Tôi tên Chi, Trần Thị Chi. Nếu ai đọc “Chí Phèo” của Nam Cao ngày xưa, họ sẽ liếc vô tui, nói nhỏ với nhau:
– Xấu hơn Thị Nở!
Nhưng bây giờ trên đất Mỹ, hiếm người biết về “Thị Nở” nên tôi chỉ nghe xầm xì ở các chợ VN:
– Nó làm cho mấy cô xấu bỗng đẹp ra.
– Vậy thì vợ tao quá đẹp.
Tôi tự biết, mình là người con gái xấu, răng hô, mắt hí.
Nhưng khi lớn lên trổ mã, tôi cũng biết rằng, mình có bộ ngực đẹp, đốm son trên núm, mông tròn, người cân đối. Đúng là quý tướng, có chồng giàu sang, hưởng đời sung túc, như tôi đã đọc ở quyển sách tử vi, năm 12 tuổi.
Vậy là tôi không quan tâm sự xấu của mình mà chỉ thấp thỏm chờ “Đúng là quý tướng, có chồng giàu sang, hưởng đời sung túc”.
Tôi định cư với gia đình ở Boston năm 14 tuổi. Tuổi lỡ cỡ, muốn kiếm tiền nên tôi chỉ học xong trung học và tìm việc làm.
– Chi, dọn bàn 12, rảnh thì rửa giùm đống chén!
Tôi làm cho tiệm phở VN, bồi bàn kiêm rửa chén khi ế khách, bà chủ keo kiệt chỉ trả lương bồi bàn, được 6 tháng, tiệm bị đóng cửa vì phạm vệ sinh, tôi nhảy qua nhà hàng Tàu.
– Hầy, nị làm pể chén nhiều quá! Pửa nay lau nhà bù lại.
– Rảnh thì cắt hành giùm ngộ! Tối ngộ chở dzề.
– Không rảnh!
– Lấy đồ ăn, khỏi nấu.
– Không thích đồ Tàu.
Hai tháng sau.
– Cho nị hộp bánh trung thu của Trung Quốc.
– Không ăn bánh Tàu.
Thằng chủ Tàu Trung Quốc răng hô hơn tôi, nói chuyện nước miếng văng phèo phèo.
Bữa kia nhà hàng đóng cửa sớm, ăn Tết Trung Thu, ai cũng uống rượu, tôi làm chai bia, hừng hừng.
Mọi người lãnh lương ra về, nhà hàng vắng tanh, tôi đợi chủ trả tiền. Nó từ phòng rửa mặt, bước ra:
– Hầy, nị có cái mông ngon quá. Cho ngộ mần một phát!
Tôi hỏi:
– Mần cái gì?
Thằng Tàu già hẩy hẩy, tôi giận, táng một cái hết ga.
– Ái da, xẩy ngộ dồi!
Xẩy là đúng! Tướng chả như con heo mọi, nên chả ở lại còn hàm răng bay mất.
Xong.
Cha chủ vô bệnh viện, tôi ra khỏi tiệm.
Lúc đó tự dưng tôi thấy buồn.
Mấy năm cuối trung học ai cũng có bạn, có bồ, tôi thì tới 19 tuổi vẫn chưa có người con trai nào chào “Hello”.
Vậy là con Chi này nổi chứng, tình nguyện đi lính 3 năm vì nghĩ rằng đi lính là “gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân” (hồi đó mẹ tôi hay đọc câu này) sẽ gặp nhiều đàn ông, làm giảm bớt tỉ lệ ế chồng.
Tôi vô đơn vị Ranger, làm việc cho toán Cấp cứu Tác chiến, có nghĩa là tôi tác chiến và làm các công việc cấp cứu tạm cho quân nhân bị thương tại chiến trường trong lúc đợi trực thăng tải thương. 8 tháng sau, tôi được chuyển tới Afghanistan.
Ban đầu tôi chỉ làm việc như một y tá hạng nhẹ tại căn cứ Pratt, ở thị trấn Baghlan thuộc vùng quân sự phía Bắc Afghanistan.
– Hey, Chin (tên riêng của tôi trong quân đội) bạn được nhập vô toán Ranger tối nay, chuẩn bị mọi thứ.
– Ok!
Vậy là tôi tham dự vô chuyện tác chiến thật sự, tôi có dịp đụng thẳng, bắn thẳng tụi khủng bố. Ha, đó là điều tôi mong muốn.
Vùng núi đá, bắc Mazar-e-Sharif, 7 giờ tối lạnh ngắt với những hang động, nhóm Taliban của Mazuk cà thọt trùm khăn ngồi im trong động đá, dưới đám râu tóc lờm xờm đám tròng mắt đỏ ngầu như những con sơn cẩu rình mồi.
– Mẹ, tụi nó đang hớn hở nướng gà tây cho lễ Phục Sinh sắp tới.
Mazuk văng câu chửi thề.
Trung đội Ranger áp sát mục tiêu.
Đại úy “Clark già”, trung đội trưởng:
- Tụi chuột Taliban hay chơi mìn cóc cá nhân, nhào ra đánh phủ đầu với B40, rút lẹ vô hang đá độn thổ. Tụi bây dàn 2 hàng ngang, buộc dây vô giày, thằng sau nắm dây thằng trước, bò chậm, lấy dao rà mìn, nếu gặp, tránh qua, áp sát vách đá, tao đi đầu, mình sẽ làm BBQ bọn rệp tối nay. Ok?
Ông gọi căn cứ:
– Mẹ, tối quá, đèn!
Mấy phút sau, hỏa châu nổ đều, khu tác chiến sáng trưng, trung đội Ranger tiến tới, “Clark già” nằm xuống lấy dao rà mìn, tôi bò phía sau.
5 phút đèn tắt, đúng lúc trung đội chạm hang núi.
– Tụi con xơi bãi mìn.
Khẩu M60 chơi những tràng đạn tung bãi mìn, và bọn chuột nhào ra bắn xối xả…
Cái bẫy của trung đội Ranger sập xuống.
“Clark già” la:
– Đốt đèn!
Những cây soi sáng được ném vô lòng hang, tụi Taliban lố nhố phía xa.
Bao nhiêu súng, bao nhiêu đạn đổ hết vô hang đá cùng một lúc.
Tiếng M-16, AK-47, M60, B40, cộng với tiếng Ả Rập la hét như ngày tận thế.
Bỗng, yên lặng!
Chưa tới 10 giây, “Clark già” nhìn thấy sự việc:
– Rút ra khỏi hang, mở đường chạy.
Ông phóng nhanh tới cửa hang, đúng lúc mấy trái B40 nổ.
– Ầm! Ầm! Ầm!
Những người lính Ranger can trường bật ngã.
Bọn Taliban túa ra như bầy chuột núi từ một hang đá bên trái, tấn công mạnh, bọn trong hang cũng quay ra tấn công sau lưng, trung đội nằm giữa 2 mặt đối địch, tụi nó chơi 2 gọng kềm hốt sổ trung đội Ranger.
“Clark già”:
– Rút hết ra ngoài tựa lưng vách núi, đánh thẳng, mở đường máu, liên lạc!
Trái B-40 nổ, người lính liên lạc vừa gục xuống, tôi chạy tới, chụp lấy máy.
“Clark già” hét lên:
– Chin, Chin! gọi ngay pháo cối! Trực thăng tải thương.
Tôi lúng túng với máy liên lạc siêu tầng trên lưng người liên lạc.
– Clark, mật hiệu?
– “Chuột chiên”.
Chừng 2 phút, 2 phát cối nổ tung trên vách núi.
Tôi la:
– Clark! Dạt ra 2 bên, cối sẽ làm cỏ, trực thăng tải thương tới ngay.
Tôi bỏ máy, nâng đầu người lính truyền tin, mặt đầy máu, mắt dại lại, thở từng đọan ngắn, anh ưỡn ngực, la lên:
– Cứu!…
Giật mạnh, đầu quẹo qua, ngất đi.
Tôi đâm liền 2 mũi cấp cứu ngay cổ, siết chặt băng cầm máu trên đầu và mặt, người lính liên lạc co giật, há to miệng, triệu chứng của hụt hơi, sắp bất tỉnh hoặc sắp đi luôn.
Như một cái máy, tôi tống thêm mũi cấp cứu, áp môi vô miệng anh, tiếp hơi.
Người lính bắt đầu thở mạnh, đã hết co giật, đôi môi ấm lại dưới môi tôi. Trực thăng tải thương tới.
“Clark già”:
– Chin! Cô đưa anh ta đi luôn, xong tuồng, rảnh rồi.
Cuối tháng.
Clark già gọi vô phòng:
– Chin, tháng này bị tụi nó phục kích, chơi màn độn thổ nhiều, bị thương khá đông, cô được chuyển qua bệnh viện dã chiến ở thành phố Mazar-e-Sharif.
Ông đẩy tờ giấy trên bàn:
– Công lệnh đây! Rất cám ơn một chiến sĩ xuất sắc như cô.
3 ngày sau, tôi nhận nhiệm vụ tại phòng chỉnh hình, nơi theo dõi và tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân bị thương tứ chi, và các bộ phận bên ngoài, như mắt, tai mũi họng, hàm, mặt.
Tôi coi một phòng có 4 thương binh.
Kent, TQLC, bay xương quai hàm, đã được nối bằng hàm của lính tử trận, đang bình phục. Roberto, Ranger, mất một chân, đang bình phục. Mandes, chuyên viên chất nổ, mìn bẫy, mất 2 cánh tay, tới cùi chỏ, mới tới dưỡng thương tuần trước. James, da đen, trung sĩ Ranger, bị chấn thương mắt, đang điều trị.
Việc của tôi là phát thuốc, cho uống thuốc, theo dõi tình trạng vết thương, ghi chú và gởi phúc trình cho bác sĩ. Tôi dành thêm thì giờ để thăm hỏi, nói chuyện với các thương binh.
Kent:
– Tôi gọi cô là…?
– Chin.
– Rin?
Giọng anh ngọng, vì quai hàm chưa lành hẳn.
– Hôi có hể nói hình hường? (Tôi có thể nói bình thường)
– Chắc chắn! Anh có thể hát và thành ca sĩ luôn, nếu muốn, nhưng không phải bây giờ.
– Hao hâu nữa? (Bao lâu nữa)
– Sắp rồi! 3 tháng nữa thôi.
– Hâu hóa! (Lâu quá).
Tôi cười:
– Thì tập hát bây giờ, khi chờ đợi.
– Ừa!
Kent uống thuốc, bắt đầu hát i ỉ bài “Take me home country road”.
Tôi vỗ tay:
– Không kém John Denver!
Bước tới Roberto.
– Hi! Roberto, anh uống thuốc giùm.
Tôi đưa thuốc. Roberto cúi đầu, im lặng.
Tôi hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
– Cô nghĩ tôi sẽ làm gì khi về nhà dự sinh nhật cô bạn gái?
– Thì tặng quà và hôn cô ta.
– …!
– Mời đi ăn! Mời vô bar…
Roberto mở to mắt nhìn tôi:
– Mẹ, rồi nó sẽ mời bạn say sưa, nhảy đầm.
Tôi nhún vai:
– Tất nhiên, vui mà!
– Nhưng…
Robert đứng phắt dậy với cái chân còn lại, la lên:
– Tôi sẽ ôm cô ta nhảy với cái chân lủng lẳng này? Hả, mọi người?
Anh ôm lấy tôi, khóc.
– Không sao, rồi anh sẽ có loại chân giả loại mới, chơi thể thao, chạy và nhảy đầm dễ dàng.
Hết khóc.
– Chắc không cô?
– Bao nhiêu người đã xài rồi. Anh sẽ có trong vài ngày tới.
Tôi quay qua:
– Chào Mandes.
– Chào.
Anh chống 2 tay chỉ còn tới cùi chỏ:
– Cô sẽ nói: Anh sẽ có đôi tay điều khiển bằng hệ thống điện tử…
Tôi cười:
– Giống như hôm qua…
– … Có thể đi tự làm vệ sinh, nấu ăn…
Tôi tiếp:
– Hút bụi, lau nhà như người bình thường.
Mandes tần ngần:
– Những chuyện đó vợ tôi làm hết rồi… Tôi muốn hỏi về chuyện khác.
– Chuyện gì? Nhảy đầm như Roberto, hoặc bắn súng?
– Không.
Mandes, nhỏ giọng:
– Có còn ôm vợ, vuốt ve rờ rẫm tình tứ được như xưa?
Máu con gái bùng lên nóng đầu, đỏ mặt, tôi nhớ những đoạn phim sex đã lén lút coi:
– Tôi không biết chuyện này … nhưng chắc làm được, nếu anh cố gắng.
Tôi quay đi, tránh đôi mắt đam mê của Mandes.
Cuối phòng là giường của James, người lính liên lạc, trúng B-40, chấn động thị giác, đã giải phẫu, đang bình phục.
– Hi, James.
– Chào cô gái xinh đẹp Chin!
– Chào anh! Anh đã thấy được tôi xinh đẹp à?
– Không! Còn tối thui, nhưng tôi biết cô Chin xinh đẹp.
Chin ngồi xuống bên giường.
James ngồi dậy:
– Chin! Tôi có thể hỏi.
– Ừ!
– Giọng nói của Chin có âm hưởng của Châu Á. Cô từ đâu: Phi, Nhật, Đại Hàn, Tàu?
– Việt Nam.
James sờ soạng, nắm lấy tay tôi, người lính Mỹ da đen, đen hơn những người da đen khác bật cười:
– Ha ha ha, Chúa ơi! Tôi lai Việt Nam. Chào Kô Chìn. Ha, chào Kô.
James tuôn một tràng.
– Pa tui là thiu úy, sĩ kwan trong 3.500 TQLC đổ bộ vô bãi Shu Lai (Chu Lai) năm 1965, đóng tại Đà Nẵng…
Tôi nhìn người Mỹ đen, không một vết tích gì của Việt Nam trên khuôn mặt đang vui vẻ kể lể của anh ta.
– …Pa tui cỡi má tôi tại Đà Nẵng, cùng về Mỹ năm 1972, ở Boston, sinh tôi năm 1998, tôi là con út trong 3 người.
Tôi nói tiếng Việt:
– Rất vui khi biết anh là VN.
– Đà Nẵng, miền Nam.
Tôi đứng dậy, lòng nao nao khi quen James.
Mỗi cuối tuần, bệnh viện thường dọn bữa ăn sáng “tươi” cho các thương binh. Sau khi giúp những người khác, tôi trở lại, lấy phần ăn cho tôi và James.
Dắt anh ra ngoài thềm. Nắng ấm, trời xanh, không gợn mây.
– Tôi đã thấy màu trắng hồng của ánh sáng.
James khoe.
Tôi đẩy ly cà phê sữa qua bên phải, để khay đồ ăn xuống bàn, lấy miếng thịt ham nướng, đưa cho anh ta.
– Trước mặt anh là ớt ngâm chua, xà lách.
– Cám ơn Chin.
Hai người ăn buổi sáng ngon như ở nhà.
- Sau khi pa tôi qua đời, mẹ tôi vô nhà già, tôi về pên ông nội ở Washington, học hành, lớn lên, đi lính ở đó sau khi xong đại học kiến chúc.
Lúc này, James đã nói tiếng Việt rất nhiều.
Tôi ngồi nhìn anh.
– Cô Chin nói về mình đi, tôi muốn biết.
– Chin!
– Tôi sợ làm anh không vui và mất đi buổi sáng thật đẹp …
James nắm tay tôi, tự nhiên tôi run, cố nói:
– Tôi sinh ra nơi ba anh đổ bộ, nhưng tuốt dưới một làng nhỏ nghèo xơ xác ven biển Chu Lai.
“… Nắng thiêu đốt, làm cong đám lá rong lớn phơi trên bờ cát, chị Hậu, hốt từng bó dồn vô chiếc bao tải, chị mệt mỏi đứng dậy. Nắng bỗng lung linh như ngàn vì sao, chị Hậu ngước mặt, há miệng hớp liên tục, trời tối một màu tím, ngả sang đen… Tiếng khóc la của con Chi giữa trưa nắng, khiến mấy người hàng xóm chạy ra bãi…”.
– Mẹ tôi qua đời vì kiệt sức, ba tôi cõng tôi theo ghe biển vượt biên.
James thở dài:
– Lại một thảm cảnh.
– Vậy là anh mất đi buổi sáng đẹp.
– Nhưng tôi lại có những phút yên lành với Chin.
Tháng sau.
Tôi nói:
– Bác sĩ cho biết sẽ mở băng mắt anh tối mai.
– Buổi tối?
James hỏi.
– Ánh sáng bớt gắt, đỡ làm mắt anh dị ứng.
– Cô Chin sẽ ở đây với tôi?
– Tôi sẽ.
– Tôi muốn nhìn thấy ánh sáng và Chin cùng một lúc.
Chin thấy điều gì đó nhói lên trong lòng.
“Nếu chẳng may James nhìn thấy khuôn mặt xấu xí của mình”, “Nếu chẳng may James không thích mình”
– Ok, James.
Chin nói thật nhỏ, lẳng lặng ra khỏi phòng.
“Ckark già” đến thăm James từ buổi chiều.
– Hello con trai!
James nắm tay Clark, người chỉ huy chịu chơi.
– Rồi mầy lại thấy cái bản mặt chán ngắt của tao như mọi khi.
– Đó là điều may mắn của con, tạ ơn Chúa.
– Và tạ ơn người đã cứu mầy, con trai.
Clark cúi xuống nói nhỏ với James điều gì đó.
Bác sĩ và cô y tá tới.
– Hello bạn James! Chỉ vài giây ngắn ngủi nữa bạn sẽ nhìn thấy căn phòng dưỡng bệnh, nơi bạn vượt qua cơn thương tật, buổi chiều vàng rực ngoài cửa sổ và cuộc sống quen thuộc của các đồng đội trại Ranger…
Cô y tá mở từng lớp băng trên mặt James…
Mọi người chung quanh chờ đợi
“Clark già” chép miệng:
– Mẹ, hồi hộp như gỡ mìn.
Chỉ còn một vòng băng, James đưa tay, anh sụt sùi:
– Khoan! Tôi mong muốn được thấy người đồng đội đã cứu tôi, người đã mang lại cho tôi hy vọng và can đảm trong những ngày bệnh hoạn…
Anh yên lặng, cúi mặt.
– Clark! Tôi mong muốn được thấy Chin ngay phút đầu tiên tôi mở mắt.
Anh bác sĩ định gọi phone.
– Tôi đây.
Chin từ cửa bước vô.
Cô y tá tháo vòng băng cuối cùng.
James chớp chớp đôi mắt, anh ngước mặt, đưa 2 tay lên theo truyền thống của Ranger:
– Huraaahhhh!
Anh nhìn mọi người.
Một giây yên lặng…
James bước tới, anh quỳ xuống trước Chin, tay cầm cuộn băng vừa gỡ.
– Em có chịu lấy anh hông?
Chin cầm tay James, bật khóc.
Như vậy là tôi đâu có ế chồng!
Chin cười.
Còn quý tướng, có chồng giàu sang, hưởng đời sung túc… Đợi coi!
HĐV