Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nghiêm Thái Bình - CÒN THƯƠNG DỐC TRÁI NGÔ QUYỀN

14 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 55652)
Nghiêm Thái Bình - CÒN THƯƠNG DỐC TRÁI NGÔ QUYỀN

CÒN THƯƠNG DỐC TRÁI NGÔ-QUYỀN


 

ngoquyenxua--large

 Không là ngày xửa ngày xưa, mà cũng lâu lắm rồi, tôi chắc mẩm đệ Tam, năm học mà bọn học sinh lười lười tụi tôi rỉ tai nhau "xả hơi, chơi xả láng" dành sức năm sau bắt đầu cho hai cuộc nước rút tú tài. Niên học đó tôi lại chọn "xả hơi,chơi xả láng" không theo cái cách thông thường như chúng bạn: Tôi mải mê lẻo đẻo theo Thúy lúc tan học, rồi lan man mộng tưởng, lơi việc sách đèn. Tổng cộng không biết bao nhiêu lần, theo sau lưng Thúy, có tuần bữa đực, bữa cái, có khi khổ sở suốt tuần, đành phải đi bên này mắt ngó bên kia. Nhưng chắc chắn một điều, hôm nào muốn làm cái đuôi của Thúy, lúc nào tôi cũng cẩn thận ngó ngang ngó dọc, ngó trước ngó sau, không thấy tiềm ẩn hiểm nguy, mấy thằng bạn học quỉ sứ không nghi ngờ và dấu hiệu để ý, đại khái là có cơ hội cảm thấy tương đối an toàn, tôi mới dám làm chuyện "kinh thiên", lũ bạn mà biết được, không tha tôi đâu, tụi nó biết, rồi cả lớp biết, rồi...! Bởi vậy, trong bụng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ có ai đó kể cả Thúy biết chuyện này, Thúy mà biết, thể nào cô hàng xóm cũng biết, rồi xóm biết, rồi..! Ngài ngại đủ điều, kẻ toan tính luôn có tật giật mình. Kỹ lưỡng như thế, vậy mà....

 Tôi biết mặt và tên Thúy trong một lần vào đầu năm học, tôi đem cuốn tập của cô hàng xóm học cùng lớp với Thúy, lỡ để quên ở nhà, đi học ngang qua, bà mẹ í ới gọi và nhờ đưa giúp dùm. Trường Ngô Quyền, Biên Hòa có hai dãy, cô hàng xóm học dưới tôi hai lớp và ở dãy sau, khác dãy lớp tôi. Tôi đi tìm và vừa bước khỏi cầu thang, có lẽ nhờ gần nhà từ thời bé tí, dù nay đã qua tuổi chơi năm mười cùng nhau, tôi vẫn dễ dàng nhận ra cái dáng cô hàng xóm đang đứng nghiêng nghiêng lưng lại phía tôi ở phía xa xa, khấp khởi mừng thầm, khỏi phải vào lớp đưa, điều mà tôi đang ngài ngại. Cô ta đứng khoanh tay nói chuyện với một cô bạn ở ngoài hành lang giữa dãy, cô bạn thấp hơn độ vài phân, có vẻ nhỏ nhắn gọn gàng đúng dáng liễu yếu đào tơ, lại gần nữa gần nữa, gương mặt trắng trẻo, nét từa tựa trái soan, đôi mắt to đen nhánh, mái tóc xõa vai, toàn những thứ tôi mơ, tôi ước, buộc lòng tôi phải chú ý. Tôi tiến lại sát hai người, loáng thoáng nghe xưng hô biết tên là Thúy, cô hàng xóm lúc đó mới thấy tôi, hơi trố mắt ngạc nhiên. Tôi đưa quyển tập lí nhí "Bác gái gởi", một tiếng"cám ơn nha!"đáp lại, tôi bẽn lẽn cười đờ-mi, cả hai đều mỉm cười chào nhẹ lại nụ cười ngường ngượng của tôi. Tôi nhẹ nhõm cả người, về lại lớp mà lòng lâng lâng.

 Chiều hôm đó tan học tôi cố tình chờ Thúy trước cổng trường, mãi một lúc trong vài chiếc áo trắng dàn ngang ra cổng, tôi thấy Thúy tách ra đi riêng bên trái dốc đường, tôi hơi ngạc nhiên, vội băng qua lề phải dốc, vẫn dõi nhìn theo. Quan sát lề trái dễ mà, có mấy ai đâu, chỉ lưa thưa vài ba áo dài trắng, vài ba bộ đồng phục trắng xanh lẻ tẻ. Lề phải thì đông lắm! tôi nhìn xuống cuối dốc, chao ôi! đông thật đông, bướm trắng xen lẫn ong xanh xanh trắng trắng trải dài như là trẩy hội, đẹp lắm, thích lắm, nhưng tâm trí đâu mà ngắm bây giờ! Thúy cuốc bộ chậm rãi, chiếc cặp da trĩu nặng bên tay phải đến tội nghiệp, tiếc nhất là mái tóc, tôi thích những mái tóc ngang vai tung bay lả lướt theo gió hơn là nằm gọn lỏn, bị khuất phục dưới chiếc nón lá thấy ghét, Thúy đi về phía cuối dốc, dáng điệu khoan thai uyển chuyển đến mê hồn, tôi sợ Thúy bất ngờ tẻ vào những con hẻm dọc theo dốc đường rồi mất dấu, nên không dám rời mắt, đến cuối dốc Thúy rẽ vào đường lộ nhựa bên trái, đường vào ga xe lửa, tôi thở phào, biết hướng nhà Thúy rồi! Thì ra nếu đi bên này Thúy phải băng qua băng lại hai lần. Người đâu đã đẹp duyên dáng mà lại thông minh dữ vậy. Trời ơi!

 Thế rồi! cứ thế, có thời cơ thuận lợi lúc tan học, tôi lầm lủi theo sau nàng, cái mộng mơ thèm muốn yêu và được yêu của tuổi dậy thì, nữ thập tam nam thập lục mà lỵ! Tôi 17 rồi! Cũng chỉ dừng lại khoảng cách 7-8 mét phía sau Thúy mà thôi! Nhát như cáy suốt bốn mùa, lâu lắm có dịp nào, nhiều đứa con trai vô tình đi sau Thúy, tôi mới có dịp nhích lên "ngắm" Thúy gần hơn. Tóc Thúy bị chiếc nón lá che khuất phần đỉnh đầu, màu không đen tuyền, hơi hung hung hoe vàng, nhưng vẫn cảm nhận đẹp lắm! Vẫn còn thấy những sợi tơ mềm mại, óng ả, mượt mà. Có lần trời chiều mát dịu, hình như muốn mưa về đêm, gió thổi hơi mạnh,Thúy không đội nón lá nữa, mà kẹp quai vào bàn tay phải xách chung với chiếc cặp táp. Tóc Thúy được tự do bay nhảy, uốn lượn đủ chiều, thỉnh thoảng hất tung lên, lộ chiếc gáy trắng ngần, tôi nhìn mà mê mẩn. Tối đó, về anh chàng thư sinh mặt búng ra sữa, cù lần hết mức, chỉ mơ được một lần hôn phớt...cái gáy nàng mà thôi!

 Tôi luôn tìm cách theo sau Thúy như vậy cho đến gần cuối niên học, để ý lúc sau này Thúy thỉnh thoảng hay cúi xuống sửa giày sửa guốc, và sẵn dịp ngoái nhìn phía sau thường ngày hơn, sau cái nhìn như vậy, bước chân Thúy đặt xuống nền đất lỗ chỗ đá vẫn nhẹ nhàng, nhưng sao tôi có cảm giác Thúy không còn tự nhiên như trước nữa, thậm chí thỉnh thoảng giống như chân này muốn đá đá chân kia. Con chim bé nhỏ ướt sũng cánh, đang run rẩy trước mặt cậu bé tinh nghịch, tôi có ý nghĩ vậy! chứ thực ra không biết có lần nào Thúy thấy và còn nhận ra tôi không? Thúy ơi! Nếu Thúy còn nhớ mặt mũi thằng này, nói với Thúy một điều, tôi không phải cậu bé tinh nghịch đâu Thúy ạ! Tôi mến Thúy thật tình mà! nghĩ vậy! Chứ nào dám nói ra. Những hôm có ánh mắt Thúy hướng về phía sau là tôi chột dạ, ngày kế tiếp đố dám đi bên trái, tan học tôi tắp song hành theo người bạn nào đó đi lề bên kia mấy hôm liền, cho nghi ngờ tan biến, rồi lại tiếp tục đeo đuổi cuộc hành trình chắc còn dài lắm, nhưng không sao cả! đường sẽ êm như nhung và rắc đầy hoa hồng. Chuyện theo Thúy trên con đường vào nhà ga, chưa bao giờ xảy ra và chưa bao giờ có ý nghĩ dám cả. Tôi không rẽ trái theo, mà đi thẳng qua mấy bàn bi da phía trước mặt, không có ngoái lại nữa là, vờ như chuyện mình tan học về, đi lề trái cho tiện vì đã lỡ hẹn bạn bè đánh bi da mà thôi! Tôi cứ cho là "chước" độc, cả bạn, cả Thúy nếu có nghi chẳng bao giờ ngờ được đâu!

 Vậy mà... không thoát khỏi cặp mắt cú vọ của tên bạn Trí sún.

 Trí sún ngồi chung bàn với tôi, cách một người bạn nữa, trong lớp anh ta phá ghê lắm! nhưng tôi vẫn thân với hắn, Trí có tài làm đỏ mặt như bị sốt lúc nào cũng được, hầu như thầy cô nào cũng bị anh ta lừa khi đã cố tình muốn xuống phòng y tế xin thuốc uống, để rong chơi hay trốn học luôn. Thầy cô cho phép, lớp bụm miệng cười hinh hích, còn anh ta được sổ lồng, nhe "hàm răng càng dế" vẫy vẫy tay. Một hôm Trí xin tôi tấm hình, nói là dán vào lưu bút, sau đó sẽ chuyền từng người viết vào, năm sau ba Trí đổi về tỉnh khác nên chắc phải chia tay lớp. Thấy anh ta xin một vài bạn nữa, tôi cũng cảm động về lục cặp lấy trao Trí tấm hình 4x6 mới nhất.

 Chiều hôm đó, tôi nhớ khoảng vài ngày nữa nghỉ hè, lòng buồn buồn nghĩ ngợi cái cảm giác xa vời ba tháng, thời gian quá dài làm sao thấy Thúy được? Tôi quyết định theo sau Thúy luôn mà chẳng cần ngó Đông ngó Tây nữa, tôi đi nhanh bên lề trái để cố kịp giữ kịp khoảng cách 7-8 mét như thường lệ, gần tới mục tiêu đã định, có một người ngoái cổ ra sau, nhe "hàm răng càng dế". Ôi chao! Trí sún! Tôi nào dám vượt qua Trí, hắn biết thì sao? đành phải đi ngang hàng với anh ta nói chuyện. Trí lạ lắm? không tía lia như ngày thường, tôi thấy anh ta vừa đi, vừa trét hồ phía sau tấm hình của tôi, hơi ngạc nhiên nhưng tôi nghĩ đơn giản Trí dán vào lưu bút rồi đưa mình viết, nên không hỏi gì. Bỗng anh ta nói nhanh,"mày thích con nhỏ đó! theo riết thấy mệt quá! Để tao giúp mày". Tôi ngơ ngác, chưa kịp phản ứng, Trí ba chân bốn cẳng như hối hả chuyện gì, ngang chỗ Thúy tay phải hắn đập nhẹ chiếc nón lá như vô tình va phải, tôi thấy hắn dừng lại lí nhí, chắc xin lỗi, xong rồi vù chạy tiếp. Mắt tôi hoa lên và tim đập thình thịch khi xa xa nhìn thấy cái ô vừa vuông vừa chữ nhật, tấm hình tôi đang ngự trị trên nón lá Thúy. Tôi sợ điếng cả hồn! vội cúi xuống giả bộ sửa giày, lúc ngước lên Thúy đã đi xa hơn, may quá! chắc Thúy không biết. Tôi bước ra chen giữa dòng xe đạp đang đổ dốc ào ào, mặc kệ vài tiếng thắng két két vang lên, chạy vội qua lề đường bên kia.

 Tối hôm đó tôi cứ loay hoay không tìm được lối thoát nào cho chuyện xảy ra ban chiều, Trí thì phải chửi rồi, lại sợ hắn giận rêu rao cả lớp, thôi! vừa trách nhẹ vừa năn nỉ. Còn Thúy? về nhà làm gì bỏ chiếc nón lá xuống mà không thấy? Tôi thầm van vái tấm hình không kịp dính chặt, rớt xuống dọc đường. Nếu mai thấy Thúy không tỏ thái độ khác thường, hoặc chưa "méc" lại cô hàng xóm, mình "trốn"luôn vài ngày là đến hè!

 Ngày hôm sau vào lớp, không thấy Trí đâu, đinh ninh còn mấy ngày nữa, hắn cũng vào liên hoan cuối niên học với lớp. Nhưng không, kỷ niệm cuối cùng tôi và Trí sún là vậy đó! Sau này nghe nói anh ta đã theo cha mẹ về học ở một tỉnh lỵ miền Tây.

 Ba ngày cuối niên học, ra khỏi trường, tôi ù ra xe lam đi về, tôi nghĩ ngợi miên man, rủi giáp mặt Thúy có nước độn thổ. Mấy ngày liên tục, không thấy cô hàng xóm nói năng gì, tinh thần tôi dần cũng ổn định, bớt mông lung căng thẳng. Tôi đã lớn dần theo năm tháng những suy nghĩ của mình, nhất là ngày tháng hè không gặp Thúy, đúng là cá nhân tôi, những rung động tuổi mới lớn, tình cảm một chiều dễ tan, dễ xẹp lép như bọt xà phòng, nó không có những kỷ niệm từ hai phía níu kéo và trộn lẫn vào đời mình, nhớ thì có nhớ nhưng không ray rứt, và hình như nhạt nhạt dần dần. Tôi đang thèm được có người thương thương nhớ nhớ mình mà! Tôi tự nhủ đầu năm học phải lập "kế hoạch" với Thúy, coi tình hình không thuận lợi thì rút lui, đã đến năm thi, năm nay học lình xình bị la mắng quá xá! Cũng thấy nhục nhục.

 Nhưng "kế hoạch" chẳng thấy định hình, nhưng nếu có cũng không bao giờ thực hiện được. Đầu năm học mới, cả tuần tôi không thấy Thúy đi học, lại hơi hơi sốt ruột, chả lẽ đi hỏi cô hàng xóm,"lạy ông tôi ở bụi này sao?", nhà Thúy tôi cũng chả biết, tôi ôm thắc mắc và những suy nghĩ vu vơ mãi, mà không tìm được câu trả lời, lâu ngày quen dần dần và từ từ giảm nhiệt theo năm tháng. Thi cử, lính tráng, tù tội, vượt biên không thành, lại cố hòa theo nhịp sống mới, mưu sinh vất vả, rồi lấy vợ, lo con... đủ thứ chuyện trên đời, lần lần cuốn hút cả những lãng mạn, bay bổng tuổi thiếu thời, tôi quên hẳn Thúy, cho đến một ngày tôi... gặp Vũ.

 Vũ dưới tôi một lớp, hai thằng quen nhau vì những hoạt động thể thao cho nhà trường, Vũ cũng thuộc dạng"ngôi sao"của đội bóng đá, nên ngày xưa tôi và Vũ cũng hơi thân thiết và rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Cái nội ô thành phố này tuy nhỏ mà lại bao la, thời gian dài quanh quẩn nơi chốn này, vậy mà tôi không hề gặp Vũ. Đợi đến khi anh bạn quen cả hai mời tiệc cưới gả con gái đầu lòng, tôi và Vũ mới gặp và nhận ra nhau, dễ chừng cũng mười mấy năm rồi!. Chúng tôi bắt tay nhau thật chặt, tôi hẹn Vũ xong tiệc này tôi và Vũ gặp riêng địa điểm khác hàn huyên, Vũ gật đầu.

 Chúng tôi vào quán cà-phê cạnh bờ sông, gió hiu hiu dễ chịu. Tôi hỏi thăm Vũ, vỡ òa nhiều điều, Vũ dạy học chung trường với anh rể tôi, có dự đám cưới mấy cháu tôi, nhưng cơ duyên chưa cho tôi và Vũ gặp lại. Chực nhớ nhà Vũ cùng chung con đường với Thúy, tôi hỏi thăm. Vũ nói biết Thúy chứ! Nhà Thúy cách độ mươi căn nhà, vào sâu phía trong ga. Gia đình chuyển ra Nha Trang sinh sống từ lâu, hình như đầu năm đệ tứ Thúy không còn học Ngô-Quyền nữa. Tôi buột miệng, đúng rồi, hèn chi! Rồi kể tiếp Vũ nghe chuyện làm cái đuôi của Thúy ngày nào, Vũ cười lớn nói tưởng tôi mê sân banh thôi! Tôi nói cầu thủ họa sĩ vẽ bằng chân, nhạc sĩ chẳng dùng tay mà, cũng biết ướt át lắm chứ. Vũ khen, hay! hay! Vũ nói muốn liên lạc với Thúy không? Nghe nói Thúy vẫn một mình, Vũ có số của anh ruột Thúy, hồi còn ở xóm hai đứa chơi thân, nhưng lâu quá không gọi cho nhau. Tôi gật đầu đồng ý nói Vũ xin số Thúy đi, còn độc thân mà, có số hôm nào gọi ghẹo Thúy chơi. Vũ bấm máy cho anh Thúy, tôi nghe tiếng lí nhí đáp lại,hình như tiếng nhạc hơi ồn, Vũ cầm máy ra chỗ khác. Khoảng gần 10 phút sau Vũ trở lại bàn, vẻ mặt hơi đăm chiêu. Vũ nói Thúy bị ung thư, bà cô mới đưa vô Sài Gòn mấy ngày nay để tiếp tục vô hóa chất đợt khác, tôi sững sờ giây lát, hỏi thêm vài câu Vũ đều chưa rõ. Vũ nói lát về điện thoại hỏi cho kỹ lại, không biết thì thôi, biết phải đi thăm. Tôi nói sáng mai nhé! rồi nhắn hẹn giờ Vũ ghé.

 Vũ chở tôi ra phía cổng sau bệnh viện gửi xe, Vũ nói cô của Thúy dặn đi ngõ này. Chúng tôi leo hết cầu thang, rẽ trái thì tới phòng hóa trị ung thư của khu ung bướu. Cô của Thúy đón chúng tôi và nói giờ này Bác sĩ đang khám nên không cho ai vào phòng, khi nào BS cần sẽ cho gọi người thân. Tôi nhìn vào bên trong qua song cửa không biết Thúy nằm giường nào, chỉ thấy những bao đen trùm nhửng chai thuốc lớn nhỏ như những chai nước biển, ống dây chuyền cũng bị bao lại. Sao lại màu đen? Màu đen là màu tang tóc, tôi thoáng nghĩ có thêm chiếc đầu lâu và hai chiếc xương người bắt chéo vào những chiếc bao đen kia, là lời cảnh báo khu vực tử thần, thoáng rùng mình tôi không dám nghĩ tiếp. Không khí im im lạnh lẽo, u uất. Tội nhất nhìn bệnh nhân, thùng thình trong bộ quần áo xanh màu đọt chuối, ai cũng ốm xanh xao, chắc thuốc hành, đau đớn lắm! Toàn chất độc tiêm thẳng vào người mà! nghe nói có nhiều bệnh nhân không chịu đựng được, đành bỏ cuộc nửa chừng. Tôi thoáng thấy lẫn trên những gương mặt buồn rười rượi, ánh mắt cũng còn lóe lên ngắn ngủi, có lẽ bản năng sinh tồn thỉnh thoảng trổi dậy chăng?. Tôi hỏi Thúy nằm giường nào, cô của Thúy chỉ tay phía giường xa xa bên phải cửa ra vào. Thúy mặc quần áo bệnh nhân đang ngủ, lọt thỏm trên tấm nệm trải drap màu xanh, treo tòn ten một bình thuốc cũng được bao đen, mái tóc ngày nào được bới gọn và kẹp lại. Tôi thắc mắc, bà cô Thúy giải thích Thúy mới chớm bị ung thư trực tràng đã phát hiện ngay, bác sĩ nói phác đồ điều trị cho thuốc nhẹ nên không rụng tóc, trường hợp bệnh Thúy xác suất di căn hiếm lắm, nhưng cũng phải hóa trị triệt để, đề phòng tế bào ung thư còn lẩn khuất, BS dặn đi dặn lại, quan trọng là sức mạnh tinh thần, sự vui tươi lạc quan yêu đời, tránh sầu bi chiếm 50% hiệu quả điều trị bệnh. Hôm nay vô thuốc lần cuối cùng, đủ sáu đợt rồi, nên Thúy có vẻ thấm mệt hơn mọi lần, chiều nay đưa Thúy về nhà bà con gần đây nghỉ dưỡng, chắc có thể ngày mốt về lại Nha Trang. Tôi nghe thấy thương thương và thoáng mừng cho Thúy, tôi chợt đùa với chính mình để xua đi cảm giác ngột ngạt của bệnh viện, giá bây giờ Thúy đang là của tôi, tôi dám trèo non, xuống biển nếu điều này làm cho Thúy vui vui.

 Cô điều dưỡng ra thông báo thân nhân được vào thăm 15phút, để giữ sức khỏe bệnh nhân, mỗi giường bệnh chỉ được đứng cùng lúc tối đa hai người, không được nói chuyện lớn tiếng, bà cô Thúy tình nguyện ở ngoài. Tôi và Vũ bước đến cạnh bên Thúy, cô ta vẫn ngủ say, chắc Thúy mệt, dĩ nhiên gương mặt Thúy cũng thay đổi theo năm tháng nhiều, Thúy ốm và xanh xao, nhưng vẫn giữ được nét đẹp thanh tao từng làm ngây ngất tôi một thời. Hai tôi đứng lặng yên bên Thúy một hồi, chắc cả hai đều cùng suy nghĩ, mong cho Thúy sớm bình phục. Cũng khoảng 10 phút trôi qua, tôi nói nhỏ Vũ, thôi! Vậy đủ rồi, để yên Thúy nghỉ. Vũ móc túi lấy bao thơ để nhè nhẹ dưới gối Thúy, tôi cũng bắt chước theo, Vũ nói sao không đề tên? Tên làm gì? Thúy có biết là ai đâu? Vũ cầm lấy bao thơ của tôi, rút viết ra ghi vội, giở gối, chồng lên bao thơ Vũ. Mắt Thúy vẫn nhắm nghiền. Tôi đưa tay vẫy vẫy chào Thúy, tiếc tiếc chưa nhìn thấy đôi mắt đen tròn ngày nào. Chúng tôi ra chào cô cũa Thúy ra về, không quên nhắn nhủ hai tấm lòng đang đặt dưới gối của Thúy.

 Thế rồi thỉnh thoảng tôi hỏi Vũ về sức khỏe của Thúy, Vũ nói có hỏi anh Thúy nói cũng tương đối khả quan,có vô tái khám trong SàiGòn vài lần rồi! Tôi cũng hơi buồn buồn nghĩ sao Thúy không ghé Biên Hòa một lần. Rồi cuộc sống hối hả khiến tôi cũng quên những chuyện như thế này mất tiêu.

 Thời gian cứ thế trôi qua, tôi nhớ sáng chủ nhật nào đó Vũ gọi điện nói tôi ra quán bờ sông hôm trước uống cà-phê. Tôi dựng xe bước vào trong quán, Vũ đã ngồi sẵn từ trước. Tôi kéo ghế ngồi đối diện Vũ. Trong túi áo trên của Vũ tôi thấy tấm thiệp dạng đám cưới, con Vũ còn bé mà, chắc người nhà, Vũ muốn mời mình cho vui. Vũ rút ra đưa tôi thật, Thúy báo tin đám cưới đó! Thúy có gọi điện xa xôi quá, sợ phiền mấy anh, thông cảm Thúy báo tin thôi! Tôi hỏi ai đưa vậy? Thúy báo tin nhiều người trong xóm lắm, bác gần nhà đưa qua. Tôi nhìn chữ viết tay viết đúng tên họ tôi, rất đều và đẹp, nhưng hơi lạ thiệp của tôi sao lại dán lại, thắc mắc hỏi Vũ, anh ta cũng không biết. Tôi phải mượn kéo của quán cắt cho ngay ngắn, vừa kéo tấm thiệp báo tin ra khỏi, rơi theo tấm hình rồi miếng giấy trắng nhỏ. Tôi không kềm được "hình tôi! hình tôi! đúng rồi! đúng rồi! mười tám năm rồi! Vũ ơi". Vũ còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, tôi lật miếng giấy trắng ra đọc, nét giống y chang chữ viết thiệp "Anh ơi! Thúy lấy chồng, xin trả lại anh "kỷ vật"ngày xưa". Hàng chữ nhảy nhảy, bay bay, múa múa, nhợt nhạt rồi nhòe nhòe dần dần. Tôi lẩm bà lẩm bẩm "Trí sún ơi! Tao ngàn lần xin lỗi, xin lỗi và cám ơn mày".

 Vũ ngạc nhiên lắm, nghĩ tôi sao vậy? tôi biết, nhưng để định tâm, định thần tôi kể lại Vũ nghe. Còn mấy cô nhân viên trong quán đang trố mắt nhìn, chắc chắn nói tôi man-man.

 

 nghiêm thái bình

07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 48608)
Kỷ niệm tuổi học trò là một trong những điều yêu dấu đó. Mong rằng các bằng hữu của tôi, dù bây giờ đang sống ở đâu, dù bây giờ vẫn còn mang những niềm tin khác biệt, sẽ còn một vài giây phút nào đó, chợt nhớ ra rằng “Ngày xưa, ta cùng học ở Ngô Quyền…”
19 Tháng Bảy 2014(Xem: 13205)
Những hình ảnh ghi lại sẽ nói lên tình cảm đồng môn Ngô Quyền. Cầu mong Thầy Cô và chúng tôi luôn giữ mãi niềm vui và mọi an lành như lời ước nguyện
18 Tháng Bảy 2014(Xem: 22995)
Xin được một lời cám ơn Thầy, cám ơn Cô. Cám ơn quý anh chị và các bạn đã thực lòng với trường xưa, cùng góp bàn tay mang bao nụ cười, niềm vui nhiều kỷ niệm trên hai chuyến đi về.
11 Tháng Bảy 2014(Xem: 31010)
Hai ngày theo phái đoàn Nam Cali xuôi về miền Bắc dự Hội Ngộ Ngô Quyền lần thứ 13 đã cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều tình thương và quyến luyến. Nếu tôi có thêm hai tay nữa, tôi cũng sẽ bấm hết ra, viết hết ra...
11 Tháng Bảy 2014(Xem: 29294)
"Hãy đem niềm vui đến cho gia đình mình, bạn bè mình, những người chung quanh mình ". Sự góp mặt và đóng góp những gì mình có thể làm được cho những lần Hội Ngộ Ngô Quyền trong tương lai cũng là điều mà tôi sẽ và phải làm.
02 Tháng Năm 2014(Xem: 24036)
Nợ non sông ơn đồng đội, bằng cả sự trân trọng và cảm thông xin được nói với nhau một lời “ Chúng tôi là người lính”
02 Tháng Năm 2014(Xem: 70800)
Nhắc nhở đừng quên để còn viết và còn nhớ về trường cũ Ngô Quyền, mặc dù bây giờ “trường xưa cảnh cũ còn đâu nữa”. Mà thực sự đâu cần, bởi lẽ vẫn còn sự hiện hữu mãi mãi của kỷ niệm, tình cảm và hai chữ Ngô Quyền.
01 Tháng Năm 2014(Xem: 24419)
Chỉ là buổi họp mặt thân mật thường niên, nhưng các anh Mười Bê Bốn luôn rạch ròi hai phần Lễ – Hội. Ly rượu Lễ đầu tiên, anh Nguyễn Văn Sấm thay mặt cả lớp mời quí thầy cô, với lời chúc sức khỏe “Kính mong thầy cô vạn thọ – đại vạn thọ,...
23 Tháng Tư 2014(Xem: 21894)
Gabriel Garcia Marquez, 87 tuổi, văn hào người Colombia nổi danh khắp thế giới với tác phẩm “Trăm Năm Cô Đơn,” qua đời hôm Thứ Năm 17 tháng 4, 2014, tại Mexico City, nơi ông đã sống 30 năm cuối đời.
12 Tháng Tư 2014(Xem: 26281)
Sau 12 lần họp mặt truyền thống và 2 lần Hội ngộ Ngô Quyền toàn thế giới ở Little Saigon (Nam CA) hay thung lũng hoa vàng (Bắc CA), lần đầu tiên chúng tôi tổ chức họp mặt ở một khách sạn loại 4 sao ở Mỹ.
12 Tháng Tư 2014(Xem: 76525)
Các thầy cô, các vị thân hữu Ngô Quyền, các bằng hữu sẽ hết lòng ủng hộ và giúp đỡ các em trong nhiệm vụ và công việc mà các em đã, đang và sẽ thực hiện cho hội CHSNQ
12 Tháng Tư 2014(Xem: 65103)
Mỗi năm thầy cô và học sinh của Ngô Quyền xưa họp nhau lại, nhắc nhở kỷ niệm xưa cũ với tất cả lòng thương nhớ, ăn uống vui vẻ, xong rồi ai về nhà nấy. Vậy chưa đủ nghĩa. Tôi hy vọng các em trong HAHCHSNQ tại hải ngoại hay tại quê nhà, nên tiếp tục công việc...
11 Tháng Tư 2014(Xem: 33449)
nhưng nhìn qua mái tóc của thầy Hà Tường Cát, tôi liên tưởng đến mái tóc bạc trắng của thầy Nguyễn Xuân Hoàng và của thầy Phan Thanh Hoài, và chợt nhận ra hoàng hôn đã ngã bóng…
04 Tháng Tư 2014(Xem: 68736)
Học trò tôi đôi khi ngoan ngoãn, dễ thương như thiên thần, đôi khi phá phách, tinh nghịch còn hơn quỉ. Nhưng tôi phục học trò tôi. Tôi không biết cơ quan CIA tinh nhuệ như thế nào, nhưng theo tôi còn thua xa học trò tôi.