Góc thầy trò của Đinh Quang Bình.
Đinh Quang Bình
Thật sự một góc thầy trò chỉ dành riêng cho những học sinh khác mà thôi, còn riêng Đinh Quang Bình phải mượn cho được BỐN góc thầy trò mới đủ, một góc thì không đủ đâu.
Lý do. cái thời trung học người ta chỉ học một trường là xong, riêng tôi từ lớp sáu đến lớp mười hai phải qua hết thảy bốn trường trung học, thử hỏi một góc thì làm sao các thầy cô của tôi có chỗ đứng, thầy cô đã vậy lại còn có những linh mục, bà sơ nữa, nhiều lắm, vậy mà cũng chẳng nên người được. (một con ngựa chứng trong sân trường).
Cái thời thập niên 60, ba tôi còn phục vụ trong đệ nhất Cộng Hòa, ba mẹ gởi tôi vô học trường dòng ở Thủ Đức, hy vọng sẽ trở thành tu sĩ linh mục, ở đây tôi còn nhớ rõ cha Phạm Chí Thiện làm hiệu trưởng và cha Nguyễn Thanh Bình hiệu phó, các thầy như thầy Khuê, thầy Chinh, thầy Diệu, thầy Minh...Sr Yến, Sr Huệ... sau này thỉnh thoảng tôi có về thăm lại các thầy và cho đến bây giờ tôi biết: thầy Khuê đã trở thành thầy thuốc nam để giúp đở người đau yếu, thầy Chinh đã qua đời vì tuổi già, riêng thầy Minh sau hai lần đi tù về đã không đồng quan điểm với chế độ nên cũng đã qua đời để không muốn thấy cảnh bất công của xã hội lúc đó. Thầy Diệu theo lệnh động viên vào quân đội VNCH và sau 75 đã theo diện HO qua định cư tại Hoa Kỳ, hai cha hiệu trưởng và hiệu phó cũng đã về với Chúa. Mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm này tôi hằng cầu xin ơn trên chúc phúc cho các ngài.
Cuối thập niên 60, vì hoàn cảnh gia đình, cộng thêm chiến tranh ngày càng leo thang, ba mẹ tôi lại đưa tôi về một trường dòng ở Tam Hiệp Biên Hòa, ( trường VINH SANG ) do linh mục Phạm Tuấn Trang từ Pháp về thành lập và cha Linh làm hiệu phó, ở đây tôi lại được học các thầy như : thầy Kha hiện ở Úc, thầy Hưng, thầy Văn, thầy Bình, thầy Việt... các thầy hiện còn sống ở quê nhà, riêng cha Phạm Tuấn Trang sau 75 ngài đã nhanh chân chạy ra nước ngoài, sau đó ngài về hưu ở dòng Đồng Công Hoa Kỳ và qua đời ở đó, còn cha Linh hiệu phó ngài ở lại trường, sau khi chính quyền cộng sản tiếp thu nhà trường đã bắt ngài đi tù, khi ra khỏi tù ngài tá túc ở các nhà học trò cũ, đời sống quá cực khổ vất vả nên ngài cũng qua đời, để lại bao thương tiếc cho đám học trò cũ của ngài.
Hai trường dòng không thấy hy vọng trở thành tu sĩ, ba mẹ chuyển tôi qua học trường Khiết Tâm Biên Hòa, do cha Lê Hoàng Yến làm hiệu trưởng, sau 75 cha Lê Hoàng Yến cũng trở thành (mất dạy) về sống ở nhà thờ Biên Hòa và cũng qua đời tại đó. Hôm lễ an táng của ngài tôi có về tham dự và đã gặp không biết bao nhiêu thầy cô cũng như học trò đã một thời mang bảng hiệu Trung Học KHIẾT TÂM.
Từ Khiết Tâm, tôi leo rào qua Ngô Quyền vì nghe nói học sinh trường Ngô Quyền đẹp lắm, học giỏi nữa, bao nhiêu người trẻ tài hoa đều tập trung ở Ngô Quyền, định mệnh đẩy đưa tôi trở thành học sinh Ngô Quyền với năm học cuối cùng của bậc trung học, bao nhiêu những kỷ niệm đẹp, huy hoàng mà suốt đời tôi không quên được với một năm học cuối này. Ở đây tôi tham gia các sinh hoạt thể thao, văn nghệ, xã hội... gặp gở những người bạn, người em thân thương, chân tình, chia xẻ những băn khoăn, trăn trở của tuổi mới lớn. Cũng nơi đây tôi nhận thấy tình cảm yêu thương tận tâm tận lực của các thầy cô như: thầy Bảo, thầy Lê Quý Thể, thầy Lâm Tấn Văn, thầy Mai Kiến Phúc, cô Tốt dạy Pháp văn, thầy Thành... và còn nhiều nữa, các thầy cô đã đem hết tình yêu thương cũng như khả năng để dạy chúng tôi, giúp chúng tôi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Nhớ lại ngày xưa còn nhỏ, ông bà, ba mẹ tôi thường dạy rằng: "một chữ cũng là thầy", hoặc "mùng một tết cha, mừng hai tết chú, mùng ba tết thầy". Hồi còn học bậc tiểu học ở trường làng quê, mỗi dịp tết đến tôi thường đi bộ đến nhà từng thầy cô để chúc tuổi.
Thời gian đã qua, đầu đã bạc, nay có dịp ôn lại cái thủa xa xưa ấy. Rất chân thành cám ơn Ban Biên Tập cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa đặc biệt mục Một Góc Thầy Trò đã tạo cơ hội cho tôi được viết lại dòng tâm sự này, với lối văn, ngôn từ mộc mạc hy vọng với lòng thành cũng đủ để tỏ lòng tri ân quý thầy cô đã giúp tôi có ngày hôm nay. Nguyện xin ơn trên tuân độ nhiều hồng ân xuống cho quý thầy cô, đặc biệt hằng ngày trong lời cầu nguyện xin cho quý thầy cô đã quá cố được hưởng phước đời đời...
Mùa tạ ơn 2010
Đinh Quang Bình ( đứa con nuôi của trường Ngô Quyền )