Đặc biệt lần này, ngoài lời tri ân đến các Thầy Cô từ học trò Ngô Quyền xưa, MGTT xin được vinh danh Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo, một người gắn bó gần như cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục, đã góp công không nhỏ trong việc đào tạo nhiều nhân tài cho miền Nam, và đã là niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò tiếp nối trở thành những nhà giáo có cả nhiệt tình lẫn tài năng.
Xin mời tất cả chs Ngô Quyền cùng quay về trường xưa trong tâm tưởng để tri ân những người lái đò ngày nào đã ít nhiều góp phần đưa chúng ta đến bờ bến thành đạt cùa đời người.
Trong 12 năm dài làm Hiệu trưởng Trung học Ngô Quyền (1961-1973), Thầy Phạm Đức Bảo không còn trực tiếp giảng dạy như thời Thầy còn là GS ở Quốc Học (Huế), nhưng hầu hết các chs NQ ở Đệ Nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) đều có dịp học với Thầy một hay hai giờ khi Thầy dạy thế thay cho GS chính vì một lý do nào đó phải vắng mặt. Những lần như vậy, cả lớp "ngoan" và chăm học hơn bình thường vì Thầy là ông Hiệu trưởng với quan niệm "thương cho roi cho vọt" thường xuất hiện trong sân trường với cây roi dài lăm lăm trên tay. Hình ảnh đó trở thành một ấn tượng không nhòa trong ký ức cúa tất cà chs NQ. Ngày xưa, học trò NQ sợ Thầy hơn là thương Thầy. Sau này, trưởng thành khôn ra, hiểu ra "nhờ ai ta có ngày nay", hình ảnh ông Hiệu trưởng nghiêm khắc với cây roi dài chừng như trở thành hình ảnh ông tiên cầm cành dương liễu. Nên cuối thập niên 90s , khi Thầy từ Đức qua Mỹ, ghé qua San Jose, chs Ngô Quyền miền Bắc đón tiếp Thầy rất nồng hậu với nhiệt tình của "thời mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy" dù tóc của nhiều anh chị đã đổi màu. Đó là lần đầu tiên chs NQ miền Bắc họp mặt đông kín cả nhà hàng, những người đến trễ phải đứng ở ngoài hàng hiên. Học trò thơ dại năm xưa đã trưởng thành, sự nghiệp vững vàng nên Thầy Hiệu trưởng không còn nghiêm khắc, không còn cầm theo cây roi. Nhưng học trò xưa vây quanh Thầy vẫn với lòng kính trọng như một thủa nào mắt sáng môi tươi với phù hiệu Ngô Quyền trên đồng phục học sinh. Đêm đó ở một góc San Jose, xa Biên Hòa nửa vòng trái đất, mắt thầy trò cùng lấp lánh niềm vui như những tinh tú trên trời vào một đêm đẹp trời cuối xuân đầu hè ……. Nguyễn Trần Diệu Hương-
học trò của chs Ngô Quyền khóa 5,6 và 7
Đầu năm Đệ lục (sau này đổi thành lớp 7) tôi được Thầy Hiệu Trường Phạm Đức Bảo cho phép chuyển từ "trường quê" Tân Uyên về "trường tỉnh “Ngô Quyền” kèm theo "lời răn đe": -Liệu mà học hành. Học không chăm, không giỏi sẽ bị đuổi về lại Tân Uyên. Mười hai tuổi, học trò nhà quê ra tỉnh, tôi vừa sợ Thầy, vừa sợ bị đuổi ra khỏi trường nên hết sức chú tâm vào chuyện học. Có lẽ nhờ vậy mà tôi có căn bản vững chắc trong mọi môn học, đặc biệt là môn Toán, môn có hệ số cao nhất của bậc Trung học. 5 niên khóa trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ, mỗi cuối năm học tôi đều được phần thưởng nên không… “bị đuổi về Tân Uyên” và cũng chìm lẫn vào cả ngàn nam sinh áo trắng quần xanh ngoan ngoãn của ngôi trường công lập lớn nhất miền Đông Nam phần. Cuối năm Đệ Nhị B1 (11B1 sau này), tôi đậu Tú tài 1 ưu hạng nên Thầy càng nhớ tôi hơn. Xong bốn năm ở Sư phạm Toán, tôi được đi học thêm một năm ở Pháp, rồi về lại quê nhà. Ghé thăm trưởng xưa, tôi gặp lại Thầy, lúc đó không còn là Hiệu trưởng Ngô Quyền mà đổi về Khu Học chánh. Thầy vẫn nhớ cậu học trò nhà quê năm xưa nên mặc dù tôi không còn được ưu tiên chọn nhiệm sở như lúc mới ra trường Đại học Sư phạm, Thầy vẫn nhận học trò xưa vào dạy Ngô Quyền như Thầy đã làm với rất nhiều học trò cũ thời Thầy còn dạy Quốc học ở Huế (trong số này có quý Thầy: Tôn Thất Long, Thân Trọng Bình, Tôn Thất Để, Trần Phiên, và Lê Quý Thể đã từng dạy Toán ở Ngô Quyền) Xin kính cảm ơn Thầy về tất cả những quan tâm Thầy đã dành cho học trò Ngô Quyền nói chung và em nói riêng. Lúc nào em cũng nhớ đến Thầy. Cầu mong Thầy luôn an lạc và vui khỏe như một thuở nào ở Ngô Quyền thân yêu.
BBT viết theo lời kể của Thầy Diệp Cẩm Thu, chs NQ khóa 7
|
… Ngôi trường Ngô Quyền mơ ước và thân thương đang đón chờ tôi, thời đó trường như vậy là khang trang, hiện đại lắm rồi: gồm hai dãy lầu quét vôi màu vàng, giữa là sân chơi với những hàng dương đã bắt đầu tỏa bóng mát. Ngoài ra phía trước, ngoài cổng bước vào bên trái còn một nhà trệt, mái ngói, cửa kính, đó là phòng thí nghiệm, phía sau và một bên sân có mấy nhà để xe cho học sinh.Nhớ về trường xưa, tôi và các bạn làm sao quên được công lao, nghĩa tình sâu nặng của biết bao thầy, cô đã vun đắp cho chúng ta… Huỳnh văn Huê – chs Ngô Quyền khóa 8 – Biên Hòa- Việt Nam
…Xin được có một Lời Tạ Ơn gửi đến các Thầy Cô đã dạy chúng em học tại trường Ngô Quyền Biên Hòa ngày xưa...!
Phạm Anh Quân – chs Ngô Quyền khóa 15– Biên Hòa- Việt Nam |
… Dù có đi khắp bốn phương trời, mãi mãi hình ảnh Thầy Cô, bè bạn dưới mái trường NGÔ QUYỀN luôn ở trong trái tim tôi. Thầy rất chân tình chăm lo cho tất cả chúng tôi, khiến cho chúng tôi ai nấy đều kính quý Thầy, cảm thấy thân yêu Thầy như người Cha trong gia đình, mọi người không ai bảo ai đều ra sức học tập chuyên cần để Thầy vừa lòng. Thầy rất hiền lành, nhưng cũng rất nghiêm, tận tụy siêng năng, chăm chút theo dõi việc học tập của từng người học trò một, không bỏ sót một ai... Thầy rất tình cảm, có lần tôi nhìn thấy Thày khóc, vì một bạn trong lớp vi phạm kỷ luật và bị điểm kém… Nguyễn Ngọc Xuân- chs Ngô Quyền khóa 7- Đà Nẵng- Việt Nam |
… Người Mỹ có phong tục rất hay, có ngày Thanksgiving để tạ ơn trời, để tạ ơn gia đình, tạ ơn bạn bè, tạ ơn những người chung quanh đã giúp mình. Tôi nhận lấy phong tục nầy. Xin được tạ ơn trời, tạ ơn cha mẹ, tạ ơn gia đình, tạ ơn thầy cô: thầy Phúc, thầy Hiệp , thầy Kỷ , thầy Bích, thầy Quyến (Pháp Văn), thầy Lan (Anh Văn), thầy Văn (Vạn Vật), thầy Hưng, cô Oanh (Sử Địa) và tất cả những thầy cô ở Ngô Quyền năm xưa. Tôi muốn viết một bài để tạ ơn thầy cô như nhà văn, nhà giáo Nguyễn Xuân Vinh viết trong "Thầy Còn Nhớ Tôi Không". Nhưng giáo sư Nguyễn Xuân Vinh viết hay quá. Tôi không thể nào viết một bài hay như thế được, xin thầy cô nhận nơi đây như những lời tạ ơn của em trong mùa lễ Tạ Ơn. Cũng xin tạ ơn các anh chị trong ban Chấp Hành Hội Ái Hữu CHS Ngô Quyền Biên Hòa đã tạo cơ hội cho chúng ta có dịp tìm lại nhau sau một quãng thời gian dài xa cách tưởng như không còn dịp gặp nhau nữa… Thung Lũng Hoa Vàng Mùa Lễ Tạ Ơn 2010 Nguyễn Anh Tuấn - chs NQ khóa 6 (1961-1968) - San Jose, CA- USA |
… Thầy dạy tôi môn Hóa Học. Người thầy cao ốm, khẳng khiu. Dưới đôi mắt kiếng dầy cộm như vỏ chai, thầy hay tít mắt lên cười. Thầy trẻ trung, vui tánh và hay pha trò nên không khí trong lớp học Thầy dạy rất cởi mở. Thầy dạy từ từ, rõ ràng, theo mức độ hấp thu của học sinh. Khi giảng bài Thầy dùng phấn nhiều màu để viết dàn bài hoặc vẽ hình minh họa . Thầy biến môn Hóa khô khan thành một môn học lý thú và dễ hiểu. Học sinh lơ tơ mơ như tôi mà lúc đó còn hiểu cấu trúc cơ bản nguyên tử (atom) gồm có protons, neutrons và electrons. Protons mang điện dương, electrons mang điện âm còn Neutrons thì trung hòa. Chính vì thấy mình không đến nỗi tệ trong môn Hóa nên sau này lên Đại Học tôi đã mạnh dạn đi theo ngành Hóa Học. Em xin cám ơn Thầy… Phạm Thị Hạnh-chs NQ khóa 11 – (Australia) |
NHỮNG LỜI CHƯA NÓI. Tôi rời xa mái trường Ngô Quyền năm 1970, thoáng chốc đã 40 năm với bao bước thăng trầm trong cuộc sống, tuổi đã vào Thu biết bao kỷ niệm còn luyến nhớ, cỗng trường xưa, con dốc lài từ Đài kỷ niệm xuống Biên Hùng chỉ còn trong trí tưởng. Bao người xưa phiêu bạt nơi đâu, chợt nhớ ra mình cũng còn “ Những lời chưa nói” với Thầy với Cô của những ngày đi học. Cô ĐàoThị Nga tôi vẫn luôn nhớ đến cô, năm đầu thất 4 những bài Anh văn vỡ lòng Let’s Learn English. Nhớ đến cô như nhớ đến những ngày hiên ngang lên Trung học. Suốt 7 năm dưới mái trường Ngô Quyền, tôi rất sợ các giờ của quý Thầy Nguyễn Văn Phố, Nguyễn Thất Hiệp, Tôn Thất Để, Tôn Thất Phong, Lê Văn Tuý và Lê Quý Thể, không biết vì quý Thầy quá nghiêm hay bản thân tôi dở Toán. Trái lại tôi rất ham học những giờ Việt văn với Cô Bùi Thị Ngọc Lan với những bài văn nhẹ nhàng, cô Hà Bích Loan với những câu chuyện thần tiên "Bích Câu Kỳ Ngộ”, thầy Đoàn Viết Biên với những bài thơ của Nguyễn Khuyến, bà Huyện Thanh Quan và thầy Phạm Ngọc Quýnh với tuyệt tác “Kim Vân Kiều”. Với sở thích của mình lẽ ra tôi phải chọn ban C khi lên đệ nhị cấp, nhưng “Đường về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u mê” của mấy đứa bạn hiên ngang chọn ban B để cho mấy cô em biết mình giỏi Toán. Ngoài cô Đào Thị Nga, môn Anh văn còn có cô Võ Thị Thu Thủy, Thầy Nguyễn Xuân Kính, Thầy Nguyễn Văn Lan, cô Phan Thị Tốt và thầy Phạm Văn Dật. Môn Pháp văn vẫn nhớ đến cô Nguyễn Thị Mỹ và thầy Đinh Hữu Quyến và còn nữa thầy Nguyễn Ngọc Ẩn với môn Sử Địa. May mắn tôi vẫn còn thường gặp lại cô Bùi thị Ngọc Lan với nụ cười hiền hòa thuở nào, gặp lại cô Hà Bích Loan một lần cùng với cô Phạm Thị Nhã Ý vẫn nhớ lời nhắn nhủ ân cần của cô “Người viết văn thơ muốn viết cho đạt, phải đặt cái tâm hòa trong lời viết”. Gặp lại thầy Nguyễn Văn Lan vào năm 1996, thầy đến Mỹ từ Paris và Thầy trò đã có một đêm tâm sự. Riêng thầy Nguyễn Văn Phố cũng ở gần đây thôi, tôi đã thường tự nhắc với bản thân mình, cố gắng mỗi tháng đến thăm để nghe lại giọng nói, và nhìn lại dáng cao gầy của thầy. Kính thưa Thầy, kính thưa Cô. Là một đứa học trò đi lạc nhưng vẫn còn một lối để quay về, với trái tim còn thổn thức để được nói lên “NHỮNG LỜI CHƯA NÓI” trong mùa lễ tạ ơn. Nguyễn Hữu Hạnh- Orange County . CA USA |
… Từ Khiết Tâm, tôi “leo rào” qua Ngô Quyền vì nghe nói học sinh trường Ngô Quyền đẹp lắm, học giỏi nữa, bao nhiêu người trẻ tài hoa đều tập trung ở Ngô Quyền, định mệnh đẩy đưa tôi trở thành học sinh Ngô Quyền với năm học cuối cùng của bậc trung học, bao nhiêu những kỷ niệm đẹp, huy hoàng mà suốt đời tôi không quên được với một năm học cuối này. Ở đây tôi tham gia các sinh hoạt thể thao, văn nghệ, xã hội... gặp gỡ những người bạn, người em thân thương, chân tình, chia xẻ những băn khoăn, trăn trở của tuổi mới lớn. Cũng nơi đây tôi nhận thấy tình cảm yêu thương tận tâm tận lực của các thầy cô như: thầy Bảo, thầy Lê Quý Thể, thầy Lâm Tấn Văn, thầy Mai Kiến Phúc, cô Tốt dạy Anh văn, thầy Thành... và còn nhiều nữa, các thầy cô đã đem hết tình yêu thương cũng như khả năng để dạy chúng tôi, giúp chúng tôi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Nhớ lại ngày xưa còn nhỏ, ông bà, ba mẹ tôi thường dạy rằng: "một chữ cũng là thầy", hoặc "mùng một tết cha, mừng hai tết chú, mùng ba tết thầy". Hồi còn học bậc tiểu học ở trường làng quê, mỗi dịp tết đến tôi thường đi bộ đến nhà từng thầy cô để chúc tuổi. Thời gian đã qua, đầu đã bạc, nay có dịp ôn lại cái thủa xa xưa ấy. Rất chân thành cám ơn Ban Biên Tập cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa đặc biệt mục Một Góc Thầy Trò đã tạo cơ hội cho tôi được viết lại dòng tâm sự này, với lối văn, ngôn từ mộc mạc hy vọng với lòng thành cũng đủ để tỏ lòng tri ân quý thầy cô đã giúp tôi có ngày hôm nay. Nguyện xin ơn trên tuân độ nhiều hồng ân xuống cho quý thầy cô, đặc biệt hằng ngày trong lời cầu nguyện xin cho quý thầy cô đã quá cố được hưởng phước đời đời... Đinh Quang Bình-Trưởng Khối Thể thao NQ (nk72-73) -Dallas TX USA |
THẦY ƠI! Thầy nén lại tiếng ho trong ngực Giấu cơn đau khớp gối trở trời Không để cho đời riêng cơ cực Làm nặng nề bài học tinh khôi. Tóc đen theo thời gian bạc trắng Lưng còng thêm những nỗi lo toan Nếp suy tư hằn trên vầng trán Vắt cạn nguồn kiến thức cho con. Thầy đứng lại để con bước tới Bóng hoàng hôn tỏa ánh nhân từ Ấm lòng con tình thầy vời vợi Tuổi học trò chẳng chút ưu tư . Thầy đã chắp cho con đôi cánh Bằng lời hay ý đẹp mênh mông Bàn tay thầy tiếp thêm sức mạnh Giữa bão giông vẫn thấy an lòng. (Kính nhớ tất cả các thầy cô của mái ấm NQ) Hà Thu Thủy - Biên Hòa- Việt Nam |
Sau cùng, cũng xin được gởi lời tạ ơn trong tâm tưởng đến tất cả các Thầy Cô đã quá cố. Cầu mong quý Thầy Cô được thanh thản ở cõi vĩnh hằng.
Tôi rất xúc động khi hay tin Thầy Trần Văn Kế đã qua đời. Rất tiếc là từ khi Thầy sang Mỹ tôi chưa có lần nào có dịp được thưa chuyện với Thầy. Trong quãng đời làm học trò Ngô Quyền, tôi chỉ nhận được lời khen duy nhất từ Thầy. Lời khen của Thầy, dù có hơi thiên vị, đã an ủi tinh thần tôi rất nhiều trong những lần vấp ngã. Phạm
Kim Luân-Trưởng
Khối Báo chí Ngô Quyền ( nk 73-74)- Hòa Lan
|
... Lần Thầy thay “van tim” ở bệnh viện San Jose những ngày đầu thế kỷ 21, tôi vào bệnh viện thăm Thầy, thấy Thầy vẫn còn hôn mê trên giường bệnh chằng chịt ống dẫn nước biển. Bên cạnh, Cô mệt mỏi ngủ ngồi. Tôi rón rén đặt bình hoa trên bàn rồi lặng lẽ ra về. Hôm sau, Thầy gọi điện thoại cảm ơn làm tôi cứ thắc mắc mình đã cảm ơn đủ những điều mình đã nhận được từ Thầy Cô từ bao năm qua hay chưa? Đầu mùa Xuân 2007, chs Ngô Quyền ở miền Bắc California tiễn Thầy về với hạc nội mây ngàn. Ở rất nhiều nơi trên thế giới, chắc hẳn rất nhiều học trò cũ của Thầy ở Vĩnh Long, ở Biên Hòa cũng gởi lời cầu nguyện vào hư không tiễn Thầy về với Chúa. Cũng như chs Ngô Quyền các khóa 15, 16 và 17 đã thành tâm tưởng nhớ Cô Phạm Thị Khang, Cô Lê Thị Mỹ và cầu mong hai Cô được sớm siêu sinh tịnh độ. Nguyễn Trần Diệu Hương- Phó Tổng Thư ký BĐH HS NQ (nk 74-75) |