Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - VỀ SỐ PHẬN TÂY NGUYÊN VỚI CÁI NHÌN LỊCH SỬ

19 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 90821)
GS. Nguyễn Văn Lục - VỀ SỐ PHẬN TÂY NGUYÊN VỚI CÁI NHÌN LỊCH SỬ

VỀ SỐ PHẬN TÂY NGUYÊN VỚI CÁI NHÌN LỊCH SỬ

GS. Nguyễn Văn Lục

 

ban_me_thuot_1957-large

Trong tầm mắt của tôi thì Tây Nguyên là một Amazon của Việt Nam thu nhỏ lại về mọi mặt. Về mặt lịch sử, nó là di sản của con người Tây Nguyên từ bao đời nay như một thứ luật pháp không thành văn. Nhưng chính vì thế nó trở thành mục tiêu của nhiều thế lực muốn làm chủ miền đất này như thể một mảnh đất vô chủ.

 Cho đến nay người dân thiểu số chưa bao giờ -dù chỉ một lần- có tiếng nói trên mảnh đất của họ. Bài viết này nói thay cho những kẻ không có tiếng nói- kẻ phải làm thinh-.

Bài viết này chỉ nhằm giới thiệu sơ lược các tác giả Pháp cũng như Việt viết về Tây Nguyên. Đó là những khảo cứu của họ chuyên đề về địa lý, lịch sử, truyền thống, các giá trị huyền thoại của Tây Nguyên.

 Bởi vì xét ra không cần giới thiệu đầy đủ về Tây Nguyên ngày hôm nay. Việc đó có thể là thừa, vì Tây Nguyên ngày nay đã không còn là Tây Nguyên nữa. Tây Nguyên đang bị vong thân và hủy diệt bởi nhiều thế lực chính trị- nhưng nhất là cho những tham vọng thực dân cộng sản ngay từ sau 1975!

Viết về Tây Nguyên là viết như một thái độ phản kháng, thái độ không còn bất nhẫn được nữa.

Nhưng về mặt tuyên truyền, Hà Nội đang ra sức quảng cáo, phô trương dưới đủ hình thức những giá trị cổ xưa cho cái được gọi là Du Lịch Sinh Thái. Nhất là nơi địa bàn các sắc dân thiểu số miền Thượng Du Bắc Việt. Các nền Văn hóa bản địa hầu hết ở phía Bắc mà hằng năm có đến hàng ngàn lễ Hội tổ chức tốn kém.

Đó là cái mà Nguyên Ngọc gọi là Văn Hóa diễn, tách ra khỏi đời sống thực của bản làng.

Tất cả chỉ là những màn kịch, tất cả chỉ là cái bề ngoài, tất cả chỉ là dịch vụ. Ngay cả tôn giáo cũng có nguy cơ biến thành dịch vụ “buôn thần bán thánh”. Tất cả chỉ là sự bắt chước thô kệch, tất cả chỉ là những hình nhân, những con múa rối qua tiếng nhạc, tiếng trống, quần áo lòe loẹt!

Vật thể văn hóa ở trạng thô sơ nguyên thủy( état brut) đã bị hủy diệt. Cái còn lại chỉ là sự cóp nhặt.

Còn cái hồn của các giá trị ấy không còn nữa!

 Đó là bi kịch Việt Nam, đó là điều cần lên tiếng .. Vì thế, trong bài tôi đặc biệt trân trọng đối với những ai trong quá khứ đã có lòng với Tây Nguyên, đã đứng về phía Tây Nguyên, cho dù đó là những viên chức thời Pháp thuộc như Léopold Sabatier.

  • Về mặt địa lý

 Tây nguyên bao gồm năm tỉnh: Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Nó là một cao nguyên thấp trên dưới 500 mét với thỗ nhưỡng đa phần là đất đỏ bazan-60% diện tích đất đỏ với hai triệu hectares-, rất tốt cho việc trồng các cây kỹ nghệ như cà phê, cao suvv.. với thảm sinh vật và thực vật đa dạng, phong phú nhất so với cả nước.

Đặc sản của Tây Nguyên có thể nói chủ yếu là rừng. Rừng là Tây Nguyên. Đối với các dân tộc Tây Nguyên, đất và rừng không chỉ là một không gian sinh tồn- nền tảng vật chất cho việc sinh sống làm ăn. Rừng còn là một không gian xã hội- văn hóa, tín ngưỡng -với bản làng- với tập tục- với đời sống tâm linh đậm nét vật linh(animiste). Rừng mang ý nghĩa văn hóa, bản sắc dân tộc, cái hồn, cái thần tính mà nơi đó thần linh ngự trị. Người Thượng còn hiểu được dược tính của từng cái lá, từng cái cây, từng lịch sử của cây trong cái thảo nguyên rộng rãi bao la của họ.

Và họ nghĩ rằng Chỗ nào có đất, có rừng là của họ.

“Toàn vùng được rừng già dầy dặc bao phủ để cho búa rìu người Thượng đốn chặt sử dụng từ từ, nhưng cây con cũng sớm mọc lại và tăng trưởng thay thế rất nhanh lẹ không ngờ. Không thấy có đồng bằng ở đó ngoại trừ đi chếch về phía Đông Nam và phía Tây tại vùng dân Re-Ngao”. 

[1] Lá thư đầu tiên của cha Combes gửi về Bề trên Thừa sai Ba Lê đề: Kon Kơsâm, ngày 29 tháng 9 năm 1853. Trích trong Dân Làng Hồ, Pierre Dourisboure, trang 206.


Cho nên khi người ta phá hoại rừng là trực tiếp hủy diệt chẳng những cái ăn của người Tây Nguyên, đồng thời làm đổ vỡ cơ cấu xã hội, tinh thần, đạo đức của người Tây Nguyên.

Về đặc điểm địa lý này, người Pháp đã có kế hoạch để khảo sát địa khoa núi, địa lý thủy văn và các vùng thảo nguyên tại khu Nam –Trung bộ của Đông Dương. Và sau được in thành tài liệu sách trong cuốn Les Jungles Moi của Henri Maitre.

[2] Người Pháp tài trợ cho Henri Maitre khảo sát vào năm 1909-1911 tại khu Nam- trung bộ của Đông Dương. Năm 1914 Henri Maitre bị ám sát chết tại một vùng bên Kampuchia. Cuốn sách Les Jungles Moi sau này đã được dịch ra tiếng Việt với nhan đề Rừng Người Thượng.

Và như nhà Dân Tộc Học Nguyễn Từ Chi cũng đã khẳng định dứt khoát: Tiêu diệt rừng đồng nghĩa với việc tiêu diệt Tây Nguyên. Vậy mà ngày nay công việc ấy đang được diễn ra từng ngày.

[3] Nguyễn Từ Chi là con bác sĩ Nguyễn Kinh Chi. Năm 1933, bác sĩ Nguyễn Kinh Chi được điều lên Kontum làm việc. Ông có người em trai là Nguyễn Đổng Chi. Ông đã viết thư cho em trai nghỉ học một năm để lên Kontum khảo sát về người Mọi ở đây. Nhờ đó hai anh em đã cho xuất bản cuốn: Người Ba-Na ở Kontum, cho xuất bản năm 1937.

Cho nên mất đất, phá rừng thì họ còn lại gì? Đấy là nguy cơ số một về sự sống còn của Tây Nguyên.

  • Các công trình khảo sát Tây Nguyên

Nhiều người đã viết, đã khảo sát, đã lên tiếng, đã báo động. Chúng ta hãy dùng con mắt lịch sử để rảo qua những công trình ấy.

 Các nhà truyền giáo đầu tiên chỉ mới đến đến Tây Nguyên năm 1833 và đã ghi lại đầy đủ về những bước đi truyền giáo với đầy những gian lao và thử thách của các giáo sĩ trong đó công trình đầu tiên là của Pierre Dourisboure.

 Và cũng thật bất ngờ trong số những nhà truyền giáo ấy có một người Việt Nam. Đó là Thày Sáu Do- một người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Tây Nguyên qua ngõ An Sơn.

Đức cha Cueno (Tên tiếng Việt làThể) biết rõ và đánh giá cao Thầy Do, Ngài quyết định giao phó cho Thầy thực hiện hoài bão mà Ngài đang ấp ủ. Ngày kia, Ngài gọi thầy Do đến và không rào trước đón sau gì cả, đi thẳng vào đề :

Thầy phải mở đường, qua ngõ An Sơn, một con đường để đi truyền giáo cho người Thượng; Thầy sẽ làm thế nào để hoàn thành việc đó?

 Con sẽ làm lái buôn- Thầy Do đáp lời- và trong khi giả bộ buôn bán, con sẽ tiến sâu vào bên kia ranh giới mà các tay buôn khác chưa từng vượt qua; một khi việc khảo sát địa hình xong xuôi, con sẽ trở về và đưa một vị thừa sai đến vùng đó ».

[4] L.M Pierre Dourisboure, Les sauvages Bahnars, trang 7-8, Paris 1929

Đoạn văn đối thoại trên khẳng định một điều: Người mở đường cho việc khám phá Tây Nguyên và mở cửa ngõ cho việc truyền giáo là một thầy phó tế Việt Nam, tên Sáu Do.

 Và nhà truyền giáo thứ hai là cha Jacques Dournes. Có lẽ không một tác giả nào sống nhiều, hiểu nhiều, viết nhiều về Tây Nguyên bằng Jacques Dournes. Ngoài cuốn Les Populations montagnardes du Sud-Indochinois.( Miền đất huyền ảo) được dịch ra riếng Việt, Jacques Dournes còn viết các sách sau đây :

Dieu aime les paiens. ( Chúa thương dân Người).

Offrande des peuples ( Hiến tế muôn dân)

Le Jơrai sans complexe ( Ngữ học Jrai)

Coordonées( Cơ cấu xã hội Jarai)

Pơtao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jrai( Một chủ thuyết về quyền bính nơi người Jrai)

Forêt, Femme, Folie( Rừng, đàn bà và sự điên loạn. Một phân tích xã hội theo tâm lý học chiều sâu( Psychologie approfondie).

Ngoài hai nhà truyền giáo trên, không thể không nhắc đến sự đóng góp tiếp nối của Paul Guilleminet với nhiều khảo chứng của ông như:

- 1942, Le sacrifice du buffle chez les Banhar de la province de Kontum. La fête, ( Tục lệ lễ cúng trâu của người Banhar tại tỉnh Kontum đang trong BAVH, avril-Juin, trang 117-1954( Những người Bạn cố đô Huế.)

- 1952 : La tribu banhar du Kontum ( bộ lạc Banhar) trong BEFEO

- Coutumier de la tribu Bahnar des Sedang et des Jarai de la province de Kontum trong EFFEO.

Phía tác giả Việt Nam, ngoài anh em ông Nguyễn Kinh Chi và con trai là Nguyễn Từ Chi, cũng không thể không nhắc tới nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huy với khảo luận: Nhìn lại phong trào Bajaraka nói về giai đoạn thời đệ nhất cộng hòa miền Nam.

  • Những người có công bảo vệ Tây Nguyên

Không kể những người như Jacques Dournes mà những công việc của ông sau này nghiêng về hướng khảo cứu Dân Tộc Học. Công trình trước tác của ông thật đồ sộ và quan trọng. Riêng đối với những ai đi truyền giáo thì cuốn Dieu aime les paiens. ( Chúa thương dân Người) phải là cuốn sách gối đầu giường như Trần Sĩ Tín thú nhận. Chỉ nội đọc tiêu đề cuốn sách, nó đã gói ghém trọn vẹn tinh thần truyền giáo phải như thế nào, phải làm gì. Cũng không kể đến viên thống sứ Léopold Sabatier mà tôi dành viết riêng về ông trong thời đô hộ Pháp.

 Trong bài biên khảo này, tôi đặc biệt giới thiệu ba người- không phải do kiến thức của họ có về Tây Nguyên- mà do cái tấm lòng yêu mến của họ với Tây Nguyên. Có kiến thức về Tây Nguyên đã là khó. Nhưng có tấm lòng với Tây Nguyên thì khó hơn nhiều.

  • Người thứ nhất là một người cán bộ cộng sản phản tỉnh- Nhà văn Nguyên Ngọc- mà tôi gọi ông là một nhà Nhân Bản. Ông Nguyên Ngọc từng có dip ở Tây Nguyên với tư cách bộ đội và đã có thời ông viết cuốn : Đất nướcđứng lên với nhân vật anh hùng có tên Núp- người Tây Nguyên-. Cuốn sách này trở thành cuốn sách tuyên truyền nổi tiếng lắm và đã chuyển thành phim.

 Đối với tôi, đó là một giai đoạn đời ông. -Giai đoạn mà nhiều người khác cũng đã đi qua-. 

 Nhưng ông còn là người đã có công chuyển dịch cuốn : Les populations montagnardes du Sud-Indochinois, Miền đất huyền ảo Và bản dịch : Foret, Femme, Folie, Rừng, đàn bà, điên loạn của Jacques Dournes. Phải thích như thế nào, phải đồng lõa, thỏa hiệp với J. Dournes như thế nào mới để công dịch? Đấy là những dấu hiệu cho thấy tại sao sau này ông đứng lên bênh vực và bảo vệ các di sản vật thể Tây Nguyên.

 Sau 1975, ông đã từng ủng hộ những nhà văn có xu hướng chống đối như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài và nhiều người khác. Ông cũng đóng góp ý kiến vào việc xây dựng một nền giáo dục ở Việt Nam và tin tường nó sẽ khá hơn. Nhưng vô vọng. Chẳng những nó không khá hơn mà trở thành tồi tệ. Nhiều người có thể nghi ngờ thiện chí của ông. Nhưng đối với Tây Nguyên, ông từng lên tiếng phản đối, kiến nghị, hội thảo về việc khai thác Beauxite cùng với nhiều trí thức khác. Ông cũng từng cầm biễu ngữ xuống đường để ngăn chặn mọi tham vọng tàn phá bất kể đến tương lai người dân tộc thiểu số. Tiếng nói của ông, nếu ở trong một xã hội dân chủ, pháp trị thì ít nhất đã được nghe.

Ở đây thì không: Đàn gẩy tai trâu. Trâu ở VN vốn là biểu tượng cho sự cần cù và chịu đựng. Nay nó biểu tượng cho sự ngu độn và lì lợm.

 Nhà văn Nguyên Ngọc- một người cộng sản đúng nghĩa- được trui rèn trong ý thức hệ Mác Xít- chỉ biêt căm thù cầm súng giết giặc là chính- . Động cơ nào khơi lên trong ông cái tình con người như ngọn lửa vốn đã tắt- vốn hiếm hoi nơi người cộng sản-.

 Ông đã phải lòng Tây Nguyên và đã lên tiếng cho Tây Nguyên!!

 Tôi dám viết lại một lần nữa ông là một nhà Nhân Bản hơn là người cộng sản. Trong những bài viết của ông, trong những việc ông làm mà phần lớn là thất bại. Trong những việc ông lên tiếng về nhiều lãnh vực-nhất là giáo dục cũng là những thất bại. Bởi vì ông đã gẩy đàn cho Trâu nghe. Thất bại vì sự lên tiếng ấy gói ghém một tin tưởng rằng có thể được nghe. Vì thế nó mang nặng tình chất một thứ phản kháng trung thành (loyal)-Một từ của Zachary Abuza trong bài tham luận nhan đề gọi là : Loyal opposition Within the VCP- tin tưởng rằng tiếng nói của mình có thể thay đổi được cục diện.

Tin tưởng ấy, phản kháng ấy dễ dẫn đưa người ta đến chỗ ảo tưởng..

 Nhưng qua những điều ông lên tiếng tôi nhận thức rõ ràng ông lộ diện con người bản chất chân thật- một tiếng nói trung thực-, một con người lấy đạo đức, lương tâm làm lẻ sống, lấy công bằng làm thước đo xã hội, lấy tranh đấu không phải bằng súng đạn để tranh đấu cho quyền con người.

Càng ngày cái áo cộng sản ông đã khoác vào người chỉ còn là chiếc áo sờn vai, rách nát không vá được nữa. Ông đáng đứng vững trên đôi chân nhân bản của mình mặc dầu tuổi đã lớn. Và một ngày nào đó, Đảng sẽ khước từ ông, vì không thể dung nhận một người cộng sản mà lại nhân bản được.

Về Tây Nguyên, ông cũng có hai bài biên khảo mang tính tố cáo đầy sức thuyết phục là: Tây Nguyên, đã vượt ngưỡng và bài Phát triển bền vững ở Tây Nguyên được đăng tải trên diendan.org. Chúng tôi sẽ trở lại với ông ở phần kết của bài viết này.

  • Một nhân chứng thứ hai đến từ một miền đất xa xôi tận trời Tây tìm đến một đất nước do chính phủ nước ông đến xâm chiếm và cai trị- một miền đất bị nguyền rủa bởi đói nghèo, tật bệnh, chậm phát triển. Ông đến không mang theo bạo lực và đồng lõa với ý đồ của thực dân. Đến đây rồi, ông mới nhận ra còn có những dân tộc đau khổ hơn là ông tưởng. Đó là Tây Nguyên.

 Câu chuyện phải lùi lại 60 năm về trước- một giáo sĩ truyền giáo người Pháp- Giám mục Seitz, giám mục KonTum cũng đã có những cảm nghiệm tương tự- cũng có những nỗi lo chưa rõ mặt về số phận Tây Nguyên. Ông là người đã từng sống chết với Tây Nguyên kể từ năm 1952 khi ông được bổ nhiệm làm giám mục Kon Tum cho đến khi ông bị nhà cầm quyền cộng sản trục xuất ra khỏi Việt Nam năm 1975. Hơn 20 năm trời đằng đẵng lo cho Tây Nguyên cho đến khi ông bị xua đuổi ra khỏi mảnh đất cao nguyên một cách phũ phàng- một quê hương thứ hai của ông-. Tây Nguyên với hàng triệu hectare rừng hầu như còn ở trong tình trạng hoang sơ. Vậy mà với chỉ một đợt dân di cư 54.000 người từ miền Bắc lập nghiệp ở các vùng Di Linh, Blao và một số nhỏ ở Ban Mê Thuột đã đủ làm nên nỗi sợ bị Kinh hóa của vị thừa sai?

Nếu giám mục chẳng may còn sống thì ông sẽ hoảng sợ đến đâu- không phải chỉ 50.000 người xâm nhập Tây Nguyên vào năm 1954 mà là khoảng hơn ba triệu người từ những nơi xa xôi đến dẫm nát Tây Nguyên với một mức tàn bạo và tham lam cực độ.

Cái hiểm họa mà giám mục Seitz lo sợ nay đã thành hiện thực!!

  • Người thứ ba là thầy phó tế trẻ Việt Nam: Thầy Trần Sĩ Tin cùng với vài người anh em khác trong nhà DCCT Việt Nam, tình nguyện lên Kôn Tum và đã ở lại đấy cho đến nay là 45 năm-2/3 cuộc đời của họ. Trần Sĩ Tín, một thanh niên vóc dáng cao lớn hơn người thường- thích hợp cho một cầu thủ bóng rổ hơn là tu sĩ. Ông có cái gốc gác lớn lên được ăn học, giáo dục từ môi trường đạo giáo của miền Nam VN. Và có thể có một cuộc sống tu trì an nhàn ở dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn ở đường Kỳ Đồng-. Điều gì đã làm ông khước từ tất cả- . Ngay khi mới chỉ là thầy với chức phó tế, ông đã thử làm khu khuân vác ở bến Tàu, đã rủ nhau đi làm thuê, cuốc đất trồng khoai cho cho các hộ nhà nông ở Tùng Lâm, Kim Thach, Thánh Mẫu, đã thử về đồn điền Fyan của nhà dòng ở khu Lâm Dồng. Cuối cùng ông đã chọn vào đời bằng Khung cửa hẹp, bằng những con đường gồ ghề, bằng những thách đố và thử thách ít ai dám làm và thử làm. Thoạt đầu, ông đã lập Nhóm Ra Đi để thoát ra khỏi cái cơ cấu khuôn mẫu, nề nêp mà quá chật hẹp của tu viện!!! Nhóm ra đi được hiểu như một sự dấn thân, nhập cuộc theo tinh thần triết học nhân bản lúc bấy giờ. Cuộc ra đi ấy nay trải dài suốt cuộc hành trình nhân thế đượm hy sinh, lý tưởng. Đó là tinh thần phục vụ con người không tính toán so đo theo nghĩa đến tận cái đáy của sự phục vụ không kể thân mình.

Tính cách nhân chứng của ba người trên ở trong những hoàn cảnh chính trị, xã hội, tôn giáo khác nhau, ở hướng đào tạo khác nhau- một người ở bên Tây, một người ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, một người miền Nam, lại có chung một hoài bão: Phải cứu lấy Tây Nguyên.

Trước khi trình bầy đầy đủ về họ, tôi xin thưa là động lực thúc đẩy tôi viết bài này bắt đầu từ câu chuyện của cuốn sách: Nước mắt của Rừng mà tôi có dịp đọc và giới thiệu.

Một ngạc nhiên và cũng thật bất ngờ khi tôi đọc và giới thiệu cuốn Nước Mắt của rừng của Amai B’Lan, tôi có một số suy nghĩ miên man tự đặt ra cho mình là tại sao một cô gái 20 tuổi lại có những cảm nhận khác người là lo lắng cho cho số phận sống còn của Tây Nguyên như thế! Cô biết gì về Tây Nguyên? Nhận thức có được bao nhiêu về hệ sinh thái, về các kiến thức liên quan đến nhân chủng học, về tín ngưỡng, phong tục Tây Nguyên để có can đảm lên tiếng? Tiếng gọi nào thúc đẩy cô tình nguyện lên Cao Nguyên dạy học?

Trong nỗi lo lắng rất con người của cô mà không cần trang bị một kiến thức cần và đủ-không cần có những con số, thống kê-. Cô cảm nghiêm được số phận của Tây Nguyên. Cô thầm trách người Kinh đã bằng nhiều cách lợi dụng, khai thác, chiếm đất đai và bóc lột người dân Tây Nguyên. Cô viết: 

Người Jrai đã từng là chủ vùng đất này(tên Gia Lai đọc từ chữ Jrai mà ra). Tổ tiên họ đã sống và chết ở đây. Họ có cách sống và văn hóa của riêng họ. Trên đầu họ là bầu trời tự do. Dưới chân họ là đất rừng linh thiêng. Họ sống như thể biết bao thế hệ. Mọi chuyện cứ diễn ra như thuở ban đầu cho tới khi người Kinh tới”.

 [5]Amai B’Lan, Nước mắt của rừng, trang 35.

Khởi đi từ những suy nghĩ của tôi khi đọc Những giọt nước mắt của rừng, tôi ngược dòng tìm hiểu quá trỉnh hoạt động của giám mục Seitz và Hoàng Sĩ Tin trên Tây Nguyên.

Hành trình truyền giáo và nỗi lo bảo vệ Tây Nguyên của giám mục Seitz

Cha Kim là tên gọi Việt Nam - một linh mục đạo đức, lối sống sống đơn giản, đi dép sandale. Cái xa xỉ duy nhất là cha xử dụng xe díp để đi lo đủ mọi công việc. Cha cao lớn, nhưng gầy mảnh khảnh. Khi còn trẻ, hai ba lần ông phải ra vào bệnh viện chữa trị, hàm râu quai nón như phần đông các cố Tây thời bấy giờ. Nhưng khuôn mặt cha đầy nét phúc hậu, toát ra một cái gì làm người chung quanh cảm mến.

Ở Hà Nội, ông thiết lập trạp Ba Vì cho các thanh thiếu niên Việt Pháp và sau chuyển ra nuôi các trẻ em bụi đời, mồ côi vào năm 1943, tại Quần ngựa. Có khoảng 80 em mồ côi và bụi đời lúc bấy giờ. Và cứ thế, khi có chính sách chuyển giao quyền hành cho các linh mục bản xứ, cha đã sớm nhường chỗ cho các linh mục Việt Nam trong vai trò lãnh đạo. Và sau cùng được biết cha Kim đã làm giám mục coi sóc giáo phận Kontum- một quyết định khôn ngoan, đúng chỗ, đúng người- một giáo phận nghèo – ngoài người Kinh còn có dân tộc Jrai và Banhar.

Ở Kon Tum, ông thiết lập hai nhà thương và một chẩn y viện lớn, ông xây trường học, kiếm trụ sở cho các thanh niên thiểu số tiêp tục được đi học tại Sàigòn, xây dựng các cơ sở dòng tuvv..

Hình như cuộc đời và số phận của cha sinh ra, làm linh mục là để phục vụ người nghèo, kẻ yếu thế. Thật ít có cuộc sống nào đẹp hơn thế.

Xin mạn phép trích dẫn một câu của K.Marx cho rằng: Những người đi trước thời đại thường chuốc lấy bi kịch.

Tuy lo cho địa phận Kontum- một giáo phận nghèo nhất trong các giáo phận- Ông lại đặc biệt quan tâm tới số phận người dân tộc lúc đó vào khảng 700.000 người. Ông đã tìm cách mời các cha DCCT lên lập tu viện và đặc trách trông coi người dân Thượng.

Và sau đây, xin được trích dẫn hai lá thư còn giữ lại được nói về việc này. Trong một địa phận nghèo, có bao nhiêu mối bận tâm phải lo, phải làm, giám mục lại đặc biệt chú tâm đến số phận các người dân thiểu số? Lo “ cứu linh hồn” hay lo ưu tiên cứu số phận con người?

Đây không phải là một câu hỏi vớ vấn mà là câu hỏi đụng chạm đế sứ vụ linh mục, đụng chạm đến cái căn tính làm nên linh mục!!

Chúng ta cần ghi nhận là giám mục Seitz đã gửi đi hai lá thư; một thư vào năm 1953- thời gian trước di cư 54 cho vị Bề Trên Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế. Ba năm sau, 1956 giám mục lại gửi một lá thư thứ hai kêu gọi DCCT đến lập một tu viện trên giáo phận Kontum. Thư ấy viết với giọng van nài khẩn khoản như sau:

Thưa cha rất đáng kính.

Sau khi đã suy nghĩ chín chắn và khẩn cầu Thầy Chi Thánh Chí Linh trợ giúp, tôi không còn muốn trì hoãn, kính xin Cha lưu tâm tới vài yếu tố thuộc ” Vấn đề người Thượng”như tôi đã nghiệm ra từ ngày tôi được trao trọng trách gánh vác Giáo Phận này, cùng xin Cha cho thành lập một tu viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Kontum.

Ba năm sau, vẫn chưa nhận được thư trả lời- không nản lòng- giám mục viết tiếp lá thư thứ hai :

Thưa Cha rất đáng kính,

Cách đây ba năm, vào ngày 14 tháng ba, 1953, tôi đã kêu mời Cha đến lập một tu viện trong giáo phận Kontum. Nay tôi xin lập lại lời kêu gọi khẩn thiết của tôi, và, thưa Cha rất đáng kính, tôi xin Cha tái cứu xét để thành lập một Nhà Dòng như đã nêu .

Những lý do chung mà tôi đã trình bày với Cha lúc đó, không hề mất đi giá trị của chúng, trái lại những biến cố xảy đến từ đó, lại càng làm cho những lý do đó có thêm sức mạnh và mang tính thời sự .

Cách riêng với nhịp độ người Kinh nhập cư gia tăng đáng kể, làm cho việc giáo dục và đào tạo Kitô giáo cho những người mới tới đó, lại càng trở nên cần thiết . Còn các bộ tộc dân Thượng, vốn âu lo cho tương lai của họ, thay vì phải trải qau một cuộc khủng hoảng theo chủ nghĩa quốc gia hay bài ngoại, lại hết lòng mong ước có những tu sĩ, linh mục ngoại kiều”. 

[6] 35 Sứ vụ Jarai, Dòng Chúa Cứu Thế.. 80-83

Lời kêu gọi của giám mục Seitz đã không được vị bề trên phụ tỉnh DCCT đáp ứng. Im lặng. Tại sao không đáp ứng thì cho đến nay cũng không biết được.

Giám mục không chịu ngồi yên với số phận. Ông viết thư sang Pháp và liên lạc được với một dòng nữ tu Benedictines(Dòng Biển Đức) ở một nơi gọi là Vanves. Chẳng biết ngoại giao thế nào, năn nỉ ra sao mà bề trên dòng nữ này đã quyết định gửi năm nữ tu sang truyền giáo ở Kontum.. Trong năm nữ tu ấy có đến bốn nữ tu quốc tịch khác nhau. Đặc biệt có một nữ tu người Việt Nam, tên là Marie- Bénédicté Cúc.

Năm nữ tu này đã đến Việt Nam bằng tầu thủy, trong một hoàn cảnh bi kịch nhất lúc cuộc di cư bắt đầu- tức ngày 21-7-1954. Theo một trong nữ tu, sơ Francoise Demeure hay Colomban cho biết họ được đưa về Ban Mê Thuột trên một máy bay quân sự Pháp.. Họ ngơ ngác vì không một chút hiểu biết gì về Việt Nam lẫn người Rhadés. Không có chỗ ăn ở, họ phải ở nhờ đâu đó, 6 tháng sau mới xây dựng được chỗ tạm trú. Rồi từ từ cứ thế xây dựng được nhà tập và nội trú cho 70 em người dân tộc thiểu số.

Nhưng sự hội nhập cùng một lúc vào hai nền văn hóa khác biệt là Việt Nam và dân tộc thiểu số là một trở ngại lớn. Hội nhập như thế nào? Lột bỏ y phục của dòng, mặc váy của người dân tộc, đi đất như họ, ăn như họ thì sẽ trở thành một scandale dưới mắt một giáo hội còn bảo thủ, nặng hình thức.

Chính vì thế, trong thâm tâm, bà sơ cảm thấy rất khó chịu tự hỏi là họ đến đây để làm gì ? Để chia xẻ sự nghèo túng hay để phô trương cái giầu có, cái văn minh, cái hiễu biết của một đất nước Tây Phương tiến bộ xa xôi nào đó.

Sau khi đã xây dựng xong cơ sở tu trì, sơ Francoise Demeure mới chợt nhận ra mảnh đất 30 mẫu Tây trong rừng được dành cho nhà dòng xây cất là không có bằng khoán. Nói đúng ra, đó là đất của người dân Thượng. Chiếm đất như thế có khác nào ăn cướp đất của họ? Thật ra, giám mục đã hẳn có làm đơn xin cấp đất, chính quyền địa phương cho ngay vì đó là đất được coi như đất vô chủ, đất hoang. 

Cái việc coi đất Tây Nguyên là đất hoang là một quan niệm thông thường mà nhiều người đều nghĩ như thế. Nhưng các sơ từ xa đến lại không nghĩ như thế. Đất ấy có chủ và chủ nhân ông là các dân tộc người Jrai và Bahnar.

Không một ai từ nhà cầm quyền đến người cầm đầu giáo hội địa phương nghĩ rằng đây là đất của người Tây Nguyên. Cho nên việc cấp một mảnh đất 30 mẫu tây cho sự phát triển một dòng tu phục vụ người dân thiểu số là một điều rất bình thường.

Bây giờ mấy bà sơ đòi bằng khoán thì lấy đâu ra? Câu chuyện cứ nhì nhằng như thế không giải quyết ổn thỏa. Cuối cùng các sơ tính bỏ Ban Mê Thuột lên Kon Tum lập tu hội một lần nữa. Không nói rõ, nhưng các sơ này chê trách giám mục Mai cổ hủ, nặng thành kiến.

[7] Montagnards du Viet Nam, Francoise Demeure

Và sau nhiều năm ở Tây Nguyên, chính họ dần nhận ra: Vai trò có thể bị đảo ngược, vì chính những người dân thiểu số có thể dạy cho họ những giá trị mà trước đây họ không có, hay coi nhẹ. 

Sơ Francoise Demeure viết : J’ai recu beaucoup plus que je n’ai pu donner. ( Tôi nhận được nhiều hơn những điều mà tôi có thể cho) .

Riêng Giám mục Seitz đã có mối lo sợ Kinh hóa đi trước mọi người như trong lá thư đề ngày 14 tháng ba 1953, giám mục đã cảnh báo về một hiểm họa Kinh Hóa chưa tới:

Các dân tộc Cao Nguyên lúc này đang tới một “ khúc quanh” lịch sử mà tôi cảm nghĩ là có tính cách quyết định cho tương lai của họ: hoặc là chết vì bị dồn ép và tiêu diệt hoặc là được giải thoát nhờ thăng tiến và Kitô hữu”.

Ở một đoạn thư khác, giám mục viết:

“Mới ngay đây có kế hoạch khai hoang cho người Việt nhập cư. Vấn đề nhập cư này là một con dao hai lưỡi. Việc này thuộc bình diện những hiện tượng tự nhiên và lịch sử, dân tộc năng động hơn, sản lực mạnh hơn, sẽ kéo theo cái chết của dân tộc yếu hơn. Đó là một sức mạnh mù quáng, mà chúng ta e ngại mọi sự có thể xảy ra, nếu chúng ta cứ để mặc cho nó hoành hành mà không lấy lý trí, được đức tin và con tim soi rọi, can thiệp vào”

[8] Thư của Giám mục Kim, Paul Seitz, Vicariat Apostolique de Kon Tum, P.M.S Viet Nam. Kontum ngảy 14 tháng ba 1953, gửi bề trên Dòng Chúa cứu Thế. Trích trong 35 năm Sứ vụ Jarai, Dòng Chúa Cứu Thế-VN, 10. 1969- 10-2004

Bên cạnh những hoạt động nhằm bảo vệ Tây Nguyên, ông còn viết hai cuốn sách quan trọng bàn về vấn đề này. Đó là các cuốn: Le Devoir d’Aspotolat envers les Montagnards và cuốn Des homme debout. Les montagnards du Sud Viet Nam.

Nội dung hai cuốn sách này cho thấy giữa Jacques Dournes và giám mục Seitz có những quan niệm về sứ vụ truyền giáo tương tự.

 Nhắc lại những lo lắng của gíám mục Seitz về việc Kinh hóa Tây Nguyên cho thấy rằng có những tư tưởng đi trước thời đại và nó trở thành di lụy hay trò cười cho thiên hạ còn nặng thành kiến!

Đối với người viết bài này, ngưới ta có thể nâng tầm kích hai lá thư ở một mức cao và xa hơn nữa. Hai lá thư được trích dẫn ở trên thật là khá quan trọng vì nó cho thấy cái nhìn xa trông rộng và nhất là tấm lòng của vị thừa sai người Pháp đối với các dân tộc thiểu số. Tìm hiểu đầy đủ nội dung hai lá thư nó sẽ giúp người ta phải suy nghỉ lại cho công bằng mục đích của việc truyền giáo là gì? Nó có phải là một hình thức xâm lược với những mưu toan lợi lộc trần thế và san bằng những giá trị đạo đức, cổ truyền bản địa không?

Hai lá thư chẳng những giúp người đọc hiểu được nội bộ và thái độ của các vị lãnh đạo tôn giáo thời đó.- Đặc biệt là vị bề trên Phụ Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế cũng như Giám mục Phạm Ngọc Chi thuộc giáo phận Ban Mê Thuột.

Cùng là Giám mục coi sóc các dân tộc Tây Nguyên, nhưng giám mục Seitz tỏ ra quan tâm một cách đặc biệt đến số phận các người Jrai ở Kontum trong khi giám mục Chi ở Ban Mê Thuột thì không. Bằng chứng là khi 4 tu sĩ tình nguyện lên Tây Nguyên, họ đã ngỏ ý lên Ban Mê Thuột phục vụ truyền giáo cho người thiểu số. Giám mục Chi đã từ chối lời yêu cầu ấy.

Hai giám mục, hai thái độ, hai cách nhìn cánh đồng truyền giáo!!Một người chắc đã đọc kỹ: Dieu aime les paiens và một người đã có tiến sĩ Thần học, nhưng vì lý do nào khác có cái nhìn khác!!

 Riêng đối với người viết bài này, hai lá thư này chứng tỏ tinh thần và lý tưởng của những nhà truyền giáo ngoại quốc đến VN trong tinh thần phục vụ vô vị lợi và sự tôn trọng văn hóa bản địa, tôn trọng các giá trị truyền thống Tây Nguyên mà bằng mọi giá họ muốn bảo vệ và gìn giữ.

Công việc của giám mục Seitz chỉ là tiếp nối công trình truyền giáo của các bậc tiền bối như Pierre Dourisboure vào cuối thập niên 1860 dưới quyền giám mục Cuénot, giám mục Thể.

Nhưng quan trọng hơn hết, thái độ ấy cũng là cơ hội bắt chúng ta phải nhìn lại cũng như đánh giá lại về việc làm của các nhà truyền giáo kể từ Alexandre De Rhodes đi truyền giáo từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong. Họ vẫn bị mang tiếng là những kẻ đi chinh phục mang tính đế quốc, đồng thời coi thường những giá trị tôn giáo, văn hóa bản địa của người Annam.

Các nhà truyền giáo như Pierre Dourisbourg hay Jacques Dourmes sau này cho chúng ta một cái nhìn trung thực hơn về các nhà truyền giáo ấy. Giám mục Seitz một lần nữa phá tan những nghi kỵ của một số nhà nghiên cứu sử khi viết về các nhà truyền giáo.

Trong hai lá thư, giám mục đã khẳng định một cách cương quyết những lo âu diệt chủng của người Tây Nguyên:

Tôi nghĩ và tất cả các thừa sai đều đồng lòng với tôi rằng, người Thượng có quyền được sống; rằng trên những miền đất bao la này có đủ chỗ cho mọi người cùng nhau an cư; hơn nữa rằng có thể và có lợi ích để cho người Thượng dần dà hội nhập được vào quốc gia Việt Nam”.

[9]35 năm sứ vụ Jarai, trang 80

Chúng ta cũng cần nhớ thêm điều này là khi các nhà truyền giáo Tây Phương chuyển giao quyền hành cho giáo hội địa phương vào thập niên 1950 thì phần lớn các thừa sai ngoại quốc đã rút lui một cách lặng lẽ, nhường lại những vị trí chỉ huy trao vào tay các linh mục, giám mục VN và tình nguyện đi về những nơi xa xôi, hẻo lánh đang còn thiếu linh mục. 

Cố Năng, cha chính xứ nhà thờ Cửa Bắc Hà Nội xin về một họ đạo lẻ ở Phan Thiết. Cha Kim, tức cha Seitz tình nguyện lên Di Linh một thời gian ngắn chăm sóc người cùi.

Cũng kể từ năm 1960 khi tỉnh dòng Chúa Cứu Thế được thành lập thì các tu sĩ ngoại quốc người Gia Nã Đại đã nhường lại tất cả các cơ sở của Dòng cho các cha Việt Nam. Phần các cha Lapointe, Benoit, Vaillancourt, Laliberte1, Drouin… Họ đã rút lên khu rừng giáp ranh các tỉnh Lâm Đồng và Daklak để phục vụ các sắc dân Thượng, chính yếu là người K’Ho.

Họ đã có thể xây dựng nên một đồn điền tại Fyan, làm kinh tế chăn nuôi để cải thiện đời sống các nhóm dân ở đấy.. Các vị khác cũng làm như thế- tình nguyện đi truyền giáo ở các vùng cao và vùng xa xôi hẻo lánh..

 Cái thái độ và tinh thần đó thật đẹp- khi làm xong vai trò được giao phó- thì lặng lẽ rút lui.

Với độ lùi của thời gian và trong một tinh thần khoan dung và khiêm tốn, phải nhìn nhận có những bất cập và chấp nhận những sai lầm trong việc so sánh hoặc đánh giá những giá trị bản địa của một số thừa sai.

 Nhưng nếu cứ căn cứ vào tinh thần truyền giáo của các thừa sai đi trước Giám mục Seitz như Pierre Dourisboure và nhất là Jacques Dournes sau này thì quả thật họ đã đặt để những giá trị bản địa của truyền thống Tây Nguyên lên hàng đầu.

Cho nên, ngày hôm nay, muốn hiểu Tây Nguyên- không ai vượt qua được Jacques Dournes-. Một con người muốn hòa mình triệt để vào cuộc sống Tây Nguyên đến độ sẵn sàng hòa nhập sống như người Tây Nguyên- mình cởi trần, dưới thì Đóng khố như đàn ông Tây Nguyên. Việc làm này không được bề trên là giám mục tán thành. Và theo lời kể của Amai B’Lan cũng như linh mục Trần Sỹ Tín, một lần kia, Jacques Dournes đang đóng khố thì giám mục đến thăm. Ông vội vàng mặc quần áo dòng ra đón tiếp giám mục và dẫn đường .. Tuy nhiên vì vội vã, ông còn để lòi cái đuôi khố và Giám mục hỏi: Cái gì thế này?

Có lẽ cái phần thưởng cuối cùng dành cho giám mục Paul Seitz là hai năm trước khi lìa khỏi cõi trần thế này là lễ truyền chức hai vị tân linh mục- một Việt Nam và một người Bahnar-tại Paris năm 1982- thành quả sứ vụ truyền giáo của ông vào đúng ba mươi năm trước- năm 1952- khi ông đặt chân lần đầu tiên lên Kontum.

  • Cha Trần Sĩ Tín và Tiếng gọi ra đi

Tuy nhiên- có một điều trùng hợp đến lạ lùng là có một nhóm nhỏ DCCT gồm bốn người lúc ban đầu-. Đầu đàn là cha Vương Đình Tài kéo theo Trần Sĩ Tín, Nguyễn Đức Mầu và thầy Léonard Quân. Sau này có thêm thầy Hilaire Đinh Văn Thảo, linh mục Phán, thầy Marcô Trần Văn Đàn (Chết vào ngày 12-5-1971 khi đang bị cộng sản cầm tù. (99% các tu sĩ đều bị sốt rét ác tính trong đó có Trần Sĩ Tín).

Những quyết định của Cha Tài, Tín không hẳn được các tu sĩ và bề trên của họ đồng ý hoặc ủng hộ. Có những ánh mắt nghi kỵ ngay cả coi thường.

Họ cũng hoàn toàn không biết gì về nội dung hai lá thư của giám mục Seitz trao đổi với Bề trên của họ.

Xin trích dẫn lời của một trong bốn người- Cha Trần Sĩ Tín.

[10]Ghi chú : lúc đó Trần Sĩ Tín chỉ là thầy Phó Tế và vì Thầy Tín muốn lo phục vụ dân Gia Rai trước nên chưa chịu chức linh mục.. Mãi cho đến 8-12- 1972, vì nhu cầu mục vụ, Thầy Tín mới chịu chức linh mục, trễ vài ba năm

“Khi chúng tôi ra đi, chúng tôi chẳng biết đi về đâu. Điều liên kết chúng tôi là ước vọng phục vụ anh em dân tộc ít người, nhưng chẳng biết bộ tộc nào. Lúc đó chúng tôi không hề biết đến người Jrai. Cha Tài hướng về phía Ban Mê Thuột vì ở đó có nhiều người thân quen.. Nhưng Đức cha Mai ( giám mục Ban Mê Thuột) tỏ ý không đón nhận. Thế là phải đi xa hơn, lên Pleiku, tới Cheoreo, nơi có một anh em là tu sĩ dòng DCCT đang phục vụ anh em Jarai, đó là linh mục Vũ Văn Thiện là con và môn đệ của Đức Cha Paul Seitz..

Ở một chỗ khác, cha Tín viết rõ hơn: Kỳ nghỉ tết năm 1969, tôi theo cha Tài trên chiếc ô tô hai ngựa, từ Đà Lạt xuống Nhatrang qua trung tâm Chàm của cha Moussay, lên Ban Mê Thuột. Chúng tôi vào tòa Giám mục Ban Mê Thuột Đức Cha Mai và ở lại đêm. Cha Tài trình bày với Đức Cha mục đích chuyến đi của chúng tôi: chia xẻ cuộc sống với một nhóm người Thượng nào đó, xin Đức Cha chỉ bảo. Nhưng Đức Cha tỏ vẻ không mặn mà lắm với ai ở dòng Chúa Cứu Thế mà ngài cho là quá “ cấp tiến” . Ngài nói nếu muốn, chúng tôi có thể đến ở một nơi ở Phước Long. Mà Phước Long lúc đó đã là vùng oanh kích tự do( free fire zone) và kể như đã là vùng của Mặt trận Giải phóng( CS), không có con đường bộ nào tới được Phước Long``

[11] Hạt giống Kitô trong đất Jjrai, Giuse Trần Sĩ Tín

 

Giám mục Nguyễn Huy Mai vốn không có thiện cảm với nhóm DCCT nên có lúc bóng gió: Cha muốn lên đây lập dòng hả? Phải đi trực thăng Mỹ vào rừng sâu đầy Việt Cộng mà giảng đạo.

Không phải chỉ mình nhóm Trần Sĩ Tín gặp khó khăn với giám mục Mai mà năm bà sơ từ Pháp sang cũng phàn nàn về sự hững hờ tiêu cực của giám mục Mai đến độ họ chán nản muốn dọn về KonTum- chỗ giám mục Seitz.

Và cũng biết rõ tinh thần của người Kinh cũng như không tin tưởng nơi họ mà Jacques Dournes là người đầu tiên đã kịch liệt phản đối khi được tin Hội Đồng Giám Mục VN có ý định trao việc truyền giáo Tây Nguyên cho Dòng Chúa Cứu Thế.

Theo Dournes, người Kinh chỉ muốn cướp không và thôn tính những vùng đất vốn là của các dân tộc ít người. 

Chính Trần Sĩ Tín cũng phải nhìn nhận là khi mới tiếp xục với dân miền Thượng, họ e dè vì tưởng là các viên chức chính phủ được gửi vào để theo dõi họ.

Trần Sĩ Tín cũng nhỉn nhận ảnh hưởng của Jacques Dournes khi lần đầu tiên đến Cheo Reo. Chính Dournes đã mở đường cho Trần Sĩ Tín đi suốt cuộc hành trỉnh truyền giáo xuyên qua cuốn: Dieu aime les paens. Chúa thương dân của Người . Vậy thì tại sao người đi truyền giáo lại có thể bỏ rơi người dân thiểu số?

Jacques Dournes đã kể lại giám mục Seirz đã chở ông bằng xe Jeep tới làng Bon Ama Djong vào một ngày trong năm 1955, không nhà, không người quen biết.

Sau này đế lượt bốn anh em của Trần Sĩ Tín cũng bị giám mục Seitz chở đến một địa điểm và để bọn họ phải tự liệu lấy một mình.

Việc để các tu sĩ như Jacques Dournes một mình giữa cánh rừng xa lạ cũng như sau này để bốn người của nhóm Trần Sĩ Tín cũng như vậy chỉ có giám mục Seitz mới làm được như vậy. Và củng chỉ có ông mới thấu hiểu hết ý nghĩa của việc truyền giáo là gì!

[12] Trần Sĩ Tín, Hạt giống Kitô trong đất Jrai, Bản truyền thông Giáo phận Kôn Tum

Và đây là cuộc đời truyền giáo của nhóm Trần Sĩ Tín:

“Ngày 10 tháng 10 năm 1969, cùng với giám mục Kontum, chúng tôi tới Pleikly. Mới bặp bẹ học được vài tiếng Jarai học được ở Cheo Reo. Giám mục đã đọc và giải thích cho chúng tôi đoạn Tin Mừng theo Luca 10,1-12 nói về việc Chúa sai 72 môn đồ đến mọi thành và nơi chốn. Sau đó ngài chúc lành cho chúng tôi, rồi lên xe về lại Kontum. Vì hoàn toàn không quen ai nên tới tối chúng tôi vẫn chưa tìm được nhà nào chịu cho chúng tôi ngủ trọ . Chúng tôi đành ngủ tại một căn phòng trường sơ cấp trong làng. Chúng tôi có mang theo chăn nhu7nhg không có giường”

`` Từ sáng hôm sau, và những ngày tháng kế tiếp, chúng tôi bắt đầu làm quen với dân làng. Nhà nào cũng vào, gặp ai cũng chào hỏi. Họ cho gì ăn nấy. Vừa ăn vừa học tiếng:… Rồi no, đói, khát, mặn, nhạt, cay đắng, ngọt, bùi.. Rồi đến mùa gặt chúng tôi xin bà con cho chúng tôi cùng gặt. Thế là có những buổi trưa cùng ăn cơm trong ruộng lúa, có những buổi chiều cùng về trên con đường mòn, cùng tắm trong dòng suối mát..Cứ như thế: cùng ăn cùng làm, cùng nói, dần dần chúng tôi thân với họ, biết họ hơn và họ cũng biết chúng tôi hơn. Họ biết chúng tôi không phải là nhân viên cán bộ chính phủ.. Họ giao con cái cho chúng tôi và nói:” Các anh hãy dậy cho chúng biết điều của các anh”.

[13]35 năm Sứ Vụ Gia Rai..trang 90-92

 

Phải đối diện với bao nhiêu khó khăn, nhưng kể từ những năm 1971, nhóm Trần Sĩ Tín luôn luôn bị đe dọa bởi Việt Minh cộng sản trong vùng và đã bị họ bắt giam ở trại cải tạo. Đi làm lễ ở đâu cũng phải xin phép. Có lần không cho cha Trần Sĩ Tín làm lễ ở Mỹ Thạch cách chỗ ông ở 25km. ( Cho đến bây giờ GM Hoàng Đức Oanh cũng vẫn bị hạch sách như vậy).

Phần TST trả lời công an:

-Anh biết tôi từ bao lâu.. Anh biết lễ Noel là lễ gì rồi đấy. Bây giờ tôi nhờ anh về nhắn lại với công là đúng ngày giờ ghi ở đây, tôi sẽ về dâng lễ, muốn bắt thì đến mà bắt. Bắt để mà thăng quan tiến chức..

Sau 1975, một lần nữa, Trần Sỹ Tín lại bị Việt Minh dòm ngó tra khảo. Và có lần ở thời kỳ Quân quản, Trần Sĩ Tín còn một mẹ già ở Sài Gòn-một bà mẹ tuyệt vời đã đẻ ra Trần Sỉ Tín-Trần Sĩ Tín xin giấy về thăm mẹ. Gặp anh Quân Quản ăn nói sấc sược, đây là cách trả lời của TST: Mình bèn ngồi thẳng lại và đáp trả: Này anh, anh biết chúng tôi là hạng người như thế nào chứ, sống chêt có nghĩa lý gì . Tôi nói vậy đấy, tin anh không tin thì tùy anh. Họ đấu dịu ngay: Cách mạng không tin dân thì tin ai..

Và còn nhiều giai thoại nữa. Không kể không được về cái ông Trần Sĩ Jrai này..

-Ở xã la-le, có một lần tôi cử hành nghi thức ghi dấu thánh giá cho anh em dự tòng . Mọi nghi thức xong, chúng tôi dọn cơm ra ăn với nhau, một anh du kích jarai ập vào quát tháo loạn xạ bằng tiếng Kinh: Ông làm gì ở đây. Mình tưng tửng đáp lời: Thì anh thấy đấy, ăn cơm.

Rồi anh ta quay sang nói với anh em dự tòng vẫn bằng tiếng Kinh: Tụi bay trước, trước năm 1975 ra sao và sau 1975 ra sao ?( Ý anh ta muốn nói là trước năm 1975 đâu có đạo mà nay theo đạo) . Xã này là xã anh hùng, không có đạo!!.

Xin mở một dấu ngoặc, ở một chỗ khác, Trần Sĩ Tín thú nhận một cách khiêm tốn và thật thà như sau:

 Hồi đó chưa có người dân tộc nào gia nhập đạo. Từ 1969 đến 1987, 18 năm ròng chỉ mò cua bắt ốc, rồi cứ nhào vào làm cho dân..

[14] Trần Sĩ Tín Ibid, trang 33

 

Mình lại nửa đùa nửa thật: Ấy, giống mới đấy! Hồi trước làm gì có cao su, cà phê, bây giờ cà phê, cao su đầy rẫy.

Anh ta lại càng quát tháo dữ. Mình chuyển tông sang tiếng Jarai: Này anh, anh là người Jarai, anh đang ở trong làng Jarei, sau 1975, anh nói tiếng Kinh. Đây là đồng bào của anh chứ có ai khác đâu mà anh quát tháo nạt nộ..

Lúc đó anh công an người Kinh mới vào: Thôi ông Tín, cán bộ địa phương đã đến đây, ông cứ để cho họ làm biên bản đi.

Tôi bảo làm biên bản thì cứ làm biên bản đi, chứ đừng quát tháo dọa nạt như vậy. Sau cùng là biên bản như sau:

Có khoảng 40 người đang ăn cơm, có một cái bàn trải khăn thổ cẩm, trên bàn có cây Thánh giá và một bình hoa.. Ngày… tháng.. năm.

Khi trao cho tôi, tôi không ký, tưởng chuyện gì ghê gớm chứ ăn cơm mà củng làm biên bản. Rồi cũng xong. Huề cả làng.

[15] Trần Sĩ Tín, 35 năm sứ vụ Jarai, trang 60-64.

Và không ai có thể tiên đoán được kể từ ngày đó-10.10-1969- họ đã ở lại Jarai, Kontum cho đến bây giờ. Hơn 40 năm.

 Kể như như hết cả cuộc đời họ dành cho Tây Nguyên.

Và trớ trêu thay, sau mấy chục năm “ truyền giáo”, cha Trần Sĩ Tín khẳng định:

“Anh em chúng tôi sáng mắt, sáng lòng, chính chúng tôi được trở lại” ( Nous sommes convertis, Cha Tín diễn tả bằng tiếng Pháp).

Ở một chỗ khác, ông viết chi tiết tỉ mỉ hơn:

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng tôi còn khám phá ra được người Jarai có một kho tàng văn hóa rất phong phú, một cơ cấu xã hội đặc biệt, một nền văn chương khẩu truyền quý giá gồm những bài tục ngữ, ca dao, bài hát, chuyện cổ hay thần thoại..Họ có những đức tính tự nhiên rất đáng phục.. Chính đời sống và kho tàng văn hóa Jarai đã thách thức, thanh luyện lề lối suy nghĩ, thái độ và lối sống của chúng tôi, và như anh Mầu nói: đã giảng tin mừng cho chúng tôi”.

[16] Trần Sĩ Tín, Ibid, trang 95

 Trích dẫn trong Récit de Chasse

Tôi chỉ chia xẻ một phần cái lòng khiêm nhường của Trầ Sĩ Tín. Cũng nhờ những người như ông mới có một Ama Phu. Ama Phu thời đệ nhị cộng hòa đã tranh đấu chống bất công.. Nhưng vào năm 1992, ông về làng phía vợ ở Mỹ Thạch lúc ấy mới có vài người theo đạo, vậy mà nay đã có 42 làng có người công giáo!!

Người Pháp và Bảo Đại với Tây Nguyên

Trong chính sách của người Pháp đối với Tây Nguyên có trường hợp của thống sứ Leopold Sabatier đáng được nói tới ở đây. Có thể ông là người Pháp duy nhất coi Tây Nguyên là ruột thịt cùa mình. Ông lấy một bà vợ người Radhé và có một đứa con gái. Và ông đã từng phục vụ cả 10 năm trời ở Đắc Lắc, xây dựng trường học, xưởng thợ, mở lớp học dạy tiếng Rhadés mà không nhận được một đồng xu nào của chính quyền.

Ông cũng ra lệnh hạn chế sự du nhập lai vãng của người Pháp hay người Việt Nam muốn đến đây khai thác, làm giàu. Ông gọi đó là một cuộc xâm chiếm của người Tây Phương và Việt Nam. (Invasions Européens et Annamites) vì ông chủ trương một Tây Nguyên nguyên vẹn và được bảo tồn. Nhờ đó ông thu phục được các tù trưởng các bộ lạc theo về với ông.

Việc làm của ông được công sứ Thiébaut lúc đầu tán thưởng và khen ngợi. Vào ngày đầu tháng giêng năm 1926, ông cũng đã triệu tập được tất cá các tộc trưởng quy tụ chung quanh ông và ăn thề trung thành với nước Pháp.

Tuy nhiên việc làm của ông đã tạo ra nhiều kẻ thù. Và họ đã tìm mọi cách để loại trừ ông. Chính sách đóng cửa Tây Nguyên đã là một trong những lý do ông bị mất chức, bị canh chừng. Ông Thiébaut cấm không cho ông được rời khỏi Ban Mê Thuột. Cuối cùng ông đã rút lui về ẩn dật ở Montsaunés (Haute Garonne) bên Pháp và không muốn ai nhắc lại những ngày tháng ở Tây Nguyên nữa.

Nhưng công lao của ông đối với văn hóa Tây Nguyên là lớn, bởi vì ông đã để lại một số những công trình văn hóa về huyền thoại, lịch sử, các bài hát và những câu truyền khẩu như: 

- Lexique Franco- Rhade.

- Le Bidué(receuils de lois coutumieres)

 - La Légende de Damson.(Quan trọng nhất)

 Sau khi Le1opold Sabatier bỏ Tâ Nguyên về Pháp thì từ đó Tây Nguyên mở cửa cho các người Pháp thực dân nhảy vào khai thác.

[17] Trích dẫn trong Récit de Chasse en Indochine, René de Buretel de Chassey-haut plateaux de L’Annnam, Ban Mê Thuột, 29.4. 1929 đến 10.8.1931

Nhưng với số liệu do người Pháp để lại cho thấy Tây Nguyên không phải là địa bàn ưu tiên để đầu tư và khai thác kỹ nghệ.

Vào năm 1939, trước chiến tranh, người Pháp đã xuất cảng 1.800.000 tấn than đá từ các mỏ than Hòn Gay. Chưa kể các cuộc đầu tư khai thác các quặng mỏ thiếc tại Tinh Túc, gần Cao Bằng. Nói chung, người Pháp đầu tư một số tiền là 41 triệu 700.000 Francs bao gồm 85 công ty.. mà phần lớn ở phía Bắc.

Việc đầu tư khai thác quan trọng thứ hai là trồng cây cao su ở phía Nam. Đây là cuộc đầu tư lớn nhất và cũng thành công nhất của người Pháp tại Đông Dương. Số lượng mẫu tây trồng cao su tính đến năm 1910 tại các vùng ở phía Đông Sai gòn ở các vùng An Lộc gần Biên Hòa hay vùng Thủ Đầu Một tính ra có tất cả 51 đồn điền với 70.000 mẫu Tây với tổng cộng 2 triệu cây. Không đủ nhân công, họ phải tuyển mộ nhân công từ miền Bắc đưa vảo Nam. Số nhân công làm trong các đồn cao su là 70.000 người.

Sang đến năm 1942, số mẫu tây trồng cao su tăng lên 142.000 mẫu.

Trong khi đó, việc trồng cà phê ở Cao nguyên giữa Kontum- Di Linh chỉ có 13.000 mẫu tây và thu hoạch được 1500 tấn cà phê..

Việc trồng trà chung quanh các vùng như Kontum, Pleiku, Darlac mới bắt đầu từ năm 1924 và cho đến năm 1938 mới chỉ đạt 3000 mẫu trà với con số thu hoạch là 812 tấn.

[18] Indochina, Pierre Brocheux, Daniel Hémery, trang 124-126

Con số chưa đến 20.000 mẫu tây rừng được khai thác để trồng cà phê và trà là con số không đáng kể so với hai ba triệu mẫu tây rừng ở Tây Nguyên..

Việc khai thác này quả thực không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân thiểu số Tây Nguyên.

Trước khi Bảo Đại về nước, Tây Nguyên được coi là khu tự trị, sau đó đã được người Pháp trao trả cho VN và nay được gọi là Hoàng triều Cương Thổ. Đất của nhà vua.

[19] Trong diễn văn của Tổng Thống Pháp Quốc gởi Hoàng Đế Việt Nam có đoạn ghi như sau :Đối với các dân tộc không thuộc về giống người Việt Nam, mà khu vực cư trú lịch sử vẫn vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam và theo truyền thống vẫn quy thuận Hoàng triều, thì Hoàng Đế Việt Nam sẽ ban bố những quy chế riêng cho các dân tộc đó. Trích trong Tân Văn, số 11, 2008, trang 26.

Nói một cách thẳng thừng thì Hoàng Đế Bảo Đại chẳng mấy quan tâm gì về Khu Hoàng Triều Cương Thổ và chỉ coi Tây Nguyên như một chỗ nghỉ mát (Đàlạt) và tỉnh Ban Mê Thuộc được coi là một nơi săn bắn lý tưởng cho Bảo Đại.

Nói chung, dưới thời Pháp thuộc, người dân thiểu số chịu nhiều ảnh hưởng của các thừa sai Pháp, tin các vị này .. Đấy cũng là một trong những khó khăn cho những người đến sau như nhóm Trần Sĩ Tín.

Tây Nguyên và thời Đệ Nhất, đệ Nhị Cộng Hòa

Khi về nước để nhận chức thủ tướng, ông Ngô Đình Diệm đã yêu cầu Bảo Đại hủy bỏ quy chế Hoàng Triều Cương Thổ và sát nhập khu vực tự trị này vào lãnh thổ của VNCH ..

Phần ông Diệm ra sắc lệnh lập Tòa Đại biểu chính phủ bổ nhiệm ông Vĩnh Dự làm đại biểu chính phủ.

Ông Diệm chỉ nghĩ tới phần ổn định Hành chánh. Phần quân đội Thượng trước đây do người Pháp chỉ huy khoảng 10.000 nay do các sĩ quan quân đội VNCH chỉ huy. Điều này làm mất lòng các sĩ quan Thượng không ít và một số đã bất mãn bỏ về làng.

Đây là một trong những khó khăn đầu tiên của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Cái khó khăn thứ hai là sự tái định cư một số dân di cư từ miền Bắc vào lập nghiệp trên Tây Nguyên. Con số chính thức là 54 ngàn người . Những người này được hưởng tất cả những ưu đãi dành cho họ qua viện trợ Mỹ. Chỉ trong một thời gian ngắn trên dưới một năm thì họ đã có thể ổn định đời sống và bắt đầu khai thác trồng trọt chủ yếu là trà và cà phê. Họ khoanh vùng, mỗi nhà được diện tích đất đai để ở, rồi từ đó khai phá thêm để trồng trọt. 

Khi chưa có dân di cư, người dân Tây Nguyên có đất tốt tự nhiên, thuốc lá mọc tự nhiên thì lái buôn thu gom mang xuống Bình Định để bán cho người Kinh..

Sau đất của dân Thượng bị cằn cỗi, sói mòn thì có chuyện ngược chiều là lái buôn đem thuốc lá từ Bình Định lên bán cho người Thượng.

Cho nên, cách canh tác của người Thượng là không định cư, định canh được. Họ trồng trọt trong vài mùa rồi dời đi chỗ khác. Vài năm sau quay lại đất tốt như xưa vì không bị cầy sới tung lên.

Đó là cuộc sống bán du canh.

Trong khi đó, người di cư biết dùng phân bón- ngay cả xử dụng phân người- nên trồng trọt đạt được năng xuất cao. Người Kinh mỗi ngày mỗi giầu thêm, người Tây Nguyên thì mỗi ngày bị đẩy lui vào trong sâu của rửng 

Khi có một số người di cư mới đến thì cả hai bên dân Thượng- và dân di cư- không được học hỏi để có cuộc sống chung với nhau ..Có phần chắc chắn là số người Bắc di cư ấy có thể tỏ ra khinh thường các người Thượng tại địa phương.

Tiếp đến, từ năm 1956 lại có phái đoàn người Mỹ thuộc cơ quan MAAG được gởi lên và họ đã nhanh chóng xây dựng những cơ sở huấn luyện binh lính Thượng để chống lại du kích cộng sản.

Lại một lần nữa VNCH và người Kinh mất một chỗ đứng trong lòng người dân Thượng . Sau đó, họ đã lập ra phong trào BAJARAKA, chữ tắt của bốn sắc tộc lớn lá Bahnar, dJArai, Rhad1 và Kaho. Phong trao có mục đích chống lại chính quyền miền Nam.

Dĩ nhiên là chính quyền Ngô Đình Diệm nhìn thấy nguy cơ của sự chống đối này. Và chính quyền đã tìm nhiều giải pháp trong đó có giải pháp hành chánh và giáo dục, chọn lựa các con em người Tây Nguyên gửi vào học tại các trường kỹ thuật và ngay cả đại học.

Tuy nhiên những nổ lực ấy cũng không đem lại kết quả mong muốn và sang thời kỳ Đệ Nhị Cộng Hòa đã xảy ra các cuộc nổi dạy, bạo loạn.

Cụ thể nhất là Mặt trận Thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức, viết tắt là FULRO. Có nhiều tổ chức FULRO trong đó đặc biệt là FULRO Thượng. 

Theo Po Dharma trong cuốn sách, ông xác nhận Phong trào FULRO có thể chia ra nhiều giai đoạn: Giai đọn thời 1953-1963- giai đoạn mở màn. Giai đoạn 1964-1969 : giai đoạn hoàng kim và giai đoạn 1970-1975- giai đoạn tàn lụi.

Trong những năm đầu thời Ngô Đình Diệm, Người dân Thượng đòi hỏi tái lập quy chế tự trị dành cho họ trước đó và muốn coi Dak Lak như thủ đô của người Thượng.

Nhưng lý do chính yếu về những phong trào nổi dậy là do nhóm FULRO Khmer, do đại tá Lès Kosem cầm đầu và được hỗ trợ bởi Norodom Sihanouk.

Tuy nhiên các phong trào FULRO này thất bại khi Sihanouk bị Lonol lật đổ và các phong trào FULRO mỗi nhóm mỗi quan điểm đi đến chỗ chia rẽ và sâu xé nhau.

[20] Du FLM au FULRO- Une lutte des minorités du Sud Indochinois, 1955- 1975, Po Dharma

Người dân Tây Nguyên nổi loạn vì có bất công xảy đến cho họ. Do sự thương lượng giữa tướng Nguyễn Hữu Có và Vĩnh Lộc, 500 Thượng FULRO đã chấp nhận buôn súng và quay trở về chính phủ VNCH vào 23-8-1965.

Theo sự giải thích thêm của Trần Sĩ Tín « Vào những năm 1973-1974, trong vùng đất của người Jrai, chính quyền TT. Nguyễn Văn Thiệu đã phân chia đất đai thành « Những khu vực sinh sống chính », theo đó những nơi mầu mỡ thì người Kinh chiếm hết, những nơi sỏi đá cằn cỗi thì để cho người dân tộc. Chẳng hạn, từ huyện Chư Sê, ngược lên Pleiklu, từ quốc lộ 14 sang đến biên giới Campuchia, bọn đầu nậu tư bản bắt tay với giới cầm quyền chia chác những mảnh đất ngon, khiến người dân tộc bực bội`.

Tôi đã nhìn vào bản đồ để mường tượng ra nhửng mảnh đất Tây Nguyên đã bị người Kinh xâm chiếm ra sao.

«Đất đai thì như vậy, còn người thì chính quyền dồn dân từ các buôn làng vốn gắn bó với núi rừng, về vùng ven Quốc lộ này sinh sống trong các khu dân cư được chỉ định. Về đây, không đất đai canh tác, người dân Jarai bị bốc khỏi rừng vốn nuôi sống họ và bây giờ ngửa tay lãnh trợ cấp, món trợ cấp ít ỏi sau khi đã bị các quan tham cắt xén. Bị thiếu vốn và nhớ làng, các già làng nhất trí đấu tranh theo lời kêu gọi của nhóm anh em trong sứ vụ Jarai. Các già làng này đã được anh em xóa mù chữ, đồng thời là việc ý thức đuộc hoàn cảnh của họ»

Và nay thì nhóm Trần Sĩ Tín chọn đứng về phía người dân tộc- chọn đứng về phía những người cùng khổ-.

«Trong cuộc đấu tranh này phải kể đến công của ông AmaPhu, khi đó đang làm trưởng chi sắc tộc, nhưng ông đứng về phía đồng bào Jarai của ông. Chính ông tìm hiểu mọi vấn đề, vào đến tận quận Phú Nhơn điều tra phẩm vật cứu trợ bị bóc xén ra sao, chính ông làm đơn từ rồi nhờ cha Phán sửa chữa cho văn vẻ. Những lá đơn này được gửi lên Tổng Thống, quốc hội theo lời kể của ông…

Sau đó thì nhóm Trần Sĩ Tín đưa dân về làng :

«Rồi phải nhắc tới sự hăng say can đảm của thầy Quân, lần này thày không bỏ chạy mà là người đầu tiên nhảy lên xe dẫn bà con về lại làng cũ. Chiếc áo dòng trên xe tải đã đem lại niềm tin yêu và hy vọng cho bà con dân tộc thấp cổ bé miệng».

[21] Trân Sĩ Tín, Ibic, trang 59-60

Tây Nguyên sau 1975

Khi cộng sản chiếm xong miền Nam thì cả nước đều khốn khổ lao đao. Người dân Tây Nguyên vốn được coi là dân Mọi, dân Thượng, dân Thiểu số.. Vậy thì làm sao tránh được kiếp nạn cộng sản?

Gần 100 dưới chế độ thực dân Pháp, Tây Nguyên vẫn giữ được tình trạng tự trị- vẫn giữ được gần như nguyên vẹn bản sắc.

Từ 1954 đến 1975, mặc dầu có một số xáo trộn, nhưng cơ bản Tây Nguyên vẫn duy trì được nguyên trạng.

Sau 1975, nhà nước đã quốc hữu hóa toàn bộ đất đai vùng Tây Nguyên. Đất đai và rừng bị nay thuộc sỡ hữu toàn dân. Làng đương nhiên bị sụp dổ, tan vỡ.

Theo Nguyên Ngọc, có một cuộc đại di dân từ đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng ven biển miền Trung lên Tây Nguyên. Trước 75, tổng số dân là một triệu, nay là 5 triệu.

Chỉ tinh riêng tỉnh Pleiku, trước thế chiến thứ hai, người dân thiểu số chiếm 93% tổng dân số. Nay, số dân Jarai chỉ có 40.000 so với 200.000 người Kinh. 

[22] Trích bài : Viet Nam, Jarai, les saccrifiés de l’or blanc, trong số 157, tập san Enfants du Mekong magazine

 

Sự phát triển không đồng bộ, tỉ lệ nghèo đói cao nhất nước.

Toàn vùng phát triển, nhưng chủ nhân truyền thống là người dân tộc tại chỗ thì ngày càng lâm vào khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng- suy thoái mọi mặt cả tự nhiên và con người.

Chẳng hạn diện tích đất trồng cà phê chỉ có thể ở mức trên dưới 20.000 hectare, nay đã lên đến con số 500.000 hecta.

Theo Mathieu Guérin, giáo sư chuyên trách về người Jrai: Chỉ trong vài năm, việc trồng cà phê ở cao nguyên đã đưa Việt Nam lên hàng thứ nhì thế giới về xuất cảng cà phê. Còn trồng cây cao su, mỗi năm đã đem về cho Việt Nam 750 triệu đô la.

Le café est devenu l’or noir, l’hévéa, l’or blanc, et une immigration plus spontannée s’est alors organisée.

[23] Trích bài : Viet Nam, Jarai, les saccrifiés de l’or blanc, Ibid

  

Chương trình Bô Xít Tây nguyên với tất cả tai hại trước mắt và lâu dài toàn diện từ môi trường kinh tế, xã hội, va9n hóa đến an ninh quốc phòng.

Chỉ trong vòng 40 năm, Tây nguyên được coi là vùng được coi là khá nguyên vẹn đã trở thành một vùng kiệt quệ nhất.

Theo Nguyên Ngọc, Tây Nguyên đã bị vượt ngưỡng.

Nguyên Ngọc nhìn Tây Nguyên trước hết là một thực thể văn hóa xã hội đặc trưng của cả nước. Ông Kêu gọi phải cứu Tây Nguyên.

Hãy tạm gác đi những tầm nhìn xa và chiến lược và những cảnh báo về nguy cơ suy tàn về Tây Nguyên của một Nguyên Ngọc. Chỉ cần đọc những câu truyện kể về đời sống hằng ngày trong Nước Mắt của rừng của Amai B’Lan cũng có thể nhận ra nỗi đau hủy diệt Tây Nguyên trong đời sống từng ngày của người dân ở đây..

Ở Krông Pa trồng nhiều thuốc lá.

Thuốc lá nơi đây vừa dày, vừa to, được thương lái ưa chuộng hơn cả. Nhưng người Jrai không tận dụng nguồn ưu tiên này được vì đòi đầu tư lớn. Một hecta thuốc lá chi phí có khin lên tới trăm triệu. Người Jrai không có tiền làm. Biết thế, trước tết, người Kinh nhanh chân thuê lại những khoảng đất trống bốn tháng để trồng thuốc lá. Mỗi ký thuốc lá có giá khoảng 50 ngàn. Một hecta người ta có thể thu được từ 2-2,5 tấn . Người Kinh đã giàu lại càng giàu thêm. Còn người Jrai đã nghèo thì ngay cả cái có trong tay cũng bị lấy đi »…

Thời của đêm đêm bên bếp lửa, già làng kể akhan qua rồi. Bây giờ trong buôn không còn già làng nữa. Nếu còn thì lại là già làng quốc doanh. Có một thực tế đáng buồn là nhiều bạn trẻ Jrai sau khi học thành đạt thì ra vẻ kiêu căng ngạo mạn với anh em mình và không muốn trở về giúp buôn làng nữa. Các bạn có lý của mình: ở làng không có đất dụng võ.

Tôi chưa bao giờ có cảm thức về sự lụi tàn của dân tộc tôi trong đất nước này, cũng như chưa khi nào tôi mảy may nghĩ đến chuyện con cháu chúng tôi sẽ không biết tiếng Việt.

Đơn giản chỉ vì người Kinh làm chủ đất nước này. Nhưng tôi nhận thấy rất rõ sự mỏng manh dễ vỡ của dân tộc này và có lẽ của 52 dân tộc còn lại…

Không biết có phải tôi đang bi quan quá sức hay không, nhưng tôi thật sự lo sợ cho sự sống còn của dân tộc này. Dù rằng Giáo hội đã gánh lấy trọng trách đồng hành cùng với họ, nhưng chính họ phải tự cứu lấy mình. Trách nhiệm thuộc về các bạn đó, người trẻ Jrai ơi. Các cha dù có tài giỏi và nhiệt huyết đến đâu thì các cha vẫn là người Kinh, các cha không có dòng máu Jrai, không có đủ sự đau khổ và bất hạnh để giữ mãi dân tộc cá bạn trong tay đâu.

Biểu tượng Suy thoái Tây Nguyên, theo Nguyên Ngọc là bây giờ là những hiện tượng chưa từng có ở Tây Nguyên trước đây, như chợ lao động tại cây me đầu làng Plei Tơ Nghia, Kontum, nơi những trai tráng Ba Na không còn đất canh tác ngồi vất vưởng suốt ngày chờ bán sức lao động làm bất cứ công việc tạm bợ rẻ tiền nào cho các chủ người Kinh..

Thay cho lời kết luận, xin trích dẫn nhận xét của Mathieu Guérin cho rằng chúng ta đang chứng kiến một cuộc thảm sát chủng tộc:

 Ils sont tout simplement condamnés .En conclusion, nous assistons ni plus, ni moins à la mise en œuvre d’un ethnocide

[24]



[1] Lá thư đầu tiên của cha Combes gửi về Bề trên Thừa sai Ba Lê đề: Kon Kơsâm, ngày 29 tháng 9 năm 1853. Trích trong Dân Làng Hồ, Pierre Dourisboure, trang 206

[2] Cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Việt với nhan đề Rừng Người Thượng

[3] Nguyễn Từ Chi là con bác sĩ Nguyễn Kinh Chi. Năm 1933, bác sĩ Nguyễn Kinh Chi được điều lên Kontum làm việc. Ông có người em trai là Nguyễn Đổng Chi. Ông đã viết thư cho em trai nghỉ học một năm để lên Kontum khảo sát về người Mọi ở đây. Nhờ đó hai anh em đã cho xuất bản cuốn: Người Ba-Na ở Kontum, cho xuất bản năm 1937. 

[4] L.M Pierre Dourisboure, Les sauvages Bahnars, trang 7-8, Paris 1929

[5]Amai B’Lan, Nước mắt của rừng, trang 35.

[6] 35 Sứ vụ Jarai, Dòng Chúa Cứ Thế.. 80-83

[7] Montagnards du Viet Nam, Francoise Demeure

[8] Thư của Giám mục Kim, Paul Seitz, Vicariat Apostolique de Kon Tum, P.M.S Viet Nam . Kontum ngảy 14 tháng ba 1953, gửi bề trên Dòng Chúa cứu Thế. Trích trong 35 năm Sứ vụ Jarai, Dòng Chúa Cứu Thế-VN, 10. 1969- 10-2004

[9] 35 năm sứ vụ Jarai, trang 80

[10] Ghi chú

[11] Hạt giống Kito6 trong đa761t Jjrai, Giuse Trần Sĩ Tín

[12] Trần Sĩ Tín, Hạt giống Kitô trong đất Jrai, Bản truyền thông Giáo phận Kôn Tum

[13] 35 năm Sứ Vụ Gia Rai..trang 90-92

[14] Trần Sĩ Tín Ibid, trang 33

[15] Trần Sĩ Tín, 35 năm sứ vụ Jarai, trang 60-64.

[16] Trần Sĩ Tín, Ibid, trang 95

[17] Trích dẫn trong Récit de Chasse en Indochine, René de Buretel de Chassey-haut plateaux de L’Annnam, Ban Mê Thuột, 29.4. 1929 đến 10.8.1931

[18] Indochina, Pierre Brocheux, Daniel Hémery, trang 124-126

 Trong diễn văn của Tổng Thống Pháp Quốc gởi Hoàng Đế Việt Nam có đoạn ghi như sau :Đối với các dân tộc không thuộc về giống người Việt Nam, mà khu vực cư trú lịch sử vẫn vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam và theo truyền thống vẫn quy thuận Hoàng triều, thì Hoàng Đế Việt Nam sẽ ban bố những quy chế riêng cho các dân tộc đó . Trích trong Tân Văn, số 11, 2008, trang 26

[20] Du FLM au FULRO- Une lutte des minorités du Sud Indochinois, 1955- 1975, Po Dharma

[21] Trân Sĩ Tín, Ibic, trang 59-60

[22] Trích bài : Viet Nam, Jarai, les saccrifiés de l’or blanc, trong số 157, tập san Enfants du Mekong magazine

[23] Trích bài : Viet Nam, Jarai, les saccrifiés de l’or blanc, Ibid

[24] Xem chi tiêt bài biên khảo của Nguyễn Van Huy, Nhìn lại phong trào Bajaraka

tay_nguyen_vn-large

14 Tháng Bảy 2019(Xem: 11139)
cuộc tranh cử làm ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ Mỹ đã chính thức bước vào giai đoạn khốc liệt với những cuộc tranh luận gay gắt giữa những chuẩn ứng cử viên trong cùng một chánh đảng.
30 Tháng Ba 2019(Xem: 9493)
Cho nên, nay kết quả cuộc điều tra mang lại thắng lợi cho TT Trump và đảng Cộng Hòa cầm quyền - nếu không gì xảy ra bất ngờ - thì TT Trump sẽ tái đắc cử dễ dàng hơn trước đây.
28 Tháng Hai 2019(Xem: 10844)
Một số nhận định sau đây về tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, đức dục, và triết lý giáo dục Việt Nam và Hoa Kỳ qua thu thập tài liệu rất hạn hẹp và kinh nghiệm cá nhân của tôi do đó rất chủ quan...
25 Tháng Hai 2019(Xem: 9357)
Có lẽ hi hữu nhứt cho một Hội Nghị Thượng Đỉnh Quốc Tế là - trong thời đại hàng không bay chớp nhoáng - có một phái đoàn dùng phương tiện giao thông "thô sơ" bằng xe lửa
25 Tháng Hai 2019(Xem: 10319)
Bài viết sau đây chỉ là một số thu thập tài liệu và nhận xét hạn hẹp rất chủ quan của tôi về giáo dục Việt Nam và Hoa Kỳ do đó có thể có nhiều thiên kiến.
05 Tháng Hai 2019(Xem: 9578)
Thực vậy nhìn lại dòng lịch sử VN trên 4000 năm sẽ thấy có nhiều năm Kỷ Hợi "đặc biệt" đối với sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Điển hình nhứt là 2 biến cố lịch sử:
04 Tháng Hai 2019(Xem: 10714)
Vốn là người lạc quan nên người viết có nhiều mong đợi và tin tưởng vào tương lai con người và gia đình Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước.
26 Tháng Giêng 2019(Xem: 18046)
Bài viết sau đây chỉ là kinh nghiệm và nhận định chủ quan về việc học và dạy học tại Việt Nam và tại Hoa Kỳ của chính tôi. Do đó có thể rất chủ quan, hạn hẹp và có nhiều thiên kiến.
26 Tháng Giêng 2019(Xem: 10118)
Thiện ý bao giờ cũng trang bị đầy đủ. Thiện chí bao giờ cũng có thừa. Chinh vì cái có thừa đó mà trong triết học tôn giáo mới có một nhận xét mỉa mai như sau: Ở dưới Hỏa ngục thì đầy những kẻ có thiện chí.
19 Tháng Giêng 2019(Xem: 9665)
Hay nói theo kiểu triết lý hiện sinh: Hỏa ngục chính là cái nhìn của kẻ khác. Nhìn cây thấy rừng, phải rồi. Nhưng đôi khi phải vào rừng mới biết cây thế nào.
12 Tháng Giêng 2019(Xem: 10502)
Nụ cười của bậc Giác Ngộ là nụ cười của đức Phật đã thành. Còn nụ cười của chúng ta là nụ cười của Người Giác ngộ sẽ thành vậy.
31 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 10189)
Như vậy hy vọng trong Năm Mới, độc giả thưởng thức được một tác phẩm có cái nhìn hoàn toàn mới về truyện kiếm hiệp Kim Dung, mà bỏ qua không đọc thì rất uổng.
31 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 18039)
Tuy đề tài là như vậy, nhưng không phải chờ đến năm mới chúng ta mới làm mới cuộc sống của chúng ta, mà chúng ta có thể làm mới cuộc sống của chúng ta bất cứ lúc nào khi chúng ta tỉnh ngộ.
17 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 9552)
Hình như đây là nỗi đau khốn khổ nhất đời bà mà không có chỗ bù trừ. Mất con, hầu như mất cả cuộc đời còn lại.
02 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 9802)
Trong gần 2 năm qua, mỗi khi có một hội nghị quốc tế thượng đỉnh thì luôn luôn có những diễn tiến bất ngờ mà hiếm ai có thể tiên đoán trước được.
01 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 8132)
Cho nên, cho đến bây giờ, tôi vẫn thấm thía khi đọc mấy câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến khi viết về Chợ Đồng. Cũng như sau này, tôi có dịp được sống trọn vẹn những phiên chợ miền cao mà tôi đã mô tả trong truyện Dì Xinh.
18 Tháng Mười Một 2018(Xem: 9449)
Việc tranh chấp giữa Cố Tế và cô Mến đã qua đi như nước chảy qua cầu và hầu như chỉ còn là câu chuyện của mấy người luống tuổi trong làng từng chứng kiến hay nghe kể lại.
12 Tháng Mười Một 2018(Xem: 4881)
Chửi đã hay mà chúc dữ như thế cũng không chê vào đâu được. Phần bà Trùm làm dấu Thánh Giá xin Chúa rộng lòng thương xót cất tội cho mọi người.
11 Tháng Mười Một 2018(Xem: 9624)
So sánh với các cuộc bầu cử giữa kỳ trong quá khứ,- nhứt là cuộc bầu cử 2014 dưới thời TT Obama - lần này dưới thời TT Trump thì quả khác xa.
04 Tháng Mười Một 2018(Xem: 4778)
Lịch sử xây nhà thờ làng Yên Phú là một lịch sử đầy oan trái. Những cánh đồng lúa của bổn đạo mới trong làng – như những luống cầy vỡ đất mà mỗi luống cầy hằn lên những đau thương, tủi nhục và mồ hôi nước mắt.
20 Tháng Mười 2018(Xem: 9984)
Vấn đề tôn giáo và kỳ thị chủng tộc là những đề tài nóng hiện nay. Nó đã gây ra biết bao cuộc chém giết đẫm máu những người vô tội hầu như vô phương giải quyết.
20 Tháng Mười 2018(Xem: 15690)
Đền thờ Tiên Sư tỉnh Biên Hòa xưa (tỉnh Đồng Nai hiện nay) được đặt ở vị trí trang trọng nhất của Trường Tiểu học Nguyễn Du, một ngôi trường trên trăm năm tuổi tại thành phố Biên Hòa.
13 Tháng Mười 2018(Xem: 9520)
Cuộc phỏng vấn trên truyền hình của đài ABC News hôm thứ sáu (12/10) vừa qua với Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump đã gây sôi nổi ...
13 Tháng Mười 2018(Xem: 9439)
Kể từ năm 1970, các buổi lễ chính thức để tưởng niệm nền Đệ nhất Cộng hòa -tưởng niệm cố tổng thống Ngô Đình Diệm- đã được tổ chức công khai ở Saigon.
07 Tháng Mười 2018(Xem: 9356)
Thực vậy cuộc biểu quyết tín nhiệm Thẩm Phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện được ghi nhận gay go, rắc rối, ồn ào và kết quả thay đổi bất ngờ & mong manh nhứt trong lịch sử Mỹ.
05 Tháng Mười 2018(Xem: 5304)
Ông còn nhắc nhở làm sao quên được những câu thơ của Tố Hữu, nhà thơ chính thức của Đảng đã viết vào năm 1953, khi Stalin chết.
30 Tháng Chín 2018(Xem: 9155)
Tính đến nay, Đức Phật đã nhập diệt 2,562 năm, nhưng Giáo Lý cao siêu mà Ngài đã dày công hoằng dương trong 45 năm dài vẫn còn lưu lại cho nhân thế.
28 Tháng Chín 2018(Xem: 10212)
Về hai cuốn sách tiếng Anh và Pháp có thể nói rõ bản tiếng Pháp là bản dịch từ bản tiếng Anh. Có thể có một hai chỗ sửa đổi của Bùi Tín theo như lời nói đầu...
23 Tháng Chín 2018(Xem: 4611)
Thực tập Pháp Như Thật chúng ta rút kinh nghiệm để huấn luyện cái Tâm của mình. Quan trọng là làm sao cho Tâm luôn an trú trong "bây giờ và ở đây"
21 Tháng Chín 2018(Xem: 10737)
Bùi Tín đã vĩnh viễn ra đi tại Paris. Cát bụi đã trở về cát bụi cho một kiếp nhân sinh, nhưng tiếng và tăm qua ngòi bút của ông còn ở lại.
14 Tháng Chín 2018(Xem: 8386)
World Cup 2018 đã chấm dứt. Nước Pháp đoạt giải vô địch bóng đá thế giới. Kỳ tích lần thứ hai đến với nước Pháp sau 20 năm vắng mặt
31 Tháng Tám 2018(Xem: 9065)
Nhớ lại hồi còn thiếu niên, chúng tôi ở trong nội trú với hơn 100 đứa trẻ mà chỉ có ba bàn bóng bàn. Giờ nghỉ ai chơi, ai không chơi? Chúng tôi tự đặt ra hai luật
25 Tháng Tám 2018(Xem: 9640)
Cuốn Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm sẽ giúp bạch hóa một số điều đã bị ngộ nhận theo tin đồn hoặc theo những luận điệu bôi bẩn, chụp mũ của một số người.
23 Tháng Tám 2018(Xem: 20076)
Bài viết sau đây chỉ là kinh nghiệm của chính tôi khi làm khải đạo tâm thần, cá nhân, và hướng nghiệp tại thành phố Portland thuộc tiểu bang Oregon trong khoảng thời gian từ năm 1978 tới năm 2007.
18 Tháng Tám 2018(Xem: 9832)
Con đường tu Thiền là con đường đi về ngôi nhà tâm linh của mình. Trên đường đi phải qua nhiều cửa ải. Một trong những cửa ải đó là "năm triền cái".
11 Tháng Tám 2018(Xem: 5490)
Ông Diệm là một người đạo đức, sống như một nhà tu hành, không có tham vọng vật chất và thật sự có lòng yêu nước, thương dân. Ông tự tin vào lương tâm trong sáng
04 Tháng Tám 2018(Xem: 5319)
Nay thì xin đi vào chính nội dung cuốn sách của ông. So ra với lần xuất bản trước, 1998, lần này dày hơn đến 100 trang. Điều gì đã thêm vào như thế?
04 Tháng Tám 2018(Xem: 5339)
Tóm lại, Tu Phật giúp cho Thân Tâm chúng ta được hài hòa, Tâm chúng ta được sáng suốt và cõi lòng chúng ta luôn từ bi cởi mở.
25 Tháng Bảy 2018(Xem: 6060)
Nhân dịp Vĩnh Phúc cho tái bản cuốn: Những Huyền Thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, tôi ghi lại một phần nội dung cuộc mạn đàm liên quan đến quyển sách mới tái bản của ông.
23 Tháng Bảy 2018(Xem: 5226)
Thật khó tìm lại được một tấm gương tài đức vẹn toàn và cung cúc tận tụy hy sinh cho đại cuộc như vậy trong cõi đời đầy nhiễu nhương này.
22 Tháng Bảy 2018(Xem: 4962)
Ở đời phàm việc gì cũng có nguyên nhân của nó, không phải tự dưng mà niềm vui nỗi buồn cứ vây quanh lấy mình. Vì thế muốn thoát khỏi những phiền não khổ đau,...
14 Tháng Bảy 2018(Xem: 19364)
Chánh Niệm được xem như là cội nguồn, là gốc rễ để Tâm được an tịnh. Khi tâm an thì thân khoẻ và trí tuệ sáng suốt hơn.
12 Tháng Bảy 2018(Xem: 9064)
Sử Việt nhìn lại là một nỗ lực của tác giả với tham vọng là muốn đặt lại những dữ kiện lịch sử vốn đã trở thành nếp sồng, nếp nghĩ theo lối mòn suy nghĩ đã đóng băng, hoặc được coi như những sự thật không cần bàn cãi nữa.
08 Tháng Bảy 2018(Xem: 5295)
Phước và Huệ gọi là "Phước Huệ Song Tu". Cả hai phương pháp Tu này hỗ trợ lẫn nhau, giúp cho đời sống hiện tại của chúng ta được an ổn hạnh phúc.
07 Tháng Bảy 2018(Xem: 4977)
Vào cuối tháng 3, năm 2012, theo lời kể lại của Giovanni Maria Vian đã tháp tùng Giáo Hoàng trong hai chuyến đi thăm Mexique và Cuba, Giáo Hoàng Benoit XVI tỏ ra hết sức mệt mỏi và kiệt sức. Và chính ở thời điểm này, ngài nghĩ tới quyết định từ chức.
26 Tháng Sáu 2018(Xem: 10202)
Đã thế, những người của Maifia đã đóng trọn vẹn hai vai trò băng đảng tội phạm và người công giáo thuần thành cùng một lúc. Giết ai cũng được, nhưng không được giết các linh mục.
22 Tháng Sáu 2018(Xem: 4755)
... lời tuyên bố của Mussolini tuyên bố ngày 20 tháng ba-1945 như sau:” Không ai có thể xóa bỏ được 20 năm lịch sử của chủ nghĩa Phát Xit tại nước Ý”.
15 Tháng Sáu 2018(Xem: 8869)
Trước 1975, dân miền Nam VN thường chỉ nghe nói và biết về Mafia qua cuốn Godfather của Mario Puzo do Ngọc Thứ Lang dịch.
09 Tháng Sáu 2018(Xem: 8908)
Nước Vatican vỏn vẹn có 44 mẫu vuông- một nước có thể không thể nhỏ hơn. Nhưng lại có một thẩm quyền tinh thần và đạo đức hầu như được toàn thể thế giới nhìn nhận.
01 Tháng Sáu 2018(Xem: 10316)
Khi đã hiểu sanh tử như thế nào, hiểu sự sống từ đâu đến và chết đi về đâu, thì đối với sự sống, chúng ta không tham cầu bởi chúng ta biết tấm thân ngũ uẩn này không thực chất tính
26 Tháng Năm 2018(Xem: 10011)
Người nào kinh nghiệm được trạng thái Niết Bàn là người đó thoát khổ, giải thoát. Như vậy Niết Bàn không phải ở đâu xa mà nó ở ngay trong tâm của người liễu đạo bây giờ và ở đây!
28 Tháng Tư 2018(Xem: 11531)
Biến cố 30.04.1975 xảy ra quá bất ngờ đối với toàn thể dân VN chúng ta. Từ cấp lãnh đạo cho đến người dân bình thường của cả 2 miền Nam Bắc không ai cảm thấy hoặc đoán trước được chuyện sẽ xảy ra.
20 Tháng Tư 2018(Xem: 10414)
Gia tài văn học của Sagan để lại khá đồ sộ. Khoảng 30 cuốn tiểu thuyết, 9 vở kịch. Cộng chung ngót nghét 50 chục tác phẩm..Nhiều cuốn chuyện đã được dịch ra đến 15 thứ tiếng.
14 Tháng Tư 2018(Xem: 10080)
Cuộc đời của Sagan có thể tóm tắt bằng mấy chữ : Vinh quang và xì căng đan với những phiêu lưu đủ loại với 5 lần đối diện với tử thần.
06 Tháng Tư 2018(Xem: 10100)
Bà đã chọn biệt hiệu lấy lại trong tác phẩm của Proust, một tác giả được bà ưa chuộng: Hélie de Talleyrand Périgord, princesse de Sagan.
30 Tháng Ba 2018(Xem: 9289)
Ngoài ra, bài viết này chỉ nhằm tìm chỗ đứng của TLVĐ trong văn học. Những chi tiết về giai đoạn thế hệ văn học sau 1954 ở miền Nam ...
23 Tháng Ba 2018(Xem: 8650)
điều cần thiết là tìm hiểu xem sự đóng góp cho văn học của Nam Phong ra sao và sự khác biệt giữa Nam Phong và TLVĐ như thế nào?
16 Tháng Ba 2018(Xem: 8351)
Điều chúng ta chưa biết thì có nhiều hy vọng là một ngày nào đó chúng ta sẽ biết. Nhưng sợ nhất là những điều chúng ta đã có sẵn trong tay tưởng như sự thật.
11 Tháng Ba 2018(Xem: 11372)
Thực vậy cả năm qua từ khi TT Trump cầm quyền, cả hai bên Mỹ và Bắc Hàn có rất nhiều hành động và lời nói khiêu khích đối chọi thiếu điều muốn tấn công bằng võ khí nguyên tử giết nhau.
09 Tháng Ba 2018(Xem: 9011)
Ngày nay nhìn lại, chúng ta mới thấy được tư tưởng tiến bộ của giám mục Adriano, quyết tâm bảo vệ cho tính “chính đáng” cũng như “ tính chất cùng tồn tại” ...
02 Tháng Ba 2018(Xem: 8540)
Giám mục Adriano thuộc tu hội dòng Augustine chân đất, hay còn được gọi là Dòng Augustine Chiêm niệm.
15 Tháng Hai 2018(Xem: 4827)
Bắt gặp một tài liệu cổ và hiếm thì đó là một điều thích thú. Trong chỗ riêng tư, đó có thể còn là một nỗi vui, môt niềm hân hoan.
09 Tháng Hai 2018(Xem: 5447)
Đây là tập tài liệu ghi lại những chứng từ của các nhân chứng như các người Âu Châu, nhất là các thừa sai ngoại quốc ...
03 Tháng Hai 2018(Xem: 10222)
Con người do Thân và Tâm hợp lại mà thành nên Thân và Tâm lúc nào cũng đi liền với nhau như hình với bóng, vì thế hễ Thân đau thì Tâm khổ.
02 Tháng Hai 2018(Xem: 9326)
Trương Vĩnh Ký không cho biết voi “xuất trận” từ đâu? Đây là câu hỏi thiết yêu quan trọng nhất mà người viết bài này không bao giờ tìm được câu trả lời thỏa đáng.
26 Tháng Giêng 2018(Xem: 4717)
Ngày nay, sự hiểu biết về đời sống các thú hoang đã có thể ở trong tầm tay của bất cứ ai muốn tìm hiểu các sinh hoạt của chúng qua các tài liệu sách báo hay phim ảnh.
19 Tháng Giêng 2018(Xem: 4203)
Thảo Trường vừa là một thiếu tá trong quân đội VNCH, vừa là một nhà văn với tác phẩm “Thử Lửa”, rồi “Chạy trốn” và nhất là tập truyện “Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp”.
13 Tháng Giêng 2018(Xem: 9385)
Vì thế con người sống ở đời phải sống sao cho xứng đáng. Phải biết sống một cách thiện lương. Làm lành lánh dữ. "Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành".
12 Tháng Giêng 2018(Xem: 8815)
Nam Cao là một nhà văn nhân bản lớn, một nhà văn vượt mọi kích thước thông thường. Ông mang theo một sứ điệp phản bác tất cả những trào lưu tư tưởng, ...
05 Tháng Giêng 2018(Xem: 8162)
Trong khi đó không có người kế thừa chỗ của những kẻ đã ra đi. Ghế trống mỗi ngày một nhiều không ai ngồi thay thế. Ai có thể thay thế được những người ấy?
29 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 8868)
Như thế cho thấy, tác giả viết bài còn có giá lắm chứ! Hơn 10 năm sau, Nguyễn Văn Trung ngưng cầm bút, nay sống lủi thủi ở nột góc nhà, không một bạn bè, it ai thăm hỏi. Và hoàn toàn bị rơi vào quên lãng!
23 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 9271)
Họa Phước cũng do chúng ta làm chủ, không ai ban Phước giáng Họa cho chúng ta, vì thế chúng ta sớm thức tỉnh để chọn lối sống thích hợp ở đời này...
22 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 8451)
Phần công trình biên khảo của ông Nguyễn Văn Trung, tôi nghĩ, ông đã làm trọn vẹn công việc của một nhà biên khảo
15 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 8569)
Điều chắc chắn là người miền Nam sau này có thể tự hào bởi vì họ có được một thứ văn minh, văn hóa riêng cho họ –
09 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 10139)
Con người ai cũng mong muốn có được hạnh phúc, và dĩ nhiên ít hay nhiều gì ai cũng có hạnh phúc. Hạnh phúc đến với mỗi người tuỳ theo môi trường sống và quan niệm sống
08 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 8643)
Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã đóng góp cho triết học và văn học miền Nam với nhiều tác phẩm đủ loại.
02 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 5151)
Bài giảng này của CHS Ngô Quyền VÕ KIM HUÊ, Khoá 10 (bút hiệu Trần Kim Vy) muốn chia sẻ cùng Thầy Cô và các bạn cũ đồng môn không phân biệt tôn giáo.
01 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 8634)
Đó là tất cả di sản tinh thần của một cuộc đời cầm bút miệt mài của một người trí thức miền Nam trong 20 năm.
24 Tháng Mười Một 2017(Xem: 8958)
Vĩnh biệt anh Lê Phụng, một con người trên muôn người. Và nay cả Thiên đàng và Niết Bàn đều có giấy mời anh vào.
16 Tháng Mười Một 2017(Xem: 14144)
Trong một xứ mù thì kẻ chột làm vua. Nước ta là nước dân chủ nhất thế giới nên kẻ dù ngu nhất cũng có cái quyền được ngu.
10 Tháng Mười Một 2017(Xem: 8158)
Sự biện minh cho một hành động hay một quyết định chỉ chính đáng khi người ta xác tín đó là môt lý tưởng.
03 Tháng Mười Một 2017(Xem: 23963)
Thực sự Bức Tường Bá Linh trong ngày đó không bị bị bạo lực phá sụp. Lực lượng biên phòng Đông Đức được lịnh cho mở cửa bức tường... Đây là một đặc điểm ly kỳ của cuộc cách mạnh hi hữu này: rất ôn hòa
03 Tháng Mười Một 2017(Xem: 4139)
Giữa Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, họ chẳng những coi nhau như đồng chí mà còn như ruột thịt máu mủ.
28 Tháng Mười 2017(Xem: 19667)
Tóm lại, Chúng ta tu tập để làm chủ Nghiệp, không cho phép Nghiệp làm chủ dẫn dắt chúng ta vào con đường xấu.
27 Tháng Mười 2017(Xem: 10335)
Miền Nam sẽ được sống những ngày an bình khỏi bị họ quấy rối. Tiếc thay chúng ta đã không làm.
20 Tháng Mười 2017(Xem: 8719)
Tôi tự hỏi bao giờ thì họ hết ảo tưởng và giấc mơ về một chủ nghĩa xã hội cộng sản?
13 Tháng Mười 2017(Xem: 8259)
Ai được gọi là nằm trong Lực lượng thứ ba? Nhóm nào được gọi là lực lượng thứ ba? Tổ chức của nó là gì? Ai là người lãnh đạo? Bấy nhiêu câu hỏi, nhưng không có câu trả lời trọn vẹn!!
07 Tháng Mười 2017(Xem: 9702)
Người sống với Thiền là người an trú trong chân tâm thường trụ của mình, tức luôn sống với chánh niệm một cách tự nhiên.
06 Tháng Mười 2017(Xem: 4460)
Trường hợp Nguyễn Văn Trung không phải là người duy nhất mà có thể có cả trăm người khác cũng hành xử như vậy.
29 Tháng Chín 2017(Xem: 4893)
Nếu những trí thức ấy mê Mác xít coi như con đường giải phóng dân tộc, vọng ngoại thì có khác gì giới trẻ mê, theo đuổi lối sống Hippie và nhạc kich động?
22 Tháng Chín 2017(Xem: 18552)
Cuộc bầu cử quan trọng nhứt của nước Đức sẽ xảy ra vào chúa nhựt 24 tháng 9 tới này. Đó là cuộc bầu cử quốc hội liên bang và qua đó sẽ quyết định ai được tín nhiệm làm Thủ Tướng trong nhiệm kỳ tới
22 Tháng Chín 2017(Xem: 3882)
Ngày 18 tháng 8 vừa qua, bộ sách Lịch Sử Việt Nam được công bố và sau đó được đài BBC tổ chức hội thoại bàn tròn và mời một số vị phát biểu về bộ sách này.
15 Tháng Chín 2017(Xem: 12457)
Khi còn ở Quảng Ngãi, thiếu tá Nguyễn Bé là người chủ trương đổi các chương trình huấn luyện Biệt Kích Nhân Dân ở Quảng Ngãi năm 1964 để huấn luyện hoạt động bình định..
08 Tháng Chín 2017(Xem: 9519)
Trong cuốn Hồi ký viết chung với Dương Đình Lôi, “Hai ngàn ngày đêm trấn thủ Củ Chi” (gồm 7 quyển, 2250 trang)
03 Tháng Chín 2017(Xem: 17554)
Đây chính là người cư sĩ của Đức Phật. Từ Pháp hoá sanh, là người thừa tự Pháp, không thừa tự vật chất.
01 Tháng Chín 2017(Xem: 8278)
Hoàn cảnh tại Quảng Ngãi cũng có thể suy rộng ra địa bàn cả nước. Hóa ra kẻ tội phạm chính vẫn là gian thương, tham nhũng.
25 Tháng Tám 2017(Xem: 13667)
Chinh chiến là điều bất đắc dĩ. Bằng cách nào đó bớt được chuyện binh đao, máu đổ, đầu rơi là chuyện ai cũng muốn làm.