SÂN VẬN ĐỘNG BIÊN HÒA
Là người Biên Hòa (BH) sống xa quê. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc tin tức về quê nhà qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Tôi rất vui khi được biết sân vận động Biên Hòa (SVĐ BH) tọa lạc trên con đường dốc tòa vẫn còn tồn tại và chính quyền đang có kế hoạch chỉnh trang nâng cấp, để vẫn duy trì công năng của một sân vận động đúng nghĩa, chứ không phải chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, để rồi hoàn toàn bị biến mất như rạp hát Biên Hùng- một di sản văn hóa lâu đời của BH.
SVĐ BH đã từng diễn ra những trận túc cầu sôi nổi qua những giải thể thao lớn của khu vực miền động và những sự kiện văn hóa, thể thao khác của BH trước 1975.
Thời ấy, môn túc cầu hay còn gọi là bóng tròn được người dân miền Nam nói chung, người dân BH nói riêng rất hâm mộ và hưởng ứng nhiệt thành. Đặc biệt là giới thanh niên, học sinh trung học, ngay cả các em nhỏ ở bậc tiểu học.Trường Trung học Ngô Quyền (NQ) của tôi cũng có một đội túc cầu riêng của trường, được sự hướng dẫn tận tình của các Thầy, đã tham gia thi đấu với các trường bạn và đạt được nhiều thành tích đáng kể. Chính phong trào bóng tròn sôi nổi tại các trường trung học trong tỉnh đã góp phần ươm mầm, rèn luyện và tạo ra những cầu thủ xuất sắc cho nền túc cầu một thời huy hoàng của miền Nam trước 1975, và kể cả sau này, như anh Đinh Công Hoàng -một cầu thủ xuất sắc của đội túc cầu học sinh NQ và là một chân sút lẫy lừng của đội Công Nghiệp Thực Phẩm sau 1975)
Thời ấy, giới trẻ chúng tôi không có nhiều phương tiện để vui chơi giải trí, nên môn túc cầu là môn thể thao thông dụng, vừa để rèn luyện thân thể, vừa giải trí lành mạnh. Chỉ cần một trái banh, một vài người bạn, một khoảng sân trống, đôi khi không có giày thể thao chỉ đá chân trần, các bạn cũng hăng hái thi đấu hết mình.
Tôi còn nhớ, lúc học lớp 8-NQ, một buổi chiều được nghỉ 2 giờ sau, tôi cùng vài bạn trong lớp rủ nhau ôm banh ra phía sau trường là xóm Gò Me (Ấp Lân Thành). Nơi đây có một trảng đất trống rất rộng, chúng tôi chia phe ra đá bằng chân trần, với Goal không có khung lưới mà được làm dấu bằng 2 cục đá.Tôi thì đá dở ẹc, nhưng cũng ham vui , miệt mài thi đấu đến khi mệt nhoài mới về.
SVĐ BH trước 1975, không chỉ là nơi diễn ra những cuộc tranh tài túc cầu chính thức của các đội tuyển, của các trường học mà còn là nơi thanh thiếu niên sống gần đó, chiều chiều hay rủ nhau ôm banh ra sân, chọn một góc trống rồi chia phe ra đá.
Ngoài ra SVĐ BH còn là nơi tổ chức các buổi diễn hành, hoặc thể dục đồng diễn “ Khỏe vì nước” của học sinh tiểu học, trung học và các sự kiện đặc biệt khác của tỉnh.
Vào năm 1972, BH được chọn là nơi tổ chức kỷ niệm đệ nhị chu niên ngày ban hành luật “Người Cày Có Ruộng” 26 tháng 3. Trong ngày trọng đại ấy, có Tổng Thống VNCH về dự và cắt băng khai mạc hội chợ triển lãm thành tựu nông nghiệp của miền Nam, được tổ chức ngay tại SVĐ BH. Giới nông gia khắp nơi và người dân BH đến tham dự triển lãm đông như trẩy hội.
Thời gian dần trôi, đã qua hơn nửa thế kỷ…
Một điều đáng mừng là sau nhiều biến động lịch sử, SVĐ BH một biểu tượng Văn Hoá-Thể Thao lâu đời của người dân BH xưa, vẫn còn tồn tại, hơn nữa còn có được dự án chỉnh trang tu sửa để hình thành một SVĐ đa chức năng của địa phương.
Mong sao dự án này sớm thành hiện thực nhằm giúp SVĐ BH được khoác lên một diện mạo mới, sáng đẹp và tươi trẻ hơn, để ngoài túc cầu và những giải thi đấu thể thao khác, các sự kiện văn hóa lớn của địa phương sẽ được tổ chức rộn rã tưng bừng trên SVĐ có bề dày lịch sử này.
(Nguồn ảnh: Album gia đình và Anh Hùng Thâm Giao)
Hiep Phan_SJ 11/2024