông này mà giải nhiệt, chỉ thua bến Bạch Đằng một chút thôi! (vì đoạn sông ngang qua cù lao này hẹp hơn). Chợt có tiếng Bà Năm vọng ra:
- Hai ông cháu văn chương gì với nhau mà ra bờ sông vậy? Thằng Bo vào tắm đi!
Ông Năm cười, nhìn thằng cháu và trả lời:
- Hai ông cháu ra hóng gió mà! Đâu có cái máy lạnh nào tạo ra được gió trời, gió sông!…
Thằng Bo nói tiếp (học theo ý ông đã nói với nó hồi trưa):
- Mà gió này khỏi… tốn điện nữa! Điện giờ… mắc lắm!… Mà ông viết cho “trang quép” cái gì?
- Có chớ, bài “Ngày xanh” đó! Để ông đọc lại cho Bo nghe… Ông Năm chậm rãi bước vào nhà. Ngoái nhìn lại phía sau sông, vài đám mây trắng nhè nhẹ trôi ngang bầu trời xanh. Mắt nhìn về phía xa xăm, lòng trĩu nặng những mối ân tình xưa ông Năm đọc nhỏ lại bài thơ mình đã viết... (Có lẽ chỉ vừa đủ để mình ông nghe):
“Ngày xanh tóc hãy còn xanh
Bóng chim qua cửa tóc đành điểm sương
Ngày xanh tươi trẻ đến trường
Giờ đây sao biết người thương nơi nào?!”
H.V.H
(Huỳnh văn Huê, chs N.Q- huynhvanhuehvh@gmail.com)