
Chuyến Úc Du bắt nguồn từ lúc thầy Bát Tuấn từ Úc về Bắc Cali thăm thầy Thất Hiệp và học trò Ngô Quyền. Lúc đó tôi đi chơi xa không thể tháp tùng về Thung Lũng Hoa Vàng họp mặt bỏ túi mừng thầy.
Tôi cũng không biết chính xác người đề xuất chương trình đi Úc thăm thầy Bát Tuấn là ai. Có lẽ là đại sư huynh Trầm Hữu Tình và cô giáo xinh đẹp Ma thị Ngọc Huệ. Khi Nga Frook nói với tôi và rủ tôi đi chung. Tôi không lưỡng lự OK liền.
Thứ nhất tôi đi khá nhiều nơi nhưng chưa từng đi Úc. Nước Úc mà anh Hùng khóa 5 NQ định cư ở đó thường nói tếu tếu là Úc Thòi Lòi hay Xứ Chuột Túi. Nước Úc mà trong cuốn tiểu thuyết được dịch ra "Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết (The Thorn Birds)" Cuốn truyện mà lứa tuổi chúng tôi ngày đó say mê đọc. Chuyện tình kinh điển giữa linh mục Ralph de Bricassart và cô gái Meggie Cleary. Trong tôi trận cháy rừng kinh hoàng trong cốt truyện đã khiến tôi luôn hình dung trong đầu về một nước Úc với đồng cỏ mênh mông và những đàn cừu. Sự thật, đó là sự tưởng tượng điên rồ của một bà già lẩm cẩm. Nơi tôi đến là Sydney, địa điểm du lịch là những nơi nổi tiếng ở đó. Đồng cỏ bạt ngàn với đàn cừu ư? Xưa rồi - bỏ qua đi tám.
Lý do thứ hai là thành phần tham dự chuyến Úc Du tôi thấy thật vui vì... toàn là bô lão, tuổi từ 83 đến 73 đầy sức sống. Đoàn gồm có 7 người: 3 ông khứa lão và 4 bà già gân. Dân Ngô Quyền có Trầm Hữu Tình, Ma thị Ngọc Huệ, Nga Frook, Nguyễn thị Thêm. Dân Chu Văn An có anh Lê Bảo Cầu. Dân Gia Long có Đinh thị Hồng Phượng (vợ anh Cầu). Dân Petrus Ký có anh Đoàn Vĩnh Khải tên Mỹ là Eric Doan. Chương trình Úc Du là 10 ngày kể cả đi lẫn về. Nói chung tổng cộng 7 ngày du hí. Rất ngắn.
Trưởng đoàn tuy phong độ, một thời oanh liệt, thành tích giúp người có thừa. Nhưng giờ tuổi già sức yếu, khả năng lãnh đạn chỉ mấy người mà anh muốn te tua. Nhiều thêm nữa chắc anh gục ngã tại sa trường. Thôi thì chỉ 7 anh em trên một chuyến xe Đỗ Hoàng là đủ rồi.
Đừng nghĩ rằng tuổi chúng tôi là phải ẩn mình chờ chết. Chúng tôi phải làm một cuộc cách mạng dẫn nhau đi du lịch. Sẽ ghé thăm thầy giáo cũ, ngắm "Con Sò" xem "Chuột Túi'. Dù phải dìu nhau đi cà nhắc hay ngồi thở dốc trên một băng đá nào đó ở xứ Úc Thòi Lòi chúng tôi cũng phải đi.
Trưởng đoàn du hí: Sư huynh Trầm Hữu Tình đã liên lạc với A.V. Travel Tours book vé máy bay. Mọi người đều mua Insurance cho chắc ăn. Hẹn ngày đến văn phòng tour làm Visa qua Úc. Anh Tình tìm trong Google kiếm một nơi có thể ăn ở thoải mái, 7 người già sinh hoạt tập trung vui vẻ. Cuối cùng anh chọn được một nơi thích hợp. Một vacation home tại Liverpool yên tĩnh 3 phòng ngủ, hai phòng tắm, phòng khách rộng đầy đủ ghế bàn để tiếp khách. Bếp có chén dĩa, dụng cụ nhà bếp. Balcony có ghế có bàn hướng ra một ngọn đồi đẹp như tranh vẽ. Giá cả thuê cũng phải chăng chưa tới 40$ /một người/ngày.
Xe đưa rước đi du lịch anh Tình đã nhờ Dũng anh em cột chèo sống tại Sydney lo dùm. Anh Dũng ký hợp đồng với nhà xe Đỗ Hoàng và đã ứng tiền đặc cọc. Hai xe đưa rước chúng tôi từ Orange County ra phi trường LAX cũng đã lấy hẹn xong.
Iphone tôi mua dùng đường line của AT&T nên muốn sử dụng bên Úc phải mua đường line giá $10/ngày hơi mắc. Anh Cầu cũng xài At&T giống tôi. Nhân viên của AV Travel giúp chúng tôi download một app ESim tên là Normal chỉ giá trọn gói 15$ xài suốt chuyến đi ở Úc.
Ngày chờ đợi đã điểm (01 April 2025) bảy người không còn trẻ chúng tôi xếp đồ đạc thuốc men vào vali sẵn sàng lên đường Úc Du.
Chuyến bay chúng tôi (hãng Delta Air Lines) bắt đầu bay lúc 10:25 tối nhưng Nga đã đến nhà tôi lúc 3:30 chiều để cùng đi. Chúng tôi ghé tiệm bánh mì mua "cơm tay cầm" và bánh Pate Chaud . Già rồi phải có cái gì ăn vững bụng để không bị đường dọt lên đồi cao hay tuột xuống dốc thì nguy.
Hẹn tập trung tại nhà anh Khải 4:00pm. Mọi người đều có mặt đúng giờ như lính. Nhà anh Khải trong khu Villa sạch sẽ tươm tất và khá rộng rãi. Xe anh Tình và anh Cầu đậu ngay trong parking lot nhà anh Khải nên yên chí lớn. Chồng Nga Frook chở chúng tôi đến rồi về nên không cần chỗ đậu xe. Chúng tôi vì đến sớm nên lấy bánh mì ra ăn, nói chuyện rôm rả thật vui.
Anh Tình tuyên bố. Nhân danh trưởng đoàn anh sẽ chịu trách nhiệm về khách sạn, xe cộ đưa rước, địa điểm du lịch và lịch trình đi thăm thầy. Anh Cầu làm thủ quỹ, phụ trách chi thu. Nga có bổn phận check in cho cả đoàn khi tới phi trường. Tiền lính tính liền, anh Cầu bảo chúng tôi ma rốc móc ra mỗi người 600 dollars xung vào quỹ chi tiêu cho chuyến đi chơi, thiếu thừa tính sau. Anh nhận tiền xong bắt tay làm việc liền. Trả lại tiền tạm ứng đặt cọc xe cộ bên Úc cho anh Tình. Trả Nga Frook tiền ứng trước mua bánh mì sáng nay. Từ giờ trở đi mọi vấn đề liên quan đến tiền bạc, chi thu thủ quỹ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Phe ta cứ phè phỡn ăn no, đi chơi và hưởng thụ.
Đúng 5 giờ, 2 chiếc xe tới đón đưa chúng tôi ra phi trường LAX . Hai vợ chồng chủ xe khá dễ thương, vui vẻ và thật thà. Phe nữ chúng tôi ngồi xe người chồng lái. Các cụ ông ngồi xe chị chủ với hành lý chất đầy xe. Xe bon bon trên freeway, những câu chuyện kể của bác tài vừa vui vừa dễ thương. Mấy chị em tôi lần đầu tiên cùng đi chơi xa nên rất nôn nao. Chúng tôi gọi phe các ông ngồi xe trước là "Ban Lãnh Đạn" gánh trách nhiệm trong suốt chuyến đi.
Đến phi trường, hành lý được đem ra khỏi xe. Nhìn đồ đoàn mọi người tôi hơi..quê khi thấy mình mang theo hơi nhiều. Một vali ký gửi free. Một carry on đựng thuốc men, võng gác chân, gối giữ cổ khi đi máy bay. Vài bộ đồ lỡ khi hành lý gửi đi thất lạc. (Kinh nghiệm xương máu của bản thân khi tới Iceland mà hành lý còn ở LAX) Một túi xách nhỏ đựng giấy tờ, pin Iphone dự phòng và ít đồ ăn vặt. Cái túi nhỏ móc vào carry on tôi đẩy đi nhẹ hều khỏi tốn sức. Nga Frook đồ đạc giống tôi, Huệ không mang carry on, còn các người khác thì mang theo rất ít. Thường đi du lịch một mình, tôi tự túc tự cường đẩy hai vali của mình theo đoàn vào khu check in.
Phần check in hoàn tất, chúng tôi sắp hàng đi vào khu vực check Security .Tôi có TSA nên qua khu vực kiểm tra rất nhanh Nhìn vé trao tận tay mới biết cả nhóm được xếp chỗ ngồi rải rác gần cuối phi cơ. Nhưng không sao, già gân nên chẳng ai than phiền chi cả. Ngồi ở gate chờ đợi, ai nấy lôi phone ra bấm bấm. Anh Cầu vào trang FB gửi hình mấy lão ông, lão bà bà ngồi chờ .
Anh viết trong Facebook:
Waiting for a flight to SYDNEY. We are going to see kangaroo
Thấy vui vui tôi thọt mấy câu thơ comment trong Facebook anh
Vì bay đêm nên chúng tôi được phục vụ bữa tối. Gần giờ đáp có phần điểm tâm. Các bạn biết rồi, phần ăn trên máy bay không bao giờ ngon đối với khẩu vị người Việt, nhất là dân Cali mình. Tuy nhiên mỗi người đều còn một cái bánh Pate Chaud và thủ theo đồ ăn vặt nên cũng OK . Dặn nhau nhiều lần hải quan Úc rất khó nên trái cây hay thức ăn phải thanh toán sạch sẽ trước khi vào hải quan. Hành lang đi lại trên máy bay khá rộng nên Nga, Phượng, Huệ cứ dẫn nhau đi tới đi lui vì " Ngầu lôi tăng kể khíu chọ" (ngồi lâu tê cẳng khó chịu) ha ha.
NGÀY THỨ NHẤT
Chuyến bay đêm đáp xuống phi trường Sydney Kingsford Smith mới hơn 7am sáng. Làm thủ tục hải quan xong, chúng tôi mà đúng hơn là thủ quỹ ghé quầy đổi tiền Úc để chút nữa trả tiền xe ( $1.00 USD đổi được $1.54 AUD.). Bởi vì anh Cầu nắm quỹ chi tiêu nên cả đoàn không ai đổi tiền Úc. Riêng Ngọc Huệ có một ít tiền Úc do con trai tặng lại cho mẹ, sau khi cháu đi chơi ở Úc về. Ai nấy đều nói đùa: "Phải bảo vệ thủ quỹ chặt chẽ vì đây là người quan trọng nhất"
Qua cửa hải quan phe ta kéo hành lý ra ngoài. Ông trưởng đoàn dáo dác gọi phone tìm người đón. Thủ trưởng dẫn đường, đoàn xã xệ lếch thếch kéo vali đi theo... Vòng vo, quanh co một hồi, nhận được tin nhắn gặp nhau tại tiệm Mcdonald. Lại hỏi thăm và đi tìm. Mèn ơi! Tiệm Mcdonald nằm ngay trong khu vực phi trường chỗ mình đứng tập trung lúc mới ra. Cũng may chỗ đó có một tốp người VN của đoàn khác đứng chờ. Ông tài xế của chúng tôi tưởng là đoàn mình đón, nhào tới hỏi thăm. Ông nhờ họ nhắn dùm, nếu gặp chúng tôi thì dặn đứng đó chờ ông quay lại tìm. Ha ha, đúng là phe ta như "Tư Ếch đi Sài Gòn" vui thiệt.
Bác tài vui tính, nói tiếng Tàu rành một cây, tiếng Thái sơ sơ, tiếng Việt kha khá. Vậy là trúng bài, phe ta vui hết cỡ. Nga Frook phóc lên ngồi phía trước ở ghế phụ tài. Hai người nói chuyện như bắp rang cả tiếng Tàu lẫn tiếng Việt suốt cả chuyến đi. Lâu lâu anh Tình chêm vài câu tiếng Thái ông ta hào hứng đáp trả. Tất cả cười thả ga, quên đi mệt nhọc ngồi mười lăm tiếng trên máy bay lúc nãy.
Xe chạy thật xa đi tìm khách sạn Quest Serviced Apartment Campbelltown như trong hợp đồng. Chạy vuột qua, dừng xe ngó loanh quanh rồi cua lại. À đúng nó đây rồi, cái bảng tên khách sạn nằm sờ sờ nhưng khó thấy. Cả nhóm mừng quá xuống xe kéo vali vào. Anh Cầu và anh Tình trao đổi với tài xế, thanh toán tiền xe. Theo hợp đồng, ngày nào đi trả tiền ngày đó, tiền trả nhiều hay ít tùy đoạn đường và thời gian đi.
Vào khách sạn, chúng tôi kiếm mấy cái ghế dựa ngồi nghỉ xả hơi. Anh Tình và Nga lại quày check in. Chưa tới giờ nhận phòng nên chúng tôi tập trung hành lý vào một chỗ gửi lại khách sạn. Chúng tôi đi khám điền thổ, thăm dân cho biết sự tình. Nơi đây xa khu phố thị, chợ búa Việt Nam không có, dân cư không đông đúc. Nghe bác tài xế nói đây là khu xí nghiệp, xa khu người Việt và xa những địa điểm du lịch. Dù vậy phía trước khách sạn cũng có nhà hàng, quán ăn và tiệm cà phê.
Đã tới giờ bao tử biểu tình, chúng tôi kéo vào tiệm KFC mua gà rán ăn trưa, Ngọc Huệ order một bữa ăn giá vừa phải, ngon miệng vì đói. Nhìn nhau thấy vui vui "Từ Mỹ kéo qua Úc ăn gà rán KFC " Tếu thiệt.
Đi lòng vòng câu giờ rồi cũng đến lúc nhận phòng. Vào thang máy và bấm nút. Ting! thang máy mở ra, một hành lang dài và nơi ở của chúng tôi nằm cuối dãy. Bước vào, không gian khá ấm cúng với 3 phòng ngủ, một phòng khách, phòng ăn và nhà bếp. Vợ chồng Cầu & Phượng một phòng riêng tư. Anh Tình, anh Khải một phòng với hai giường nhỏ. Restroom, phòng tắm 4 người xài chung. Thêm & Nga một phòng sau lưng nhà bếp. Huệ chọn ghế sofa bed queen size cạnh phòng khách. Ba đứa xài restroom chung trong phòng chúng tôi.
Nhà bếp và phòng ăn rộng rãi có bàn ăn với đầy đủ ghế ngồi. Nồi niêu,ly tách, dĩa muỗng, bếp nấu đều có. Dù xa nơi thị tứ, nhưng nơi đây rộng rãi, yên tịnh. Ngồi ăn chung, tám chuyện thoải mái nên ai cũng hài lòng. Chúng tôi nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn chút gì đó rồi ngủ một giấc lấy sức ngày mai xuất quân.
Đã tới Sydney, tôi và anh Cầu mở app của sim điện thoại mua lúc ở Cali. Iphone anh Cầu kết nối thành công, Iphone tôi thất bại. Anh Cầu cố gắng giúp dùm nhưng cũng không được, chẳng biết tại sao. Từ giờ trở đi tôi "mất mạng" ở xứ Úc Thòi Lòi.
Chúng tôi khởi hành ở Cali ngày 01 tháng 4, tới Sydney đã là 3 tháng 4. Chỉ có 6 ngày du hí ngắn ngủi. Ngày 10 là đã ra phi trường về lại nhà. Cho nên đoàn lão tử quyết giữ gìn sức khỏe để tận vui.
NGÀY THỨ NHÌ
Chương trình ngày thứ nhì (thứ sáu 04/4/25) chúng tôi sẽ đi Sydney Opera House, Sydney Harbor Bridge, Sydney Fish Market
Ngay tại khách sạn có ăn sáng, tiền trả sẽ thanh toán trước khi rời khách sạn. Giá hình như 20$/người. Chúng tôi kéo nhau xuống phòng ăn, rải rác cũng có người. Thức ăn đơn giản như bất cứ phần ăn sáng nào ở các khách sạn ở Mỹ. Ăn xong chúng tôi thấy không ngon và mắc nên thống nhất với nhau không ăn sáng ở nơi này nữa.
Hôm nay thời tiết vào thu nên se se lạnh. Chúng tôi đứa nào cũng thủ áo ấm và nón. Bác tài hôm qua đón chúng tôi nhưng giờ lái chiếc xe khác rộng rãi thoải mái hơn. Xe chạy khá xa mới tới Opera House. Đây là công trình biểu tượng của Sydney và cũng của toàn nước Úc. Nhà hát Con Sò này nằm ở Bennelong Point, gần cầu cảng Sydney Harbor. Ban ngày nhà hát màu trắng nổi bật trên nền trời xanh. Buổi tối sẽ là một nhà hát với ánh sáng rực rỡ tuyệt đẹp.
Buổi sáng nắng vừa lên, hình ảnh "Nhà Hát Con Sò" nổi bật trên nền trời. Mấy ông bà già chụp hình đủ kiểu với con sò nằm im há miệng. Hình chụp thì nhiều lắm cứ 4 bà già rồi 3 ông lão. Lâu lâu nhờ được người chụp hình dùm thì mới có đủ mặt 7 khứa lão Cali.
Chúng tôi cẩn thận leo lên các bậc thềm thật cao rồi từ từ dắt nhau đi xuống (rất cẩn thận vì té một cái là đại... đại nguy to). Chúng tôi hết đứng rồi lại ngồi để tạo dáng chụp hình. Anh Cầu chụp hình rất đẹp, chịu khó lẫn tận tình làm phó nhòm cho các người đẹp tuổi xế chiều. Thú thật với các bạn, hình tôi có được đều là do anh Cầu và Nga Frook cung cấp.
Anh Cầu vui quá post hình vào trang Facebook của mình và thi sĩ đề thơ như sau: (Tôi copy không sửa hay thêm dấu vào sợ tác giả kiện bản quyền ) ha ha
Đi vào bên trong nhà hát chỉ thấy hình ảnh, các cửa vào khán đài và nơi bán đồ lưu niệm.
Rời khỏi nhà hát Opera House, chúng tôi đi tới Sydney Harlbor. Đây là cây cầu thép lớn nhất trên thế giới, một trong những biểu tượng của xứ sở chuột túi. Bề mặt của cây cầu này chia ra hai tuyến đường sắt 8 làn xe hơi và một làn đường dành cho người đi bộ. Nơi đây cũng là một địa điểm bắn pháo hoa hàng năm đón mừng năm mới. Chúng tôi đứng ở bến cảng, ngắm xa xa cây cầu này chứ không đến đó. Cảnh bến cảng rất đẹp và sầm uất, gió biển thổi vào mát lạnh dễ chịu. Những tòa nhà chọc trời nổi bật uy nghi san sát nhau. Phe ta lại chụp hình. Anh Khải chân yếu nên đi chậm nhưng lại là người mê chụp hình và quay phim nhất. Đang đi chung, thấy cảnh đẹp là anh dừng lại bấm bấm rồi lạc đoàn. Có khi dừng lại làm quen chụp hình với mấy bà du khách. Báo hại chúng tôi lại dáo dác tìm anh rồi chọc anh thật vui. Anh Khải là một người vô cùng yêu đời, đầy sức sống.
Đã đến giờ trưa, bao tử sắp biểu tình. Theo chương trình bác tài chở chúng tôi đến Sydney Fish Market. Một vị trí mà ai đến Sydney thích ăn hải sản đều phải mê. Một nơi mà bất cứ loại hải sản nào cũng có, tươi chong và có thể mướn nấu ngay tại chỗ. Những bàn ăn đều kín người không còn chỗ trống. Trên các bàn ăn tôm hùm, cua, tôm, mực vừa mới nấu hoặc nướng xong ngon lành bắt mắt. Nhìn gian hàng bên tay phải trái cây chưng ngoài cửa ngon ơi là ngon. Ôi chao! Một địa điểm đúng ý phe ta. Chúng tôi không chờ đợi kéo nhau vào bên trong tiệm. Những kệ trái cây hấp dẫn mê tơi. Mãng cầu xiêm, mãng cầu ta, xoài, nhãn, thơm thứ nào nhìn cũng muốn ăn. Bên cạnh còn bán một số đồ ăn vặt. Không quan tâm đến giá cả, mạnh ai nấy chọn loại mình thích. Cô giáo Ngọc Huệ bốc thoải mái trái cây và thức ăn cho cả nhóm. Ông thủ quỹ tay xách nách mang, túi lớn túi nhỏ nhanh nhẹn trả tiền.
Đói quá rồi, phải ăn thôi. Tôi thấy một bàn khách ăn xong vừa rời đi, tôi vội nhào vô tự mình lau dọn để giành chỗ. Người phục vụ đi tới tỏ ý không chịu. Tôi chỉ vào trong nói bạn đang sắp hàng order thức ăn. Họ lau bàn và đồng ý cho chúng tôi ngồi bàn đó. Đặt mấy túi trái cây lên bàn, ai muốn ăn loại nào cứ lấy tự nhiên. Bên cạnh có tiệm bán nước mía. Thế là không chần chờ, ông thủ quỹ và chị nuôi Ngọc Huệ sắp hàng order mỗi người một ly. Đang khát nước mà có ly nước mía, còn hạnh phúc bằng. Nào nâng ly lên chụp hình. Vui quá là vui.
Anh Khải và anh Tình ngồi giữ chỗ, phe nữ đi vào bên trong Fish Market. Nga, Ngọc Huệ, Phượng vào trong sắp hàng order thức ăn. Tôi đi lòng vòng trong chợ. Phải nói là ba bên bốn bề toàn hải sản tươi sống. Ê hề, ê hề nhìn đã mắt. Lại thi nhau chụp hình với người bán hàng, các loại hải sản, bảng quảng cáo ...Ngọc Huệ đã order xong, phụ nhau đem ra bàn. Đúng là hải sản tươi sống, vừa nấu xong còn nóng hổi thật ngon.
Về khách sạn, chúng tôi lôi thức ăn và trái cây ra ăn nữa. Chấm dứt một ngày vui.
Vì bài dài, xin mời xem phần hai tuần sau.
Nguyễn thị Thêm.