Chiếc xe công nhân dừng lại chỗ trống trước sân điểm dân. Ông đội trưởng nói lớn:
- Bà con lên xe đi, hôm nay mình làm ở An Viễng.
Mọi người chạy ùa ra chiếc xe vừa đậu, họ lên xe rất nhanh và đứng ở gần thùng xe để chiếm chỗ. Tôi cũng vội đi về phía đó nhưng vẫn đứng yên chưa biết phải trèo lên xe thế nào cho an toàn.
Rất nhanh một cậu thanh niên nhỏ con, chân có tật trèo lên thùng xe. Cậu ta đứng trên đó ngó xuống, thấy tôi vẫn chưa lên cậu la to:
- Chị ơi, chị đưa đồ lên em cầm dùm cho, lên xe lẹ lên.
Tôi ngước lên nhìn cậu ta lưỡng lự chưa biết có nên nhờ không? Em ấy thấp người, yếu ớt, cái chân mang tật phải bước khập khiễng. Nó tội nghiệp như vậy có thể giúp tôi không? Nhưng sao em ấy leo lên gọn gàng nhanh nhẹn thế ấy. Mọi người lục đục leo lên xe. Tôi vẫn còn đứng dưới đất loay hoay với cái sạc lai và giỏ cơm. Thùng xe cao như thế, tôi làm sao leo lên đây?
Cúi người xuống sâu hơn, em ấy đưa tay ra ngoài về phía tôi nói lớn:
- Đưa sạt lai và giỏ cơm cho em.
Tôi vụng về cố nhướng người gửi đồ nghề về phía em rồi tìm chỗ để leo lên thùng xe. Em ấy di chuyển về phía bánh xe và la lớn:
- Chị ơi! Leo lên ở chỗ này nè.
Tôi nghe lời đưa chân vào chỗ bánh xe, tay bám vào chỗ nhô ra của thùng xe cố gắng leo lên. Cao quá, một tay tôi sắp bị tuột ra, tôi chới với chưa biết phải làm sao thì một bàn tay của em đã nắm chặt tay tôi và kéo tôi lên.
Sau khi định thần và đứng yên, tôi nhìn em cười và cám ơn. Em nắm tay kéo tôi đứng sát thùng xe và dặn dò:
- Chị đứng sát thùng xe, nếu xe lắc quá thì phải giữ chặt không thôi té. Nếu mà té trúng sạt lai thì tiêu tùng.
Rồi em nhìn tôi cười, một bên má lúm đồng tiền, một cái răng khểnh ngỗ nghịch dễ thương, da trắng có dáng lai lai. Đẹp trai ra phết. Tôi cười nói với em:
- Cám ơn em, không có em chị không biết làm sao leo lên xe với mớ đồ nghề này.
- Không có gì chị ơi! Em leo xe quen rồi. Mỗi ngày. Như vượn.
Rồi nó nhìn tôi đôi mắt dò tìm chớp chớp ngại ngần:
- Chị mới đi làm ngày đầu à? Tôi gật đầu. Nó nhún vai:
- Hèn chi! Dòm chị em biết ngay mà. Giống như gà rù. Rồi nó lại cười lớn có vẻ như khen mình đoán trúng chóc.
Xe chuyển bánh lắc lư. Mọi người trên xe tự nhiên nói cười. Họ đã quen rồi mỗi ngày như vậy. Vui vẻ đi làm, mọi việc dẹp một bên, chuyện gì rồi cũng sẽ qua. Tôi bấu chặt tay vào thành xe lo lắng. Xe lắc lư liên hồi, tôi cố gắng kềm chế để khỏi ngã. Bỗng xe lắc mạnh mọi người nghiêng hẳn về bên hướng tôi đứng. Cậu trai đưa cả thân hình đứng chắn trước tôi chịu đựng lực người dồn qua. Xe lại nghiêng qua hướng khác tôi lai ngã cả người về phía cậu ta. Cậu ta đưa tay giữ cho tôi đứng yên. Đợt lắc lư đi qua xe lại chạy bình thường lại. Cậu cười nói với tôi:
- Đường xấu xe gặp ổ gà rất thường chị chú ý nha.
Đó! Tôi quen em ấy như vậy đó. Ngay ngày đầu tiên tôi làm công nhân cao su, trên chuyến xe lao động ra nông trường. Tôi còn đang miên man trong ý nghĩ về em ấy thì chiếc xe lắc manh dữ dội như va vào một cái gì rồi đột ngột dừng lại. Mọi người đều ngã về phía trước, đồ đạc trên xe va cả vào chân. Thấy tôi ngồi dậy mặt còn ngơ ngác em cười lớn:
- Trông chị hết hồn mà em tức cười. Thời xã hội chủ nghĩa xe ngừng như vậy đó.
- Tại sao? tôi thắc mắc
- Tại vì xe chạy mà dầu thắng không có. Muốn ngừng phải tìm một cái dốc cao để cản lại. Coi như thắng xe. Dễ ợt.
Mọi người như quen rồi lần lượt xuống xe. Em xuống trước cũng nhanh như vượn. Xong em gọi vói lên:
- Chị đưa sạt lai xuống cho em. Trèo lên thùng xe, thòng chân đưa xuống đụng bánh xe rồi lần xuống. Xuống ở bánh xe sau cho dễ. Có em ở dưới này. Đừng sợ.
Tôi nghe lời chỉ dẫn của em và an toàn đặt chân xuống đất. Hai chị em theo nhóm công nhân sắp thành hàng đi theo ông đội trưởng già. Tới vị trí phân công hai người chung một lối dãy cỏ bồn cao su non. Em nói với ông đội trưởng xin bắt cặp với tôi. Tôi nhìn em ái ngại:
- Chị chưa biết làm gì đâu, em bắt cặp với chị làm không kịp bác đội trưởng la em chết.
Em lại cười lòi cái răng khểnh liếng khỉ:
- Đừng lo, bác Năm miệng la to nhưng bụng ổng trống trơn. Hay là chị sợ em có tật chân làm không ra trò.
Em nhìn tôi đăm đăm, tôi vội đính chánh:
- Không có! Đừng hiểu lầm chị, lần đầu tiên đi làm công nhân, chị sợ chị làm không tốt ảnh hưởng tới em.
Em cười lớn:
- Yên chí lớn! Em làm giỏi lắm. Nhỏ nhưng có võ. Em tên Lực là lực sĩ mà chị.
Thấy em thật dễ thương, tôi cười vui vẻ nói với em:
- Chị thứ Chín em cứ gọi chị là chị Chín.
Lực nói không sai, vô làm việc mới thấy em lanh lẹ và giỏi. Em tuy có tật nhưng làm rất nhanh, thành thạo. Em làm xong phần bên em, nhảy qua làm tiếp phụ cho tôi để tôi theo kịp. Em nói tôi đừng làm kỹ quá không theo kịp người khác. Chống sạt lai nhìn tôi em nghiêm túc nói:
- Lần sau mình đâu có bắt lại lối này đâu. Ai cũng làm như em vậy thôi. Chị làm cỏ quá sạch bác Năm lại nghĩ chị làm không có năng xuất, chị bị phê bình. Ai sao mình vậy, bác Năm nhiệm thu OK là được.
Vì cao su hàng này cách hàng kia khá xa, mạnh ai nấy làm, người bên này không hề thấy lối làm của người khác. Tôi quen làm việc đàng hoàng tự trọng, không muốn ai nói mình nặng lời nên dẫy cỏ sát đất, sạch trơn. Giờ ăn trưa, tôi đi vào lối vài người thì thấy Lực nói đúng. Họ dẫy cỏ vẫn còn sót trong bồn cao su. Bác Năm vẫn nhiệm thu như thường.
…
Ở trong đội bác Năm người ta kêu em ấy là thằng "Thằng Lực" mặc dù có hai người so ra nhỏ tuổi hơn em. Tôi hỏi em tại sao và em có giận họ không? Em cười vô tư và nói:
- Em là thằng dân ngu khu đen, má em là "Bà Đừng" có ai coi trọng má em đâu. Họ mà kêu em là anh chắc em cười chết. Kêu gì cũng được miễn mình không làm điều gì xấu là OK phải không chị.
Lực kể với tôi nghe nhà em có hai anh em. Anh lớn của Lực tên Tài. Một lần nhà Lực bị pháo kích Chân em bị thương nặng. May nhờ trực thăng quân đội Mỹ tải thương vào bệnh viện của quân đội đồng minh nên em được cứu sống. Một cái chân không cứu được và em bị tật đến giờ. Em liếng thoắng kể:
- Mấy ổng muốn pháo kích vào chỗ đóng quân của Mỹ mà không biết tọa độ nên cứ pháo vào nhà dân nên em lãnh đủ. May mà lính Mỹ tải thương kịp đó chị. Lúc đó em bị ngất đi có biết gì đâu.
Em nói khi em tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện, xung quanh toàn là lính Mỹ em hết hồn hết vía. Các vết thương hết thuốc mê đau nhức vô cùng. May nhờ sự tận tình của hàng ngũ bác sĩ và quân đội Mỹ khi cấp cứu và điều trị nên em mới được cứu sống. Người em đầy những vết thương lớn nhỏ ghê lắm. Người Mỹ tốt lắm chị ơi! Họ không phân biệt màu da và rất thương trẻ con. Em tự hào kể tên mấy người bạn Mỹ khi nằm điều trị.
- Em biết tiếng Mỹ nha chị. Lúc đầu em chỉ có ra dấu thôi. Sau đó họ dạy tiếng Mỹ cho em. Mấy người Mỹ nghe em nói họ hiểu hết trơn.
Rồi em đọc vài tiếng Mỹ thông dụng khi giao tiếp bằng giọng bồi nghe vui vui. Em thầm thì tâm sự như sợ có người nghe lén:
- Không có lính Mỹ cứu em thì em đã chết từ lâu rồi. Mấy ổng đánh Mỹ ở đâu không biết mà cứ pháo kích vào nhà dân. Vết thương và sự tật nguyền này đâu có nhằm nhò gì đâu chị. Em còn sống là phước đức ba đời nhà em. Má em bả mừng lắm. Bả lạy tạ Trời Phật, lạy cả mấy người lính Mỹ khi họ đưa em về nhà.
Tôi rất thương em, một chàng trai vượt qua sống chết để sống lạc quan và tốt bụng. Tôi là người khỏe mạnh. Một thời đã làm việc ở tập đoàn lao động xã hội chủ nghĩa miền Bắc vậy mà thua xa lắc một chàng trai mới lớn cà thọt chân. Tai nạn đã tạo cho em một ý chí sinh tồn, một cái đầu nhạy bén trước mọi công việc. Được sống lại nên em rất yêu đời và sống rất tình nghĩa.
Một lần phải vào lô cao su phạt chồi. Cỏ tranh cao hơn đầu người. Tôi và Lực một lối. Tranh rất dày và dai. Tôi phạt chồi không quen nên vã mồ hôi, phồng cả tay đau rát mà không được bao nhiêu. Lực bảo tôi:
- Chị lùi ra phía sau ngồi nghỉ, cứ để mặc em.
Rồi Lực đi tìm một nhánh cao su khô khá dài. Em cười đập tay vào nhánh cao su và nói:
- Chị xem lực sĩ Lực ra tay nè.
Em để nhánh cao su lên trên đám tranh và em nhảy đứng lên đó. Nhánh cao su đè rạp đám tranh xuống. Em cứ thế nhảy đi tới như cóc nhảy. Tôi chỉ việc theo sau em phạt sạch những đám tranh ngoài rìa sót lại. Làm một hồi đám tranh nằm rạp xuống thông thoáng và nhanh. Tôi hỏi em giọng lo ngại:
- Lực! Đội trưởng nói mình phạt tranh, còn em đè tranh coi chừng bác Năm không chấm công hai chị em mình.
- Không sao đâu chị! Cứ để em tính với bác Năm. Rồi nó nhìn tôi háy một bên mắt nghịch ngợm.
Bác Năm đến kiểm tra bác lắc đầu nhìn Lực:
- Ê thằng quỷ! Mày làm cái trò gì vậy?
- Con diệt tranh như bác dặn.
Bác Năm trợn mắt nhìn Lực, tôi đứng đó vừa quê vừa lo, thằng Lực vẫn tỉnh bơ. Nó nói hùng hồn:
- Để rồi bác Năm coi con làm như vầy so với các người khác bên nào ngon hơn. Kỳ phạt tranh kế bác cứ phân công con và chị Chín làm đúng lối này. Con cam đoan tranh không mọc được. Chị em con không cắt tóc tranh mà chị em con diệt tranh. Bác đội trưởng trợn mắt:
- Ừ! Để tao chống mắt xem như thế nào. Thằng Quỷ.
Mà đúng vậy, kết quả đã thấy một tháng sau làm lại nơi này. Trời mưa lối của hai chị em tôi cỏ tranh bị đè bẹp thúi gốc không lên nổi, trong khi những lối khác tranh bị phạt đứt ngọn gặp mưa lên cao vút, xanh rì. Hai chị em nhận lại lối cũ làm khỏe re.
Vì có đợt tuyển thêm lao động từ ngoài Bắc vào. Giám đốc Nông trường ra lệnh làm nhà cho dân. Nhóm thợ mộc nông trường cưa gỗ làm cột kèo dựng nhà. Đội chúng tôi có nhiệm vụ cắt tranh, đánh tranh và lợp nhà. Ban đầu tôi nằm trong nhóm cắt tranh và đánh tranh. Lần đầu tiên làm việc này lại không có bao tay, tranh cắt tay chảy máu ròng ròng. Tranh đem về phơi trên sân chơi tennis của chủ Tây lúc trước. Tranh khô đem đánh thành từng tấm để lợp nhà. Tôi lại học làm một việc mới sau cuộc đổi đời. Lúc trước thấy nhà lợp tranh tưởng làm dễ lắm. Khi bắt tay làm việc với thấy khó. Tranh cắt phải vuốt bỏ gai mắc cỡ và cỏ dại ra rồi mới bó lại từng bó đem về. Khi đan tranh lại với nhau phải ghì thật chặt nếu không giơ tấm tranh lên lợp tranh sẽ bị bung ra rớt xuống.
Khi nhóm thợ đã dựng xong sườn nhà, ông Giám đốc đến tận nơi nhiệm thu và ra lệnh toán phụ nữ ngày mai phải trèo lên lợp nhà. Cả bác Năm và các chị ùa lên phản đối, nhóm công nhân nam trợn mắt ngạc nhiên. Từ xưa tới nay việc lợp nhà trèo lên nóc là của đàn ông. Vậy mà ông Giám Đốc này làm cuộc cách mạng đổi đời tôn vinh phụ nữ một cách tréo ngoe:
- “Đàn ông làm được, đàn bà cũng phải làm được. Đánh Mỹ đàn bà không sợ tại sao lại sợ lợp nhà.”
Thấy mọi người vẫn còn có vẻ không đồng ý. Ông Giám Đốc nhìn bác Năm ra lệnh:
- Ai không đồng ý ngày mai đem cơm nước tới đây tôi cho xe chở tới nơi người thượng ở. Ba ngày sau tôi sẽ cho xe tới chở về. Họ sẽ dạy mấy cô cách lợp nhà.
Bác Năm bị giám đốc hù sợ quá quay qua năn nỉ:
- Thôi ngày mai mấy cô cứ tới đây làm việc đi. Cái gì cũng khó khăn bước đầu. Làm từ từ sẽ quen thôi mà. Rồi bác quay qua Giám đốc :
- Anh Tư an tâm, ngày mai họ sẽ làm tốt.
Ông giám đốc gật đầu
- Mai tôi sẽ tới kiểm tra, ai không làm thì nghỉ việc.
Ông giám đốc đi rồi thằng Lực nhìn theo xì một tiếng:
- Thuở đời nay đàn bà con gái bắt leo lên lợp nhà. Ai mà ở mấy nhà này có môn mạt rệp, xui tận mạng.
Tôi ra về lòng nặng trĩu: "Đúng là chạy đâu cũng không thoát. Ở quê chồng bị phân công chăn trâu ngay ngày đầu tiên. Cấy lúa thì xã trưởng theo dõi nhổ lên kiểm tra từng cây mạ. Về quê mẹ thì bị giám đốc thử thách trèo lên nóc nhà lợp tranh. Số mình thật mạt rệp".
Tôi về nhà kể cho má tôi nghe bà lắc đầu buồn ra mặt giống y chang má chồng tôi khi nghe tôi bị phân công giữ con trâu Bầu. Bà già nhìn tôi ái ngại:
- Rồi con tính sao con?
- Thì ai làm sao mình làm vậy. Lợp nhà thì lợp nhà. Có sao đâu má đừng quá lo.
- Nhưng con sợ cao, làm sao dám trèo lên mái nhà rồi còn lợp nữa
Tôi nhìn má thương quá, bà còn sợ hơn tôi nữa. Tôi an ủi má:
- Không sao đâu má, có nhiều người sẽ giúp con.
Sáng hôm sau, chúng tôi bị bắt leo lên nóc nhà thật, ngài giám đốc đứng dưới đất giám sát. Thằng Lực nắm tay tôi an ủi. Nó nói với bác Năm cho tôi đưa tranh còn nó sẽ lợp nhà thế tôi nhưng bác Năm từ chối. Bác nói nhỏ với thằng Lực:
- Đây không phải chỉ là lợp nhà mà còn có lý do chính trị nữa. Đừng nói nhiều rồi cô Chín sẽ quen thôi.
Tôi từng bước leo lên thang, dọ dẫm trèo lên mái nhà đầy sợ hãi. Thằng Lực ở dưới luôn nói vọng lên an ủi tôi:
- Chị bắt ở lối kế chị Năm Lửa, ngay cây đòn ngang sẽ vững hơn. Bình tĩnh, em sẽ đưa tranh cho chị tới tận tay. Đừng nhoài người ra phía ngoài nhiều mấy cái sườn tre yếu lắm.
Tôi làm một hồi rồi cũng quen tay. Lực ở dưới đưa tranh cho tôi nắm bắt dễ nhất có thể. Ở lưng tôi đeo một mớ lạt để cột tranh vào thanh tre làm kèo, tôi cẩn thận lần từng bước cột tranh phần lối của mình. Tôi nín thở cẩn thận, không dám nhìn xuống dưới nhiều sợ bị chóng mặt. Tất cả nhóm đàn bà con gái đều là lần đầu leo lên lợp nhà nên ai cũng sợ. Không dám đùa giỡn nói nhiều như những lần làm việc dưới đất.
Ở bên kia, không biết có chuyện gì, hai chị em nhà ông Mười Lé lại cãi lộn. Hai đứa này cãi lộn là chuyện thường ngày khi đi làm. Đôi khi tụi nó còn đánh nhau túi bụi. Con Chiến vốn hỗn thuở giờ. Nó chanh chua hung dữ có tiếng trong đội. Sau 75 chị họ nó là Thắng từ Đông Hà vâng lời cha vào Nam nương tựa vào chú là ông Mười Lé ba của Chiến. Thắng xin vào làm công nhân nông trường một đợt với tôi. Không ngờ gặp nhỏ Chiến lại cùng làm chung đội ỷ thế coi Thắng không ra gì. Hôm nay leo lên mái nhà đầy nguy hiểm hai chị em lại cãi lộn om trời. Một lúc Thắng nói gì đó làm nhỏ Chiến tức giận đòi đánh Thắng. Thắng cũng không vừa thách thức:
- Mi có gan thì bò qua, con ni khôn biết sợ con mô tê. Đánh thì đánh.
- Chiến tức quá đứng lên trên mái nhà chống nạnh chửi to chuẩn bị bò qua đánh lộn, cả cái mái nhà rung rinh. Bác Năm ở dưới la lên:
- Muốn chết hả? Làm việc đi. Bây muốn quánh lộn lợp xong cái nhà này rồi quánh. Quánh chết bỏ tao cũng không can.
Con Chiến dợm bò qua, mái nhà tranh tre đơn giản lắc lư như đưa võng dễ sợ. Cả bọn đàn bà ngồi trên mái nhà hốt hoảng, hai con điên này mà ra tay thì cả bọn té xuống đất như chơi. Bác Năm miệng la nhưng trong lòng cũng sợ tụi nó nổi cơn khùng làm thiệt. Bác hét lớn:
- Muốn quánh lộn hai đứa bây xuống đây. Hôm nay tao không chấm công ngày mai khỏi đi làm luôn.
Con Chiến thấy bác Năm làm dữ chịu thua ngồi xuống miệng vẫn còn chửi thêm mấy câu cho đỡ tức rồi tiếp tục làm việc. Con Thắng cười đắc ý trả lời lại mấy câu rồi cũng nín. Cuộc chiến tranh bằng mồm tạm thời lắng dịu. Chúng tôi nhìn nhau …Mừng hai sư tử cái không còn nổi điên để mọi người làm việc.
Sau 1975 tôi về miền Trung quê chồng, tham gia vào hợp tác xã đội 11 học cấy lúa đông xuân, hè thu. Học cắt lúa bằng vằng, gánh lúa bằng đòn sóc, chăn trâu cắt cỏ, đạp nước ruộng sâu gian nan vất vả. Ước muốn về miền Nam bên cha mẹ sung sướng như xưa. Nhưng khi về lại nơi này tất cả cũng thay đổi. Tôi không thể tiếp tục dạy học vì lý lịch ngụy và hộ khẩu. Vì miếng cơm manh áo tôi xin vào làm công nhân cao su. Một nghề mà cha mẹ tôi đã cho tôi ăn học để thoát khỏi nó.
Bây giờ với cuộc sống mới XHCN tôi lại phải học những điều không tưởng. Nếu ở miền Trung tôi vô cùng sợ hãi khi giữ con trâu Bầu. Thì ở nơi này tôi sợ nhất là phải trèo lên mái nhà lợp tranh. Thì ra đất nước thật sự đã sang trang, tôi và tất cả những người dân miền Nam phải thay đổi cuộc sống và chấp nhận số phận của mình.
Thằng Lực mặc dù tật nguyền nhưng nó có uy tín trong đội. Bác Năm cũng nể nó vì thỉnh thoảng nó cũng giúp bác giải quyết mấy vụ hơn thua tranh giành chỗ làm giữa các công nhân. Nhìn nó có vẻ lất khất ngang ngạnh nhưng trong nó là sự hiền lương, tốt bụng. Thấy việc bất bình là nó ra tay bất kể là ai.
Tôi với nó làm chung lối, ăn cơm chung. Lâu dần nó coi tôi như người chị ruột, tôi coi nó như em trai. Những việc làm bất cần đời của nó, nhưng câu nói tục hay chửi thề nó hay xài tôi nhẹ nhàng khuyên bảo. Tôi khuyên nó phải có hiếu với má nó. Đi làm tiền lương phải đưa cho má giữ một phần. Nhu yếu phẩm và gạo tiêu chuẩn phải mang về đưa hết cho má đừng đem cho người khác bừa bãi. Tôi có dịp là nhắc nhở, dặn dò để nó trở thành người tốt hơn.
Nó cũng bênh vực tôi nhiều lần khi tôi bị chị em con Chiến tìm cách mai mỉa nói móc nói khóe. Con Chiến hay nhìn tôi mà nói trổng không:
- Cóc chết ba năm mới quay đầu về núi. Tưởng làm ông nọ bà kia chứ ngờ đâu cũng về đây ôm gốc cao su. Hay
- Ôi! Cái thứ tưởng làm thầy làm cô, ngờ đâu làm phạt chồi dãy cỏ cũng không xong.
Tôi thường lặng yên không nói gì vì nó không đáng để tôi tranh cãi. Tôi chỉ mỉm cười tiếp tục làm việc của mình. Nhưng thằng Lực không nhịn, nó biết tỏng con Chiến nói ai. Nó vác phạt chồi đi lại phía con Chiến:
- Ê! Mày nói ai thì nói tên ra đi, thằng này ghét mấy đứa nhiều chuyện. Có ngon chửi tay đôi với tao nè.
Con Chiến cũng biết thằng này liều mạng nên nói qua quýt rồi làm thinh. Nhiều lần như thế bác Năm cũng rất bực mình, ông gặp ba con Chiến kể lại, chú Mười Lé chửi nó một trận ra hồn, bắt nó phải đến tận nhà tôi xin lỗi nó mới hết xỏ xiên.
Khi đã ở hơi lâu và quen biết với những người bạn cùng làm chung tổ đội với mình. Tôi được biết thêm về gia cảnh của Lực. Theo lời kể lại Má Lực không biết người nơi nào trôi dạt về đây. Người ta gọi má Lực là “Bà Đừng”. Dân trong làng thương hại con nhỏ tật nguyền khùng khùng tội nghiệp nên cho quét chợ để đổi lấy thức ăn. Ai cần gì kêu chị làm rồi cho bao nhiêu tùy hỷ. Mỗi ngày chị ngủ ở vỉa hè của kho vật tư hay ở sạp thịt ở chợ. Rồi một ngày họp chợ sớm người ta thấy chị quần áo rách bươm, tóc tai bù xù đi vào chợ vẻ mặt sợ hãi vô cùng. Hỏi chị, chị nói lấp vấp run run không ai hiểu được chị đã nói gì, chỉ biết chị gặp chuyện gì khủng khiếp lắm.
Thời gian trôi qua, mọi người cũng quên đi ngày hôm đó, nhưng nhìn chị mập hẳn ra có dáng của một người phụ nữ mang bầu. Bụng chị càng ngày càng to, người ta đoán ra ngày đó chị bị hiếp. Mà thằng hiếp chị không biết là thằng khốn nạn nào nỡ lòng hiếp một người con gái tật nguyền dơ dáy xấu xí. Nhìn chị mang bầu, dáng đi nghiêng nghiêng nê cái bụng càng tội nghiệp. Cái miệng méo méo ngập ngừng cà lăm lại mỉm miệng cười hạnh phúc khi có người vò vò cái bụng bầu an ủi. Tình mẫu tử thiêng liêng đã khiến chị yêu thương vô bờ cái thai trong bụng. Có người theo hỏi chị người đàn ông đó là ai? Chị chỉ lắc đầu nói:
- Tối thui, nặng lắm, đau lắm, sợ lắm.
Hôm ấy chị đang quét chợ bỗng than đau bụng chuyển dạ. Một người đàn ông tốt bụng chở dùm chị lên trạm xá của sở cao su. Chị sinh ra hai đứa bé trai khỏe mạnh, trắng trẻo thật xinh. Tin “Bà Đừng đẻ hai thằng con trai" khiến mọi người tò mò kéo nhau đến nhà thương xem mặt hai đứa bé để đoán “Thằng khốn nạn đó là thằng nào” Hai thằng con vô thừa nhận được đặt tên là Tài và Lực.
Nhờ sự đùm bọc thương yêu của bà con làng xóm, hai thằng bé lớn dần trong cảnh đói nghèo nhưng trắng trẻo dễ thương. Người ta xin cho chị làm công nhân dọn quét chợ và sân điểm dân nên chỗ ở, gạo và tiền lương sở phát cũng tạm cho mấy mẹ con sinh sống. Mặc dù tàn tật nhưng tình thương con của người mẹ thật bao la đến người ta phải sợ. Chỉ cần con chị khóc là chị sẵn sàng đưa tay ra bảo vệ, che chở. Cái điên của chị sẽ nổi lên khủng khiếp khi thấy con bị một kẻ nào đó ức hiếp. Chủ nhân của cái thai vô thừa nhận vẫn không thể tìm ra. Hai thằng bé đẹp như tây không thể là con của đám công nhân lam lũ. Có người đoán mò là chị bị Mỹ trắng hiếp nhưng điều đó không thể xảy ra vì lúc đó quân đội Mỹ chưa về đóng quân nơi này.
Khi tôi về đây thì thằng Lực đã đi làm mấy năm. Nó là công nhân biên chế, lương lãnh cao hơn tôi, tiêu chuẩn nhu yếu phẩm nhiều hơn tôi. Như Lực nói, nó và anh nó giống hệt nhau, chỉ là anh nó lành lặn hơn, đẹp trai hơn nên dì của nó đã nhận về làm con nuôi rồi. Má Lực và nó ở đây vì má nó không muốn rời bỏ nơi tình nghĩa này. Nơi đã cho nó ra đời và nuôi dưỡng đùm bọc mẹ con nó.
Một lần vào dịp Tết, thằng Lực được nhận nhu yếu phẩm đến 2 hộp sữa bò. Nó lù lù đến nhà tôi và tặng tôi một hộp. Tôi nhất định từ chối bảo phải để dành cho má nó bồi dưỡng.
Nó cười kể cho tôi nghe về nó và má nó. Nó nói:
- Má em hiền lắm, em muốn xin gì là cù lét má, má em bị nhột lăn lộn dưới đất. Em muốn gì má cũng ừ liền. Hộp sữa này má biểu em đem tặng chị, chị uống cho khỏe. Má em nói từ hồi chị đi làm chung em tốt ra nên má em muốn cám ơn chị. Hộp kia má đòi bán em không cho, em khuấy bắt má uống mỗi sáng trước khi má ra chợ. Chị nhận đi cho má em vui.
Tôi không biết làm gì hơn đành nhận và gửi Lực đem về biếu lại má em ấy một số trái cây trong vườn.
Tôi làm trong đội bác Năm không lâu, nông trường mở khóa lai tháp cây cao su và tôi được tuyển chọn. Lực không được chọn vì chân em có tật không thể ngồi tháp cây. Công việc làm vườn ươn và lai tháp cao su không tốn nhiều sức như công việc lao động ở đội bác Năm. Tôi làm việc dưới quyền quản lý của anh Ba Hiệp, một tổ trưởng vui tính và tốt bụng. Chúng tôi học cách chọn hột giống cao su, ương trồng, chăm sóc và lai tháp khi cây cao su đã phát triển đúng tiêu chuẩn. Khi cây ương giống đã đạt yêu cầu sẽ được đem ra trồng ngoài đại trà. Chúng tôi có nhiệm vụ theo dõi và bảo vệ cho cây giống phát triển. Cuối cùng tôi đã được nông trường chọn đi học khóa huấn luyện về quản lý. Tôi đã biết điều hành một đội sản xuất khai hoang, phóng nọc, trồng cao su, chăm sóc và khai thác lấy mủ.
Tôi không còn làm việc chung với Lực nhưng thỉnh thoảng Lực vẫn tới nhà thăm tôi. Tôi luôn coi Lực như em trai, gửi trái cây và những gì mình có cho mẹ em ấy.
Bẳng đi một thời gian tôi không thấy em ấy xuống nhà thăm tôi. Tôi đi tìm nhà em và hỏi hàng xóm. Người ta nói mẹ con Bà Đừng đã về ngoại chịu tang vì ông ngoại Lực đã mất. Bà ngoại và người chị giữ mẹ con Lực lại không cho đi nữa. Mẹ Lực cũng đã lớn tuổi không thể ở hoài ở xứ người. Lực phải về chăm sóc vườn tược và bà ngoại. Tôi có hỏi thăm nhưng không ai biết nhà ngoại Lực ở đâu.
Một lần tôi đi lên Sài Gòn làm giấy tờ xuất ngoại. Xe bị chết máy ngay Phước Tân. Tôi vào quán bên đường mua nước uống bất chợt gặp lại Lực. Thấy tôi Lực mừng rỡ chạy tới hỏi thăm. Em xin lỗi vì không đến chào tôi từ giã. Nhìn em khỏe mạnh, ăn mặc tươm tất tôi cũng rất mừng. Em mời tôi vào nhà chơi nhưng tôi không thể đi được vì chờ xe sửa xong để tiếp tục đường về. Em vui vẻ tiết lộ :
- Em đang làm hồ sơ con lai để đi Mỹ đó chị.
Tôi mừng rỡ hỏi em:
- Bộ em tìm được ba em rồi hả? Ông ấy là người Mỹ?
- Đâu có. Má em đâu biết ba em là ai. Chỉ là ai cũng nói em giống con lai. Cứ làm hồ sơ biết đâu đi được. Hồ sơ dì em gửi lâu rồi. Sắp được phỏng vấn rồi chị ơi.
Xe đã sửa xong, tôi chia tay Lực đi về. Đó là lần cuối tôi gặp lại em. Bận bịu giấy tờ xin xuất ngoại, bao nhiêu việc trong gia đình cần phải giải quyết, tôi không có thời gian và điều kiện liên lạc với em. Tôi luôn coi em như là một người em trai. Những ngày hai chị em cùng làm việc là những kỷ niệm tôi luôn giữ trong lòng. Tôi nhớ mãi đôi mắt em mở to thán phục khi cầm một gốc khoai lang tôi vừa đào lên. Gốc khoai với những củ to và nhiều treo lủng lẳng. Em cứ đi theo giúp tôi đào khoai với sự say mê và hứng thú quên cả đi về. Em hỏi:
- Sao khoai chị trồng nhiều củ vậy?
Tôi nhìn em mỉm cười:
- Đó là kinh nghiệm chị học được bằng mấy năm lao động ở miền Trung khô cằn sỏi đá. Nơi đó "Cái khó ló cái khôn". Người dân quê họ có nhiều kinh nghiệm về trồng khoai củ hơn miền Nam mình.
Bây giờ nơi hai chị em tôi từng làm việc, những lô cao su tôi từng trồng và đi vào lấy mủ đã không còn. Ngôi làng, căn nhà tôi từng gầy dựng và sinh sống nghe nói cũng sẽ bị xóa sổ. Tất cả đã được nhà nước VN quy hoạch xây dựng phi trường quốc tế Long Thành. Năm mươi năm cho sự phát triển, tôi đã già và Lực bây giờ không biết ở đâu. Em có được phái đoàn Mỹ cứu xét theo diện con lai hay không? Em đã có gia đình chưa và cuộc sống của em thế nào?
Mấy chục năm qua mỗi khi ngồi nhớ lại đời mình tôi lúc nào cũng nhớ tới Lực. Cậu trai trẻ chân đi cà thọt tật nguyền nhưng luôn dễ thương, yêu đời và tốt bụng.
Nguyễn thị Thêm.