TÌM Ở SAO TRỜI
Hoàng Mai Ðạt
Mỗi khi chán đời, chờ hoài không thấy cơn buồn tan biến, nhìn mặt mình trong gương ủ rũ, thảm thương hơn chiếc lá nằm lay lắt bên bờ cỏ, chờ gió chiều thổi xuống dòng đường lắm xe, tôi thường ghé nghĩa địa tìm người chết. Lần nào cũng vậy, đến khi rời mấy đám mồ mả, tôi thường cảm thấy đỡ hơn rất nhiều, chợt yêu đời trở lại, muốn cắm chiếc lá xanh trên cành tươi nắng. Thật thế.
Ði bộ trong nghĩa địa, ngắm mấy nấm mộ, đọc tên người quá cố, xem những bức ảnh tươi tắn lúc còn sống cho tôi một liều thuốc tâm lý, xua đuổi bóng ma của nỗi buồn. Tôi không rời nghĩa trang với nét mặt hân hoan, cười toe như người mới xem hài kịch, mà chỉ cảm thấy nhẹ hơn trong tâm hồn. Ðủ nhẹ để thấy quí giá những tia nắng, những âm thanh náo nhiệt của cuộc sống bên ngoài khu mộ địa. Chuyện gì đó từng làm cho tôi chán đời không thật sự có nghĩa lý gì khi tôi biết ai nấy cũng có một kết cục như nhau: nằm hiu quạnh bên dưới mấy tấc đất, chờ máy cắt cỏ chạy rần rật bên trên, nghe tiếng chân của người thân đến đặt bình bông, cắm mấy nén nhang, khấn vái rồi bỏ đi. Ngày đến mặt trời rọi chiếu từ những hướng cố định, đêm về ngàn sao lấp lánh từ muôn phương. Nếu không có một tấm bia ở bên trên, không ai biết có người nằm ở bên dưới. Chôn ở đây hay ở bất cứ nơi nào trên trái đất cũng cùng một định mệnh. Hiểu được vậy, tôi nghe nỗi ưu phiền lìa xa thân xác, trả lại niềm yêu thương trong hơi thở của cuộc sống. Ðời sống không chắc đẹp, cũng không đủ dài để cho tôi phí phạm từng phút cho cơn buồn.
Tôi ở phố Bolsa. Nghĩa trang gần nhà nhất là Westminster Memorial Park, chặng chót của nhiều người Việt từng sống ở đây. Những buồn vui của đời lưu vong như chiếc lá nâu vàng, cuối cùng cũng bị thổi đến một bãi đất nằm về phía tây của khu phố. Nhà quàn Peek Family nằm cạnh nghĩa địa, nên dân Việt mình thường nói đùa “Trước sau gì cũng đến Peek Family.”
Mấy văn thi sĩ cũng không thoát khỏi lời tiên tri này. Ðến trước là thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nằm dưới một tàn cây rậm mát như cây bồ đề. Ðến sau là văn thi sĩ Mai Thảo, nằm ngoài kia trong nắng ấm của Vườn Vĩnh Cửu, gần một gốc cây thốt nốt. Nghĩa trang có nhiều cây cổ thụ, những con đường ngang dọc rợp mát, vắng vẻ, yên ắng trong bất cứ lúc nào mà người ta muốn rời cơn nắng cháy của California để vào tìm cõi tạm lánh. Nếu không có mấy mộ bia gợi nhớ những người khuất mặt, đây là một công viên tuyệt vời như cánh rừng yên tịnh. Chỉ có mấy trăm thước mà người ta có thể tránh xa, thật xa những xô bồ, huyên náo, bon chen trên đường phố Bolsa. Tôi thường ghé đây đôi, ba phút, dừng xe giữa bóng cây, tìm lại chính mình trước khi quay về với dòng đời bôn ba nằm sát bên cạnh.
Nếu mở dịch vụ du lịch khu phố Việt Nam, tôi sẽ chở du khách đến nghĩa địa này trước tiên, hy vọng sau đó họ càng quí tất cả mọi thứ bên ngoài bức tường ngăn chia sống chết. Phở sẽ ngon hơn nếu được thấy mộ của một người qua đời lúc mới đến Mỹ, cà phê sẽ thơm hơn nếu được thấy mả của một người mẹ để lại chồng con, tượng đài chiến sĩ sẽ càng thiêng liêng nếu được thấy mộ phần của một người lính lưu vong được cắm thêm lá cờ màu vàng.
Mời quí vị xuống xe. Ðây mộ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, quí vị cứ việc chụp hình lưu niệm. Này nha, mộ bia có ghi bài thơ ông viết khi mới đôi mươi:
Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định.
Mỗi lần đến thăm thi nhân, vẫn thấy bông hoa, thuốc lá, chân nhang do ai để lại, vẫn nghe vương vấn niềm đau của Nguyễn Tất Nhiên.
Sao thiên thu không là thiên thu?
Nên những người yêu là những ngôi mồ
Tôi đứng một mình trong nghĩa địa
Và chắc không đành quên khổ đau!
Kia là mộ của một người mẹ từng ôm con tự vẫn trên xa lộ Garden Grove, ngay trong khu Little Saigon. Mẹ thương con, không muốn đứa bé sống suốt đời trong cảnh tật nguyền. Bà siết chặt con trong tay, chạy băng qua những dòng xe trong một đêm cuối thu. Hai mẹ con được chôn chung, cùng một ngày tử. Lần nào đến cũng thấy có bình bông mới, cỏ xanh được tỉa cắt gọn gàng chung quanh mộ. Người chồng đến thăm mộ hầu như mỗi ngày, được gần vợ con trong suốt 15 năm qua. Mẹ mãi đẹp, con mãi còn ngây thơ.
Cách đó mấy thước là mộ của một bé gái, một khu vườn nhỏ luôn có dăm đóa hoa tươi cắm bên cạnh những chong chóng nhiều màu, quay lúc nhanh lúc chậm như có vong hồn thổi vào với sự đùa nghịch thơ ngây. Lạ thật.
Ở nơi kia là mộ của một ông chồng mới được chôn năm ngoái. Bà vợ của ông ấy bị chồng bội tình, nhất định không cho con cháu chôn bà bên cạnh chồng như lời thề ước mấy chục năm trước. Còn mộ này không thấy ai chăm sóc, quanh năm không có một bó hoa. Quí vị nhớ cắm cho người ấy một nén nhang trước khi lên xe.
Ở đây là mộ ông Mai Thảo. Ðám tang của ông đông người dự lắm, tôi còn nhớ. Họ từng xếp hàng dài cả trăm thước, tiễn thi sĩ về huyệt mộ. Mấy lần ghé ngang tôi chỉ thấy bóng nắng trên mộ, không thấy bóng người.
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Ðọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Bia của thi sĩ được khắc như vậy. Lần này ghé thăm chúng ta thấy có những đóa hồng mới cắm, tô sắc tươi thắm trên mộ ông Mai Thảo.
Sớm ra đi sớm hoa không biết
Ðêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy.
Ông viết mấy dòng thơ đó trong những năm sống tạm ở Bolsa. Giờ không ai biết thi sĩ u hoài ấy đi đâu, còn chăng một nấm mộ “ngát thơm từ huyệt lãng quên.”
Ta thấy hình ta những miếu đền
Tượng thờ nghìn bệ những công viên
Sao không, khói với hương sùng kính
Ðều ngát thơm từ huyệt lãng quên.
Mời quí vị lên xe, ta đến Bolsa thôi. Xem mộ người chết vậy đủ rồi.
Dạo này những mẩu chuyện của người chung quanh bỗng được tôi chú ý hơn, nếu đâu đó có nhắc đến sự chia lìa vĩnh biệt.
Một bữa kia, trong lúc nựng nịu con chó cưng, con gái tôi bỗng nói, “Con không muốn hỏa thiêu Kiwi, bố à. Con muốn chôn Kiwi để có gì mai mốt con còn đến thăm mộ nó.”
Vợ chồng tôi nhìn nhau bâng khuâng. Cô con gái bé bỏng ngày nào của chúng tôi giờ cũng biết vài năm nữa Kiwi phải đi xa, như người ta phải trở về với cát bụi. Nghe chuyện chôn cất con Kiwi, tôi chợt nghĩ đến chặng đường cuối của chính mình. Biết đâu con gái cũng muốn thắp cho bố một nén nhang trên mộ. Có điều vợ chồng chúng tôi đều tâm niệm muốn được hỏa thiêu và rắc tro cốt chung trong một vịnh biển hay trên một sườn núi mà vợ chồng từng đi qua chứ không muốn nằm ở nghĩa địa. Con gái tôi không mấy hưởng ứng khi nghe tôi kể ngày nay người có thể lên nghĩa trang trên Internet để thăm mộ của người thân, hay của Kiwi, giống hệt như bước vào một mảnh đất với những nấm mồ có tấm bia được lắp hình thân nhân, cũng có đôi ba dòng về ngày sinh tháng tử. Con bé lắc đầu, chê nghĩa trang như vậy không thật, cắm nhang cũng khó, rà chuột tìm mộ đâu có giống như bước chân trên cỏ được.
Vợ tôi cũng đồng ý với con, bảo nếu lập nghĩa trang kiểu đó thì nên dành cho mấy bài thơ là hay hơn cả. Nghĩa địa mang tên “Vườn Thơ Vĩnh Cửu” này sẽ chôn hết những bài thơ từng chào đời, cho chúng một nơi yên nghỉ nghìn thu thay vì nằm vất vưởng như những oan hồn trên kệ sách.
Thật ra, trước khi bàn chuyện chôn tác phẩm trong “Vườn Thơ Vĩnh Cửu,” chúng tôi từng nhiều lần giúp chúng hóa kiếp mà không biết đó thôi. Trong những đêm mùa đông se lạnh, thỉnh thoảng chúng tôi mang mấy tập thơ, sách của chính mình ra đốt trong lò lửa lộ thiên. Cái lò nung bằng đất này xuất phát từ cao nguyên Mễ Tây Cơ, được kê dưới mái hiên như một món trang trí. Dân Mễ gọi lò là “chimenea,” tức là “ống khói.” Người ở miền núi dùng “lò ống khói” để sưởi ấm, nấu ăn ở ngoài trời; chúng tôi dùng lò để đốt dần mấy thùng sách chồng chất dưới garage. Bán không ai mua, để hoài chật chỗ, tặng sách lầm người không muốn đọc còn tủi thân hơn trẻ mồ côi đi gõ cửa xin ăn trong đêm lạnh giá. Thôi, tặng hết cho thần lửa.
Tôi nghĩ đốt sách là một sinh hoạt hữu ích nhất cho người sáng tác, giúp họ được giải thoát ngoài vòng sinh tử của danh vọng. Thấy sách bị vất trên bàn, trong góc nhà của người từng được tặng sách, chẳng bao giờ được xem qua, có lẽ còn đau đớn hơn là tự tay hủy diệt một tác phẩm của chính mình. Từng trang thơ cháy trong lửa, trả lại chữ nghĩa về cõi hư vô, mang bình yên lại cho người viết. Lỡ vay mượn kiếp văn chương, nay hoàn lại như không hề biết có thương yêu, có say đắm, có đau thương, có cuồng nhiệt trong cuộc sống. Một bài thơ được phôi thai, lên đường tìm một hướng đi mới, được sống cho dù ngắn ngủi, nay trở về kiếp thiên thu, mất biến muôn đời như chưa bao giờ đến. Bài viết này cũng vậy, cũng một ngày kia bốc cháy trong lò thời gian. Cháy hết.
Thế là hết, người bạn đẹp
Thế là hết, người bạn duy nhất của tôi
Ðau lòng buông thả em đi
Nhưng biết em sẽ không bao giờ phải bước theo tôi
Thế là hết những tiếng cười những lời gian dối
Thế là hết những đêm ta chết bên nhau
Thế là hết.
Ca sĩ Jim Morrison của ban The Doors từng viết mấy lời thơ “Thế là hết” trong bài “The End,” mở đầu và kết thúc cho một ca khúc dẫn xuống một con đường địa ngục, ngập mùi tận thế của một tâm hồn muốn vùng vẫy, giết hết những ràng buộc của đời sống để được giải thoát, được tự do. Chàng ca sĩ này là một thi sĩ biết hát với sự cuồng nhiệt, rạo rực sức sống bên bờ vực thẳm của cái chết, gào hét những lời nhạc quyến rũ nói lên tâm tư của một kẻ xa lạ, một người trong cơn mê ma túy, một tên sát nhân, một người mất trí.
Tuy lừng danh trong thế giới nhạc rock ở cuối thập niên 60, được tán thưởng là có tài đưa thơ vào nhạc, diễn tả ngoạn mục chưa từng thấy, Jim Morrison không tìm được nhà xuất bản cho những bài thơ, mấy bài viết của ông. Thi sĩ phải tự xuất bản hai tập thơ, chứng kiến sự hờ hững của người đời. Sau ngày ông mất người ta mới khai quật những tác phẩm từ “vườn thơ vĩnh cửu,” đưa lên hàng sách bán chạy, ngợi khen không ngớt. Ông rời Mỹ, sống những ngày tháng cuối đời tại Ba Lê, hy vọng tìm được một môi trường thích hợp hơn cho sự sáng tác.
Ông chọn Pháp có lẽ vì yêu thơ. Trong những thi sĩ có ảnh hưởng lớn nhất đối với Jim Morrison có nhà thơ Anh William Blake và nhà thơ Pháp Arthur Rimbaud. Từ William Blake ông chọn tên “Cánh Cửa” cho ban nhạc The Doors. “Nếu những cánh cửa của tri giác được lau sạch, tất cả mọi thứ đối với con người sẽ hiện ra đúng như vậy, vô tận.” Nhà thơ Anh viết trong “Hôn Nhân Giữa Thiên Ðường Và Ðịa Ngục.” Từ Arthur Rimbaud, ca sĩ Morrison có nơi yên nghỉ cuối cùng. Ca sĩ mất giữa năm 1971 tại Ba Lê, mới có 27 tuổi.
Cái chết của ông để lại nhiều bí ẩn, tạo một huyền thoại ly kỳ nhất trong nhạc rock. Không ai biết chắc ông qua đời vì ma túy, tự tử, hay biến mất như thi sĩ Rimbaud từng làm trong đời. Cho đến nay người ta còn đồn chàng ca sĩ sống tại Phi Châu, Ấn Ðộ, làm cao-bồi ở Oregon, sống trên một gác trọ tại New Jersey. Một điều chắc chắn là mộ phần của ông nằm trong “góc của thi sĩ” tại nghĩa trang Père Lachaise, phía đông Ba Lê. Mộ của Jim Morrison trở thành địa điểm thu hút du khách nhiều nhất tại thủ đô ánh sáng, chỉ sau Tháp Eiffel, nhà thờ Notre Dame, và viện bảo tàng Louvre. Mộ có khắc mấy chữ “Người Bạn Duy Nhất Của Tôi.”
Tôi không dám nhận “bạn duy nhất” của tôi là nghĩa địa, càng tránh nói điều này trước mặt vợ vì nàng luôn cằn nhằn tật nói gỡ của chồng. Tôi không biết có phải những ngày tháng cuối năm, thu đến đông về, mây trời ảm đạm, gió lạnh se sắt, hay cuộc đời đang ở tuổi trung niên, tiến tới chưa biết đi đâu, quay về không biết tìm lại nơi nào, khiến tôi quanh quẩn với ý tưởng sống chết, sớm làm quen với nó để bớt nỗi sợ, như người ta nể mặt một tên cai tù để khỏi bị nó đánh đập bạo tay?
--*
Mặc dù không là bạn, mồ mả thường quanh quẩn trong cuộc sống của tôi. Gần nhất trong quãng đời niên thiếu là một nghĩa trang ở Pennsylvania. Nói gần là vì tôi đi bộ băng ngang nghĩa trang này hầu như mỗi ngày trong suốt bốn năm. Từ nhà trên đường số 9 tại West Homestead, tôi đi bộ lên đồi theo đường Hays về hướng đông nam, gặp đường West, băng ngang nghĩa trang St. Mary’s ở trên đồi, đi tiếp theo đường Main đến trường trung học Steel Valley Senior High. Sáng đi chiều về, mỗi bận dài hai dặm, đeo theo bốn mùa mưa nắng trên túi sách đèo trên lưng, có lúc hân hoan, có khi lầm lũi trong chiếc bóng chiếu dài của một khu phố lao động.
Thay vì đi theo đường vòng dọc theo con đường lớn bọc bên ngoài, tôi chọn băng ngang một con đường nhỏ xuyên qua mộ địa. Con đường này vắng học sinh, xa dòng xe ồn ào. Mỗi lần đến nghĩa trang St. Mary’s tôi thường đi chậm lại, liếc nhìn những nấm mộ quen thuộc nằm ở hai bên. Có người chào đời từ thế kỷ thứ 19, lìa trần mấy thập niên trước khi tôi bước qua đây ở cuối thập niên 70 đầu thập niên 80. Có người mất trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến, có người ra đi trong cuộc chiến Việt Nam. Nhiều mộ bia cổ không có hình người quá cố, chỉ khắc tên tuổi của họ. Mấy tấm bia này là bạn của tôi trong những ngày tôi thầm bước qua nghĩa trang.
Nơi đây đẹp nhất trong mùa đông. Tuyết phủ kín những nấm mồ, trắng toát một bãi tha ma, chỉ còn vài cây thánh giá trồi lên với lớp bông gòn trắng đắp bên trên như đội nón. Tượng Ðức Mẹ vẫn nhìn xuống những ngôi mộ với ánh mắt hiền từ như mọi ngày, cho dù gió tháng Giêng có thổi lạnh xé da mặt che trong nón áo ấm, mặc kệ nước đóng thành những nhiễu thạch trong như thủy tinh, chảy dài như những dòng lệ tuôn tràn đầm đìa, để rồi bị đông đá thiên thu.
Qua nhiều năm tôi không hiểu tại sao nghĩa trang ở Pennsylvania đã để lại cho tôi một ấn tượng mạnh nhất so với những kỷ niệm khác thời còn đi học. Có lẽ đó là nơi tôi tìm được đôi phút bình yên, tạm quên mọi chuyện khổ đau từ dưới xóm lao động hay từ một nơi xa xôi nào khác luôn chờ chực cấu xé hồn tôi. Chỉ cần ẩn náu được thoáng chốc như vậy tôi cũng yên thân, cảm thấy gánh nặng trên vai vơi nhẹ phần nào mặc dù hoàn cảnh chưa hề thay đổi, không khá hơn một khi tôi rời mộ địa.
Trong nhiều năm sau tôi từng ghé những công viên chôn cất khác, kể cả nghĩa trang quốc gia Arlington rất nổi tiếng tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Mỗi ngày vẫn có hàng trăm du khách đổ về Arlington, xem ngọn lửa thiêng, viếng mộ chiến sĩ vô danh. Người ta ước lượng gần bốn triệu du khách ghé nơi đây mỗi năm. Thỉnh thoảng các đài truyền hình cũng chiếu lễ an táng một người lính nào đó mới hy sinh cho tổ quốc, hoặc phát trực tiếp hình tổng thống đặt vòng hoa tưởng niệm tại đài chiến sĩ vô danh. Nghĩa trang Arlington là nơi yên nghỉ của hơn 300,000 người lính. Họ nằm bên dưới những dãy bia trắng toát, hàng hàng lớp lớp chạy dài trên những ngọn đồi gần sông Potomac.
Ở tận miền tây Hoa Kỳ, chúng tôi từng ghé một nghĩa địa không có mộ, chỉ có một phiến đá lớn, ghi tên hàng chục người bị mất tích ở ngoài khơi Thái Bình Dương. Họ là ngư phủ, lên tàu ra biển một ngày kia từ vùng Coos Bay, Oregon. Họ chết mất xác trong giông tố, mưa gió, hoặc trong một đợt sóng lớn bất ngờ lật úp tàu đánh cá. Một ngày trong mùa hè năm 1999, chúng tôi dừng chân ăn trưa tại một bãi tàu ở Charleston, phía nam của vịnh Coos Bay. Sau bữa ăn núp gió trong xe, vợ chồng con cái tản bộ xuống bến tàu xem các ngư phủ trở về bến. Chúng tôi tình cờ bước vào một công viên nhỏ có dựng một bia đá khắc tên những ngư dân từng rời bến tại đây và không bao giờ trở lại. Trong khi vợ, hai con rảo bước đi nơi khác, chú ý đến các sinh hoạt của tàu thuyền, tôi đọc tên của những người không bao giờ có một mộ phần. Tấm bia nằm trên cao cạnh bờ biển, hướng ra khơi, gợi nhớ hình ảnh một thiếu phụ ôm con trong chuyện Hòn Vọng Phu mong chờ ngày chồng trở về. Khác với Hòn Vọng Phu, phiến đá biết các ngư phủ không có ngày về, chỉ là một tấm bia dựng bên cạnh một nghĩa trang bao la, thản nhiên như không biết có bao nhiêu mạng sống từng bị nuốt trong lòng đại dương.
Nhà hiền triết Mỹ Henry David Thoreau cũng từng gặp một phiến đá như vậy. Ông Thoreau thích sống tự lập, yêu thiên nhiên, không mấy tin cậy ở quyền thế. Tư tưởng hiếu hòa của ông ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới mà trong đó có tiểu thuyết gia Nga Leo Tolstoy, nhà lãnh đạo Ấn Ðộ Mahatma Gandhi, và vị lãnh tụ dân quyền Martin Luther King Jr. của Hoa Kỳ. Triết gia thường ngao du rừng núi sông hồ tại các tiểu bang trong vùng đông bắc, ghi chép trong sổ tay những điều tai nghe mắt thấy. Trong một lần ghé thăm mũi Cape Cod, Massachusetts vào khoảng năm 1850, ông Thoreau viết mấy dòng, “Chúng tôi nghĩ cũng đáng dành chút thời giờ để đọc những chữ khắc trên tấm bia tại một nơi có nhiều người bị mất tích ngoài biển khơi; không chỉ mất cuộc sống, nhiều người bị mất luôn xác hoặc không thể nhận diện; những dòng chữ khắc trên bia quá ngắn so với dự đoán vì số người mất tích không phải là ít. Nghĩa địa của họ là đại dương.”
Nghĩa trang Thái Bình Dương là mồ chôn của hàng nghìn, hàng vạn ngư dân Việt Nam bị cuốn ra khơi sau bao lần bão đến, và hàng nghìn, hàng vạn thuyền nhân bị chết chìm trên đường vượt biển trong cơn giông tố cộng sản. Vài mộ bia còn nằm trên đảo Pulau Bidong ở Mã Lai, đảo Pulau Galang ở Nam Dương. Hai đảo này từng là nơi tạm cư của nửa triệu người Việt tị nạn. Nỗ lực dựng bia tưởng niệm những thuyền nhân bị tử nạn được người Việt hải ngoại thực hiện tại hai đảo vào đầu năm 2005. Ðến giữa năm chế độ Hà Nội gây áp lực với chính quyền địa phương khiến bia bị đục bỏ, phù hợp với ý đồ xóa hết dấu vết tội ác của cộng sản.
Chiến tranh mang đến tội ác. Trong thời chiến người ta có hành động tàn nhẫn, dã man đã đành, thế nhưng trong thời hậu chiến họ có cần tiếp tục đối xử ác độc với nhau? Kẻ thắng trận có cần trả thù, hành hạ người thua cuộc để được thỏa mãn thú tính, thỏa lòng man rợ? Chế độ cộng sản không tự hỏi câu này nên mới mau chóng dựng lên những trại tù cải tạo ngay sau ngày chiếm miền Nam, để giam hãm, đọa đày những người từng đứng bên kia chiến tuyến. Tụi bay là lính Ngụy, phải ở tù cho đến chết. Nhiều cựu quân nhân đã chết. Một trong những người này là Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô, cha của cô Nguyễn Thị Bích Thảo.
Vào đầu tháng Chín tôi tình cờ đọc trên mạng một bài viết của nhật báo Wichita Eagle tại tiểu bang Kansas. Vài ngày sau nhật báo Người Việt tại California cũng có một bài viết tương tự về trường hợp cô Thảo tìm được cha sau hơn 30 năm xa cách. Lần chót gặp thân phụ còn sống vào năm 1975, Thảo thấy cha gầy trơ xương, đen xạm vì lao động ngoài trời suốt ngày tại một trại cải tạo ở Cần Thơ. Cô còn nhớ lúc sắp hết giờ thăm nuôi, cha trao cho cô mấy món đồ chơi mà ông tự chế cho sáu đứa con. Trước ngày cộng sản chiếm miền Nam, ông vẫn thường mua đồ chơi về cho con sau những lần công tác ở xa. Món đồ chơi mà cha dành cho Thảo là một con vịt nắn bằng đất sét. Ðến mùa hè năm nay cô mới gặp lại cha, mang tro cốt của ông đựng trong một bình sứ hình hoa sen đến Wichita, Kansas. Trong hành trình từ con vịt đất sét đến bình sứ hoa sen, ông Nô nằm dưới một nấm mộ ở miền Bắc trong nhiều năm, mất biệt gia đình. Vợ và các con, mà nhất là Thảo, vẫn thường nghĩ đến ông, bị dằn vặt vì một chương đời chưa được khép lại.
Tù nhân cải tạo Nguyễn Văn Nô chào đời tại Bạc Liêu, học trường Võ Bị Sĩ Quan Ðà Lạt, tu nghiệp quân sự tại Hoa Kỳ từ năm 1956 đến năm 1959. Vào năm 1976 ông bị chuyển trại từ Cần Thơ đến một trại tù khác ở Bắc Việt. Một năm sau ông mất vì bị trúng độc uống nước sắn luộc, tròn 40 tuổi. Ðến năm 1980 gia đình mới nhận được thư báo tử nhưng không biết ông được chôn ở đâu. Thảo qua Mỹ năm 1993, sống tại Wichita. Mùa xuân năm nay cô mang hai con đến thăm mẹ tại Arlington, Texas. Tại phòng mạch của một bác sĩ Việt Nam, Thảo nói chuyện với một ông bác trạc tuổi cha của cô, được biết ông cũng từng ở tù tại trại Hoàng Liên Sơn. Khi biết cha của cô là Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô, ông Lê Chu liền nói chính ông là người chôn ông bạn tù tên Nô. Ông Chu còn vẽ bản đồ, chỉ đường đến mộ nằm trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Bán tín bán nghi, Thảo tự hỏi làm sao có sự trùng hợp, gặp đúng người chôn xác cha mình một cách tình cờ trong một phòng mạch bác sĩ?
Một thời gian sau Thảo gởi tiền về cho anh rể tại Cần Thơ, nhờ anh đi xe lên phương bắc, tìm hiểu có phải mộ cha nằm ở tỉnh Yên Bái hay không. Thảo kể, “Mọi chuyện đều suông sẻ, chắc có cha phù hộ. Anh rể đến được ngay cái nhà vẽ trên giấy. Anh gặp chủ nhà, một người đàn ông tốt bụng, đã giữ gìn toàn bộ mồ mả của những tù nhân đã chết, được chôn tại đây.”
Ông Lê Chu từng mang cấp bậc trung tá. Ông kể Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô và ông cùng ở trong đội trồng rau xanh ở trại Hoàng Liên Sơn. “Hồi đó đói lắm, không có rau mà ăn, nên phải ăn sắn. Người tù phải lấy đọt sắn luộc lên ăn thay rau. Sắn có chất độc. Ăn ít thì không sao. Hôm ấy anh Nô uống cả nước luộc sắn.” Sáng hôm sau ông Chu biết tin có hai người chết đêm qua. Một trong hai người là ông Nô. Ông Chu không nhớ ngày chôn bạn, “chỉ nhớ lúc ấy lạnh lắm, chắc là mùa đông. Mùa đông thì tù ăn sắn lưu niên.”
Cùng với vài mảnh xương của cha, Thảo còn nhận được vài món vật dụng cá nhân được chôn cùng với xác: một đôi dép râu, một đôi dép nhựa vá chằng chịt, một gà-mên, muỗng, nĩa, dao, bàn chải đánh răng, lược, và ba cây viết. Ðặc biệt muỗng, nĩa, và dao có dấu khắc bằng đầu nhọn, có thể là đầu đinh được ông Nô cào trên mặt kim loại. Dấu khắc cho thấy chữ “N” trên muỗng, “V” trên nĩa, và “O” trên dao. Tro cốt của ông Nguyễn Văn Nô nay đã về với gia đình, được an nghỉ, ngày ngày nghe kinh siêu thoát tại chùa Liên Hoa, Arlington, Texas.
Nếu lời cầu siêu được bay xa, tỏa hương kinh trong cõi ta bà đến tận đồi Cây Khế, nhiều vong hồn khác cũng được ấm lòng, sớm được siêu thoát, không còn vương víu ở thế giới lạnh lẽo giữa âm và dương. Sau khi bài viết về ông Nguyễn Văn Nô được đăng ở hải ngoại, phóng viên Trần Tiến Dũng ở trong nước liền lên đường đến Yên Bái. Ông viết bài tường thuật gởi cho nhiều người trong giới viết lách tại hải ngoại. Tôi nhận được e-mail của ông trước khi đọc bài ấy trên báo Người Việt vào cuối tháng Chín.
Bài “Núi Lạnh: Hành Trình Tìm Về Những Nấm Mồ Hoang” của Trần Tiến Dũng để lại trong tôi một nỗi buồn thương xót những người tù cải tạo bị lãng quên trong những mồ hoang, lòng mến phục một bác nông dân mà cô Thảo từng gọi “một người đàn ông tốt bụng,” và một niềm vui phấn khởi, biết rằng trước sau gì công lý sẽ được sáng tỏ, sự thật sẽ được giải bày cho dù phải đợi mấy chục năm hay lâu hơn. Một chế độ có thể viết lại lịch sử, ca tụng kẻ quyền thế, có thể biện hộ cho luật pháp cai trị độc ác, nhưng không thể diệt lòng nhân, không thể xóa hết vết tích của những hành động trái với lương tâm.
Vài vết tích là những nấm mộ hoang trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, tỉnh Yên Bái. Trên đường tìm mộ, phóng viên Trần Tiến Dũng gặp ông Ðỗ Công Huyên, một người từng đi bộ đội ở Lào, sau 1975 về Việt Cường làm người giữ rừng, “bầu bạn với các ngôi mộ hoang.” Vợ chồng ông sống ở chân đồi Cây Khế, nơi yên nghỉ của hơn 50 sĩ quan của quân đội miền Nam. Nằm dựa lưng đồi Cây Khế từng có một trạm xá của trại cải tạo. Ông Huyên kể, “Khi ấy chắc là các bệnh nhân ở trạm chết đều được đưa lên đồi Cây Khế. Thế nên trừ một số mộ lẻ rải rác, hầu như các ông ấy đều nằm đây.”
Trần Tiến Dũng kể trong bài phóng sự:
Ông Huyên có một danh sách người chết bằng giấy học trò, do tự bàn tay thô kệch thợ rừng của ông nắn nót ghi chép tên, tuổi, nguyên quán, ngày sinh, ngày chết của từng người sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa học tập cải tạo đã chết trong khoảng từ năm 1975 đến 1978 ở trại cải tạo Việt Cường, tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ.
Trước mắt chúng tôi là cả đồi Cây Khế, trước đây là nơi yên nghỉ của hơn 51 sĩ quan cấp tá và tướng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa; đến nay cả ngọn đồi này chỉ còn lại 12 ngôi mộ còn bia và 5 ngôi mộ mất bia.
Hơn ba mươi năm hòa bình, đa phần các người lính chết mất tích của quân đội cách mạng và của quân đội đồng minh mà đứng đầu là Hoa Kỳ đều đã được trở về nhà. Vì sao cùng một hoàn cảnh mà chỉ những người lính Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh và sau chiến tranh là phải gánh chịu hết sự oan trái nằm lại với bờ bụi vô danh. [...]
Ðứng trước ngôi mộ “gởi lại,” chúng tôi định kể cho bác Huyên, anh xe ôm và ba đứa trẻ chăn trâu nghe chuyện: Sau cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ, ngay giữa nghĩa trang thủ đô Hoa Kỳ của phe miền Bắc thắng trận vẫn có một khu mộ và tượng đài tưởng niệm những người lính miền Nam.
Bác Huyên tiếp tục đưa tôi đi và tự tay vạch tìm từng tấm bia mộ nằm khuất trong đám cỏ dại đẫm sương chiều. Bác hỏi: “Thế anh ra đây không quen có thấy lạnh không? Trước đây rừng còn độc hơn giờ nhiều. Mà lúc ấy đa số các ông sĩ quan miền Nam này ra đến đây đều có tuổi cao cả đấy.”
Thời gian bác Huyên bầu bạn với những linh hồn lính miền Nam đã dài hơn cuộc chiến tranh mười ngàn ngày trước đây. Chiến tranh tuy đã kết thúc nhưng sao cuối cùng chỉ mỗi nắm xương tàn và linh hồn không tan của những người này phải tiếp tục trả giá, phải tiếp tục chịu mọi hậu quả của cuộc chiến tàn khốc đó.
Gió lại lạnh hơn, nhưng không gì có thể nghe thấu cái lạnh vùng thượng du đất Bắc bằng chính những tấm mộ bia đang nghiêng đổ trên đồi Cây Khế. Những tấm mộ bia nhỏ bé, sơ sài mang trên đó là những cái tên, ngày sinh, ngày chết, mang trên đó là cả khát khao mong ngóng gặp người thân đến mức tuyệt vọng. Ðó phải chăng là sự bấu víu cuối cùng trước khi chết một lần nữa, trước khi lạc mất vào vô danh.
Từ ngày bài phóng sự được đăng trên báo Người Việt, vài người cung cấp thêm tin tức về những ngôi mộ chưa có người nhận. Ông Nguyễn Hữu Danh viết: “Tôi đã ở cùng trại với anh Phan Văn O, cựu vận động viên đua xe đạp rất nổi tiếng của Việt Nam Cộng Hòa. Anh O chết tại hợp tác xã nông nghiệp Ðồng Phú, xã Việt Cường. Trại 7-liên trại 1 Hoàng Liên Sơn chỉ có 4 mộ, đã xác định được 3, vậy mộ bị nước cuốn là của anh Thu. Ba anh Thu, Thương, Thanh đến trại từ Cần Thơ vào tháng Sáu 1976.”
Có người vui mừng như Lâm Quang Vinh qua thư e-mail: “Nhờ bài phóng sự này mà gia đình đã tìm được phần mộ của ba cháu sau 31 năm thất lạc. Ba cháu là sĩ quan không quân Lâm Quang Ðỏ mất năm 1978.”
Danh sách ghi chép bằng tay của ông Ðỗ Công Huyên còn có Bùi Văn Phước, Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Quang Tôn, Nguyễn Phước Tôn, Trần Hữu Công, Lý Văn Phinh, Võ Tín, Dương Văn Sáu, Trần Tấn Chung, Nguyễn Văn Măng, Nguyễn Bá Thìn, Lương Mạnh Vân. Ở đồi Con Trăn còn mộ của Phạm Hổ, Hoàng Công (Văn) Dực, và “mộ hai anh em trốn trại, một người tên là Xuân.” Xã Vân Hội có mộ Ðặng Văn Thương người Sài Gòn và Phạm Văn Thành người Phnom Penh.
Từ ngày bài phóng sự được đăng, ông Ðỗ Công Huyên ở chân đồi Cây Khế hẻo lánh thế nào cũng sẽ bận rộn hơn với người ở phương xa. Họ có thể đến nhà ông từ miền Nam hoặc từ tận bên kia bờ Thái Bình Dương. Chắc “người đàn ông tốt bụng” này được yên tâm khi biết một ngày kia “các ông ấy” sẽ về nhà.
*
Ngẫm lại, “sở thích” ghé thăm mộ địa, lang thang qua những bãi tha ma của tôi có lẽ bắt nguồn từ một mối bận tâm, một bổn phận chưa làm tròn. Nghĩa trang đầu tiên trong đời mà tôi còn nhớ là nơi chôn cha tôi. Ông tử trận ở Tuy Hòa năm 1965. Người ta mang linh cữu về chôn ở Phường Cũi, Nha Trang, nơi tôi chào đời. Mười năm sau chúng tôi xa quê hương. Ðến nay đã hơn 40 năm kể từ ngày cha được hạ huyệt.
Mẹ tôi từng dứt khoát đoạn tuyệt với những kỷ niệm đau thương trong quá khứ. Ðó là cách từng giúp cho bà được vững mạnh lý trí, sống còn tại miền Nam sau ngày di cư từ miền Bắc. Bà mang ý chí quyết liệt đó đến Mỹ, ít khi nhắc đến cha tôi. Có lẽ chiến tranh đã không cho họ được những ngày hạnh phúc, gần nhau như những cặp vợ chồng khác, nên mỗi khi nhắc đến cha bà nhớ đến những chuỗi dài năm tháng phải một mình phấn đấu nuôi con giữa chợ đời. Xóa hết quá khứ giúp mẹ khỏi sống lại những cảm xúc đau thương còn sót ở trong lòng. Ðến thời gian sau này, mẹ biết tôi vẫn khấn vái trước bàn thờ cha mỗi ngày, nhưng bà tuyệt không nhắc đến chuyện tìm lại mồ mả, xem xương cốt như những món tài sản bị mất trong những lần di tản. Không ai quay về tìm lại chiếc xe đạp, chiếc áo. Hai đứa con là tài sản do ông để lại, vậy là đủ. Hồn ông đã siêu thoát đến một thế giới khác, cần gì phải níu kéo với mấy khúc xương.
Tôi tin mẹ đúng. Thế nhưng vẫn có đôi điều trì kéo tôi lại, một sợi dây thiêng liêng còn siết cha con. Tôi muốn được một lần thật sự chia tay với ông. Chúng tôi rời Nha Trang trong không khí âu lo của chiến tranh, không kịp thăm mộ ông lần chót. Kể từ năm 1975 đến nay tôi về Việt Nam được hai lần. Trong lần đầu vào năm 1998, tôi thăm quê vợ, dành nhiều thời giờ cho gia đình mới quen, được vài ngày theo mấy thân nhân ra miền Trung, đến Mũi Né, Phan Thiết. Tôi không thể đi xa hơn đến Nha Trang.
Trong lần thứ nhì vào năm 2000, tôi về đến Nha Trang, cũng theo nhóm thân nhân bên vợ. Chương trình của họ chỉ ghé nơi đây một ngày một đêm. Ngay buổi trưa mới đến, tôi liền bày tỏ ý định muốn tìm một nghĩa địa tại Phường Cũi, không tham dự buổi chơi ngoài bãi biển với mọi người. Hai ông anh đề nghị đi theo như để bảo đảm tôi không đi lạc hoặc gặp phiền phức với người địa phương, mà nhất là công an. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đi bộ về hướng Phường Cũi. Tôi nôn nao rảo bước rất nhanh, trong khi hai anh đi chậm một phần vì tuổi tác, một phần vì muốn xem phố phường. Ðến đầu phố tôi xăm xăm tiến tới phía trước, giữ khoảng cách vừa đủ để không bị thất lạc ngoài tầm mắt của hai ông anh. Tôi nhớ nghĩa trang nằm ở chân đồi. Từ đó nhìn lên cao tôi có thể thấy lưng tượng Phật ngồi trên đỉnh. Ði được hơn trăm thước vào trong xóm, tôi bắt đầu nhìn lên đồi tìm tượng Phật để định hướng. Ðúng là lưng Phật kia rồi, mà sao đường phố huyên náo, xe chạy qua lại, chợ búa đông người, có một đám cãi nhau ngay trước chợ, không thấy bóng mấy nấm mộ. Biết tôi dừng chân nhìn quanh quẩn, hai anh cũng đứng lại, vừa nói chuyện vừa chờ xem tôi muốn đi đâu họ sẽ đi theo. Ðến gần một nhà bán hòm, một anh đề nghị tôi vào hỏi đường. Bán hòm chắc quen chỗ chôn, anh nói vậy.
Một phụ nữ khoảng 30 tuổi lắc đầu, không biết nghĩa địa tôi muốn hỏi nằm ở đâu. Thấy tôi chưa muốn rời tiệm, cô quay vào trong nhà, gọi cha ra nói chuyện với người lạ. Vừa thấy tôi ông bán quan tài biết liền tôi là Việt kiều, hỏi ngay có phải tôi từ Mỹ mới về. Nghe tôi hỏi có nghĩa trang nào nằm gần đây hay không, người đàn ông đứng tuổi suy nghĩ vài giây xong mới nói, “Tôi biết, mà nghĩa địa đó bị dẹp lâu rồi. Giải phóng vô là họ dẹp mấy ngôi mộ. Mà hỏi chi vậy, có người thân chôn ở đó hả?”
“Ông còn nhớ tên nghĩa địa?”
“Mả Thánh. Nghĩa địa đó chôn nhiều người ngoại quốc từ thời Pháp. Sao ông có thân nhân chôn ở đó?”
Mả Thánh. Lúc đó tôi mới nhớ ra tên nghĩa trang. Ðúng là Mả Thánh. “Ông còn nhớ hồi trước Mả Thánh nằm ở đâu không?”
“Kia kìa. Ngay trước mắt đó!”
Theo hướng tay của ông, tôi thấy đám cãi nhau trước chợ. Vậy là nghĩa địa đã được san bằng để xây chợ. Tôi đứng yên vài giây, tính hỏi thêm, song lại thôi. Tôi cần mấy ngày nếu muốn tìm hiểu nhiều hơn. Thời gian thăm Nha Trang quá ngắn, tôi không thể bắt hai anh phải dành thêm thời giờ trong khi gia đình đang chờ ngoài bãi biển. Tôi cám ơn ông bán hòm, chào cô con gái đang nhìn theo chúng tôi. Buổi chiều hôm ấy mọi người vui chơi trên bãi cát, trong khi tôi ngồi nhìn ra khơi, chưa xóa được ấn tượng mấy dãy mộ bị thay thế bởi những hàng quán trong một khu chợ dơ bẩn, ồn ào.
Bữa hôm sau xe đưa nhóm du khách lên miền cao nguyên. Chiếc minivan càng chạy xa Nha Trang tôi càng xuống tinh thần, biết rằng tôi có rất ít cơ hội được trở lại. Mọi người trong xe đang vui chơi với mấy câu thơ “Qua Ðèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan, đổi chữ cho câu thơ mỗi lúc một vui nhộn hơn. Thấy tôi yên lặng nhìn ra ngoài cửa sổ, một bà chị hỏi nhỏ một người khác mà tôi nghe được, “Sao Ðạt buồn thiu, nãy giờ không nói gì hết?” Tôi ráng cười, nói rằng xe chạy đường đèo nên tôi hơi chóng mặt. Tôi không dám nói thật. Khó quá!
Mấy ngày sau vợ chồng tôi về lại California. Tôi lên mạng dò tìm địa chỉ, số điện thoại của các cơ quan tại tỉnh Khánh Hòa. Tôi gọi viễn liên vào mỗi buổi tối, canh đúng giờ ban trưa tại Nha Trang. Sau vài lần hỏi, bị chuyển từ văn phòng này đến văn phòng khác, không ai biết nghĩa địa Mả Thánh, cuối cùng tôi nghe một ông cán bộ ở một văn phòng nào đó nói rất chắc chắn, giọng tử tế. Các phần mộ đã được mang về Ðồng Bò, tập trung hết ở đó. Mọi chi tiết trên bia mộ được ghi lại. Ông đến Ðồng Bò thế nào cũng tìm thấy. Tôi cám ơn ông ấy, cảm thấy còn một chút hy vọng mặc dù không biết Ðồng Bò nằm ở đâu ở ngoại ô Nha Trang.
Thế rồi sáu năm trôi qua. Tôi không có đủ phương tiện tài chánh hoặc vì hoàn cảnh nên chưa thể về lại Nha Trang. Tôi cũng không muốn nhờ ai khác đến Ðồng Bò giúp tìm cha. Cầm được mấy khúc xương trong tay không hẳn là điều quan trọng nhất. Tôi muốn đích thân về tận nơi, được nhìn thấy thân phụ cho dù người ta chôn ông dưới đất, cất trong một hộc kéo, hay đựng trong một hộp giấy đóng bụi trên kệ. Trong cuộc hành trình ấy tôi không chỉ gặp lại thân phụ mà biết đâu còn giải đáp đôi điều cho chính mình. Nào ai biết chuyện gì sẽ xảy ra cho đến khi chuyến đi được khởi hành.
Nhiều lúc tôi thầm cám ơn sự việc bị mồ côi cha quá sớm. Sự ra đi của ông khi tôi mới bốn, năm tuổi khiến tôi phải trực diện cái chết lần đầu tiên trong đời. Kinh nghiệm bản thân đó thấm sâu, dai dẳng, đôi khi giúp tôi hiểu nhiều hơn bội phần so với mớ kiến thức lượm lặt từ những chồng sách vở. Có lẽ nhờ đó tôi sớm biết quí sự sống, nhận ra nhịp thở đều đặn trong muôn thú, nghe được mạch nhựa tuôn tràn trong cỏ cây, cảm được nụ cười của niềm sống xen lẫn giữa tiếng khóc của nỗi chết. Có lẽ sự mất mát là một món quà lớn nhất mà cha đã tặng cho tôi. Mỗi lần dừng xe, đi bộ trong nghĩa trang, tôi đón nhận những món quà của người khuất bóng, lắng nghe hơi thở không thể trở về từ bên kia những bia mộ. Tôi nhẹ nhỏm khi rời những mồ mả, biết rằng muôn vạn cái chết vĩnh viễn chính là niềm sống cho tôi trong giây phút phù du này.
Westminster, October 16, 2006
* Nguồn: Bài và hình ảnh từ VinhCuu.Net với sự đồng ý của tác giả.
*Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức:
TÌM Ở SAO TRỜI- Truyện ngắn Hoàng Mai Đạt - Ngọc Ân trích đọc trên đài Little SG Radio.