Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tô Đăng Khoa - Đa Đề Và Lời Mời Gọi Người Đọc vào Cuộc Đồng Sáng Tạo Với Tác Giả:

Saturday, November 16, 20242:01 AM(View: 532)
Tô Đăng Khoa - Đa Đề Và Lời Mời Gọi Người Đọc vào Cuộc Đồng Sáng Tạo Với Tác Giả:
Đa Đề Và Lời Mời Gọi Người Đọc vào Cuộc Đồng Sáng Tạo Với Tác Giả:
Hành Trình Khám Phá Điều Chưa Nghĩ Tới Qua Bút Pháp Phơi Mở, Đa Chiều

Da De



“Bí quyết của một thiên tài sáng tạo là: tạo ra một vùng sương bóng cho kẻ chiêm nghiệm chịu chơi” – Bùi Giáng.

"Nói ngàn lời là để dìu cái không lời về trong cái không nói"- Bùi Giáng.

 

Theo quan niệm của Bùi Giáng, vai trò của văn học và sáng tác là làm ra một “vùng sương bóng” — một không gian, một phối trí qua ngôn ngữ, qua đó sự hội tụ của tác giả-tác phẩm-độc giả sẽ làm cho hiển hiện cái vô hình, cho phép cái chưa thấy được lộ diện. Nhìn từ góc độ này, một tác phẩm văn học là lời mời gọi người đọc cùng tham gia “đọc” những điều không được nói trực tiếp giữa những dòng ngôn ngữ. Điều này thoạt nhìn tưởng dễ, kỳ thực rất khó khăn. Nó đòi hỏi tác giả đóng vai trò tương tự như một đạo diễn phim với sự phối hợp tối ưu của kỹ thuật, phong cách và nội dung, và hơn nữa còn có khả năng phỏng đoán những phản ứng khả dĩ của độc giả. Anh Đa Đề, qua bút pháp đa diện và phong cách gợi mở, đã không ngừng mở rộng cánh cửa cho cuộc đồng sáng tạo, nơi người đọc vừa là người tiếp nhận vừa là người đồng hành trong hành trình khám phá điều chưa từng được nghĩ tới.

Quan điểm này của Bùi Giáng cũng “đồng điệu” với triết lý của Heidegger, nhất là khái niệm về sự thật - aletheia – như là sự lộ diện của chân lý ẩn sâu qua ngôn ngữ. Aletheia (Truth, Sự Thật) theo Heidegger không phải là một sự thật hiểu theo nghĩa tương ứng với thực tại - correspondence (như trong câu nói: Mặt trời mọc ở hướng Đông); mà sự thật là cái mà mỗi cá nhân phải tự mình khám phá ra cho chính mình trong sự chiêm nghiệm, trong đó cá nhân trải nghiệm sự thật như là một sự tiết lộ (unconcealment); kinh nghiệm về sự thật là một sự mặc khải về những điều huyền nhiệm của sự hiện hữu, nó riêng tư chứ không hề mang tính khách quan như quan niệm truyền thống về sự thật trong triết học Tây Phương.

Trong bút pháp phơi mở và đa chiều của Đa Đề, ngôn ngữ của anh không chỉ là phương tiện miêu tả mà còn là chiếc chìa khóa mở ra những tầng nghĩa nằm khuất sau các biểu tượng. Mỗi từ ngữ đều chứa đựng ý nghĩa ẩn giấu, gợi lên nhiều chiều kích khác nhau của sự tồn tại. Điều này không phải tự nhiên mà có, nó là hoa trái của những trăn trở, những nỗ lực đột phá của chính tác giả Đa Đề, những trải nghiệm đau thương đã về hội tụ trong từng câu chữ, từng cách phối trí câu, dòng của bài thơ. Chúng ta thưởng ngoạn bài thơ của Đa Đề tựa như xem một khúc phim dàn dựng công phu bởi một đạo diễn xuất sắc, biết cách khai thác từng chi tiết rất nhỏ nhặt để hướng tới một hiệu ứng là: đồng sáng tạo với người thưởng ngoạn.

Chúng ta thử tìm hiểu bút pháp phơi mở và đa chiều này của Đa Đề qua bài thơ không có tựa đề này. (Bài thơ này không biết tác giả làm từ khi nào, chỉ biết là chính Đa Đề đã post nó như là một comment trong trang Facebook của chúng tôi, có lẽ anh làm theo cảm hứng hôm ấy chăng?). Qua bài thơ này, chúng ta nhìn cách mà Đa Đề gợi mở qua từng từ, từng chữ, từng cách phối trí phân đoạn câu cú, tất cả như mời gọi người đọc tự mình tiếp cận và khám phá chiều sâu của thực tại, của sự hiện hữu của chính mình trong vũ trụ này.

Bài thơ này bố cục gồm 4 phân đoạn, đoạn một mở đầu như một lời mời, một lời đề nghị (proposal) của Tình Yêu:

“em
hứa nha
(dù một nửa)
khép lại cùng anh
bản năng lửa
ghen giận hờn”

“Khép lại cùng anh?” Cụm từ "khép lại" ở đây mang ý nghĩa kép: vừa biểu tượng sự gắn kết, vừa ám chỉ sự giới hạn. Vì sao cần phải khép lại? Có phải Em cần khép lại đôi mắt, từ bỏ “bản năng lửa” của ghen và giận hờn ở nơi thế gian này để anh có thể dìu em về “vùng sương bóng” của chiêm nghiệm riêng tây?

Đó là lời mời gọi của Yêu Thương, của Từ Bỏ (dù chỉ một nửa) những hờn ghen nhỏ nhặt; bỏ lại sau lưng bản năng “lửa”, khép lại hai hàng mi, độc giả sẽ cùng tác giả dời chuyển cảnh giới, khởi đầu cho hành trình xuyên thời không để tự mình chiêm nghiệm về những viễn tượng của thế giới tan rã và sự giao thoa của các nền văn hóa ở khổ thơ thứ hai:

“ta cùng qua
đền đài sụp đổ
thần tượng điêu tàn
nghe thời gian
hát từ đâu gió cát
trên xác đế chế người
Mỹ tàn
Tàu lên ngôi
vòng đời hai nửa
giữa khoảng
tay ôm”

“Đền đài” và “thần tượng” ở đây không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn biểu thị các hệ thống tư tưởng, niềm tin qua nhiều thế hệ. Độc giả như đi trên cỗ máy thời gian, nhìn ra sự sinh, trụ, hoại, diệt của những nền văn minh cổ xưa: Hy Lạp, Ai Cập, Lưỡng Hà, La Mã.

Khi “đền đài sụp đổ” và “thần tượng điêu tàn,” chúng ta thấy được hình ảnh của sự thay thế và sự tan rã không chỉ trong văn hóa mà còn trong tâm thức con người. Anh Đa Đề sử dụng những từ ngữ đơn giản mà ẩn sâu là ý nghĩa của sự mất mát và sự hồi sinh. Người đọc được mời suy ngẫm về sự tồn tại mong manh của các biểu tượng văn hóa và quyền lực, tự họa nên một thế giới mới trong khoảng trống giữa “Mỹ tàn” và “Tàu lên ngôi.” Giữa “Mỹ tàn” và “Tàu lên ngôi” là cả một khoảng trống đầy những hệ lụy khôn nguôi mà độc giả có thể tự mình “điền vào chỗ trống” để tham dự vào cuộc đồng sáng tạo với chính tác giả. Những hình ảnh dường như có vẻ rời rạc, nhưng có một hiệu ứng chung về sự ngậm ngùi của tan vỡ: thời gian, gió, cát, xác người, đế chế...

“Vòng đời hai nửa” gợi lên tính chu kỳ, biểu trưng cho sự thay đổi và tái sinh, của Ying và Yang. Độc giả tự mình điền vào ý nghĩa của “hai nửa” này – là quá khứ và tương lai, hay là sự đối nghịch giữa niềm tin cũ và văn hóa mới? Thủ Cựu, Bài Tân? Hay là Tống Cựu Nghinh Tân? Ý nghĩa nằm ngay trong sự phân đôi của từ ngữ, một cách mời gọi độc giả không ngừng tái diễn giải những biểu tượng này trong tâm trí mình.

Trong khổ thơ thứ ba, cuộc hồi tưởng (cũng như bao cuộc khác) rồi cũng tan, chúng ta quay về với cái thực tại đang là:

“trong quán A. I.
nhạc gọi đám đông
văn chương thế sự mùi men cũ
em hỏi anh bao giờ sẽ khác
chuyện Địa Đàng khép cửa
câu sấm truyền mâu thuẫn lửng lơ
‘Who will deliver me from this body of death?’”

“Quán A.I.” là hình ảnh hiện đại, nơi mà công nghệ A.I. và con người gặp nhau. Đám đông đã bị kỹ thuật làm cho cơ khí hóa, bị khóa chặt tầm nhìn, bị lôi kéo vào khúc nhạc vui. Văn chương thì chỉ toàn là chuyện thế sự với “mùi men cũ.” Đó là nơi sự hiện đại gặp gỡ truyền thống, nơi người đọc cảm nhận sự mâu thuẫn của thời đại – sự hoài niệm trong tiến bộ, và sự hư hại trong cái mới.

“Địa Đàng khép cửa” là hình ảnh của một sự mất mát vô hình nhưng rất to lớn, sự mất mát mà người đọc cảm nhận qua chính kinh nghiệm riêng của mình về những “cánh cửa” đã vĩnh viễn khép lại. Đó là một mất mát niềm tin vào cái Chí Thiện. Sự mất mát của cái “khép cửa” nổi bật giữa muôn vàn “cái có được” do khoa học và công nghệ tiện ích mang tới, mang cho người đọc một cảm giác tiếc nuối khôn nguôi.

Câu trích từ Kinh Thánh “Who will deliver me from this body of death?” không chỉ là câu hỏi về sự cứu rỗi mà còn gợi mở về sự bế tắc của nhân sinh khi Địa Đàng khép cửa, tác dụng khiến người đọc tự mình phản tỉnh. Đa Đề thả lửng giữa câu hỏi và sự kiện “khép cửa,” để lại một không gian suy ngẫm mà người đọc tự mình phải tìm câu trả lời.

Khổ thơ cuối bài là sự trở lại với cái rất thường nhật, là sự đối mặt với cái cõi đời phi lý tột cùng này, là sự trỗi dậy từ đống tro tàn của Chí Thiện, của tính người, của nhân bản, của tình yêu:

“Đêm
ngàn lẻ từng đêm
anh kể chuyện đời
cõi này
nơi đây
bên em có người
ôm tim mình
những
gai mận
dao đâm
tan
tương
chao
nát
green curry
đói
chết”

“Đêm ngàn lẻ từng đêm” anh kể chuyện đời cho em nghe, về “Cõi này/nơi đây,” về mối liên hệ của nó trong sự tương tục của dòng lịch sử. Cõi này/nơi đây là thành phẩm của bao nhiêu thần tượng, đền đài, xác người, và thời gian gió cát. Sự hữu hạn của con người, cái vô định tương lai, vòng thịnh suy các nền văn hóa, địa đàng khép cửa, tất cả phơi bày bản chất phi lý cho chúng ta chiêm nghiệm. Sống trong bối cảnh đó, thì với cả anh và em: nỗi đau và sự cô đơn là điều không thể tránh khỏi. Hình ảnh “gai mận,” “dao đâm,” “tan tương,” “nát chao” và “green curry” đơn giản gần gũi trong một phối trí tuyệt vời: một sự pha trộn giữa sự tàn nhẫn và cái đơn giản thiết yếu nhất trong cuộc sống.

Bài thơ kết thúc bằng hai hình ảnh rời rạc và tương phản: “green curry” và “đói/chết.” Đây không phải là điểm dừng mà là sự mở ra của cái chưa biết, một chiều sâu đòi hỏi người đọc tự mình tham gia vào quá trình cảm nhận.

Qua bài thơ này, cách Đa Đề dùng từ ngữ không chỉ là mô tả, mà còn là sự kích thích, mở ra những tầng lớp nghĩa mới, một cuộc đối thoại giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự phức tạp và giản đơn. Bài thơ là một hành trình mà mỗi người đọc tự mình vẽ ra qua trải nghiệm cá nhân, một kiểu diễn giải liên tục – nơi mà cái vô hình và ý nghĩa được lộ diện theo cách riêng của từng người.

Với bút pháp đa diện và cách sử dụng ngôn ngữ đầy gợi mở, Đa Đề đã khai phá một không gian mới, một phong cách mới cho chính anh. Qua bút pháp này, anh mời gọi người đọc trở thành người đồng sáng tạo, nơi họ tự mình khám phá và hoàn thiện tác phẩm trong tâm trí. Như triết lý của Heidegger về aletheia, văn chương trở thành phương tiện để sự thật ẩn giấu được lộ diện, nơi cái vô hình và hữu hình hòa quyện, tạo nên một vùng đất sáng tạo không giới hạn cho cả tác giả lẫn độc giả. Đây không chỉ là một xu hướng mới mà là lời mời gọi để người đọc bước vào một hành trình sáng tạo, tự mình giải mã, tự mình viết nên câu chuyện riêng của mình trong mỗi bài thơ qua bút pháp Đa Đề.

Tô Đăng Khoa

Wednesday, November 27, 2024(View: 3191)
Nhân mùa lễ tạ ơn của nước Mỹ tôi xin cảm ơn tất cả. Xin chúc mọi người luôn vui khỏe trong tấm lòng chân thành biết nhớ ơn, tạ ơn và mở rộng lòng thi ân nếu có thể.
Wednesday, November 27, 2024(View: 415)
Hằng năm, con dân và thân hữu Biên Hòa quy tụ để cử hành Lễ Vía Đức Ông rất long trọng tại Biên Hòa (Việt Nam), San Jose (California) và Houston (Texas).
Tuesday, November 26, 2024(View: 604)
trong mùa lễ Tạ Ơn này tôi chúc người thân, bạn bè và các em học trò cũ của tôi ở xứ Cờ Hoa hưởng những ngày sum họp đầm ấm với gia đình.
Saturday, November 23, 2024(View: 342)
Hòa ngắm mảnh vườn sau nhà với một cõi lòng tràn đầy Tri Ân. Không phải đợi đến mùa Thanksgiving, mà gần hai năm nay, kể từ khi được thay tủy, là từng ngày Hòa dâng lên ngàn lời Tạ Ơn.
Saturday, November 16, 2024(View: 1549)
Một điều đáng mừng là sau nhiều biến động lịch sử, SVĐ BH một biểu tượng Văn Hoá-Thể Thao lâu đời của người dân BH xưa, vẫn còn tồn tại, hơn nữa còn có được dự án chỉnh trang tu sửa để hình thành một SVĐ đa chức năng của địa phương.
Saturday, November 16, 2024(View: 709)
Tôi tên Chi, Trần Thị Chi. Nếu ai đọc “Chí Phèo” của Nam Cao ngày xưa, họ sẽ liếc vô tui, nói nhỏ với nhau: – Xấu hơn Thị Nở! Nhưng bây giờ trên đất Mỹ, hiếm người biết về “Thị Nở” nên tôi chỉ nghe xầm xì ở các chợ VN:
Friday, November 15, 2024(View: 904)
Tôi run run lái xe vào parking phía trước nhà băng và tìm chỗ đậu, xe truch cũng đậu cách tôi vài xe. Ở đời luôn có kẻ xấu, có ý đồ điên khùng, ghét người Châu Á.
Sunday, November 3, 2024(View: 1025)
Có thể nói không ngoa, rằng bầu cử Tổng Thống Mỹ được cả thế giới quan tâm, huống chi Canada là hàng xóm kế bên, hỏi sao không “hot”?
Saturday, November 2, 2024(View: 1040)
Tuy nhiên chúng ta cũng hãy tin người dân Mỹ yêu nước sẽ dùng lá phiếu để chọn người đại diện đúng nhất cho mình. Cả thế giới đang hướng về nước Mỹ chờ đợi kết quả ai sẽ là vị Tổng Thống thứ 47 của Hoa Kỳ.
Saturday, November 2, 2024(View: 1001)
Sau vài câu thăm hỏi, chúng tôi nhắc vài mẫu chuyện xưa khi còn đi học và Hải đã kể cho tôi nghe câu chuyện trên và lúc nào Hải cũng bắt đầu câu nói bẳng “Mày biết không?
Saturday, November 2, 2024(View: 923)
và nghe mấy đứa con bà bàn tán về một “điểm hẹn” tụi nhỏ không bao giờ bỏ qua trong ngày lễ Ma, đó là ngôi nhà màu hồng to lớn và thật đẹp ở góc đường của bà “Phù Thủy.”
Saturday, November 2, 2024(View: 1132)
Thì ra đàn bà nào cũng sợ bị chê già, chê xấu. Đêm nay em là ma và là một con ma dễ thương như những ma quỷ trẻ con dễ thương đã đến nhà mình trong đêm nay đấy.
Friday, October 18, 2024(View: 1061)
Nếu xứ Mỹ mừng Thanksgiving vào ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư của tháng 11, thì Canada lại mừng Thanksgiving vào ngày Thứ Hai của tuần lễ thứ hai của tháng 10.
Friday, October 18, 2024(View: 1601)
Hiện giờ thì trẻ lạc đã sung sướng tung cánh gà tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đầm ấm. Còn con gái thì mừng rỡ cảm ơn mẹ rối rít! Thôi thì đầu năm mất của mà tìm lại được cũng là điềm tốt,
Wednesday, October 16, 2024(View: 1665)
“Ai cũng từng qua thời, hoặc làm người tan học về, hoặc làm người đi theo, tức là làm ‘Hoàng Thị Ngọ’ hay làm ‘anh theo Ngọ về’ của riêng mình” như lời bài thơ, ca từ của nhạc phẩm.
Saturday, October 5, 2024(View: 1924)
Đoạn viết ngắn này để nhớ đến nhà thơ mà tôi yêu thích cùng hai bài hát qua bàn tay phù phép của nhạc sĩ Phạm Duy – cũng đã đi vào thiên thu...
Saturday, October 5, 2024(View: 2421)
Và gần 50 năm sau sống trên nước Mỹ, qua những năm tháng sống vui vẻ và hạnh phúc của cuối đời, tôi thầm tự hỏi chính tôi, tôi có được những gì?.
Saturday, October 5, 2024(View: 2344)
Dù chỉ được sống trong chính quyền Việt Nam Cộng Hoà vỏn vẹn 9 năm, nhưng ký ức về khung trời tuổi thơ yên vui tươi đẹp, của Miền Nam yêu dấu vẫn sống mãi trong tâm tưởng của tôi.
Friday, October 4, 2024(View: 1675)
Tôi viết bài này để nhớ người “Du Đãng Hiền Lành”. Nếu còn sống và đọc được bài này thế nào người “Du Đãng Hiền Lành” của tôi cũng chỉ mỉm cười và tặng cho tôi mấy chữ “Tổ Cha Mày Châu”…nghe rất dễ thương…
Friday, October 4, 2024(View: 1268)
Ngày đó, tôi chưa biết tiếc nuối những kỷ niệm thời nhỏ dại. Bây giờ, trên nửa thế kỷ sau, ngồi nhớ lại mới thấy hụt hẫng. Những con đom đóm lập lòe của tuổi thơ tôi đã tuyệt chủng ngay từ những ngày xa xưa đó.