Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Ý Nhi - ĐÔI MẮT

01 Tháng Ba 202411:31 SA(Xem: 847)
Ý Nhi - ĐÔI MẮT

Ý Nhi 
ĐÔI  MẮT

 ĐÔI  MẮT

       

Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn“ hay “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em” … mà nếu đôi mắt đó che bằng một cặp kính dày thì làm sao mà “thấy” được cái tâm hồn đầy thơ mộng và lãng mạn để… sa vào đôi mắt đây? …nên tôi nhất định không đeo kính cận khi đi học hay đi chơi để mong có cơ hội chớp được anh chàng nào đó lỡ dại sa vào đôi mắt mơ huyền của tôi 

      Tôi bắt đầu nhận ra mình bị cận thị khi học trung học vì không thấy rõ được chữ thầy cô viết trên bảng, ngay cả  khi ngồi trên ghế ở bàn đầu trong lớp. Nhà nghèo, không có tiền đi bác sĩ để lấy toa và mua kính nên tôi thường mượn sách của bạn xem lại những thiếu sót. Và cứ như thế tôi học xong trung học, đỗ Tú tài và vào đại học.

      Cho tới bây giờ, tôi cũng không nhớ là mình có kính cận từ khi nào? Chỉ nhớ có một lần khi tôi đi dạy toán tại một trường trung học tư, vì một lý do nào đó mà trường đóng cửa và viết thông báo trên bảng để ngay sau cổng trường. Tôi đang đứng trước cổng trường, cố gắng nhíu mắt tập trung để đọc thông cáo  trên bảng qua khoảng trống trên cánh cổng thì thấy có một cậu học trò đến gần bên tôi và cũng đang nhìn vào bảng. Tôi nhìn lại thì nhận ra cậu bé là học trò lớp toán của mình.

   -  Em đọc thông cáo trên bảng cho cô nghe.

      Cậu học trò nhìn tôi, thoáng chút ngạc nhiên nhưng nghe lời cô giáo và đọc bản thông cáo một cách rõ ràng

    - Cám ơn em.

      Cậu bé cúi đầu chào tôi rồi đi qua đường. Tôi cảm thấy buồn cười khi nhớ lại đôi mắt mở lớn của cậu học trò nhìn  tôi, tự nhiên tôi  nghĩ ngay đến chuyện cần phải mua kính cận, và tôi bắt đầu có kính cận sau sự việc xảy ra ngày hôm đó.

     Khi tôi ra trường và trở thành công chức, lúc nào trong ví xách tay cũng có cặp kính cận để chỉ sử dụng trong lúc làm việc khi cần phải đọc nhiều. Còn khi không cần thiết hay đi bát phố thì tôi không đeo kính và vẫn ung dung với đôi mắt tự nhiên như thiên hạ vậy. Mỗi khi thấy ai đi gần thoáng như đang cười hay đưa tay chào thì tôi lập tức nở một nụ cười thật tươi chào lại ngay cho chắc ăn  dù thật tình chưa nhận được người đó là ai, lý do vì tôi đã từng bị tiếng oan là kiêu căng… mình chào mà mặt “cô nàng” cứ tỉnh bơ như không biết quen biết.!!! Tội không?

     Bất ngờ cũng có một chàng lạng quạng sa vào đôi mắt của tôi... đến lúc ngộ ra thì đã rơi quá sâu vào đôi mắt "mơ huyền" ấy mất rồi !!!  Anh yêu tôi tha thiết và bằng lòng với tất cả những gì tôi có. Mỗi khi đưa đón hẹn hò thì chàng luôn dặn cẩn thận là đứng chờ đúng chỗ để chàng đến đón, vì ngoài có đôi mắt "mơ huyền", tôi còn là một  “thiên tài lạc lối “ (biệt danh mà chàng tặng cho tôi) vì chỉ trong vài khu đường phố quen thuộc mà tôi vẫn bị lạc, không nhớ ra đường nào là đúng … Có khi đi loanh quanh mãi mới tìm ra điểm hẹn… Chàng luôn phải than thở: "Anh không hiểu sao đọc gì em cũng nhớ được ngay mà chỉ có vài góc phố quen thuộc em đi hoài không tới ?” Thấy mặt tôi ỉu xìu chàng lại thương nên dỗ dành “Anh chạy xe lòng vòng tìm em mãi, đi qua chỗ hẹn cả chục lần mới  thấy người đẹp của anh, thiên tài lạc lối  lên xe đi, mình đi ăn kem cho đỡ khát nhé “.

      Cuộc tình của chúng tôi vẫn tiếp tục và tình càng nồng thì độ cận cũng tăng theo. Đã nhiều lúc tôi phải đeo kính khi đi đường hoặc khi vào thương xá mua đồ vì thị lực quá kém. Rồi đến khi mất nước… lo buồn sợ hãi cho tương lai cũng ảnh hưởng đến đôi mắt của tôi. Mỗi lần phải đi xuống tỉnh miền Tây để dự định vượt biên, tôi không dám đeo kính vì sợ bị nghi ngờ là ... người trí thức tìm đường trốn. Cũng may là hầu như lần đi nào cũng có chàng đi cùng, tôi thường lấy dáng quen của anh làm chuẩn và biết là có người luôn để tâm đến mình nên... cứ như là nhắm mắt đưa chân.

     Nhờ trời, sau chín năm theo đuổi việc vượt biên, chúng tôi đã đến xứ Mỹ an toàn và bắt đầu cuộc sống mới. Để dễ dàng cho việc đi học và đi làm, anh đã có bằng lái và mua được một chiếc xe cũ cho tiện việc di chuyển và dậy tôi …lái xe!!! Công việc mới đầu thì có vẻ dễ vì tôi chỉ lo ôm tay lái và đi theo sự chỉ dẫn của anh, nhưng đến khi tập tự nhìn kính xe để sang lane thì tròng kính cận quá dày lẫn với gọng kính làm khó tôi, cùng lúc với mùa đông đến và chuẩn bị đón con đầu lòng nên chúng tôi đồng ý tạm ngưng.

     Thấm thoát thế mà đã ba năm từ ngày chúng tôi định cư ở Mỹ, chúng tôi đã có một cháu gái đầu lòng và cả hai đều đi làm cho hai công ty nhỏ, tiếp tục thi tuyển vào Bưu Điện để mong có công việc làm ổn định và lương cao hơn. Khi được gọi đi làm, anh chọn nghề sửa máy sort thư và làm đêm. Còn tôi thì không có nhiều lựa chọn vì lúc bấy giờ, chỉ có việc làm ở window là không cần có bằng lái xe, tôi trở thành window clerk và làm ban ngày. Chúng tôi mua nhà chỉ cách sở làm của tôi hơn 5 phút đi bằng xe, và khoảng 30 phút đi bộ. Mỗi sáng, tôi đưa con ra đón xe đi học, ngay sau đó thì anh đi làm về và đưa tôi đến sở rồi về nhà ngủ, chiều đón con rồi đón tôi về nhà lo nấu ăn cho gia đình.  Đến 10 giờ tối  anh mới phải đi làm. Mọi việc tạm ổn định nên anh  không nghĩ đến việc tiếp tục dậy tôi lái xe và mua xe cho tôi tự lái đi làm nữa.

     Việc bán tem, nhận và phát bưu phẩm cũng không đến nỗi quá khó ngoài việc phải đứng và nhìn nhiều vào computer. Đứng thì quá dễ vì tôi còn trẻ, nhưng tận dụng mắt nhiều làm độ cận của mắt tôi tăng nhanh. Sau một thời gian dài, tròng kính cận của tôi dày khoảng một centimeter, quá  nặng dù đã được ép cho mỏng và mài chung quanh cho thấy đỡ dày, tôi phải tập đeo contact len. Điều làm tôi buồn là bác sĩ mắt cho biết độ cao nhất của contact len là - 10 độ, mà độ cận của tôi lúc đó là khoảng -16 độ, nên dù có dùng contact len, tôi vẫn phải đeo thêm kính để nhìn được rõ. Tôi đồng ý vì không thể nào chỉ đeo contact len rồi dí mắt sát gần màn ảnh của computer.!!!

     Cũng tưởng như thế là tạm yên vì tôi đã trải qua một thời gian khá vất vả với việc thay contact len, nhưng chỉ mấy năm sau độ nhìn càng yếu dần.  Bác sĩ nói không còn độ kính mắt để tôi nhìn rõ được nữa, vì mắt bị cườm và thực sự thị lực của mắt gần tương đương với người mù. Tuy nhiên trong cái rủi có may, độ dày của cườm mắt đủ để tôi có thể giải phẫu để thay thủy tinh thể của mắt (cataracts), nhưng… lại nhưng… vì độ cận quá cao, có thể có vài kết quả không tốt.

     Tôi còn quá trẻ để trở thành một bà mù và về hưu sớm, tôi cần đôi mắt để chăm sóc gia đình tôi. Tội nghiệp các con tôi, đi đâu tụi nó cũng phải để ý đến tôi… mommy, đi đường này …Ngày tụi nó còn nhỏ, mỗi khi ra đường tôi luôn nắm tay chúng cho chắc ăn và hầu như các con tôi không bị té ngã khi còn bé. Anh và hai con khuyên tôi nên đi giải phẫu mắt, tôi nghe lời vì thực sự không có sự lựa chọn nào khác.

     Tôi có một người cháu rể  là bác sĩ mắt nên đến hỏi những thắc mắc về  việc giải phẫu mắt và nhờ giới thiệu bác sĩ tin cậy để yên tâm trong công việc quan trọng này. Thật là may, bạn thân của cháu là bác sĩ giải phẫu mắt cườm nổi tiếng và cháu đích thân đưa tôi đến gặp người bạn này để nhờ chăm sóc cho tôi. Theo lời đề nghị của bác sĩ, tôi chọn cặp tròng giả để thay thủy tinh thể của tôi có nhiều chức năng… có thể nhìn gần và nhìn xa, mặc dù loại tròng kính đặc biệt này bảo hiểm y tế không trả tiền và tôi phải tự mua bằng tiền của tôi, họ chỉ trả cho loại tròng kính căn bản thôi.

     Vì cả hai mắt tôi đều bị cườm nên bác sĩ cho hẹn để giải phẫu cho cả hai mắt và hai lần mổ cách nhau khoảng một tháng. Sau khi làm đủ mọi thủ tục để chuẩn bị giải phẫu lần đầu cho con mắt phải của tôi, anh và Annie, con gái út đưa tôi đến nhà thương. Khi mới được gây mê, tôi vẫn hơi tỉnh nên còn nghe bác sĩ và y tá nói chuyện lao xao rồi thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, cảm thấy mình đang nằm trong phòng và lờ mờ thấy anh ngồi bên cạnh bằng một con mắt mơ huyền còn lại. Thấy tôi tỉnh lại, anh nắm tay tôi và cho biết bác sĩ bảo cuộc giải phẫu đã thành công tốt đẹp, còn đang ở trong phòng phục hồi, chờ y tá khám lần chót rồi về nhà và ngày hôm sau đến phòng mạch của bác sĩ để mở băng che mắt. Tôi nhẹ gật đầu và nắm  tay anh như để cám ơn rồi nhắm mắt lại vì cảm thấy ảnh hưởng của thuốc mê còn vương vất trong tôi.

    Trưa ngày hôm sau, Annie đưa tôi đến phòng mạch của bác sĩ. Sau khi khám cẩn thận, bác sĩ nói mọi việc đều tốt rồi mở băng che con mắt phải mới được thay thủy tinh thể. Miếng băng vừa được mở ra là tôi đã thấy rõ ràng cái góc vuông bàn giấy của bác sĩ, tôi reo lên đầy vui mừng

   - Tôi nhìn thấy rồi, thưa bác sĩ, tôi đã nhìn thấy rõ cái góc bàn giấy của bác sĩ.

     Người bác sĩ cười hiền hòa, trên mặt thoáng chút vui như muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của tôi. Sau khi nhỏ thuốc vào mắt và khám lại cẩn thận. Ông nói với giọng thật vui

    - Tôi đã khám lại cẩn thận, cuộc giải phẫu thay thủy tinh thể mắt của bà đã thành công mỹ mãn, tôi chỉ sợ có thể có vấn đề sau võng mô vì mắt của bà bị cận nặng quá, nhưng thật may vì không có vấn đề gì cả. Bà chỉ cần nghỉ làm việc một ngày, nhỏ thuốc vào mắt đúng giờ, cần nhất là phải tránh bụi và đeo kính mát thường xuyên cho đến một tháng sau thì lấy hẹn khám mắt lại.

    Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên  

    - Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió…  từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.

    Annie nhìn tôi, ánh mắt long lanh với nụ cười vui 

   - Mommy nhìn rõ được sự vật con mừng lắm. Ba nói sẽ đưa mommy và tụi con đi ăn mừng ờ nhà hàng mommy à.

    Tôi nhìn con gái và bây giờ mới thấy rõ hàng mi dài cong và đôi mắt trong suốt của con bé, lòng dậy lên mối cảm hoài…Ông trời đã cho mẹ lại ánh sáng, mẹ hứa sẽ chăm sóc cho ba và các con chu đáo.

    Ngày đầu tôi nghỉ ở nhà, mấy cha con không cho tôi nấu ăn và dọn dẹp vì sợ hơi nóng của thức ăn khi nấu và bụi vào mắt …” cho  nó chắc ăn”, anh nheo mắt nhìn và cười trêu tôi vì nhớ tôi hay dùng những từ đó khi anh hỏi sao mà cẩn thận quá vậy… tôi như chìm trong hạnh phúc của ánh sáng và sự yêu thương của gia đình.

     Đến khi mắt bên trái của tôi được giải phẫu thì mọi sự dễ dàng hơn, sau đó tôi có thể đọc sách và nhìn xa không cần kính nữa. Tuy nhiên bác sĩ cũng cho biết là độ nhìn của tôi không đạt được 100 phần trăm như người có độ nhìn tốt và muốn được như thế, tôi phải đeo kính với độ nhẹ. Tôi không muốn đeo kính nữa, tôi đã đeo kính gần hết cuộc đời của tôi rồi, và độ nhìn của tôi bây giờ đã quá đủ. Đây là món quà quý báu nhất mà Thượng Đế đã ban cho tôi, tôi luôn luôn biết ơn mỗi khi mở mắt nhìn thấy sự sống quanh tôi và vẻ đẹp của thiên nhiên.

 

Ý Nhi
 
12 Tháng Tư 2024(Xem: 607)
lúc ấy tôi còn trẻ lắm so với phần lớn các đồng nghiệp của tôi ở trường Ngô Quyền. Do đó tôi kết bạn với hai người bạn đồng lứa với tôi là anh Trần Văn Phúc dạy sử địa và Nguyễn Phi Long dạy toán.
11 Tháng Tư 2024(Xem: 445)
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh
10 Tháng Tư 2024(Xem: 507)
Tháng Tư lại về, nỗi buồn len lén con tim. Thương lắm người vì ngày này mà chịu nhiều khổ nạn tai ương, tủi nhục ngút ngàn, biết bao gia đình ly tán chia lìa, ngậm ngùi chua xót.
10 Tháng Tư 2024(Xem: 712)
Từ tháng 4/1975 đến nay, đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng mỗi lần đến tháng tư, tôi cứ hay trăn trở và hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra sau thời khắc lịch sử ấy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1203)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 865)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 801)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 769)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1536)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 1139)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1247)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1211)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1082)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 1114)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1389)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1152)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1245)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1070)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1140)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1375)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?