70 NĂM XA LÀNG QUÊ KẺ SẶT - TRÁNG LIỆT BÌNH
@ Thánh đường trong ký ức tuổi thơ…
Là một nhà thờ lớn kiến trúc kiểu dáng Tây phương có bề dầy hơn 400 năm tuổi, được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 tại làng Tráng Liệt, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (*) ngay khi các thừa sai châu Âu đến Việt Nam thực hiện sứ mạng truyền bá Phúc Âm.
Theo dòng lịch sử, vào năm 1523 các linh mục dòng Tên đến vùng đồng bằng thuộc tả ngạn sông Hồng Bắc bộ Việt Nam truyền đạo. Những hạt giống Phúc Âm đầu tiên đã gặp được mảnh đất lành, nhanh chóng nảy nở sinh sôi để rồi vươn lên mạnh mẽ. Đến năm 1630 giáo xứ Kẻ Sặt (**) chính thức được lập thành, trở nên giáo xứ toàn tòng kỳ cựu bậc nhất Việt Nam.
Thánh đường Kẻ Sặt có hình dáng ba ngọn tháp chuông, ngọn tháp cao nhất đứng giữa tạo thành trục đối xứng cho hai tháp chuông độc lập phía trước nhà thờ. Mỗi tháp chuông vững vàng trụ trên mặt chân đế hình vuông, thiết kế làm nhiều tầng mà mỗi tầng đều trổ mái vòm cong được chạm khắc nhiều hoa văn độc đáo.
Mặc dù đã trãi qua mấy trăm năm với bao diễn biến thịnh suy theo dòng lịch sử, ngôi Thánh đường Kẻ Sặt năm xưa vẫn không thay hình đổi dạng. Đó chính là hình ảnh không bao giờ phai nhạt trong ký ức tuổi thơ tôi. Vào dịp Lễ Giáng Sinh hằng năm công trình cổ kính này được chỉnh trang chu đáo, cây thông giăng mắc đèn hoa lấp lánh tựa ánh sao trời rạng ngời sưởi ấm đêm đông. Chuẩn bị cho ngày lễ hội lớn nhất trong năm, hầu hết giáo dân Kẻ Sặt đang làm ăn ở các nơi xa luôn quay bước tìm về quây quần đoàn tụ gia đình, vui vẻ chung tay trang trí đèn hoa mừng sinh nhật Chúa.
Nhờ vị trí thuận tiện giao thông, vào dịp Thiên Chúa giáng sinh hằng năm Thánh đường Kẻ Sặt luôn trở thành tâm điểm thu hút rất đông tín hữu quanh vùng như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên… và du khách ở khắp nơi đến với làng quê Kẻ Sặt, nhằm tận hưởng không khí lễ hội tưng bừng mừng sinh nhật Chúa rộn rã đông vui nhất vùng tả ngạn sông Hồng…
@ Tôi xa quê Tráng Liệt Bình đã 70 năm…
Tháng 10 năm 2024 tôi có dịp trở lại thăm thôn Tráng Liệt - Bình, sau hơn bảy mươi năm dài xa xôi cách biệt. Thánh đường Kẻ Sặt quê xưa đang được hối hả trùng tu, chuẩn bị tươm tất cho ngày lễ trọng đại nhất trong năm của ngôi làng Công giáo. Thời tiết miền Bắc Việt Nam cuối thu chuyển mùa dịu mát, thế nhưng mồ hôi vẫn nhễ nhại ướt đầm lưng áo những thợ xây trên giàn giáo, đang miệt mài dồn công sức mong sớm hoàn tất công trình chỉnh trang nhà Chúa trước Lễ Giáng Sinh.
Ngày gia đình tôi rời bỏ làng quê Kẻ Sặt - Tráng Liệt Bình di cư vào Nam, tôi còn là một đứa trẻ mới lên 6 tuổi. Lúc tôi trở lại thăm làng, thì mái tóc tôi đã bạc màu sương khói… Thế nhưng tình cảm người dân làng Sặt quê xưa vẫn chan hòa thân thiện, không quản ngại đưa người con xa xứ lâu năm thăm từng ngõ ngách hoài niệm tuổi thơ tôi. Bên tách trà xanh thơm lừng nóng ấm, cùng chiếc bánh đậu xanh ngọt mềm dần tan trong miệng… có biết bao nhiêu câu chuyện thú vị xưa lần lượt ùa về, mà khắc ghi sâu đậm nhất trong trái tim tôi vẫn là hình dáng ngôi Thánh đường thân thương làng Kẻ Sặt …
Tôi xin cảm tạ hồng ân Thiên Chúa dẫn dắt từng bước chân tôi trở lại chốn xưa, Chúa đã nâng đỡ tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong suốt hành trình về với quê hương. Tôi cũng xin được chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao này ngày tôi tìm về nguồn cội, cùng lời chúc an lành gửi đến tất cả người thân, đến những bạn bè và học trò xưa của tôi nhân mùa Giáng Sinh 2024 tràn đầy yêu thương ấm áp bình an. Tạ ơn Chúa…
GS. Đào Đức Thiện
Giáng Sinh 2024
(*) Sặt là tên Nôm của làng Tráng Liệt, một ngôi làng cổ hiện hữu từ thời Tiền Lê. Tên gọi Kẻ Sặt được sử dụng trong phạm vi tôn giáo; Tráng Liệt được sử dụng trong phạm vi hành chánh của làng. Sang đầu thế kỷ 20 tên làng Tráng Liệt được chính quyền thêm chữ “Bình” phía sau, để tránh nhầm lẫn với một địa danh khác cùng tên khác huyện. Danh xưng làng Tráng Liệt - Bình từ đó đã được hình thành.
Thế nhưng cái tên gọi Kẻ Sặt mộc mạc dần dà trở nên quen thuộc hơn, gần gũi hơn đến đỗi ngày nay địa danh Kẻ Sặt được ghi rõ trên bản đồ hành chánh quốc gia Việt Nam và cả bản đồ thế giới, được nhắc đến rất nhiều lần trong các trang sử Việt Nam. Về phương diện hành chánh, giáo xứ Kẻ Sặt hiện nay thuộc thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
(**) Có nhiều giải thích khác nhau về tên gọi Kẻ Sặt, nhưng đến nay vẫn chưa có tư liệu chính xác nào chứng minh. Điều đáng lưu ý là tên những giáo xứ bắt đầu bằng tiếng Kẻ, phần lớn do các linh mục gốc Tây Ban Nha nói tiếng Việt đặt ra.
Nhưng cũng từ nhiều nguồn thông tin được truyền khẩu qua nhiều đời, Kẻ Sặt là tiếng Việt cổ mà trong đó “Kẻ” có nghĩa nôm na là Phố hay Thị Tứ; còn Sặt là tên gọi một loại tre lá to mọc nhiều ở ven đê sông Hồng. Vì vậy mà giáo dân nơi đây quen gọi vắn tắt là làng Sặt, xứ Sặt theo ngôn ngữ đời thường, thay vì gọi tên làng Tráng Liệt - Bình theo đơn vị hành chánh miền Bắc Việt Nam.
Tráng Liệt - Bình giờ đây cũng là cái tên mang sắc màu hoài niệm, hoặc còn lưu dấu trong giấy tờ nhân thân của công dân làng Sặt từ năm 1954 trở về trước mà thôi.