Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 56 - VĨNH BIỆT THẦY NGUYỄN VIẾT LONG

Monday, November 18, 20249:26 AM(View: 1672)
MGTT 56 - VĨNH BIỆT THẦY NGUYỄN VIẾT LONG



MGTT 56 - 
VĨNH BIỆT THẦY NGUYỄN VIẾT LONG

                         Sương/ Luân/ Tường Vi/ Hương



blank




Mãi đến lúc Thầy ra đi, chúng tôi mới biết Thầy là người Nam Định, cùng quê với 
Nhà Thơ tài hoa, bất đắc chí và bạc mệnh Trần Tế Xương. Nên cuộc đời Thầy Nguyễn Viết Long cũng có nhiều nét giống vị tiền bối đồng hương. Hai môn Thầy dạy là Sử Địa và Công Dân, cùng vai trò giáo sư hướng dẫn sinh hoạt Hiệu đoàn, nên hoài bảo của Thầy đứt gánh khi Thầy chưa kịp bước vào tuổi ba mươi.


Cũng mãi đến lúc Thầy tạ thế, chúng tôi mới biết niên khóa 1974-1975, lúc Thầy hướng dẫn Ban Điều hành học sinh niên khóa 1974-1975, Thầy mới 28 tuổi.


Dạo đó, đúng nửa thế kỷ trước, Ban Điều hành học sinh ở tuổi 15, 17 đang bắt đầu đệ nhị cấp, Thầy thì mới rời trường Trung học chưa đến 10 năm, nên cả Thầy trò đều đầy nhiệt tình, nhiều hoài bão lớn.


Thầy gợi ý cho chúng tôi làm Hội chợ Tết Ất Mão 1975 ở sân trường Ngô Quyền, chỉ vỏn vẹn một ngày,  nhưng đầy đủ ý nghĩa của ngày Tết. Sáng hôm khai mạc hội Tết, Ban Điều hành chúng tôi mắt thâm quầng vì ít ngủ, vì học bài cho thi Đệ Nhất lục cá nguyệt, vì bận tổ chức hội Tết (hình như đó là năm đầu tiên trường Ngô Quyền tổ chức hội Tết, có mời nhiều trường bạn về tham dự)


Trong Hội Tết Ất Mão 1975, còn có triễn lãm nhiều đóng góp của các chs Ngô Quyền lớp 10 và 11 niên khóa 1974-1975, nổi bật nhất là mô hình núi lửa phun nham thạch của lớp 11B5. Cuối ngày, hội chợ Tết bế mạc, Thầy Nguyễn Viết Long cũng ở lại cùng học trò dọn dẹp "hội chợ", mắt Thầy cũng thâm quầng không kém mắt các thành viên của Ban Điều hành, nhưng giọng Thầy vẫn sang sảng ra hiệu lệnh cho học trò.


Mỗi tuần, Ban Điều hành học sinh có hai lần họp, mỗi lần chỉ một tiếng, nhưng chúng tôi làm việc có "nghị trình" và "biên bản" đàng hoàng. Một trong hai lần họp hàng tuần đó có Thầy Long tham dự ,


Thầy luôn đến đúng giờ, xách theo một cái cặp màu da bò lúc nào cũng đầy ăm ắp bài kiểm môn Công dân, hay môn Sử Địa của các lớp 10, và 11 mà Thầy phụ trách. 

Thỉnh thoảng Thầy còn rút ra từ trong cặp, một vài bảng copy từ những trang sách học làm người như "Quẳng gánh lo đi mà vui sống"  của Nguyễn Hiến Lê phát cho từng thành viên của Ban Điều hành, Thầy còn dặn dò: 


"Quẳng gánh lo gì thì được nhưng không được bỏ đi bổn phận phải có của một học sinh, một công dân với đất nước"


Dưới sự hướng dẫn đầy nhiệt tình của Giáo sư Hiệu đoàn phó Nguyễn Viết Long, chúng tôi đã cùng nhau đem được nụ cười đến cho các em ở cô nhi viện trong hai buổi đi thăm các em và phát quà Tết năm Ất Mão 1975. Nửa thế kỷ trôi qua, dù nhiều thứ đã nhạt nhòa theo năm tháng, lưu lạc quê người, chúng tôi không còn giữ được hình ảnh sinh họa Hiệu đoàn năm xưa. Nhưng trong ký ức chúng tôi, vẫn còn những con mắt ngây thơ của các em cô nhi, và ánh mắt hạnh phúc của Thầy Nguyễn Viết Long khi thấy chúng tôi đi đúng những hướng dẫn của Thầy không phải chỉ bằng lý trí mà còn bằng cả trái tim.


Niên học 1974-1975 chấm dứt tức tưởi cùng vận nước. Chúng tôi không còn có dịp ngồi quanh Thầy Long trong buổi tổng kết cuối niên học để cảm ơn Thầy đã dạy chúng tôi nhiều điều bên ngoài khung cửa lớp.


Mùa hè năm 2018, lần đầu tiên tôi có dịp gặp lại Thầy ở Highlands Coffee gần Hồ Con Rùa ở Sài Gòn. Đó là một cuộc hội ngộ Ngô Quyền mini gồm có Thầy Nguyễn Viết Long, cựu Giáo sư Hiệu Đoàn phó năm xưa, NQk11 Nguyễn Thị Anh Đào (cũng là "nhà tôi" của Thầy Long), NQk14 Trần Tiến Nam, và NQk15 Nguyễn Trần Diệu Hương. Gặp lại Thầy sau 43 năm, dĩ nhiên cả Thầy trò đều in vết hằn của thời gian. Thầy không còn khỏe như năm xưa, và nét mỏi mệt hằn lên mắt Thầy. Khi nhắc về Hội chợ Tết Ất Mão 1975 ở sân trường Ngô Quyền, Thầy chợt vui lên thoáng chốc. Chỉ có thế nhưng trên chuyến bay nửa ngày về lại quê hương thứ hai, tôi đã ôn lại thời Ngô Quyền đẹp nhất đời người của Thầy trò chúng tôi, và thầm cầu mong cho sức khỏe của Thầy tốt đẹp hơn.


Mới đây, đầu tháng 11, nhận tin buồn từ NQk10 Võ Quách Thị Tường Vi: Thầy nằm bệnh viện, sức khỏe đi xuống nhanh hơn bên nay con dốc của cuộc đời. 


Chỉ 10 ngày sau đó, sáng thứ bảy 16 tháng 11 năm 2024, sau khi Thầy Long trút hơi thở cuối cùng vài tiếng, chúng tôi nhận được texting từ chị Vi ở Houston và email từ NQk13 Phạm Kim Luân ở Hòa Lan, Thầy vừa vĩnh biệt cuộc đời.

Bầu trời xám xịt giữa mùa Thu ở Mỹ chợt xám đen khi chúng tôi nhận tin Thầy Nguyễn Viết Long đã rời cõi tạm.


Thưa Thầy, học trò ở khắp nơi trên thế giới xin chào Thầy lần cuối với lòng biết ơn và tưởng tiếc. Chân thành cầu nguyện Thầy an nhiên thanh thản ở tịnh độ.

Nếu còn có hạnh ngộ ở kiếp sau, vẫn xin được làm học trò Thầy thêm một lần nữa.


Nguyễn Trần Diệu Hương

NQk15


@@@


… Trong lúc báo được xếp chữ, chúng tôi phải thường xuyên theo thầy Nguyễn Viết Long  và thầy Dương Thanh Tùng về nhà in ở Sài Gòn để sửa bản vỗ, cho đến ngày báo phát hành. Tôi vẫn chưa quên được cái cảm giác hồi hộp khi mang trong người cả cộc tiền mặt đi xe đò từ Biên Hòa về Sài Gòn để trả cho nhà in. Một số tiền vô cùng lớn đối với một cậu học trò mười bảy tuổi, nhất là khi biết rằng số tiền này ngoài phần của trường, còn là phần quyên góp khó nhọc của các bạn, các anh chị em cùng trường từ những các cửa hàng, các doanh nghiệp và các vị mạnh thường quân trong khắp tỉnh Biên Hòa.

Nhớ nhất là những lần thầy trò ngồi uống cà phê bên vỉa hè ở ngã Sáu Sài Gòn sau khi làm việc tại nhà in. Cái khoảng cách thầy-trò bỗng dưng ngắn lại, thân mật hơn, cởi mở hơn. Có lần, đề cập đến quyển “Ngựa chứng trong sân trường” của Duyên Anh, về chuyện tình giữa nữ sinh và nam giáo sư trẻ, thầy Long hỏi tôi: 

“Em nghĩ thể nào về điều này?”


 Tôi nói: 

“Thưa thầy, để tránh những phiền phức có thể xảy ra có lẽ em sẽ gọi những bạn gái xinh đẹp cùng trường bằng “Cô” trước từ bây giờ. Nếu em may mắn, em đổi chữ Cô viết hoa thành chữ cô viết thường cũng đâu có muộn.” 

Thầy Long cười ngất và bảo với thầy Tùng:

 “Ông thấy thằng này nó lém chưa?”


Buồn thay, bây giờ cả hai Thầy đều đã vĩnh biệt đời sống.


Phạm Kim Luân

NQk13



@@@

 

Cúi đầu xuống dành đôi giây phút 

Tiễn  đưa Thầy về cõi hư không 

Mong cho Thầy được thong dong 

Hồn an xác lạc hồng ân tràn đầy.

 

Võ Quách Thị Tường Vi - Houston

NQk10 



@@@ 


Tưởng Niệm Thầy Nguyễn Viết Long


Thầy Nguyễn Viết Long dạy tôi môn Sử lớp đệ Tứ ( lớp 9) niên khóa 1968-1969 trường Trung học Ngô Quyền, Biên Hoà. Thầy vừa qua đời gần ngày 20 tháng 11, ngày mà người Việt trong nước mệnh danh là ngày “Tết Nhà Giáo Việt Nam”.


Một ngôi sao sáng trên bầu trời Sử Học vừa tắt. Thật buồn...


Lớp Tứ 1 chúng tôi năm đó học giờ sử của thầy vào giờ thứ 5 lớp buổi Sáng. Đám con gái chúng tôi trông thầy tới lớp càng sớm càng mừng vì thích nghe thầy kể chuyện lịch sử hơn là được thầy cung cấp kiến thức.


Vào lớp thầy thường xách chiếc cặp. Là một chàng trai trẻ , có dáng trung với làn da trắng trẻo, mái tóc chải tém một chút, thầy luôn có nụ cười tươi sáng.


Tôi nhớ thời đó lúc tôi còn học tiểu học có chương trình Phát Thanh Học Đường do Bộ Giáo Dục tổ chức chương trình phát thanh môn Sử Địa. Như trẻ con mê bánh kẹo

người lớn cho, tôi mê nghe phát thanh qua radio về lịch sử với các vở kịch do

các nghệ sĩ nổi tiếng đóng vai như Hồng Vân, Hồng Phúc…


Với tuổi thiếu nhi nhưng nghe xong tôi có ấn tượng sâu đậm về các vị anh hùng anh thư , hiểu biết thêm về quê cha đất tổ, biết tổ quốc mình là đâu... 


Thầy Long cũng vậy,nhưng thầy là một nghệ sĩ sống thực đứng trước đám học trò chúng tôi. Với diễn tiến lịch sử của từng giờ học, Thầy kể cho chúng tôi nghe với cả tâm hồn.

Có lúc giọng thầy trầm buồn nhẹ nhàng , Có lúc giọng thầy lên cao mạnh mẽ.

Nét mặt thầy có lúc rất đau khổ nhăn nhó có lúc lại kiên quyết đầy dũng khí ...

Bởi vậy dù giờ học gần giờ Ngọ nhưng nghe thầy giảng bài chúng tôi quên hết

đói bụng buồn ngủ mà đứa nào cũng đồng cảm giờ Thầy dạy sao qua mau quá !


Mãi tới bây giờ mỗi lần nhớ tới thầy là tôi nhớ một câu nói của thầy và làm

tôi thấm thía “... Nơi nào có ánh sáng mặt trời là nơi đó có người Do Thái ..”


Tôi và ông xã của tôi có dự định về Biên Hoà sắp tới sẽ đến thăm thầy chắc

thầy vui lắm nhưng không ngờ thầy ”đi hơi mau” !..(Man proposes, GOD

disposes). Dự định và cơ hội gặp thầy không còn nữa !...Lại một sự mất mát

buồn, tiếc nhớ…


Kính Thưa Thầy, là học trò cũ của thầy, em xin cúi đầu thắp nén hương lòng tạ

ơn thầy đã truyền đạt cho nhiều học trò của thầy những bài học lịch sử quý giá.


Cầu nguyện hương linh thầy về cõi cực lạc nhẹ nhàng phúc đức tràn đầy .

Cũng xin chia buồn với cô Anh Đào và toàn thể tang quyến.


Minnesota, 17  tháng 11, 2024

Nguyễn Thị Ngọc Sương 

NQk10


Cùng nhớ lại vài kỷ niệm với Thầy Long ở MGTT 42 được viết năm 2015


https://www.ngo-quyen.org/a4757/mgtt-42-thay-nguyen-viet-long

 
Thursday, November 28, 2024(View: 1615)
Và như thế nên hàng năm theo truyền thống Lễ Tạ Ơn của người Mỹ, xin gởi lòng tri ân chân thành từ các cựu học sinh Ngô Quyền năm xưa đến quý Thầy Cô ở khắp nơi trên thế giới
Saturday, July 13, 2024(View: 4536)
Chuyện này được viết khi sắp tròn nửa thế kỷ Sài gòn bị mất tên. Qua một phần đời của một vị Thầy dạy Toán, gắn liền với nhiều thăng trầm của lịch sử từ Việt Nam đến Mỹ
Thursday, April 11, 2024(View: 5642)
Đồng nghiệp và học trò sẽ nhớ Thầy với vẻ nghiêm khắc, nhiệt tình của một ông Thầy trẻ của Trung học Ngô Quyền Biên Hòa gần nửa thế kỷ trước. Vĩnh biệt Thầy với chân thành thương tiếc.
Monday, January 15, 2024(View: 6028)
Họp mặt mini của Thầy trò Ngô Quyền ở thủ phủ Austin ở một tiểu bang được mệnh danh là "Everything's big here" vào cuối tháng 11 năm 2023 được chúng tôi gọi là "Tạ ơn ở Austin".
Thursday, November 23, 2023(View: 5117)
Mỗi năm một lần, vào mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, trước buổi tiệc Thanksgiving chúng tôi vẫn thầm cảm ơn cha mẹ, Thầy Cô, những người đã hy sinh một phần đời để chúng tôi có được ngày hôm nay.
Wednesday, November 23, 2022(View: 3549)
Mùa lễ Tạ ơn đang về ở Mỹ, xin mượn ánh sáng từ lò sưởi thắp sáng thời đèn sách ở Ngô Quyền, và một lần nữa xin gởi lòng biết ơn chân thành đến quý Thầy Cô, đến các bậc sinh thành.
Wednesday, November 24, 2021(View: 3530)
Xin tạ ơn những hạnh ngộ của cuộc đời đã đưa nhiều thế hệ cựu học sinh Ngô Quyền đến bên nhau ở quê người để cùng giữ lửa Việt Nam soi sáng thời đi học ngày xưa.
Tuesday, November 24, 2020(View: 4145)
Sau công cha mẹ ... ấy ơn thầy Ghi nhớ muôn đời chẳng nhạt phai Giũa chữ... cô rèn bao tính tốt Khơi tâm... thầy luyện lắm điều hay Ra sông người chống cơn triều dữ Đến bến trò mang giấc mộng đầy
Friday, August 21, 2020(View: 5370)
Nhưng than ôi! Đã đến lúc chiếc gậy chống không thể nào dẫn dắt Chiếc xe lăn đưa Thầy đến dự mỗi lần Tuổi càng cao sức khỏe yếu dần. Ngày 7 tháng 8 Thầy rời xa dương thế.
Saturday, August 8, 2020(View: 4941)
Giờ đây chúng em là những đứa học trò đã già, vẫn nhớ thương và tiếc nuối khi Thầy bỏ chúng em đi, Nhưng lẽ đời, Thầy là sông rộng chúng em là suối nhỏ; rồi tất cả chúng ta sẽ cùng nhau ra biển lớn
Tuesday, November 26, 2019(View: 7691)
Xin kính cảm ơn quý Thầy Cô đã góp phần tạo nên những chs Ngô Quyền thành đạt, những chs NQ luôn giữ được phẩm hạnh, và nhân cách của con cháu Vua Ngô Quyền...
Tuesday, November 20, 2018(View: 13488)
Sau cùng, xin tạ ơn đời đã cho chúng ta đươc một thời hãnh diện mang phù hiệu Ngô Quyền trên ngực áo, và cơ duyên hạnh ngộ trong những lần họp mặt chs Ngô Quyền.
Sunday, April 8, 2018(View: 10555)
MGTT 46 là nén hương lòng thành kính của lớp 7/1 K15 viếng GS hướng dẫn Bạch Thị Bê (1938-2018)
Saturday, November 18, 2017(View: 17802)
Thầy Cô mang theo mình lời “Lương Sư Hưng Quốc” Trò cũng đau đáu trong lòng câu “Nhất Tự Vi Sư”
Thursday, November 24, 2016(View: 13714)
Nhân lễ Tạ ơn 2016 ở Mỹ, xin được một lần nữa, tri ân quý Thầy Cô đã khai tâm cho chúng ta, đã ít nhiều góp phần cho ta có được ngày hôm nay.